Trong khoảng thời gian qua, Epic, Epic Games Store và những tựa game độc quyền mà họ vung tiền ra mua là một trong những đề tài nóng của làng game - nếu không nói là nóng nhất. Trong khi đó, những tựa game độc quyền trên nền tảng phát hành của chính nhà phát triển (chẳng hạn Origin, Battle.net) tỏ ra “dễ nuốt” với game thủ, và rất nhiều trong số đó đạt được thành công. Tuy nhiên lại có một trường hợp ngoại lệ: Thronebreaker, tựa game thẻ bài do CD Projekt Red phát triển dựa trên trò đánh bài Gwent và phát hành độc quyền cho GOG lại là một thất bại khó ngờ.
Khi quyết định dùng Thronebreaker làm game độc quyền cho GOG, có lẽ CD Projekt Red có hai mục tiêu. Một là họ muốn thử nghiệm dùng trò chơi để thu hút game thủ đến với nền tảng phát hành của mình, và hai là cố gắng thay đổi ấn tượng của game thủ về GOG từ một nền tảng chuyên hồi sinh game cũ thành một điểm đến cho những tựa game mới hấp dẫn. Điều này là dễ hiểu bởi khi game thủ mua game của CD Projekt Red trên GOG, 100% số tiền bán game sẽ đi vào túi CD Projekt Red và giúp tăng cao doanh số của GOG, nền tảng hiện đang “rất gần với thua lỗ”, theo lời một cựu nhân viên GOG bị sa thải hồi tháng 2/2019.
GOG vốn đã được lòng game thủ từ lâu nhờ những động thái đầy thiện chí của CD Projekt Red với game thủ cộng thêm việc các trò chơi được bán trên nền tảng này đều không trang bị DRM, thứ mà nhiều game thủ chán ghét vì tin rằng nó ảnh hưởng đến hiệu năng của PC. Sự được lòng này thể hiện qua việc 1/3 lượng game thủ đặt trước Cyberpunk 2077 mua game trên GOG, một tỉ lệ cao vượt trội so với bất kỳ một tựa game nào khác phát hành trên nền tảng này. 2/3 doanh số còn lại đến từ Steam (nơi CD Projekt Red sẽ nhận tối thiểu 70% doanh thu, tối đa 80% tùy vào doanh số của trò chơi) và Epic Games Store (88% doanh thu cho CD Projekt Red).
Ban đầu, Thronebreaker chỉ là một DLC cho Gwent.
Nhưng sự thiện chí của game thủ và sức hấp dẫn của những lá bài Gwent không đủ để biến Thronebreaker thành “tàu phá băng” giải quyết tình trạng đình trệ của GOG. Dù sự hào hứng của cộng đồng game thủ khiến CD Projekt Red biến phần campaign ngắn ban đầu của tựa game Gwent: The Witcher Card Game thành một cuộc chơi dài đến tận 30 tiếng mang tên Thronebreaker, nó thất bại nặng nề bởi phạm vi bao phủ hạn hẹp của GOG. Hồi tháng 11/2018 (1 tháng sau ngày Thronebreaker chính thức phát hành), Adam Kicinski – một trong các sếp CD Projekt Red – đã thừa nhận dù game được đánh giá rất cao, GOG không đủ sức giúp trò chơi cất cánh và họ sẽ phát hành game trên Steam vào ngày 9/11/2018.
Đoạn trailer này không thể hiện được những điều hấp dẫn của trò chơi
Nhưng theo Mọt, lý do quan trọng nhất mà Thronebreaker thất bại là vì nó… không được biết đến. Dù là một người thường xuyên theo dõi thông tin về game, Mọt vẫn nhớ vào dịp trò chơi ra mắt rất ít khi thông tin về Thronebreaker xuất hiện trên các cộng đồng mạng hay trên các mặt báo, và có lẽ chỉ các fan cuồng của Gwent mới chú ý đến tựa game này. Thật ra nhiều game thủ vẫn tưởng rằng Thronebreaker là một bản mở rộng hay cập nhật của Gwent: The Witcher Card Game (free to play), chứ không biết rằng đó là một tựa RPG riêng biệt với cơ chế chiến đấu hoàn toàn mới. Mọt tin rằng trong số các bạn độc giả của Mọt game, có rất nhiều người nghĩ rằng CD Projekt Red chỉ có The Witcher, Gwent và Cyberpunk 2077, điều minh họa cho sự lạc lõng của Thronebreaker ngay trong cộng đồng fan của CD Projekt Red.
Sự thất bại của Thronebreaker trên chính sân nhà GOG là một điều khá đáng tiếc. Nếu CD Projekt Red đầu tư thêm công sức vào việc quảng bá trò chơi và tạo ra sự hào hứng trong cộng đồng game thủ như họ từng làm với The Witcher 3 hay Cyberpunk 2077, game có thể thành công. Rất nhiều người vẫn cho rằng Thronebreaker là một tựa game có lối chơi xoay quanh những trận đấu Gwent cổ điển, và điều này cũng hoàn toàn sai lầm bởi trong Thronebreaker, đại đa số các trận đánh là những minigame độc đáo, rất sáng tạo và thú vị, hoàn toàn không gây trùng lặp và nhàm chán cho người chơi.
Một tựa game RPG với lối chơi dựa trên các thẻ bài như Thronebreaker hoàn toàn có thể chinh phục thị trường, như Slay the Spire đã thể hiện với doanh số hơn 1,5 triệu bản của nó. Nếu CD Projekt Red cho game thủ biết rằng đây là một tựa RPG hoàn chỉnh, có cốt truyện sâu sắc, giữ nguyên hương vị Witcher truyền thống cùng một nhân vật chính hấp dẫn, trò chơi hẳn sẽ “hot” hơn rất nhiều nhờ năng lực truyền miệng của cộng đồng fan. Ngay cả với những người không thích Gwent như Mọt, Thronebreaker vẫn đáng thưởng thức vì game cho phép bỏ qua những trận đấu bài khi bạn đã thua. Nhờ vậy, bạn có thể xem Thronebreaker là một visual novel lấy bối cảnh thế giới Witcher, cho phép bạn khám phá những gì xảy ra khoảng 15 năm trước khi những sự kiện của The Witcher 3 bắt đầu dưới mắt nữ hoàng Meve (một nhân vật đã tồn tại trong series The Witcher).
Vì vậy, Mọt tui thực hiện bài viết này để hi vọng mang đến cho các bạn một cái nhìn mới, rõ ràng hơn về Thronebreaker, một siêu phẩm ít được biết đến của CD Projekt Red. Game hiện đang được bán cả trên Steam với cái giá khá mềm và đắt hơn trên GOG, nhưng hoàn toàn xứng đáng với mức giá đó.