Phụ Lục
Thực ra đây có thể là một bảng top gì gì đó như thường lệ nhưng như thế hơi nhàm chán. Nhân tiện Mọt vừa đọc qua một bài viết khá lạ, nói về một nhóm khảo sát đã làm một hành động rất là khó giải thích. À không, họ không có làm cái việc bậy bạ mà bạn đang tưởng tượng đâu, bạn thật là đen tối! Số là nhóm này đã thống kê chuyện làm công ăn lương trong game theo 2 nhóm đối tượng bao gồm lương cao ngất ngưỡng và lương bèo bọt nhất.
Tất nhiên không phải game nào cũng tiết lộ cụ thể mức thu nhập của các nhân vật thế nên nhóm nghiên cứu đã dùng cách dò ra công việc chính thức của đám này rồi so nó với bảng trung bình lương của công việc tương tự ngoài đời thật. Thế là chúng ta có bảng xếp hạng các tổng tài triệu đô cùng đám khố rách áo ôm, lương không đủ uống sting dâu và ăn mì gói nhưng vẫn phải đi giải cứu thế giới.
Đừng tưởng là nhân vật ảo thì thoát khỏi cảnh phải làm công ăn lương trong game nha, có giải cứu thế giới mỗi ngày đi nữa thì cũng phải chờ ting ting mỗi tháng như ai thôi. Con nhện nhọ Peter Parker hẳn là kẻ thấu hiểu nỗi đau này nhất. Tất nhiên đây là bảng tính lương, tức là khoản chi trả chính thức của công ty mang danh nghĩa là lương bổng trả theo năm. Nó chưa xét đến “lậu”, vốn là các thu nhập phụ nhưng thường là cao hơn cả lương đối với các cá nhân thành đạt.
Thế nên đừng thắc mắc tại sao cái đám khố rách áo ôm xét về mức lương, vẫn có thể sống phây phây mà không lo ngại gì. Như thường lệ, nhà giàu đi trước. Đừng khó chịu vì tôi cũng khó chịu như bạn nhưng biết làm sao ♪khi tôi ra đã được mang kiếp con nhà nghèo♪. Chưa kể lý trí của bạn có thể phản đối nhưng trái tim thì luôn muốn biết thu nhập của mấy tay nhà giàu đúng không. Get’s go!!!
Đầu tiên là các tổng tài bao gồm:
CEO vốn là một chức vụ cao nhưng với Handsome Jack thì nó là một thứ còn mạnh mẽ hơn nữa. Trong thế giới Borderlands, gã Jack đẹp trai này là CEO của tập đoàn vũ khí liên hành tinh Hyperion. Nó chắc chắn phải lớn hơn một công ty cà tàng trên trái đất nhiều. Đặc biệt hơn là Jack có được tất cả từ nỗ lực bản thân, nói cách khác hắn là tỷ phú tự thân.
Là một anti-hero và sau này là phản diện, Jack khởi đầu sự nghiệp với vai trò một lập trình viên quèn của tập đoàn Hyperion. Với tài trí, sự gian manh và cơ hội ập đến giúp hắn leo lên chức chỉ huy trạm không gian Helios do Hyperion đặt tại mặt trăng Pandora rồi từ đó khám phá ra kho báu thượng cổ của người ngoài hành tinh cất giấu trên đó. Với công trạng này, hắn leo lên chức CEO rồi trở thành một kẻ tàn độc bất chấp thủ đoạn để tìm kiếm quyền lực và trả thù những kẻ từng phản bội hắn.
Game thủ đừng nên bỏ qua cơ hội để nhận miễn phí Borderlands 3, tựa game bắn súng co-op cực hấp dẫn để chơi cùng bè bạn nhé!
