Trong Resident Evil 2 Remake, người chơi đã được trải nghiệm những màn đấu trùm với 2 con quái vật là Tyrant Mr.X và G-virus (gọi tắt là “G”). Thực tế thì phần lớn thời gian chúng ta gặp “G” là nhiều khi thứ của nợ này sống dai tới mức kinh hoàng, mỗi lần bị đánh bại nó lại biến hình sang dạng khác mạnh hơn để tiếp tục săn đuổi con mồi.
Nếu tính đúng theo cốt truyện Resident Evil, thì có lẽ “G” hoặc những thứ được tạo ra từ G-Virus sẽ là những con quái vật mạnh nhất của cả seri. Đáng tiếc là chúng ta chỉ được diện kiến chúng một lần duy nhất trong Resident Evil 2 Remake mà thôi, cái này vì nhiều lý do khác nhau nhưng có lẽ là do nó mạnh quá, Capcom méo biết cân bằng ra sao nên lờ luôn đi cho rồi.
Bạn có nhớ Mr.X và William Birkin đã hành hạ người chơi ra sao chứ, với Resident Evil 2 Remake chúng ta lại một lần nữa gặp 2 con boss rất khó chịu này.
Mọt Game đã nói về sự khác nhau giữa G-Virus và T-Virus ở một bài viết trước, do đó chúng ta sẽ chỉ nhắc lại ngắn gọn sự ra đời của G thôi nhé. G-Virus có tên đầy đủ là Golgotha Virus, nó được tiến sĩ William Birkin tìm ra trong quá trình nghiên cứu T-Virus từ những năm 1988. Cái tên G còn có thể hiểu là “God-Virus”, vì nó đích thị là một thứ biệt dược đưa sinh vật tiệm cận ngưỡng bất tử, cũng như sở hữu sức mạnh như một vị “thần”.
Điểm độc đáo nhất của G-Virus so với tất cả mọi thứ từng xuất hiện là nó vốn là một sinh vật độc lập, không như T-Virus kết hợp cùng các tế bào của vật chủ để đột biến, thì G-Virus chỉ cần “gá” vào vật chủ bất kỳ trong một khoảng thời gian ngắn, trước khi nó hoàn toàn biến đổi thành một dạng sống mới mạnh mẽ hơn nhiều. Chính vì không bị phụ thuộc vào cơ thể gốc, G-Virus có thể tự do tiến hóa thành nhiều dạng riêng biệt, với sức mạnh khổng lồ đi cùng khả năng cải tạo tế bào vô đối.
Sức mạnh của G-Virus ra sao thì trong Resident Evil 2 Remake chúng ta đã thấy rồi, một cú “tát yêu” của G (ở dạng tiến hóa thứ 2) đã đủ xẻ đôi người Mr.X ra như người ta xé giấy. Nó chống đạn, chống lửa, chống va đập... nói chung là chống tất cả mọi thứ có thể trên đời, điểm yếu duy nhất là con mắt màu vàng lộ diện trên cơ thể. Cơ mà nói chung gọi là điểm yếu cũng chả đúng, vì có bắn gục G thì nó cũng chỉ tạm thời lặng đi để rồi sau đó tiếp tục tiến hóa mà thôi. Kể cả là dạng cuối khi G biến thành thể khổng lồ và bị thiêu cháy trong hầm ngầm, thì chả có thể chắc chắn là nó đã chết cả.
Vậy tại sao G-Virus lại mạnh tới vậy, bỏ qua vấn đề đột biến như đúng rồi của nó thì câu trả lời nằm ở khả năng phục hồi, G-Virus có một đặc điểm là sẽ chữa tất cả các vết thương trên cơ thể bất kể là nó bị tổn hại nặng tới đâu, tức là đúng nghĩa “chết đi sống lại” chứ không phải là tái tạo từng tế bào một như các loại Virus khác. Trong Resident Evil 2 Remake khi lần đầu gặp mặt G dưới hình hài của tiến sĩ William Birkin, chúng ta có thể thấy lúc đó William đã chết từ đời tám hoánh nào rồi, nhưng G-Virus vẫn có thể khiến cơ thể vật chủ hoạt động và la hét như bình thường - ở bản gốc thì vợ và con William còn nhầm tưởng ông ta còn sống nữa cơ.
