Vài năm về trước, các trò chơi đặc biệt là góc nhìn thứ nhất thường để cho nhân vật chính bị câm. Họ không có hề có lời thoại, suy nghĩ, hay bộc lộ tính cách mà chỉ nhất nhất nghe theo các NPC rồi hoàn thành nhiệm vụ. Trong những game được xây dựng tỉ mỉ về khoản cốt truyện thì nhiều người cho rằng đây thực sự là một thiếu sót của hãng phát triển.
Tuy nhiên, cái gì cũng có lý do của nó, hãy cùng tìm hiểu tại sao các hãng game lại để cho nhân vật chính im lặng và ảnh hưởng của nó tới nội dung game nhé.
Sự im lặng của nhân vật chính trong game là gì?
Silent Protagonist, hay còn gọi là sự im lặng của nhân vật chính, là khi nhân vật chính của người chơi điều khiển không có bất cứ một đoạn hội thoại nào trong toàn bộ thời lượng game. Trong một số trò chơi khác, các nhân vật chính có thể có thêm lời thoại, nhưng nó cũng chỉ ở dạng dòng chữ chứ không phải giọng nói.
Silent Protagonist được sử dụng để tạo ra một cảm giác bí ẩn, giúp người chơi có thể tự định hình được nhân vật chính thông qua trí tưởng tượng của họ. Game sẽ không hiển thị khuôn mặt hay bất cứ điều gì, game thủ phải đặt mình vào vai trò của nhân vật chính, dựa vào những thông tin hay mạch truyện diễn ra để tưởng tượng ra nhân vật mình đang chơi trông như thế nào.
Yếu tố này thường chúng ta có thể thấy nhiều nhất trong đa số các game bắn súng góc nhìn thứ nhất như Half Life, Call of Duty,... Ở thời điểm hiện tại, rất nhiều trò chơi đã cải thiện yếu tố này để tăng tính trực quan hơn trong việc xây dựng tinh cách nhân vật. Silent protagonist rất hiếm thấy ở game góc nhìn thứ ba, nhưng không phải không có.
Có phải do sự lười biếng của hãng phát triển?
Nhiều người cho rằng các nhân vật chính bị câm là do sự lười biếng hoặc thiếu sáng tạo của các nhà phát triển. Nhưng điều đó không hẳn đúng. Việc cắt giảm giọng nói của nhân vật chính còn có thể giúp hãng game tiết kiệm được kha khá ngân sách. Đặc biệt là với những hãng phát triển độc lập thì đây là phương án tiết kiệm tốt nhất.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng đôi lúc diễn xuất bằng giọng nói của nhân vật chính có thể ảnh hưởng tới cảm xúc của người chơi. Nó có thể đem lại một tông màu game không đúng với những gì game thủ mong muốn, kỳ vọng hay tưởng tượng ra. Điều này phần nào đó khá hợp lý khi tông giọng của một người có ảnh hưởng rất lớn tới thái độ và suy nghĩ của người đối diện.
Việc cắt bỏ lời thoại cũng phần nào đó giúp cho game thủ tự tưởng tượng ra được nhân vật của mình. Half Life 2 là một thành công cho việc nhân vật chính im lặng lại để lại cho người chơi những cảm xúc khó quên. Gordon Freeman không hề thốt ra một lời nào trong suốt quá trình chơi. Nhờ vậy, người có thể cảm nhận về nhân vật này tuỳ theo trải nghiệm của từng người.
Vậy để nhân vật chính im lặng là một điều tốt hay xấu?
Để đưa ra được vấn đề là tốt hay xấu, bạn đọc hãy nghĩ về các nhân vật nổi tiếng như Link, Mario, Gordon Freeman, và nhiều người hơn nữa. Liệu bạn có thể nói ra được tính cách của những nhân vật đó hay không? Họ vui tính, hoạt bát, buồn rầu hay tham vọng? Không một ai biết rõ, cũng không ai có thể cảm nhận được.