Đối với một kẻ như Jack, vai trò CEO làm công ăn lương trong game chỉ là một thủ tục cho có. Tài sản thực sự của hắn là quyền lực của một CEO tập đoàn công nghiệp vũ khí. Hắn có thể dùng tiền của tập đoàn làm bất cứ thứ gì hắn muốn bao gồm cả xây một sòng bạc to bằng một trạm không gian và giấu bên trong lõi nó một nhà máy sản xuất robot chiến tranh quy mô lớn đủ để làm ra đội quân đánh chiếm cả thiên hà.
Nếu kẻ xếp đầu trong danh sách làm công ăn lương trong game cao ngất là một tên phản diện khiến bạn cảm thấy bất mãn thì người xếp thứ 2 có thể khiến bạn yên tâm hơn một chút. Solid Snake là một chiến binh đặc công có số phận bi tráng trong series Metal Gear Solid của Konami. Được sinh ra như một phiên bản vô tính của người anh hùng Big Boss, Solid Snake cùng các tạo vật anh em là Liquid Snake và Solidus Snake được huấn luyện để trở thành những chiến binh tinh nhuệ kế tục hình ảnh của huyền thoại của người mà mình được thừa hưởng nguồn gen.
Tuy nhiên dòng đời đưa đẩy đã khiến Solid Snake đối đầu với nhiều kẻ địch khác nhau kể cả chính Big Boss và một thế thân khác của Big Boss là Venom Snake. Đến cuối cùng thì Solid Snake là người chiến thắng nhưng sau đó quyết định giã từ vũ khí sống những ngày còn lại như một người ẩn dật.
Với một chiến binh đặc công như Solid Snake, chuyện làm công ăn lương trong game có thu nhập thế nào thì chắc cũng nhiều người đoán ra, nhưng cái mà người ta thắc mắc là chuyện anh ta xài nó như thế nào. Tất nhiên không phải là các loại ăn chơi hút hít vì nó làm ảnh hưởng đến sức khỏe và thể lực. Với người lính thì đó là 2 thứ không thể bị tổn thất vì thiếu nó họ dễ mất mạng trên chiến trường.
Có thể đó sẽ là các khoản đầu tư để đặt các kho vũ khí cất giấu rải rác khắp thế giới như trong phim, mua các vũ khí trang bị xịn hay một căn nhà bình dị để rút về ở ẩn khi cần thiết. Cũng có thể giống như các đại hiệp võ lâm, đi ngao du khắp nơi, đói thì vào quán dõng dạc hô “Tiểu nhị! Cho một cân thịt bò và vò nữ nhi hồng!”
Đây là ca đau đầu nhất trong đám nhà giàu làm công ăn lương trong game. Không phải vì lão Wesker kia là phản diện trong series Resident Evil mà thực ra hắn không hẳn là lãnh lương của nhà vi trùng học một cách nghiêm túc. Bản CV của hắn là một mớ hỗn độn nghề nghiệp.
Sinh ra và lớn lên với quá khứ bị lãng quên, Albert Wesker được đưa vào chương trình đào tạo đặc biệt nhằm tìm ra những nhân tài thích hợp cho nhân loại. Tất cả đứa trẻ theo chương trình đều được mang họ Wesker như một bí danh và Albert là kẻ xuất sắc nhất trong số đó. Được tài trợ chi phí ăn học cộng thêm tài năng thiên bẩm nên hắn tốt nghiệp đại học khoa vi trùng học ở hạng ưu và được nhận vào làm tại Umbrella. Bên ngoài thì đây là một tập đoàn dược phẩm nhưng thực ra là một tổ chức nghiên cứu vũ khí sinh học.
Sau khi tham gia nhiều nghiên cứu tuyệt mật của Umbrella, Wesker chuyển sang phòng tình báo của tập đoàn và sau đó nghỉ việc gia nhập quân đội Mỹ làm gián điệp. Với bộ hồ sơ xuất sắc về mảng vi trùng học, hắn ta nhanh chóng được tuyển mộ vào các dự án vũ khí sinh học của quân đội và thực hiện xuất sắc vai trò gián điệp của mình cho Umbrella. Vài năm sau, Wesker được chuyển về làm việc cho đội đặc nhiệm S.T.A.R.S. của sở cảnh sát thành phố Raccoon với chức vụ chỉ huy.
