Không thể phủ nhận được tiếng tăm mà dòng game Dark Souls mang lại, giờ đây khi nhắc đến game khó hầu hết chúng ta có lẽ sẽ nghĩ ngay tới Dark Souls. Không chỉ thành công về chuyên môn cũng như thương mại, Dark Souls còn truyền cảm hứng cho nhiều tựa game khác, tạo nên 1 thể loại game mới mang tên Souls-like. Đối với FromSoftware nói riêng, dù có 1 lịch sử lâu dài cùng nhiều tựa game lớn nhỏ khác nhau nhưng đáng kể nhất thì vẫn là Dark Souls, nhất là khi thành công của nó làm lu mờ tất cả những gì mà studio từng làm trước kia.
Thành công như vậy cũng đặt nên 1 thách thức không nhỏ cho FromSoftware, đó là phải làm gì tiếp theo khi mà Dark Souls chính thức kết thúc ở phần 3. Đó chính là lúc mà Hidetaka Miyazaki nhìn vào những tựa game quá khứ của công ty vốn tưởng như bị lu mờ từ lâu với cái bóng của Dark Souls và tìm ra hướng đi cho tương lai.
Kế hoạch cho Sekiro thực chất được chuẩn bị từ trước kết thúc của dòng game Dark Souls khá lâu. Từ khi mà FromSoftware hoàn thành Bloodborne, trong nội bộ studio đã tính đến viêc làm 1 thứ gì đó khác biệt. Dark Souls, Demon’s Souls hay Bloodborne đều dựa phần nhiều vào truyền thuyết dân gian của châu Âu, chủ yếu do tình yêu của Miyazaki đến kiến trúc nghệ thuật phương Tây. Thế nhưng 5 tựa game có vẻ là đủ để nghĩ đến 1 thứ gì đó khác biệt hơn chút. Giải pháp được đưa ra nằm ở những tựa game từng được studio phát triển.
Trước Dark Souls, FromSoftware từng phát triển những tựa game chặt chém như Otogi và Ninja Blade, chúng đều là các game hành động tốc độ cao với bối cảnh Nhật Bản truyền thống. Vốn đã quen với những tựa game sở hữu thế giới rộng lớn cùng những nhân vật độc đáo với nhiều bí mật thú vị, nếu giờ đây người chơi được cho “tăng tốc” để khám phá thì sẽ tạo ra một trải nghiệm mới lạ và khác biệt so với Dark Souls thường có.
Mục tiêu của dự án mới đó là thử tạo nên 1 trải nghiệm mới mẻ độc đáo thông qua kinh nghiệm mà studio có được với dòng game Souls. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhiều yếu tố chủ chốt của Dark Souls cần được bỏ để tập trung định hướng cho dự án mới này.
Sự thay đổi đáng kể đầu tiên đó là người chơi sẽ điều khiển 1 nhân vật có tên tuổi, diện mạo và lí lịch cụ thể chứ không còn tự tạo nên 1 nhân vật vô danh theo ý thích nữa. Thậm chí không còn các class hay tùy chỉnh chỉ số cho nhân vật. Tất cả nhằm tạo ra 1 trải nghiệm phần nào tuyến tính và gắn liền với cốt truyện hơn. Tất cả đơn giản vì FromSoftware không muốn phải làm mãi 1 kiểu game, họ muốn thử cái gì mới. Bên cạnh đó, Miyazaki còn đồng thời không muốn trực tiếp viết cốt truyện và câu thoại.
Theo ông thì các fan dòng game Souls đã quá quen thuộc với lối “văn chương” của mình và ông muốn mọi thứ trong game nên được mới mẻ với các fan, hơn nữa đây cũng là cơ hôi cho nhưng người khác trong studio có dịp thử sức. Dự án mới này không nên lặp lại là 1 game Souls-like khác, nó nên là một trải nghiệm độc đáo theo cách riêng của nó.
Sekiro không chỉ là dự án duy nhất Miyazaki thực hiện khi ấy. Ông còn đồng thời làm việc một tựa game VR tên Deracine. Trước đây ông cũng từng cùng lúc làm việc với 2 dự án là Bloodborne và Dark Souls 3. Khác với các tựa game Souls của studio, Deracine là 1 game phiêu lưu không có yếu tố bạo lực, 1 tựa game cũng lấy cảm hứng từ game cũ của FromSoftware là Echo Night. Làm việc với cả Sekiro và Deracine, 2 dự án hoàn toàn khác nhau, Miyazaki cảm thấy chúng là sự bổ sung tuyệt vời cho nhau. Sekiro có lối chơi chặt chém máu lửa và cực kì bạo lực, nó làm ông đôi lúc mệt mỏi. Mỗi khi như vậy, ông lại chuyển sang làm Deracine để không khí bình yên thư thả của game rửa sạch mọi căng thẳng cho mình. Đương nhiên ông cũng không đắm chìm trong thế giới của Deracine quá lâu mà vẫn luôn tập trung cho Sekiro.
Quá trình tạo nên 1 game tại FromSoftware cũng được nhất quán. Đội ngũ sáng tạo sẽ tập hợp các ý tưởng về chủ đề và phong cách game rồi dạo quanh các nhà phát hành để tìm xem ai muốn làm việc với dự án. Lần này Activision hợp tác cùng studio, điều mà Miyazaki thấy rất phù hợp. Game của FromSoftware vốn được biết đến là không thực sự dễ tiếp cận với người mới chơi, vậy nên Miyazaki tin là Activision có thể giúp cho game dễ tiếp cận hơn nhưng vẫn giữ được chất thử thách trong game.
Đáng kể nhất là việc Activision tạo các nội dung đầu game, điển hình là phần tutorial để giúp người chơi làm quen cũng như hiểu rõ cơ chế game, từ đó giúp truyền tải được trải nghiệm mà FromSoftware muốn mang lại. Ban đầu dự án sẽ chỉ có tên là Sekiro. Đến khi thực hiện trailer cho game, Miyazaki muốn thể hiện chủ đề game về yếu tố sống lại sau cái chết trong cụm từ “Shadows Die Twice”. Đội ngũ tại Activision rất thích cụm từ này và thuyết phục FromSoftware thêm nó vào tên game để trở thành Sekiro: Shadows Die Twice.
Sau 3 năm, Sekiro: Shadows Die Twice đã được hoàn thành. Theo Miyazaki thì ông nếu không có 1 hạn chót cụ thể thì ông sẽ không ngại tiếp tục bổ sung hoàn thiện dự án. Thế nhưng dù sao thì ông cũng hài lòng với nó. Đồng thời nó cũng là 1 thứ rất đặc biệt, rất riêng so với những gì studio này từng thực hiện, đúng như những gì họ hướng tới. Đôi lúc chúng ta không nên ngần ngại thử cái mới. Bạn hoàn toàn có thể tiếp tục duy trì 1 thứ nhằm đảm bảo cho sự thành công của nó hoặc dựa trên những gì đã có để tìm đến những điều mới mẻ. Nó có thể không đảm bảo cho sự thành công thế nhưng ai mà biết được, một khi thành công thì nó lại là một cuộc cách mạng.
[box background="banana" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]