Phụ Lục
Quay trở lại thời điểm những năm 90, Mortal Kombat xuất hiện đã dấy lên những cuộc tranh cãi xuyên suốt tháng ngày. Có thể nói thương hiệu này đã thay đổi bộ mặt của toàn bộ ngành công nghiệp game, hoặc đã thổi bùng lên ngọn lửa tranh cãi vốn đã âm ỉ từ lâu trước đó. Bạo lực, máu me, các cảnh đánh nhau vốn là những thứ rất nhạy cảm trong cuộc sống hàng ngày.
Bên cạnh đó, vào thời điểm bấy giờ, video game vẫn chỉ được coi là một hình thức giải trí của trẻ em. Vậy nên một tựa game như Mortal Kombat gây tranh cãi cũng là điều dễ hiểu. Kể từ đó, thị trường game đã buộc phải thay đổi rất nhiều vì Mortal Kombat chỉ là trò chơi mở màn cho cả một xu thế làm game về sau.
Ngày nay, có những dự án video game cần nguồn kinh phí cực lớn và thời gian phát triển tương đối lâu. Đa số các game thường có thời gian phát triển từ khoảng 2 năm trở lên, có hãng rất thích “ngâm” dự án của mình lên tới tận 6, 7 năm (như Rockstar Games) hoặc thậm chí lâu hơn nữa (như The Last Guardian được phát triển trong 9 năm). Hầu hết lý do các hãng đưa ra là muốn trò chơi của mình phải thật hoàn hảo khi ra mắt chính thức.
Nhưng với Mortal Kombat, trò chơi chẳng nhiều thời gian tới vậy. Game thực chất chỉ mất khoảng 10 tháng nghiên cứu và phát triển rồi phát hành chính thức. Việc tạo ra một trong những biểu tượng của ngành game chỉ trong 10 tháng quả thực là một điều ấn tượng.
Midway Games đã đưa thương hiệu Mortal Kombat trở nên nổi tiếng và bán chạy bậc nhất nước Mỹ vào thời điểm đó. Cái tên Mortal Kombat cũng được cố tình viết sai chữ C và K với hàm ý mọi người trải nghiệm trò chơi bằng cách “kill” những đối thủ của mình.
Khi nhắc tới một trò chơi như Mortal Kombat, chắc hẳn máu me tung tóe là thứ đầu tiên game thủ nhắc tới. Trên thực tế, dù là game thuộc thể loại nào đi chăng nữa thì màu đỏ của máu là không thể bỏ qua chỉ là có game làm nó nhẹ nhàng và có những game làm nó rõ rệt như Mortal Kombat. Cho dù game bạn chơi có yêu cầu chiến đấu bằng phép thuật, nắm đấm, cận chiến hay bất cứ loại vũ khí gì, thì việc hiển thị máu cũng cần phải có - thậm chí với những game kinh dị dù bạn chỉ đóng vai trò kẻ chạy trốn thì cũng có những vết máu trên tường để hù dọa. Do đó, việc loại bỏ đi máu trong các trò chơi thực sự tạo cảm giác khó chịu, khó hiểu. Nhưng Mortal Kombat đã từng làm điều đó.
Máu trong phần game đầu tiên được thiết kế theo nhiều cách khác nhau. Khi một nhân vật bị đấm hoặc đá hay bị tấn công theo cách nào đó cũng sẽ đều có máu phun ra. Tuy nhiên, khi Mortal Kombat bắt đầu chuyển hướng sang các máy chơi game gia đình như SNES hay Genesis, máu của nhân vật sẽ biến thành...mồ hôi.
Nghe có vẻ vô lý và nó chẳng có một chút nào thuyết phục. Thậm chí phiên bản MK console đã trở thành trò cười cho rất nhiều game thủ. Điều này cũng dễ hiểu khi đối tượng chơi game console thời đó thường có mặt nhị vị phụ huynh, dĩ nhiên chẳng bố mẹ nào lại muốn cả gia đình ngồi phòng khách, chơi game máu bắn tóe loe trên màn ảnh tivi cả.
Bên cạnh đó, phiên bản trên hệ máy Sega Genesis có một mã cheat có thể kích hoạt lại màu đỏ của máu. Đó là lý do tại sao MK Genesis bán chạy hơn trên SNES (ai cho tui lương thiện??? - Nintendo said).
Thật khó có thể phủ nhận được sức hấp dẫn của tạo hình các nhân vật nữ trong Mortal Kombat. Những bộ trang phục được mặc bởi Mileena, Kitana hay Jade đều khiến cánh đàn ông phải trầm trồ, xuýt xoa. Trên thực tế, tạo hình của các nhân vật trong loạt game Dead or Alive có phần hấp dẫn hơn, nhưng Mortal Kombat có một bước tiến cực đáng mơ ước, đó là đưa nhân vật nữ của mình lên tạp chí Playboy.
Playboy là một trong những tạp chí dành cho phái mạnh nổi tiếng nhất thế giới. Rất nhiều người mẫu đã cố gắng cật lực để có được một vị trí trên tạp chí này, nhưng Mileena - một nhân vật trong Mortal Kombat xuất hiện trên Playboy thì thực sự là một điều đặc biệt.