Sau sự kiện ở Spencer Mansion hắn bị lộ mặt và trốn chạy rồi làm việc cho một số bên giấu mặt tiếp tục tham gia gieo rắc virus khắp nơi qua những âm mưu khác nhau. Hắn cũng cải tiến bản thân bằng cách sử dụng các chế phẩm từ virus để biến mình thành siêu nhân. Tuy nhiên cuối cùng Wesker lại bị các đồng đội cũ ở S.T.A.R.S. hạ gục cuối Resident Evil 5.
Có thể kể sơ qua các nghề mà Wesker làm công ăn lương trong game bao gồm nhà vi trùng học, lính đặc nhiệm, kẻ bán thông tin, chỉ huy mạng lưới gián điệp, buôn bán vũ khí sinh học… Mức lương thực sự của Wesker có lẽ khủng hơn nhiều so với mức thống kê bên trên nhưng chính xác là bao nhiêu thì không thể biết được. Wesker đã chết mà Mọt cũng chưa có cơ hội gặp kế toán của hắn để hỏi. Không biết hắn có đóng thuế thu nhập đầy đủ không nữa.
Gordon Freeman là một trường hợp kinh điển của nhà giàu sụp đổ vì thời cuộc. Mức lương của một nhà khoa học tham gia dự án nghiên cứu ở mức chuyên viên không hề thấp. Tuy nhiên sự cố trong phòng thí nghiệm dẫn đến thảm họa chính trong game Half-Life đã thay đổi cuộc đời và cả hệ lương bổng của Gordon Freeman một cách vĩnh viễn theo hướng mà đồng LUNA đã đi.
Khi sự cố xảy ra, các sinh vật ngoài hành tinh tràn vào khu thí nghiệm Black Mesa kéo theo sự chú ý của đế chế Combine đến văn minh trái đất cũng là lúc Gordon chính thức ngưng lãnh lương. Vì cái dự án anh ta làm việc đã tan nát kéo theo cả hệ thống lương bổng đãi ngộ và bảo hiểm xã hội.
Chuỗi ngày sau đó là địa ngục khi anh phải trải qua một thời gian dài chiến đấu để sinh tồn và khắc phục thảm họa của cuộc thí nghiệm. Những tưởng sẽ yên ổn không ngờ anh lại bị một gã lạ mặt dụ làm công ăn lương trong game bằng sứ mệnh mới rồi sau đó cho ngủ đông đến thời điểm thích hợp để sử dụng. Gã lạ mặt G-Man cũng cáo già thuộc loại chí cao vô thượng trong làng HR và tuyển dụng khi đặt con mồi vào chỗ phải quyết định nhanh mà không cần thỏa thuận lương. Chính vì vậy Gordon Freeman phải tiếp tục bán mạng chiến đấu sau đó trong tình trạng không hề được trả đồng lương nào.
Mặc dù vậy, Gordon Freeman vẫn cho thấy mình là một nhân sự đắt giá, tài năng của anh đã được các nhóm khác nhìn thấy và anh bị cướp khỏi tay G-Man để chuyển sang làm việc cho pháp nhân mới. Và nhà Alyx vẫn không nhắc gì đến thù lao, chỉ có mỗi cô gái dùng nhan sắc của mình để tạo thiện cảm và giữ chân ông khoa học gia vừa già vừa nghèo lại có nguy cơ mắc PTSD.
Có giàu ắt có nghèo, tiếp theo là những tay cùng khổ.