Trong seri game Resident Evil thì có lẽ chỉ có đúng một thứ có thể so sánh được với G-Virus về khoản hồi phục này, đó là các con Regenerador thuộc Resident Evil 4, chúng được tạo nên bằng cách cấy nhiều con Plagas vào vật chủ, để chúng tối đa khả năng chữa trị. Một con Regenerador sẽ không thể bị tiêu diệt chừng nào đám Plagas còn sống, hơn nữa được cấy ẩn dưới da nên chúng không bị lộ ra ngoài như con mắt của G, tức là Regenerador sẽ 100% bất tử nếu gặp một kẻ địch không biết rõ về nó.
Nhưng đó chỉ là xét trên lý thuyết, vì với một hỏa lực đủ mạnh thì chúng ta có thể thổi bay toàn bộ cơ thể của Regenerador ra tro. Nhưng với G thì khác, kích thước to lớn của nó cho phép con quái vật này chịu được cả tá đạn vào người cũng chả hề hấn gì, trừ khi là bỏ nó vào máy xay nghiền nó ra thành từng mảnh một nhưng rất tiếc là game thủ ở Resident Evil 2 Remake không có cơ hội để kiểm chứng.
Điểm yếu duy nhất của G là không có khả năng lây nhiễm, một con G chỉ có thể lây sang một vật chủ khác có cùng gene như cái mà nó đang sở hữu. Nhưng vấn đề này chả tính là gì nếu xét theo phương diện dùng nó làm vũ khí sinh học dạng đặc biệt, hãy thử so sánh với Tyrant thì chúng ta có thể thấy cứ tiêm G-Virus vào là đột biến, còn Tyrant lại theo xác suất một trên mười triệu, khác biệt là quá rõ rệt.
G-Virus không hề kén vật chủ, bất kể ai bị nhiễm cũng sẽ đột biến như tiến sĩ William Birkin hết. Giờ hãy thử tưởng tượng Umbrella có thể tạo ra vô hạn sinh vật giống như con G trong Resident Evil 2 Remake, chỉ bằng việc cấy G-Virus vào vật chủ bất kỳ, ờ có vẻ như lúc đó thì thế giới này cũng đủ diệt vong luôn rồi. T-Virus hay bất cứ loại Virus nào trong seri cũng còn xa mới đạt tới độ bá đạo như vậy, thành ra gọi G-Virus là “God” cũng chả sai.
Cốt truyện Resident Evil 2 Remake kể về 2 thanh niên số nhọ nhất quả đất, khi ngay ngày đầu tiên đi làm đã gặp thảm họa Zombie đuổi giết sát ván,
Trường hợp có lẽ ngoại lệ đủ “xịn” để so với G-Virus thì có lẽ là T-Veronica, thứ này không kén vật chủ hơn nữa còn giúp kẻ được cấy giữ được lý trí như bình thường. Nhược điểm của T-Veronica là nó cần thời gian ngủ đông tới cả chục năm để vật chủ thích ứng với Virus, riêng điểm này thôi thì T-Veronica đã thua G-Virus khá nhiều rồi.
“G-Virus” là một thứ gì đó quá sức thần thánh, tới nỗi có vẻ Capcom đã nhận ra mình vừa sáng tạo ra một con Virus hơi bị mất cân bằng để có thể đưa vào game. Nếu theo đúng tiến trình cốt truyện để ai đó tiếp tục nghiên cứu G-Virus và tạo ra các thế hệ mới mạnh hơn, biết nghe lệnh hơn và hoàn hảo hơn thì có lẽ cái seri này cũng chấm hết luôn cho rồi.
Vì lý do này mà trong game tiến sĩ William Birkin là con G chính thức đầu tiên và duy nhất (phần phim thì có một con nữa nhưng không tính), Resident Evil 2 Remake là khoảng thời gian hiếm hoi mà những ai không biết tới “G” ở phần gốc cảm nhận một chút sức mạnh vô đối của nó.