Phụ Lục
Một trong các thể loại phim ưa thích nhất của Mọt tui là phim hành động súng ống Hollywood, đặc biệt là về các chiến dịch quân sự của quân đội Mỹ. Dễ hiểu mà, một thằng game thủ suốt ngày cày FPS, RTS làm thế nào có thể bỏ qua cơ hội được nhìn thấy những gì mình tưởng tượng trong đầu ở những góc quay hoành tráng hơn trên phim? Có lẽ là để chiều Mọt, các vị đạo diễn đáng kính làm hết sức mình để tạo ra những kịch bản hấp dẫn. Họ bày ra những tình huống ngặt nghèo từ binh nhì Ryan khốn khổ đến mật vụ CIA Lisa Morales, buộc các chàng diễn viên đẹp trai phải vào vai những binh sĩ phong trần, bụi bặm, thiện chiến đi giải cứu các con tin.
Cho bạn nào thắc mắc, bộ phim giải cứu mật vụ CIA là Act of Valor.
Trong quá trình tìm kiếm một bộ phim tương tự để giải trí trong những ngày Tết sắp đến, Mọt bất ngờ biết được rằng quân đội Mỹ từng thực hiện một “cuộc giải cứu”… một tựa game, chứ không phải một con người bằng xương bằng thịt nào. Nếu bạn muốn biết họ đã làm điều đó như thế nào – hạ hồi phân giải nhé!
Đùa thôi, mời các bạn tiếp tục đọc bài.
Hồi những năm 90 của thế kỷ trước, quân đội Mỹ bắt đầu sử dụng công nghệ thực tế ảo để huấn luyện binh sĩ của mình. Họ dự kiến sẽ dùng chương trình này để huấn luyện mọi giai cấp trong quân đội, từ anh lính quèn đến các vị tướng cách chiến đấu trong chiến tranh quy ước mà không phải tốn một viên đạn nào. Điều này thật ra không mới – thiết bị thực tế ảo đầu tiên đã được quân đội Mỹ chế tạo vào năm 1929 với tên “Link Trainer,” được thiết kế nhằm cho các phi công được huấn luyện trên mặt đất nhưng với cảm giác như đang bay thực sự.
Vào cuối thế kỷ 20, công nghệ đã tiến rất xa cho phép việc mô phỏng chiến trường chi tiết hơn nhiều, và quân đội Mỹ đang sử dụng những thiết bị mới khổng lồ, nặng nề và đắt đỏ. Dù vậy, hiệu quả của những thiết bị này đã cho các vị chỉ huy biết việc huấn luyện bằng thực tế ảo giá trị ra sao, và không ngừng tìm kiếm cách cải tiến chúng.
Cũng vào khoảng thời gian này, Bohemia Interactive, một nhà phát triển game có trụ sở tại Czech bắt tay vào việc thực hiện Operation Flashpoint: Cold War Crisis, một tựa game mô phỏng quân sự cực kỳ phức tạp. Đây là tựa game bản quyền đầu tiên của Mọt, nhưng chúng ta sẽ trở lại với nó vào một bài viết sau.
Khi phát triển Operation Flashpoint: Cold War Crisis, Bohemia biết rằng trò chơi của mình sẽ rất khó thành công nếu không gây dựng được một đội ngũ khách hàng tiềm năng. Vì thế nhà phát triển này quyết định “chơi lớn” vào năm 1999: họ tìm đến các tờ báo game, và tặng miễn phí những đĩa CD chứa bản demo khổng lồ nặng tới… 60 MB (bạn có thể tải về chơi thử tại đây) cho độc giả các tờ báo đó.
Trailer của game.
Nội dung của bản demo này khá ngắn gọn, nhưng kịch tính chẳng kém gì một màn chơi Call of Duty (lúc này còn chưa ra mắt). Game thủ khởi đầu là một anh lính NATO được giao nhiệm vụ chiếm lại một ngôi làng trên một hòn đảo giả tưởng ở Đông Âu. Sau khi chiếm được ngôi làng, một đợt phản công toàn tăng T-72 và xe bọc thép BMP đẩy lùi lực lượng NATO, buộc game thủ phải tháo chạy, tìm cách đến điểm tập kết nơi một chiếc trực thăng Blackhawk đang chờ. Sau khi vượt suối băng rừng, né tránh các nhóm tuần tra của kẻ địch, bạn được đón lên trực thăng và rồi… bị bắn hạ bởi pháo phòng không ZSU-23.