Thực sự thì Mọt không biết nhóm nghiên cứu này đào đâu ra cái nghề nghiệp làm công ăn lương trong game của Pac-man nữa. Nhưng thôi chúng ta hãy bỏ ra một phút mặc niệm… à không chiêm ngưỡng dung nhan của kẻ lãnh lương nghèo khổ nhất làng game. (show hình pac-man original)
Nhìn đúng nghèo phải không? Với mức lương 480 triệu đồng mỗi năm chia ra là 80 triệu/tháng tính theo mức Việt Nam thì to đấy. Nhưng nếu tính theo nơi mà gã này sống là Mỹ hoặc Nhật (quê gốc) thì nó thuộc dạng bình dân. Đã thế, theo hồ sơ của cảnh sát hắn có một vợ là Ms. Pac-Man cùng hai con là Baby Pac-Man và Jr. Pac-Man.
Thử nghĩ một người trụ cột gia đình với mức lương bình dân nuôi một nhà 4 miệng ăn thì có quá khổ hay không. Thế nên chẳng có gì lạ khi Pac-Man chấp nhận công việc rất nguy hiểm là bảo vệ ca đêm để vờn nhau với bọn ma và ăn các hạt màu vàng lấy sức. Thỉnh thoảng ăn trúng thuốc *beep* gì đó bỗng dưng lên cơn đuổi bắt bọn ma chí chết cho tới lúc thuốc hết tác dụng.
Để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, Pac-man phải tìm thêm nguồn kinh tế ngoài lương bổng. Chính vì vậy sự xuất hiện của nhân vật này trong 2 phần phim Pixels và Wreck-It Ralph có thể mang về cho anh bảo vệ nghèo thêm một ít cát xê nữa. Thật tội cho người đàn ông ấy.
Vẫn là meme cũ, người hiệp sĩ trong series Legend of Zelda không phải tên Zelda mà là Link. Do cơ cấu rối rắm của series này mà Link và Zelda không phải là 2 người cụ thể mà là 2 thực thể trùng sinh liên tục có cơ duyên gặp nhau từng thời điểm cụ thể trong dòng thời gian. Zelda vẫn sẽ là công chúa pháp sư đầy tài phép trong khi hiệp sĩ Link có thể là bất cứ chủng tộc nào từ con người đến người tí hon, người lùn, elf. Trách nhiệm chính của Link là tìm cách lấy được sức mạnh Tri-Force và tiêu diệt thế lực ác ma cứu thế giới dưới sự giúp đỡ của công chúa Zelda.
Cũng giống như các đại hiệp võ lâm, người ta không rõ Link làm công ăn lương trong game như thế nào và nghề hiệp sĩ này được ai trả lương. Chỉ biết rằng qua trải nghiệm game người ta thấy hắn đi nhặt lá đá ống mơ, mở rương khui hòm để nhặt tiền hoặc gom đồ bán ve chai độ nhật. Không biết nhờ danh hiệu hiệp sĩ hay là có thủ sẵn sổ hộ nghèo đã cho Link được quyền lợi đặc biệt đó là có thể vào bất cứ ngôi nhà nào lục tung hòm rương, đập hết chai lọ, gà chó không tha cốt để gom được ít tiền đi mua sắm đồ đạc.
Có thể nói, Link là một hiệp sĩ không chỉ lãng du trong thiên hạ mà còn lãng du theo dòng thời gian qua các đời trùng sinh. Điều đó có nghĩa là không căn nhà nào ở thời đại nào là có thể an toàn với trò lục lọi lấy đồ của anh chàng hiệp sĩ này. Lần cuối cùng chúng ta nghe về anh ta là anh đang lãng du trong thế giới Breath of The Wild rộng mở. Nhưng vẫn không biết được ai đã phát lương hàng tháng cho anh ta dù là một mức lương rẻ mạt so với công lao của một anh hùng cứu thế giới Hyrule và nghề buôn đồ cũ không rõ nguồn gốc.
Tôi không biết nhóm nghiên cứu có nhầm giữa “private first class soldier” (hàm binh nhất trong quân đội) với cái mà Cloud tự xưng là “First Class SOLDIER” (chiến binh tinh anh hạng nhất trong đội quân tinh nhuệ SOLDIER) hay không. Nhưng có vẻ hàm binh nhất là khá phù hợp với tư liệu thật về Cloud, đó là anh nói dối về việc mình gia nhập SOLDIER trong khi sự thật là anh bị đánh rớt rồi sau đó gia nhập quân đội như một lính cấp thấp bình thường.
