Game gacha đang là một thể loại “hot hòn họt” trong thời buổi hiện tại. Việc phát triển chúng không quá khó khăn bởi những tựa game thể loại này chỉ cần một gameplay tương đối đơn giản, và sức hút chính của nó đến từ các nhân vật trong game – thường được game thủ gọi là waifu (nhân vật nữ) và husbando (nhân vật nam), thể hiện dưới dạng mô hình 3D hoặc hình ảnh 2D nhưng được bổ sung thêm chút động tác. Tựa game nào có nhân vật càng đẹp, họa sĩ càng cao tay và tâm hồn càng to thì tựa game đó càng dễ dàng hốt bạc. Trong bài viết này, Mọt Game xin giới thiệu đến các bạn những tựa game gacha hàng đầu về khả năng hốt bạc hiện tại.
Chú ý: Các tựa game trong bài được chọn và giới thiệu dựa theo các thông tin Mọt biết về doanh thu cũng như độ hấp dẫn của chúng. Do danh sách này được chọn ra từ những game mà Mọt đã chơi thử, bạn đừng ngạc nhiên thắc mắc tại sao không có game H, game P hay game E.
Mặc dù khởi đầu là một tựa game 18+ với tính năng “bổ sung ma lực” để thỏa mãn các cậu trai, cái tên Fate ngày nay đã trở thành một thế lực khổng lồ trong làng game sau sự ra đời của tựa game gacha Fate/Grand Order. Điều này cũng đồng nghĩa với việc số lượng các nhân vật lịch sử bị “nữ hóa” hoặc “moe hóa” càng tăng lên, từ các nhân vật có thật như bà Nightingale, hoàng đế Nero, nữ bá tước Elizabeth Bathory, kiếm sĩ Okita Souji đến các nhân vật đến từ giả tưởng, sử thi như Frankenstein, hoàng đế Gilgamesh,…
Một điểm đặc biệt khiến các fan của Fate/Grand Order càng yêu thích trò chơi này nằm ở chỗ tất cả các nhân vật trong game đều có thể giúp họ chơi hết phần cốt truyện mà không cần phải nạp tiền. Đây là một điều an ủi nhỏ bởi tỉ lệ quay ra waifu hay husbando mà game thủ muốn thấp một cách đáng sợ trong Fate/Grand Order. Dù trò chơi có một số hình ảnh mang phong cách hoàn toàn “lạc quẻ” với hình ảnh của các nhân vật khác (chẳng hạn tranh do tác giả bộ Jormungand vẽ khác hẳn so với tranh của Pako, Namie hay Taiki), đại đa số hình ảnh của các nhân vật game vẫn rất tuyệt vời, đủ để game thủ gọi họ là waifu hay husbando.
Số lượng nhân vật đồ sộ, tỉ lệ trúng thưởng thấp cộng thêm sự trợ giúp từ các hình thức giải trí khác như anime, light novel,… đã giúp Fate/Grand Order luôn nằm ở những vị trí đầu tiên về doanh thu, vượt rất xa so với những đối thủ khác. Đặc biệt, anime có lẽ là lý do chính khiến game thủ đến với Fate/Grand Order bởi sau khi xem những bộ phim hấp dẫn như Fate/Zero, Heaven’s Feels, chắc chắn họ muốn được dành nhiều thời gian hơn với những nhân vật yêu thích của mình. Theo Mọt được biết, tổng doanh thu của trò chơi là khoảng 4 tỉ USD vào cuối năm 2019, gấp đôi so với đối thủ cũng đến từ Nhật Bản là…
Chỉ cần nghe tên là bạn đã biết tựa game gacha này có nguồn gốc ra sao. Nó là tập hợp các nhân vật trong những bộ truyện tranh mang thương hiệu Dragon Ball của Akira Toriyama và các tác giả khác. Trò chơi được phát triển bởi Akatsuki, một studio làm game mobile hàng đầu Nhật Bản với những tựa game mang các thương hiệu Idolmaster, One Piece,…
Về mặt gameplay, trò chơi (thường được game thủ của nó gọi là Dokkan) thuộc thể loại giải đố đơn giản. Thật ra nó có thể hơi quá đơn giản bởi không ít game thủ chê Dokkan hơi thiếu chiều sâu và các nhân vật top đầu rất bá đạo, có thể giúp game thủ cày qua trò chơi một cách dễ dàng. Việc game hào phóng ban phát… Yamcha cho game thủ cũng là một vấn đề thường bị châm chọc, bởi anh chàng này chẳng mấy khi thể hiện được gì trong manga.
Dù các nhân vật trong game được vẽ theo style Dragon Ball nên đều không có tâm hồn to và tròn như các tựa game khác trong danh sách này, trò chơi vẫn đứng hạng nhì với doanh thu tổng cộng khoảng 2 tỉ USD, theo số liệu vào cuối tháng 11/2019.
Là một trong hai tựa game gacha khổng lồ từ Trung Quốc, Girls Frontline khác với hai tựa game Nhật bên trên ở chỗ nó hoàn toàn không có husbando mà chỉ có waifu. Để tấn công vào các thị trường nước ngoài, nhà phát triển đã thuê nhiều seiyuu nổi tiếng từ Nhật Bản để lồng tiếng cho các nhân vật trong game, và vì thế trò chơi đủ khả năng leo top ở cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Có lúc trò chơi lên đến top 3 bảng xếp hạng doanh thu trên cả AppStore lẫn Google Play.
