Sau khi bỏ ra hơn 200 giờ trong tựa game thế giới mở Ghost Recon: Wildlands của Ubisoft và theo dõi những thông tin về FPS Rage 2 của id Software và Avalanche Studios, Mọt tui đưa ra so sánh mà bạn vừa được đọc trên tựa bài viết. Tại sao? Hãy dành ra 5 phút để đọc bài viết này và sau đó cùng gật gù đồng ý với tác giả nhé!
Đầu tiên, Rage 2 là một tựa game thế giới mở rất giống với Wildlands và các tựa thế giới mở của Ubisoft nói chung. Dù bối cảnh của Rage 2 có vẻ khá giống với Mad Max (tác phẩm trước của Avalanche Studios) khi cho game thủ lái xe lòng vòng trong một thế giới hậu tận thế, môi trường của Rage 2 tỏ ra phong phú hơn rất nhiều. Quả thật trong giai đoạn đầu game chúng ta sẽ vẫn bắt gặp những vùng sa mạc rộng đầy cát vàng, nhưng khi đi theo nội dung của cốt truyện, nhân vật chính Walker sẽ dần bắt gặp những vùng đất xanh tươi và trù phú hơn.
Chernobylite là dự án game kinh dị sinh tồn thế giới mở, được phát triển bởi The Farm 51 studio, cha đẻ của game World War 3.
Bản đồ này cũng được rải đầy các dấu chấm hỏi đánh dấu những vật phẩm để sưu tập, miniboss để tiêu diệt, nâng cấp để bổ sung sức mạnh và nhiều hoạt động bên lề khác nhằm làm phong phú cuộc chơi. Cả hai trò chơi đều cho phép game thủ đi sưu tập súng ống, mở khóa kỹ năng và các loại linh kiện phụ trợ cho vũ khí hoặc nhân vật của mình. Các khu vực trong game cũng được đánh dấu độ khó bằng mức độ “đầu lâu xương sọ” hiển thị trên bản đồ, chỉ khác là Rage 2 dùng thang điểm 10 còn Wildlands dùng thang điểm 5.
Sau đó, cũng cần phải nhắc đến khả năng gọi phương tiện cơ giới của game thủ. Nếu như trong Wildlands 2, các binh sĩ Ghosts nhờ phe Rebel mang đủ loại đồ chơi từ xe thể thao mạ vàng, máy ủi, xe thiết giáp đến trực thăng chiến đấu thì trong Rage 2, nhân vật chính của chúng ta cũng có thể gọi mô tô, bốn bánh, xe bay, tăng và rất nhiều món lạ khác. Tuy nhiên ở đây chúng ta lại có một sự khác biệt khá quan trọng: Wildlands tập trung vào các trận đọ súng trên bộ, còn Rage 2 rất ưu ái cho những cuộc rượt đuổi trên xe, với đủ thứ đồ chơi hạng nặng như tên lửa, đại liên và các loại bom.
Để tạo ra sân chơi cho game thủ thích đua xe, chỉ các loại xe cộ thôi là chưa đủ. Rage 2 thể hiện sự hỗn loạn, vô chính phủ của thời hậu tận thế bằng cách tạo ra nhiều phe phái khác nhau, và mỗi phe đều có những đoàn xe tuần tra trên bản đồ. Hai đoàn xe của hai phe phái đối nghịch sẽ lập tức nổ súng khi thấy mặt nhau, và bạn sẽ được “ngư ông đắc lợi” nếu cả hai bên đều là kẻ thù, và dĩ nhiên có thể nhảy vào giúp đỡ đồng bọn nếu có rảnh. Do không thể để cư dân lái xe lòng vòng như Wildlands, những cuộc đụng độ ngẫu nhiên và các đoàn xe tuần tra này là cách để Rage 2 giữ cho game thủ không nhàm chán khi lang thang trên những cung đường của nó.
