Nếu một ngày tỉnh dậy, bạn phát hiện ra rằng thế giới mình đang sống bị nhiễm một dịch bệnh khiến con người trở thành các xác sống. Nhân loại gần như bị quét sạch, chỉ còn lại một nhóm nhỏ lụi tàn. Lúc đó bạn sẽ làm gì? Mặc cho số phận định đoạt hay tìm mọi cách để tồn tại với nghịch cảnh. Bạn có thể tìm câu trả lời trong The Last of Us.
Black the Fall không chỉ đơn thuần là một game giải đố, ẩn sau đó là rất nhiều thông điệp về khát vọng tìm kiếm tự do, cũng như sự hy sinh bản thân vì mọi người.
Vốn đã từng chơi nhiều game nói về đề tài Hậu Tận Thế (Post-Apocalyptic) cũng như các game về đề tài Zombie (Resident evil, Dying Light, Left 4 Dead, …). Nhưng theo cảm quan của tôi thì chưa có game nào xuất sắc như The Last of Us khi có thể kết hợp cả hai chủ đề nói trên một cách hoàn hảo.
Cốt truyện lắng đọng
Cốt truyện của The Last of Us không quá phức tạp, cái phức tạp chính là diễn biến nội tâm của nhân vật và những trường đoạn gây sốc trong game. Cốt truyện của game xoay quanh hai nhân vật chính Joel và Ellie. Với Joel, hắn là một gã đàn ông đáng thương, mất người con gái duy nhất trong đại dịch zombie, chính vì vậy Joel sống vô định không biết cuộc đời trôi về đâu. Từng là cướp, sau đó trở thành kẻ buôn lậu, Joel đủ tàn nhẫn để chiến đấu với bất cứ kẻ thù nào cũng như đủ khéo léo để vượt qua những hiểm cảnh. Với Ellie thì lại khác, cô là một đứa trẻ sinh ra ở thời đại Hậu Tận Thế, cô không biết thế giới trước kia ra sao. Những gì Ellie biết được về thế giới chỉ thông qua những quyển truyện tranh giả tưởng.
Ellie là một cô bé cứng cỏi, gan lì. Bước ngoặt của câu chuyện chính là khi Ellie bị nhiễm virus thông qua vết cắn từ một zombie, nhưng cô không “biến đổi” mà thay vào đó như một phép màu của tạo hóa, cơ thể Ellie tương thích với virus và tạo thành kháng thể chống lại nó. Ellie được tổ chức Fireflies (một tổ chức trong game với mục tiêu tìm liều thuốc cứu thế giới) đem về phòng thí nghiệm để nghiên cứu kháng sinh. Định mệnh để cho Joel và Ellie gặp nhau khi nhóm Fireflies đưa Ellie về gặp bố ráp của quân đội, Joel trở thành người “giao hàng” bất đắt dĩ, từ đó số mệnh của cả hai gắn kết với nhau không rời.
Nếu The Last of Us là một bản nhạc, thì đây sẽ là bản nhạc jazz lắng đọng nói về số phận của con người trong nghịch cảnh. Game không đưa ra lựa chọn của nhân vật vì cơ bản các nhân vật không thể có quyết định hay lựa chọn nào. Như Joel, hắn không thể lựa chọn bỏ rơi Ellie, mặc dù hắn là người tàn nhẫn, tâm ngoan thủ lạt nhưng đâu đó sâu thẳm trong tâm hồn, một chút gì đó nhân tính còn sót lại khiến hắn chấp nhận việc đi cùng Ellie và bảo vệ cô bé. Hay như Ellie, cô là một đứa trẻ 13-14 tuổi, một lứa tuổi chưa biết thế nào là lựa chọn, nhưng cô đã quyết định cầm vũ khí và chiến đấu như lời cô nói với David (một nhân vật phản diện trong game): “Mọi người không cho chúng tôi lựa chọn nào, chúng tôi buộc phải chống trả”. Hay như Sam, một cậu bé trạc tuổi Ellie khi biết mình bị cắn và sẽ biến đổi, cậu chỉ hỏi Ellie một câu: “Liệu những thây sống ấy, có phần con người nào trong đó bị giữ lại”.
Cốt truyện trong game chia thành bốn giai đoạn rõ rệt: bắt đầu từ mùa hạ, cuộc hành trình của Joel và Ellie đi dọc nước Mỹ. Mùa thu đến mang màu sắc thương đau, là khi những người thân còn sót lại của Ellie đã ngã xuống để cô có thể tiếp tục hành trình. Mùa đông khắc nghiệt là lúc Ellie chiến đấu cam go để bảo vệ mình. Mùa xuân đến mang theo hy vọng về đích đến, nhưng cũng là thời khắc đối mặt với quyết định sinh tử. Game như một cuốn phim, mà tôi thấy ở bất cứ lúc nào cũng là một câu hỏi đau đáu về chữ “nhân tính”.