Scott Alexander từ Playboy chia sẻ rằng đây là động thái thúc đẩy sự trưởng thành của ngành công nghiệp game. Một phần của các trò chơi điện tử sẽ không dành cho trẻ em như trước nữa. Dường như việc để Mileena lên tạp chí Playboy là sự khởi đầu của một xu hướng mà Alexander nhắc tới.
Các trò chơi điện tử hiện giờ mang bộ mặt trưởng thành hơn rất nhiều. Ngày càng xuất hiện nhiều hơn những tựa game không dành cho trẻ con, thậm chí còn không mang tính giải trí, thay vào đó là truyền tải và lồng ghép rất nhiều thông điệp về cuộc sống, các vấn nạn mà con người gặp phải. Mà trẻ em thì chắc chắn chưa thể thấm nhuần được những điều đó rồi.
Cách mà Midway phát triển nên Mortal Kombat có thể được coi là đi trước thời đại. Hãng không hề vẽ nên các nhân vật, thay vào đó, họ quét các hành động của diễn viên người thật. Từng cú đấm, cú đá hay từng đòn đánh đều là chuyển động của chính những diễn viên đó.
Tuy nhiên vào năm 1997, một vụ kiện không mấy hay ho đã xảy ra. Các diễn viên tham gia vào Mortal Kombat bao gồm: Philip Ahn (Shang Tsung), Elizabeth Malecki (Sonya Blade), và Katalin Zamiar (Kitana/Mileena/Jade) đã buộc tội công ty vi phạm hợp đồng. Theo đó, các diễn viên cho rằng bản quyền hình ảnh mà mình đã làm hợp đồng với Midway chỉ có giá trị với các phiên bản Mortal Kombat Arcade, còn việc các nhân vật xuất hiện trên phiên bản console nằm hoàn toàn ngoài hợp đồng. Do đó, họ muốn công ty Midway phải trả nhiều tiền hơn.
Nhưng cuối cùng, Thẩm phán trong vụ án này đã đứng về phía công ty Midway. Các diễn viên chịu thất bại và không được bồi thường bất cứ một đồng nào.
Nói một cách nghiêm túc thì quả thực rất khó tìm được ai có thể vào vai được nhân vật Goro. Liệu trên đời này có ai to lớn và có 4 cánh tay không? Lẽ dĩ nhiên là không, và Midway đã có một cách cực kỳ sáng tạo. Đó là sử dụng đất sét để tạo ra Goro.
Hãng đã sử dụng “Stop Motion Animation”, một kỹ thuật vốn được áp dụng trong phim hoạt hình mà các con rối được dựng lên theo từng động tác, sau đó được chụp hình lại để ghép thành những thước phim có sự chuyển động của nhân vật. Nhân vật Goro đã được dựng nên theo một cách chính xác như vậy. Đủ để thấy được hãng đã có nhiều ý tưởng đột phá cũng như kỳ công trong việc xây dựng các nhân vật như thế nào. Và cho tới giờ tôi vẫn thấy khó tin khi Mortal Kombat chỉ được làm trong 10 tháng với tất cả công đoạn như vậy.
Noob Saibot xuất hiện lần đầu tiên với tư cách là một nhân vật bí mật trong Mortal Kombat II. Sau đó, người chơi có thể điều khiển được trong Ultimate Mortal Kombat 3. Rồi lại quay trở lại làm nhân vật bí ẩn trong MK 4. Trong thế giới Mortal Kombat đã tồn tại rất nhiều Sub-Zero khác nhau, và Noob Saibot là người đầu tiên,
Tuy nhiên, phần đặc biệt nhất lại nằm ở tên của anh ta, Noob Saibot. Nếu người chơi để ý kỹ, nhân vật này mang hàm ý tôn vinh 2 người đã tạo nên thương hiệu Mortal Kombat, là Ed Boon và John Tobias. Nếu bạn lấy tên cuối của 2 người, Boon – Tobias, sau đó lộn ngược các chữ cái. Và chúng ta đã có biệt danh Noob Saibot.
Trong lịch sử phát triển, Mortal Kombat và Nintendo có vẻ như “cơm không lành, canh không ngọt” cho lắm. Điều này liên quan tới vấn đề kiểm duyệt và đối tượng khách hàng mà các sản phẩm của Nintendo muốn nhắm tới, đó là gia đình và trẻ em. Thậm chí một phiên bản được nhắc ở phần trên từng xuất hiện trên dòng máy nhà Nintendo đã bị buộc phải loại bỏ đi các hiệu ứng máu me. Phần mới nhất, Mortal Kombat 11, là trò chơi đầu tiên được phát hành trên Nintendo song song với các nền tảng khác, kể từ năm 2007 tới nay.
Dường như Nintendo ngày nay đã có thay đổi đôi chút về định hướng phát triển so với thời điểm những năm 90s. Trước kia, hãng cố gắng tạo ra một hệ sinh thái hoàn hảo nhất dành cho trẻ em. Tuy nhiên giờ đây, Nintendo đã cho phép những trò chơi như MK, hay Wolfenstein 2: The New Colossus có mặt trên nền tảng máy chơi game của mình.
Tất nhiên là các trò chơi vẫn sẽ được phân loại người mua, người chơi theo độ tuổi quy định. Nhưng điều này cho thấy Nintendo không còn quá bảo thủ, họ biết mình phải làm gì để trở nên phù hợp hơn với thị hiếu của cộng đồng game thủ ngày nay.