Khi nhân vật chính không thể hội thoại, họ cũng không có tính cách. Tất cả những gì người chơi biết được về những nhân vật đó chỉ đơn giản với các cụm từ như “người hùng”, “dũng cảm”, “kiên trì”. Đó là những cụm từ dập khuôn cho hầu hết các nhân vật im lặng trong suốt thời lượng trò chơi.
Các nhân vật chính khi im lặng dường như trở thành một cơ chế khác trong game với mục đích phát triển câu chuyện. Nó không nhất thiết phải là một phần quan trọng trong game. Những nhân vật im lặng này chỉ là công cụ giúp cho game thủ tương tác với tựa game đó mà thôi. Họ không hề cho người chơi biết thêm điều gì hay có cái nhìn khác về nội dung có trong game.
Hãy lấy ví dụ John Marston trong Red Dead Redemption. Khi nhìn vào đôi mắt, nhìn vào hành động và giọng nói của John Marston, người chơi biết được rằng anh gặp chuyện gì đó và muốn chơi tới cùng để tìm hiểu về nhân vật này. Hay như những cuộc trò chuyện của anh với các nhân vật, game thủ có thể mường tượng ra Marston là con người như thế nào. Từ đó người chơi có cái nhìn đa chiều hơn về nhân vật chính cũng như thế giới trong game. Nó khác hoàn toàn so với các nhân vật từ đầu tới cuối không thốt ra một lời nào.
Mặt khác, nếu như được xây dựng đúng cách, các nhân vật im lặng này sẽ là công cụ tuyệt vời, dẫn dắt người chơi hòa mình vào cốt truyện của game. Nhân vật chính im lặng là một điều độc đáo, nó hoạt động theo cách riêng để tạo ra được những ảnh hưởng thú vị.
Trên thực tế, các nhà phát triển muốn người chơi được sống hoàn toàn trong thế giới game mình tạo ra, có cái nhìn trực tiếp về bối cảnh, câu chuyện diễn ra chứ không phải thông qua bất cứ một nhân vật nào. Kể cả những cảm xúc người chơi biểu hiện ra cũng là từ trải nghiệm thực với tình huống đó chứ không phải là của nhân vật trong game.
Điều đó khiến cho người chơi thấy rằng chính mình mới là người giải cứu thế giới, chính mình mới là người cứu công chúa Peach hay đánh bại Ganondorf. Việc để cho các nhân vật chính im lặng lại là điều cần thiết nếu như người chơi muốn đắm chìm hoàn toàn vào trong trò chơi điện tử.
Vậy nên việc rút bỏ đi lời thoại của nhân vật chính không hoàn toàn là một điều xấu. Trong một vài trường hợp, nếu được xây dựng tốt, nó sẽ khiến cho game thủ bộc lộ ra những cảm xúc thật của chính mình chứ không phải là cảm xúc của nhân vật. Từ đó dẫn đến một hiệu ứng tối hậu: Bạn chính là nhân vật chính với đầy đủ tính cách và thái độ của chính bạn đặt vào thế giới game.
Tạm kết
Silent Protagonist không hoàn toàn là một điều xấu. Nó giúp các nhà phát triển tiết kiệm được kha khá một khoản tiền đầu tư, giúp cho trò chơi giảm đi được phần nào tài nguyên máy tính yêu cầu. Xét về mặt ảnh hưởng tới nội dung trong game, nó hoàn toàn phụ thuộc vào từng góc nhìn và cảm nhận của người chơi.
Việc để các nhân vật chính trong game im lặng sẽ giúp cho người chơi tự định hình tính cách, ngoại hình của nhân vật chính, giúp cho game thủ cảm thấy như mình là nhân vật chính trong trò chơi. Tuy nhiên hiện nay, các trò chơi, ngay cả game bắn súng FPS cũng đều dần chuyển qua việc cho nhân vật chính lời thoại, diễn xuất. Điều này giúp truyền tải toàn bộ nội dung và ý nghĩa của trò chơi được tốt hơn.
Có những trò chơi dù để Silent Protagonist hay không cũng vẫn rất thành công. Vậy nên yếu tố này tốt hay xấu nó còn phụ thuộc cả vào cách xây dựng nội dung của hãng phát triển game nữa.