Tuy nhiên nói đến vừa khổ vừa bần khi làm công ăn lương trong game thì có lẽ Cloud Strife là nhất hạng rồi. Từ bé ôm mơ ước trở thành một chiến binh anh dũng, quyết tâm đăng ký tuyển vào SOLDIER với hình ảnh ngầu lòi khỏi phải bàn. Nhưng rồi mộng vỡ phải đi làm lính quèn sau đó lại vướng vào rắc rối cuối cùng phải bỏ cả nghiệp lính mang theo vết thương chiến tranh và chứng mất trí nhớ quay về. Không còn gì trong tay, làng cũ cũng bị đốt, Cloud đành phải làm lính đánh thuê kiếm tiền độ nhật rồi tiếp tục gặp thêm rắc rối khác khi nhận tiền làm việc cho đám phiến quân AVALANCHE rồi dính vào rắc rối tình cảm với bồ cũ của bạn thân.
Thu nhập của Cloud như một trò đùa khi mà ước mơ vào SOLDIER vừa ngầu vừa lương cao lại tan biến, phải làm lính trơn lãnh lương bèo mà còn suýt chết. Sau đó bỏ quân đội về nhà đi làm lính đánh thuê, ai thuê gì làm đó thu nhập bấp bênh. Tình cảnh của anh chàng này giống như một nhân viên văn phòng vừa được nhân vào làm ít lâu thì dính vào bê bối phải nghỉ việc sau đó về nhà làm thuê làm mướn.
Desmond Miles là cái tên xứng đáng được nhắc thêm trong đám cu li nghèo mạt của hội làm công ăn lương trong game. Đó là anh ta nghèo trong vinh dự, nghèo do lựa chọn, nghèo vì đam mê. Desmond vốn thuộc dòng dõi Assassin nhưng anh cảm thấy chán cuộc sống của một sát thủ được huấn luyện. Vì vậy anh lén trốn khỏi trường huấn luyện bí mật, lang thang từ South Dakota đến thành phố New York và nhận làm một chân pha rượu tại đây.
Đó là một cuộc sống và mơ ước mà Desmond muốn hướng đến. Một cuộc sống xa rời các giá trị nhàm chán của Assassin cho dù phải đổi bằng một đồng lương khá thấp của công việc Bartender. Tuy nhiên cuộc sống nó không như cuộc đời, anh bị bắt cóc để nghiên cứu về gen sát thủ của mình. Cái lọ nó đụng cái chai sự cố tiếp nối sự cố cuối cùng anh phải hy sinh thân mình để cứu lấy nhân loại. Quan trọng nhất là phần sau khi bị bắt cóc là anh hoàn toàn không nhận được lương, chỉ làm không công vì chính nghĩa cho tới chết.
Thật khổ vì bản thân đã chịu chấp nhận chọn cuộc sống với mức lương thấp vì đam mê mà cuối cùng Desmond vẫn bị dính vào rắc rối đến phải bỏ mạng mà vẫn chưa hưởng trọn thứ mà mình hằng ao ước. Chắc đó cũng là lý do các nhà tuyển dụng rất dị ứng khi ứng viên bảo mình muốn làm công việc này vì đam mê, nhỡ tuyển nhầm 1 tên sát thủ ẩn mình thì gay lắm.
Trên đây là những số phận éo le khác nhau trong làng làm công ăn lương. Một số lương cao ngất ngưỡng nhưng lại không cần hoặc không mấy hạnh phúc với nó, số khác lãnh lương rẻ mạt phải chật vật trang trải cuộc sống. Nếu bạn biết thêm về chuyện tiền lương của các nhân vật game hãy cùng bàn thêm ở phần bình luận bên dưới nhé!