Một nét tương đồng khác giữa Rage 2 với Wildlands nằm ở cách mà nhà phát triển “dọn món” cho game thủ. Theo các thông tin đã được công bố, Rage 2 cũng cho phép người chơi làm nhiệm vụ theo bất kỳ thứ tự nào mình thích hệt như Wildlands, trừ một vài nhiệm vụ hoặc trùm quan trọng đòi hỏi phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định. Mọt tui chưa được chơi Rage 2 nên không rõ game sẽ hạn chế sự tự do của game thủ nhiều ít ra sao, nhưng trong Wildlands, bạn có thể tiêu diệt gần như tất cả miniboss của băng đảng Santa Blanca theo bất kỳ thứ tự nào mình muốn. Giới hạn duy nhất của Wildlands là một vài boss cao cấp hơn mới đòi hỏi người chơi phải bắt chúng lộ diện bằng cách xử đẹp tất cả những kẻ dưới quyền.
Đó là sự tương đồng giữa Rage 2 với Wildlands. Trong khi đó, việc so sánh Rage 2 với Doom là khó tránh khỏi bởi cả hai đều có bàn tay của id Software, và bạn có thể dễ dàng nhận thấy điều này chỉ bằng cách xem clip. Các động tác xoay van, ấn nút đầy bạo lực của nhân vật Walker gần như được “bê nguyên xi” từ Doom 2016, trong khi phong cách thiết kế vũ khí cũng sặc mùi id Software. Mà thật ra Rage 2 còn cho phép bạn dùng BFG 9000, khẩu súng “thương hiệu” của Doom Guy từ phiên bản đầu tiên ra mắt hồi thế kỷ trước.
Hệ thống FPS của Rage 2 cũng mang đậm nét đặc trưng của Doom, không lẫn vào đâu được. Ngoài các loại súng hầm hố to kềnh càng mang phong cách tương lai, nhân vật chính còn được trang bị bốn kỹ năng thú vị là Vortex hút đối thủ trong tầm ảnh hưởng, Shatter hất tung kẻ địch trước mặt, Barrier tạo bức tường ngăn đạn và Slam “dậm đất” gây sát thương lên mọi thứ xung quanh. Mỗi kỹ năng trong số này đều có một cây nâng cấp riêng, cho phép game thủ xây dựng một nhân vật theo trí tưởng tượng của mình, có phần tương tự với các viên Rune của Doomslayer. Dù không hề “độc, lạ,” bốn kỹ năng này hứa hẹn sẽ đem lại cho game thủ cảm giác chiến đấu sướng mắt, đã tai (và cả đã tay) mà bạn từng được thưởng thức trong Doom 2016.
Các loại vũ khí trong game khá đa dạng, từ quen thuộc như khẩu súng ngắn, súng trường đột kích (Assault Rifle) tiêu chuẩn đến Gravity Dart có phần giống với món đồ chơi Gravity Gun của Gordon Freeman. Kết hợp chúng cùng các kỹ năng bên trên là đủ để game thủ đối phó với mọi tình huống, tạo ra những pha combat y như phim tùy thuộc vào trí tưởng tượng của mình. Điều này lại khiến Mọt tui nhớ đến Bulletstorm, tựa game thường thường bậc trung nhưng có phần combat khá hấp dẫn của Epic vài năm trước.
Bên cạnh đó, nhân vật chính của chúng ta còn được trang bị thêm cơ chế “Overdrive” chuyên tưởng thưởng những pha đọ súng hổ báo, “close & personal” kiểu Doom thay vì cẩn thận ẩn nấp và tỉa tót từng kẻ địch trên màn hình. Hãy xem nó là phiên bản cải tiến của Glory Kill trong Doom: khi tiêu diệt kẻ địch bằng Overdrive, bạn sẽ nhận được nhiều hơn, từ máu, đạn đến nâng sát thương cho vũ khí và tăng tỉ lệ rơi phần thưởng xịn từ kẻ địch.
Bởi tất cả những điều trên, khi ngày phát hành 14/5 của trò chơi đến càng gần, Mọt tui càng hưng phấn chờ ngày được thưởng thức nó. Bởi game sẽ được phát hành trên Steam, bạn cũng không cần phải lo ngại chuyện phải đăng ký thêm một tài khoản mới cho trò chơi hay có thêm một phần mềm nữa chạy trên máy mình.