Sự khác biệt giữa bản demo này với một màn chơi Call of Duty nằm ở chỗ nó chọn lối chơi mô phỏng “hardcore” không dành cho đại chúng. Kẻ địch AI trong game không phải là những bia bắn như COD hay Battlefield, mà là những chiến binh thiện nghệ như hack – những ai quen với kiểu chơi arcade sẽ bị chúng cho “sấp mặt” cực nhanh, cực nhiều khi chơi, buộc họ phải thay đổi lối chơi của mình.
Chất lượng của bản demo này đã chinh phục được độc giả của các tờ tạp chí game. Phiên bản chính thức của game được bán ra vào cuối tháng 6/2001 còn chất lượng hơn, bởi nó cho phép game thủ tái hiện những trận chiến phức tạp đủ không thủy bộ trên một chiến trường mà Battlefield chỉ có thể xách dép. Vũ khí trong game chính xác hơn rất nhiều ở những khoảng cách xa hơn, nên “gun and run” có lẽ giúp bạn sống đủ lâu để bắn hết một băng đạn. Những yếu tố này biến Operation Flashpoint thành một tựa game đem lại cho người chơi yêu thích đề tài quân sự một trải nghiệm chưa từng có, nên bản chính thức của trò chơi vượt qua cả những tựa game đình đám như The Sims hay Diablo để trở thành tựa game bán chạy nhất nước Mỹ vào thời điểm này.
Ngoài bản PC, Bohemia còn làm một bản Operation Flashpoint cho Xbox. Thật không may là sự phức tạp của trò chơi và tay cầm Xbox không chịu chơi với nhau, khiến Bohemia lỗ nặng trên Xbox. Suýt nữa thì họ đã phá sản nếu không có chiến dịch giải cứu của quân đội Mỹ vào thời điểm này.
Trong năm 2001, ngoài việc phát hành Operation Flashpoint, Bohemia còn mở một studio mới ở Úc đẻ làm những tựa game “nghiêm túc” dựa trên engine của Operation Flashpoint. Mục tiêu của họ là làm game cho những nền tảng mô phỏng không dành cho đại chúng, theo lời vị giám đốc studio là Peter Morrison.
USMC – lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ - là một trong những khách hàng của studio này. Họ đặt studio làm riêng cho mình một phiên bản của Operation Flashpoint với tên gọi Virtual Battlefield System 1 (VBS1). VBS1 được hoàn thiện vào năm 2004, và chính số tiền từ hợp đồng này đã giúp Bohemia trụ lại được sau thất bại của phiên bản Operation Flashpoint trên Xbox vài năm trước thời điểm này.
Là một phiên bản quân sự, trong mắt các game thủ thích lối chơi arcade đơn giản của Call of Duty hay Battlefield, VBS1 thậm chí còn… chán hơn cả Operation Flashpoint, nhưng chẳng sao cả. Mục tiêu của VBS1 là tạo ra một phương thức rẻ tiền, dễ dàng và hiệu quả để dạy cho binh sĩ cách phối hợp cùng nhau trong những tình huống chiến đấu, để cứu mạng thay vì để mua vui.
Sau VBS1, Bohemia tiếp tục hợp tác với quân đội Mỹ bằng cách tung ra những phiên bản kế tiếp như VBS2, VBS3 phục vụ cho việc huấn luyện binh sĩ. Số tiền mà họ nhận được từ các phiên bản VBS này không quá lớn, nhưng được cái lâu dài. Vào năm 2017, hợp đồng kéo dài 5 năm bảo trì và nâng cấp VBS3 của Bohemia với quân đội Mỹ có giá trị 12,8 triệu USD.
Trong khi kiếm được nguồn tiền mới từ các hợp đồng với quân đội Mỹ, Bohemia lại phải chia tay với nhà phát hành Codemaster. Trong quá trình “chia tài sản,” Bohemia mất thương hiệu Operation Flashpoint vào tay nhà phát hành này. Vì vậy, họ buộc phải đổi tên các phiên bản dân sự thành ArmA. Từ đây, họ liên tục phát triển những phiên bản ArmA mới dành cho những thường dân thích thử nghiệm chiến tranh lẫn những binh sĩ giải ngũ còn thích mùi thuốc súng.
Và như các bạn đã biết trong bài viết trước của Mọt, ArmA 2 là mảnh đất màu mỡ đã khai sinh ra dòng game sinh tồn nhờ Dean Hall (tác giả bản mod DayZ), cũng như thể loại Battle Royale nhờ Brendan Greene. Vì vậy, quân đội Mỹ không chỉ giải cứu một tựa game “sấp mặt” trên Xbox, mà còn tình cờ góp phần vào sự ra đời của hai trong số những thể loại game nóng bỏng nhất ngày nay.