Nối tiếp phần đầu tiên của cốt truyện Returnal, Selene bất chợt nhớ về mẹ của mình là Theia - một người phụ nữ tham công tiếc việc, chưa bao giờ muốn dành thời gian để chăm sóc con cái. Sau khi hồi tưởng lại một vụ tai nạn xe khủng khiếp đã khiến cho mẹ của cô bị chấn thương nghiêm trọng và rơi vào trạng thái sống thực vật. Thì ngay lập tức, những hình ảnh khác bất ngờ hiện ra trong đầu Selene, cho thấy chính cô (hoặc một bản thể khác của Selene) đã bắn hạ phi thuyền của chính mình. Và về lý thuyết, điều này cho thấy cô đã từng đặt chân lên Atropos thế nhưng chẳng hiểu vì sao cô lại chẳng nhớ một chút gì về hành tinh kỳ lạ này.
Nhận ra rằng nếu cứ đứng im thì sẽ chẳng giải quyết được chuyện gì, Selene mới quyết định phải tìm cho bằng được nguồn phát của tín hiệu White Shadow để giải đáp những khúc mắc, những suy nghĩ rối bời đang hiện hữu trong đầu cô. Sau nhiều lần “chết đi sống lại”, vượt qua không biết bao nhiêu gian khổ, đối mặt với chẳng biết bao nhiêu loại quái vật đáng sợ, cuối cùng thì cô trinh sát của chúng ta đã tìm đến nơi phát ra tín hiệu bí ẩn. Hóa ra đây là một thiết bị đặc biệt, không rõ nguồn gốc (rất có thể đây là sản phẩm của người ngoài hành tinh), có khả năng giúp cho Selene thấy và cảm nhận được những hình ảnh và các khoảnh khắc ở tương lai, lẫn quá khứ.
Điều đáng nói nhất, những ảo ảnh này dường như chỉ xoay quanh cuộc sống của Selene. Qua đó, người chơi có thể phần nào hiểu được quá khứ, những kỉ niệm đã từng gắn bó với căn nhà và những món đồ chơi của cô. Đồng thời đây cũng là những bí mật mà Returnal đang cất giữ. Chẳng hạn như con thú nhồi bông hình bạch tuộc cực dễ thương đã bầu bạn với cô mỗi khi mẹ vắng nhà. Hay ước mơ được trở thành một nhà thám hiểm vũ trụ vĩ đại nhất của nhân loại, có vẻ như đây cũng chính là lời lí giải cho sự xuất hiện của nhân vật phi hành gia bí ẩn xuyên suốt những cuộc phiêu lưu của Selene.
Những dòng suy nghĩ mơ hồ bất ngờ bị ngắt quãng bởi niềm vui khôn xiết khi Selene nhận được tín hiệu từ ASTRA. Họ xác nhận rằng đã định vị được tọa độ của cô trinh sát và hiện đang cử đội cứu hộ đến để đưa cô về Trái đất thân thương, Selene trở thành người hùng không chỉ của riêng Hoa Kỳ, mà còn của toàn nhân loại. Nhiều năm trôi qua, mọi ký ức về Atropos dường như dần phai nhạt và cái ngày định mệnh của tất cả mọi người cuối cùng cũng đến, Selene đã qua đời vì tuổi già. Ngỡ như vòng lặp sinh tử của Returnal đã kết thúc… tuy nhiên, ngay tại giây phút ánh sáng cuối cùng vụt tắt, thì cơn ác mộng lại bắt đầu tiếp diễn.
Cô trinh sát viên vũ trụ lại một lần nữa quay ngược thời gian, trở về đúng tại thời điểm phi thuyền của mình bị rơi xuống hành tinh Atropos. Selene nhận ra rằng, điều này có nghĩa là mọi chuyện vẫn chưa đi đến hồi kết. Thế là cô nàng của chúng ta lại tiếp tục điều tra và cố gắng tìm cho bằng được cách hóa giải lời nguyền đáng sợ này. Tuy nhiên, những lần “hồi sinh” sau này lại không giống như những lần trước, và manh mối đã dẫn Selene đến một đáy vực sâu của Atropos. Tại đây nữ chính đụng độ với một con thủy quái khổng lồ cùng với vô vàn những cơn “mưa đạn” đủ các loại màu sắc rực rỡ.
Sau một hồi vật vã chiến đấu, con quái vật cuối cùng cũng đã bị tiêu diệt. Selene lại tiếp tục chuyến phiêu lưu của mình và bất ngờ phát hiện một chiếc ô tô đã bị bỏ hoang. Chẳng hiểu làm thế nào mà nó lại xuất hiện ở đây nhưng rõ ràng cả căn nhà còn hiện ra tại Atropos thì một chiếc ô tô nhỏ hơn gấp nhiều lần thì đã tính là gì. Lúc này cốt truyện của Returnal sẽ bắt đầu chia kết thúc của game ra thành hai nhánh, gọi là Normal Ending (Kết thúc 1) và True Ending (Kết thúc 2).
