Trong vài ngày qua, game thủ Việt đã được nghe đôi chút về việc sự thành công của Fortnite khiến các nhân viên Epic phải làm việc tăng ca liên tục. Thay vì tuần 40 giờ như bình thường, nhiều thành viên của đội ngũ phát triển Fortnite phải làm việc 70-80 giờ / tuần, và trong một số trường hợp lên đến 100 giờ / tuần. Theo lời tiết lộ của các nhân viên của hãng, họ buộc phải chấp nhận việc làm thêm giờ này nếu không muốn bị đánh giá là lười biếng và bị bỏ rơi sau khi hợp đồng cộng tác viên (contributor) ngắn hạn của họ với công ty chấm dứt. Nghe hết sức đáng buồn và đáng giận, nhưng bạn có biết rằng việc làm thêm giờ như thế là hoàn toàn bình thường trong ngành công nghiệp game?
Đối với các nhân viên Epic, trước khi Fortnite thành công trong vai trò một tựa game Battle Royale, công việc của họ thuộc loại “sáng đi chiều về” như bất kỳ một công việc văn phòng nào khác. Nhưng khi trò chơi trở thành một hiện tượng đem lại cho Epic hàng triệu USD mỗi ngày, Epic nhanh chóng lựa chọn mô hình Game as a Service (game dịch vụ) để phát triển trò chơi. Những bản cập nhật mới được tung ra liên tục hàng tuần, giúp trò chơi giữ chân game thủ và vượt trên những đối thủ cả cũ lẫn mới như PUBG hay Apex Legends để giữ vững ngôi vương.
Nhưng để đạt được tốc độ cập nhật chóng mặt này, các nhân viên Epic phải làm việc cật lực. Một nhân viên nói mình phải làm trung bình 70 tiếng / tuần, và nhiều người làm việc đến 100 giờ. Dù Epic cho nhân viên được nghỉ phép không giới hạn, “nếu tôi nghỉ phép, khối lượng công việc đó sẽ rơi lên đầu những người khác, và không ai muốn làm vậy,” nhân viên này cho biết. Điều này ảnh hưởng lên sức khỏe tâm thần của nhân viên: “tôi rất ít ngủ. Tôi cau có ở nhà. Tôi không có sức lực để ra đường. Ngay cả việc nghỉ cuối tuần cũng đã là thành tựu lớn.”
Nhiều người nói rằng việc không chấp nhận tăng ca sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thăng tiến của họ, trong khi các nhân viên từ chối làm thêm giờ có thể không được ký tiếp hợp đồng sau khi hết hạn, mà theo lời Epic là “chúng tôi đưa ra quyết định kéo dài hợp đồng dựa trên chất lượng công việc và khả năng làm việc vào những lúc cần thiết để thỏa mãn các ngày phát hành quan trọng.” Tóm lại, các sếp Epic muốn nhân viên làm thêm và không phàn nàn hay ca cẩm gì. Điều an ủi cho các nhân viên Epic là do Fortnite cực kỳ thành công nên khi làm thêm giờ, họ nhận được những khoản tiền hậu hĩnh, khoảng “gấp ba lần lương” theo lời một số nguồn tin.
Bạn có cảm thấy rằng việc làm thêm giờ này quen quen không? Nếu có, đó là bởi vì Mọt tui đã nhắc đến vấn đề này trong loạt bài về quá trình phát triển Anthem của BioWare. Đội ngũ BioWare cũng đã phải nai lưng cày cuốc trong vòng 18 tháng để kịp tung ra Anthem trước hạn chót quý 1/2019 mà EA đặt ra, và dĩ nhiên là họ phải làm thêm giờ. Vấn nạn tăng ca này đã bám theo BioWare dai dẳng kể từ những tựa game trước, bao gồm cả Dragon Age: Inquisition và Mass Effect Andromeda, nhưng được trùm lên lớp áo mĩ miều “phép màu BioWare” mà chỉ những người trong nội bộ studio mới biết được bản chất thực của nó. Sau khi bị phanh phui, BioWare mới đăng tải một bài blog nói rằng “chúng tôi chú trọng vào việc lên kế hoạch tốt hơn để tránh việc tăng ca.”
Osama Dorias, một nhà thiết kế người Canada kể lại rằng khi làm việc cho “một công ty ở Montreal” hồi năm 2008, anh thậm chí còn không biết được kích thước tã của con mình vì gần như chẳng bao giờ ở nhà. “Tôi làm việc 7 ngày một tuần, 14 đến 16 giờ một ngày,” anh nói. “Một ngày nọ khi đi mua tã, tôi vỡ òa trong cửa hàng tạp hóa. Tôi gọi bạn mình trong nước mắt và không biết phải nói gì khi tôi rời nhà mà không hỏi kích thước tã của con trai mình.” Đợt làm thêm của Osama kéo dài khoảng 3 tháng, và khi trò chơi hoàn tất thì ngoài khoản lương bình thường, thứ duy nhất anh nhận được là một tờ giấy in lời cảm ơn.
