Phụ Lục
Sau gần 20 năm chờ đợi, cuối cùng các fan của dòng game Shenmue huyền thoại trên Dreamcast ngày nào đã có thể tiếp tục theo chân nhân vật chính Ryo cũng như có được một cái kết trọn vẹn mà họ hằng mong đợi. Dù không thể giúp cho hệ máy Dreamcast đầy tiềm năng của SEGA kháng cự lại sự thống thị từ gã khổng lồ PS2, thế nhưng Shenmue vốn có những đóng góp vô cùng lớn lao, truyền cảm hứng cho các tựa game ngày nay. Nhân dịp Shenmue 3 ra mắt, chúng ta sẽ cùng điểm qua những dấu ấn nổi bật của Shenmue để lại cho ngành công nghiệp game hiện đại.
Một trong những xu thế nổi bật nhất kỉ nguyên PS2 đó là một thế giới mở nơi người chơi tự do khám phá và làm việc mình thích thay vì bị bó buộc với cốt truyện của game. Có thể nói GTA chính là đỉnh cao của xu thế này khi mà sự thành công của nó trở thành khuôn mẫu cho rất nhiều tựa game khác. Thế nhưng trước đó, Shenmue không những là kẻ tiên phong mà thậm chí thế giới của game còn có phần nổi trội hơn GTA.
Dù nhân vật chính Ryo đang phải truy tìm kẻ đã hãm hại cha mình, thế nhưng người chơi không nhất quyết phải cứ bám sát nhiệm vụ cốt truyện. Thay vào đó, game cho phép người chơi tự do du ngoạn khám phá thế giới, cung cấp không ít các hoạt động bên lề để người chơi giết thời gian. Các hoạt động trong game cũng rất chi tiết như ở ngoài đời, phần nào tăng độ chân thực và nhập tâm cho chúng. Từ chơi các game arcade, ném phi tiêu cho tới cả làm thêm ở bến phà. Cung cấp thêm các hoạt động, các minigame ngay bên trong một game chính là cách tốt nhất để tăng giá trị cho thế giới của nó, điều mà các game thế giới mở hiện này thường hướng tới.
Dù cho Shenmue có rất nhiều trường đoạn hành động nảy lửa, thế nhưng có lẽ hầu hết mọi người sẽ nhớ nhiều hơn về trải nghiệm với Ryo khi dạo bước quanh khu Yokosuka và trò chuyện với mọi người. Khác với các tựa game cùng thời, không khí tại đây rất yên bình, rất đời thường, tạo nên một cảm giác thư thả cho người chơi. Thế giới trong game thực sự sống động với những công trình, văn hóa, con người, hoạt động xung quanh. Mỗi thứ dường như mang trên mình một nét độc đáo, một câu chuyện riêng.
Đương nhiên người chơi vẫn có thể tìm một hoạt động vui chơi nào đó, làm bạn với một chú mèo,… thế nhưng đi từng bước quanh khu phố thôi cũng đủ để người chơi nhập tâm vào game và tiếp tục dạo bước thăm quan thế giới. Bạn như thực sự sống trong game, nơi bạn cũng là một con người bình thường, làm những chuyện bình thường ngoài đời. Người ta chơi game để thoát khỏi thực tại, để tìm đến một thế giới, một trải nghiệm mới lạ. Thế nhưng Shenmue làm điều ngược lại, và dù có đời thường thế nào thì nó vẫn cuốn hút người chơi. Kể từ đó khái niệm mô phỏng đi bộ cũng phần nào được áp dụng rộng rãi hơn, tùy vào từng trường đoạn trong từng tựa game, cốt là để giúp người chơi hòa nhập vào thế giới của game, kể chuyện thông qua môi trường của game. Có thể nói, Shenmue chính là kẻ mở đường cho khái niệm này.
Ở một tựa game như Shenmue, có muôn vàn kiểu hành động người chơi cần phải thực hiện. Với sự giới hạn nút bấm của tay cầm, một kiểu điều khiển mới trong game là điều bắt buộc. Từ đây, thiết kế trưởng Yu Suzuki đã sáng tạo ra phương thức điều khiển mới mang tên Quick Time Event.
Cụ thể trong một trường hợp mà người chơi cần thực hiện một hành động nào đó, các thao tác điều khiển sẽ hiện lên màn hình để người chơi làm theo. Người chơi sẽ thực hiện thành công hành động đó khi nhấn đúng và đủ các nút theo đúng yêu cầu trong một thời gian giới hạn.
Ngày nay thì QTE xuất hiện gần như ở khắp mọi nơi. Các tựa game như Heavy Rain, Indigo Prophecy, Detroit: Become Human, Until Dawn,… có gameplay gần như dựa hoàn toàn vào QTE. Cùng với đó, các pha hành động, các màn kết liễu đẹp mắt hay đơn giản là vùng vẫy thoát khỏi nguy hiểm trong các game hành động như God of War, Resident Evil, Dead Space, Call of Duty,… cũng đều nhờ có QTE. Phương thức nhiều khiển này có nhiều thời điểm bị lạm dụng quá mức khiến cho người chơi cũng ngán ngẩm, điển hình như trường hợp của Resident Evil 6. Dù sao thì Shenmue đóng một vai trò rất quan trọng khi khai sinh ra phương thức điều khiển này.
Trước đó người viết có nhắc đến cảm giác chân thực và đời thường mà Shenmue mang lại. Một trong những yếu tố làm điều này đó chính là thế giới game thực sự vận động. Các NPC không hề đứng im chờ người chơi tương tác, họ có việc để làm, có chuyện để nói, có lúc để gặp. Nếu Ryo muốn gặp một ai đó, anh sẽ phải gặp họ vào thời gian thích hợp, không thì họ sẽ vắng mặt.
Rất nhiều thứ hay ho thú vị của game chỉ xuất hiện vào một thời gian nhất định trong ngày, tại một địa điểm cụ thể phần nào làm tăng sự chân thực và thú vị cho thế giới. Cùng với đó là tác động của thời tiết lên lịch trình định sẵn cho các NPC lại càng tạo cảm giác thế giới game thực sự vận động. Không ít game ngày nay cũng tạo sự vận động cho thế giới nhằm tăng giá trị game cũng như tạo thêm động lực khám phá cho người chơi. Shenmue có thể tiếp tục tự hào là kẻ đi đầu trong mảng này.
Có thể nói mặc dù đóng góp rất nhiều cho việc phát triển thể loại game thế giới mở nhưng Shenmue vẫn không tránh khỏi sự thật tất yếu là bản thân đã quá già cỗi. Khi mà các hậu bối ngày càng phát triển, học hỏi, biến tấu những thứ Shenmue đã khởi xướng và đạt đến những sự ảo diệu mới thì dòng game này đang già đi vì thiếu sự đầu tư kế tục. Phần 3 của nó trải qua “development hell” và chửa trâu suốt nhiều năm trong tình trạng không có vốn phải dùng đến cách gọi vốn từ cộng đồng cho thấy không có nhà đầu tư nào đủ mạnh và mặn mà với nó. Dù sao thì phần 3 cũng đã ra mắt xong xuôi, ngài Yu Suzuki ít ra đã có thể kết thúc hành trình của mình với phiên bản thứ 3 mà ông ấp ủ trong 18 năm cuộc đời.
[box background="banana" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]