Trò chơi có gameplay đòi hỏi chút khả năng chiến thuật bởi các nhân vật trong game có khả năng khắc chế lẫn nhau, cũng như việc đòi hỏi tiếp liệu (lương thực, đạn dược) để có thể ra chiến trường và phải trở về tiếp tế sau khi hết đạn, cạn lương. Game cũng có một cốt truyện khá hấp dẫn nhưng đôi khi hơi đen tối, chẳng hạn trong bối cảnh của game thì nhân loại đã gần như diệt chủng và thế giới cũng không còn nhiều nơi thích hợp để sinh tồn.
Sự thành công về mặt doanh thu của Girls’ Frontline khiến nhà phát triển mạnh tay đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác để khai thác hình tượng các nhân vật của mình. Theo Mọt được biết, Girls’ Frontline đã có hai bộ phim hoạt hình, một bộ manga dài và hai bộ tuyển tập truyện ngắn, một buổi hòa nhạc, vài đĩa nhạc… Họ cũng bán bản quyền sản xuất figure dựa trên hình tượng các nhân vật trong game cho các nhà sản xuất figure Nhật, và những món hàng này đã và sẽ tiếp tục rút ví game thủ trong tương lai. Ngoài ra còn có ba game spin-off có tên “Chiến dịch phòng bánh mì” (Reverse Collapse: Code Name Bakery), Quyệt Cảnh (Glitch), Vân Đồ (Project Neural Cloud) và một phần nối tiếp Girls’ Frontline 2: Exile dự kiến phát hành trên mobile.
Hẳn các độc giả đều biết rằng Mọt tui chơi World of Warships và trò chơi này đã có nhiều lần hợp tác với Azur Lane bởi chúng cùng là game về tàu bè, chỉ khác là tàu của Azur Lane đều nhỏ nhắn, mềm mại, trắng trẻo và mịn màng, khác với những khối thép hàng chục đến trăm ngàn tấn trong Warships. Azur Lane làm được điều này bằng cách nhân hóa các con tàu chiến thời Thế chiến 2 – điều mà Kantai Collection đã làm trước đó. Tuy nhiên, trong khi Kantai Collection hoàn toàn phớt lờ thị trường nước ngoài bởi sự bảo thủ của Kadokawa Games và DMM thì Azur Lane lại có bản tiếng Anh để rút ví game thủ phương Tây.
Lối chơi của Azur Lane cũng hoàn toàn khác biệt với Kantai Collection, nên dù ban đầu không ít game thủ chê nó là bản sao của Kantai Collection, danh hiệu này nhanh chóng bị Azur Lane rũ bỏ. Nó chọn lối chơi shoot-em-up cuộn cảnh màn hình ngang, nơi 6 “chiến hạm” tạo thành một hải đội và đối đầu với các kẻ địch của AI hoặc hạm đội của người chơi khác. Với hơn 450 nhân vật waifu đủ kiểu từ loli đến BB được lồng tiếng công phu, game thủ khó mà cưỡng lại được sự hấp dẫn của trò chơi này. Trò chơi thậm chí giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của game thủ Nhật Bản: trong khoảng thời gian từ 5/2017 đến 8/2018, game thủ Nhật chi 139 triệu USD vào game, cao gấp 5 lần so với game thủ Trung Quốc.
Cũng như Girls’ Frontline, Azur Lane đầu tư khá mạnh tay vào những lĩnh vực khác để mở rộng tầm ảnh hưởng và vượt khỏi khuôn khổ một game gacha. Mọt nhớ đến một bộ anime được công bố vào năm 2018 và công chiếu cuối năm 2019, một số bộ manga và light novel như Azur Lane: Very Slow Advance!, Azur Lane Queen’s Orders, Azur Lane Comic Anthology, Azur Lane Comic à la Carte, Episode of Belfast, Starting My Life as a Commander with Laffey, Ayanami, Happily Married,... Tựa game đa hệ Azur Lane Crosswave vừa được phát hành cuối năm 2019 cũng là một nỗ lực mang thương hiệu Azur Lane đến với nhiều game thủ hơn, dù chất lượng của nó không cao như mong đợi.
Thường bị Mọt tui nhầm lẫn với bộ manga bẩn bựa và hài hước về lặn biển Grand Blue, Granblue Fantasy có lẽ là “tổ tiên” của thể loại game gacha. Trò chơi này đã có hơn 6 năm tuổi và vẫn đang hốt bạc – số liệu gần nhất mà Mọt tui tìm được là nó nằm ở vị trí top 3 về doanh thu tại Nhật và Mỹ trong quý 1/2019, dù cũng đã hơi “đuối” so với doanh thu những năm đầu tiên.
Phần cốt truyện có lẽ là điểm mạnh nhất của trò chơi này – người ta đã biến cốt truyện của Granblue Fantasy thành một bộ anime với hai mùa chiếu hồi đầu năm 2017 và cuối năm 2019. Đó là còn chưa kể đến một bộ anime có tên Guraburu! (tức là “Granblue” được phát âm kiểu Nhật) được chuyển thể từ bộ manga 4 khung của họa sĩ Kikuhitomoji sắp được chiếu vào cuối năm nay. Các figure Granblue Fantasy lại là hàng hot với các nhà sưu tập, chẳng hạn Olivia, Vira hay Les Filles.
Nhờ sự nổi tiếng của mình, Granblue Fantasy cũng lấn sân sang những thể loại game khác. Gần đây, một tựa game đối kháng có tên Granblue Fantasy Versus cũng vừa được phát hành trên PC, PS4 và nhận được đánh giá ở mức khá, trong khi doanh thu lại hơi làng nhàng. Một tựa game khác là Granblue Fantasy: Relink cũng đang được phát triển bởi Cygames Osaka nhưng chưa có ngày phát hành.