Sau những bài viết về các đợt tăng ca kinh hoàng của BioWare hay Epic được đăng tải, một số cựu nhân viên của NetherRealm – tác giả của Mortal Kombat 11 vừa ra mắt – cũng lên tiếng. Họ nói về những đợt làm thêm giờ mà mình phải thực hiện trong quá trình phát triển Mortal Kombat 9, X, và Injustice. James Longstreet, kỹ sư phần mềm từng làm việc 2 năm cho NetherRealm nói rằng ở studio này, làm thêm giờ không hề là bởi đam mê hay tự nguyện, mà nó là chính sách bắt buộc của công ty. Anh nói rằng trong suốt thời gian từ 1/1/2011 đến ngày bản patch day 1 (patch tung ra trong ngày ra mắt game) của Mortal Kombat 9 được chấp nhận, anh chỉ nghỉ đúng một ngày. Một lần khác, anh được đi dự đám cưới của bạn mình vào tối thứ 7 sau khi đã làm việc 8 giờ, và trong cả hai lần nghỉ ngơi này, James đều phải sẵn sàng trở lại studio khi được gọi. “Tất cả chúng tôi đều làm vậy, trừ các sếp vì họ ra về sau bữa tối,” James nói.
Isaac Torres, một cựu nhân viên NetherRealm tham gia vào quá trình phát triển Injustice nói rằng anh có một chuỗi tăng ca kéo dài khoảng 4 tháng. “Tôi thường xuyên làm 90-100 giờ mỗi tuần và đi làm tất cả các ngày trong tuần,” Isaac cho biết. “Tôi đến chỗ làm lúc 9 hay 10h sáng, và đi về lúc 2-3 giờ sáng. Tôi không biết tại sao mình làm được như vậy. Tôi tin chắc mình đã già 20 tuổi chỉ trong vòng 3 tháng.” Tệ hơn nữa là họ phải làm việc mà không có những khoản tiền phụ cấp khổng lồ như trong trường hợp của Epic. Thật ra một số người còn làm việc ở những mức lương 11 – 12 USD / giờ, gần như bằng với lương những nhân viên phục vụ tại McDonald, và chỉ được an ủi bằng câu nói “có thể bạn sẽ được thuê chính thức sau hợp đồng tạm thời kế tiếp” mà thôi.
Ngoài những BioWare, NetherRealm hay Epic, Mọt cũng từng nhắc đến việc các nhân viên của Telltale cũng phải tham gia vào những đợt làm thêm giờ để kịp tung ra các Episode của game đúng thời hạn. EA, Rockstar cũng từng bị chỉ trích vì những đợt làm thêm giờ kéo dài trước ngày phát hành game. Ngay cả CD Projekt Red mà game thủ chúng ta yêu mến cũng có những đợt làm thêm giờ kinh hoàng để kịp tung game đúng thời hạn. Nhiều lời đánh giá về CD Projekt Red trên Glassdoor nói rằng việc tăng ca xảy ra thường xuyên, trong khi một người khác nói “chúng tôi bật cười khi đọc về các đợt làm thêm giờ của Bungie hay BioWare.”
Việc làm thêm giờ (crunch) là điều đã trở thành chuyện bình thường trong làng game. Một cuộc thăm dò ý kiến bởi Hiệp hội nhà phát triển game toàn cầu (IGDA) nhận thấy rằng 53% số nhân viên nói rằng tăng ca là điều mà các sếp của họ muốn nhân viên của mình phải thực hiện. Trong khi giá trị của ngành công nghiệp game ngày càng tăng, cả con người lẫn các công ty làm việc trong ngành đều cho rằng “tăng ca” đồng nghĩa với vinh dự và yêu nghề. Trent Oster, đồng sáng lập BioWare từng nói rằng mình đã phải làm việc 212 tiếng trong 2 tuần cuối cùng trước khi Neverwinter Nights được tung ra thị trường, nhưng ông xem nó là một chiến thuật “kiểm soát thảm họa” khi trò chơi sai hướng và cần phải được khắc phục ngay lập tức trước khi nó kịp đi xa hơn.
Thật may mắn cho nhân viên của các nhà phát triển là trước làn sóng thông tin về những đợt tăng ca khủng khiếp trong ngành công nghiệp game, ngày càng nhiều người phản đối những đợt tăng ca như thế này, bao gồm cả game thủ. Các hội thảo về tăng ca đã được tổ chức tại GDC 2019 diễn ra vào tháng trước, hay phong trào Game Workers Unite ngày càng có tiếng nói và nhiều thành viên hơn. Nhiều studio cũng tỏ ra quan tâm tới sức khỏe của nhân viên, chẳng hạn Warner Bros. Games có chính sách “không tăng ca,” và đây là nơi mà ông bố Osama Dorias lựa chọn để tiếp tục phát triển sự nghiệp của mình.