Trong nghịch cảnh, liệu phần người trong chúng ta còn lại bao nhiêu? Hay để tồn tại con người ta phải làm cướp, ăn thịt đồng loại hay chấp nhận sống trong những khu cách ly? Trong nghịch cảnh, liệu có bao nhiêu người đứng lên chống lại cái ác, giành lại sự sống, sự tư do, sự thanh thản trong tâm hồn như Joel hay chỉ tự kết liễu cuộc sống của mình khi bị dồn đến cùng cực? Đây có lẽ là một câu hỏi không có lời giải đáp bởi cũng chính như những nhân vật trong game, họ phải chịu ràng buộc bởi số phận nghiệt ngã, không có được bất cứ tia sáng hy vọng nào.
Gameplay – đồ họa – âm nhạc: Tuyệt vời
Về độ họa, The Last of Us đã dựng được bối cảnh một nước Mỹ rộng lớn, chi tiết đến từng gốc cây ngọn cỏ, các thành phố bỏ hoang, thiên nhiên hùng vĩ, đồ họa và thiết kế trong game cực kỳ sống động. Khi ra mắt trên PS3, game đã được đánh giá là một trong những game vượt trội về thiết kế so với hệ máy và không có game nào khác có thể so sánh về đồ họa với “The Last of Us”.
Nói tới âm nhạc, thi thoảng đâu đó trong game, chúng ta nghe được những bản ballad trầm buồn, u uất. Phần âm nhạc của game được thực hiện bởi nhạc sĩ tài ba Gustavo Alfredo Santaolalla – nhạc sĩ đại tài đã từng vinh dự nhận giải Oscar cho phần nhạc phim xuất sắc nhất là Brokeback Mountain (2005) và Babel (2006). Nhạc trong game không vui tươi, nghe như tiếng lòng của một kiếp người loạn lạc, không chốn dung thân, không nơi nương tựa, tương lai mù mịt. Âm nhạc của The Last of Us đến giờ vẫn còn ám ảnh tôi, nó như tiếng nấc nghẹn ngào của Ellie khi thấy những người đi theo mình đề ngã xuống hay như tiếng thở dài của Joel khi cố gắng đến từng hơi thở cuối cùng để bảo vệ một người không xa lạ. Và vượt lên đó là một khao khát được bình yên và tự do nhưng không bao giờ đạt được.
Game chơi ở góc nhìn người thứ 3, vì là thể loại sinh tồn nên người chơi phải luôn luôn sục sạo các ngóc ngách trong game để tìm vũ khí, đạn dược. Nếu như bạn chọn chế độ Khó (hard) trở lên thì The Last of Us là một game cực kỳ khó nhai vì lượng súng đạn trong game không hề nhiều. Hệ thống vũ khí trong game cũng tương đối đa dạng bạn có thể sử dụng súng lục, súng trường, súng nhắm, súng phun lửa, cung tên hay thậm chí là dao, đá, gạch hay chai thủy tinh để chiến đấu chống kẻ thù. Kẻ thù trong game ngoài Zombie còn có quân đội, bọn cướp đường, bọn buôn lậu v.v… Game buộc người chơi phải liên tục tìm đồ đạc, chế tạo vũ khí, thuốc men để có thể sinh tồn.
Game có chế độ “nghe lén” (Listen Mode) để bạn có thể nghe được tiếng bước chân, tiếng di chuyển hay tiếng nói chuyện của kẻ thù từ đó bạn sẽ có 3 lựa chọn: chiến đấu, đánh lén (stealth kill) hay bỏ đi. Cái hay của game là không buộc bạn phải chiến đấu liên tục, chúng ta có thể lướt qua một số kẻ thủ, hoặc phải tìm cách đặt bẫy, gài bom để có thể hoàn thành các phân đoạn dễ nhất. Để hoàn thành game, bạn cần ít nhất từ 40 – 50 giờ chơi trở lên, tuy nhiên để sục sạo hết các bí mật cũng như artifact trong game bạn cần mất ít nhất từ 70 – 90 giờ trở lên.
Lưu ý rằng The Last of Us không phải là một game để giải trí vì cốt truyện của game rất căng thẳng, u uất và gây sốc, nhà phát triển Naughty Dog đã cố tình đưa các thủ pháp của điện ảnh vào game khi cắt các phân đoạn game và chuyển sang một bối cảnh mới cũng như đẩy một số phân đoạn lên cao trào. Thế nhưng The Last of Us là một game xứng đáng để chơi, để trải nghiệm về nhân sinh quan của cuộc đời.