Nếu như xuyên suốt quá trình chơi, sau khi đã hoàn thành một loạt những nhiệm vụ cần thiết (sẽ có bài hướng dẫn sâu hơn về những nhiệm vụ này), game thủ sẽ nhận được một chiếc chìa khóa để mở cửa xe. Còn trong trường hợp nếu các bạn không sở hữu chiếc chìa khóa này, thì Kết thúc đầu tiên của Returnal sẽ được kích hoạt và Selene sẽ tiếp tục cuộc chuyến phiêu lưu của mình như chưa có chuyện gì xảy ra. Một sinh vật khổng lồ với ba mắt sáng rực bất chợt hiện ra khiến cho Selene giật mình, sau khi định thần lại, cô mới hỏi rằng liệu nó có phải là “thứ” đã dẫn cô đến đây không? Nhưng con quái thú chẳng nói gì, cứ thế màn hình bắt đầu tối sầm lại và hiện lên một hồi ức của Selene.
Theia – mẹ của nhân vật chính, đang chở cô bé Selene lúc nhỏ đi đến đâu đó trên chính chiếc ô tô đã được nhắc ở trên, điều kì lạ là Theia lại giống y đúc Selene của hiện tại (có khi nào Theia chính là Selene?). Nhưng ngay khi vừa đến một cây cầu, chẳng biết từ đâu một phi hành gia của thế kỷ 20 bất ngờ xuất hiện ngay giữa đường, khiến cho chiếc xe bị mất lái và lao thẳng xuống sông. Theia cố gắng cứu lấy con gái của mình nhưng dòng nước đã cướp đi sinh mạng của cả hai mẹ con.
Selene lại bị đưa về ngay thời điểm phi thuyền của cô “nhẹ nhàng” hạ cánh trên hành tinh Atropos. Thế là vòng lặp kinh hoàng lại tiếp tục được kích hoạt… Quay trở lại với Kết thúc thứ 2 của siêu phẩm Returnal. Sau khi có được chìa khóa, người chơi điều khiển cho Selene mở cửa của chiếc ô tô đang bị ngập nước nhưng ngay tại khoảnh khắc này, cô trinh sát vũ trụ lại bị dịch chuyển đến một khu vực khác. Tại đây nhân vật chính bị tấn công bởi một sinh vật với hình thù kì dị ngồi trên một chiếc xe lăn, sau khi tiêu diệt con quái, Selene mới phát hiện ra rằng đây chính là mẹ của cô - Theia. Chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy?
Những ký ức vừa lạ vừa quen lại một lần nữa tìm đến nữ chính, đồng thời cũng mang một thực tại khác đến với người chơi, nói đúng hơn đây là một góc nhìn khác của Selene. Bây giờ cô lại chính là nhà du hành vũ trụ đang đứng ngay giữa cầu, vài giây trước khi vụ tai nạn đau thương xảy ra. Sau khi chiếc xe mất kiểm soát và lao đầu xuống nước, trò chơi bắt đầu chuyển cảnh về góc nhìn của Theia (hoặc đây chính là Selene?) đang dần ngoi lên từ đáy sông và may mắn sống sót.
Màn hình bắt đầu tối sầm lại và mọi thứ dần đi đến hồi kết… Có vẻ như đây mới thực sự là kết thúc chính của Returnal, thế nhưng tại sao vẫn còn quá nhiều uẩn khúc, quá nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp? Liệu Theia (Selene?) có cứu được con gái hay không? Có khi nào Theia và Selene cùng là một người? Nếu thực sự là vậy, thì liệu Selene có phải vừa là nguyên nhân, vừa là nạn nhân của vụ tai nạn nói trên hay không? Có phải đây là một trong những trường hợp hiếm hoi của nghịch lý du hành thời gian (Time Travel Paradox)?
Nhìn chung đó là tất cả những gì đã xảy ra sau nhiều giờ trải nghiệm và chiêm ngưỡng vẻ đẹp lạ thường của Returnal. Tuy vẫn còn rất nhiều khúc mắc nhưng Mọt tui hi vọng rằng nhà phát triển Housemarque sẽ cân nhắc về việc hé lộ thêm những bản DLC mới, để giải thích thêm về những sự kiện đã và đang xảy ra, cũng như mở rộng thêm cốt truyện của tựa game này. Hẹn gặp lại anh em ở những bài viết kế tiếp nhé!!!