Phụ Lục
Kể từ khi PlayStation ra đời vào năm 1994, Sony đã gắn bó với cách đặt tên đơn giản bằng những con số 1, 2, 3, 4 thay vì đổi tên xoành xoạch như Nintendo hay Microsoft. Vì vậy, game thủ thế giới đã đoán được rằng hệ máy next-gen của hãng sẽ là PlayStation 5, chỉ còn thiếu một xác nhận chính thức từ phía Sony.
Và bây giờ, tổng giám đốc Sony Interactive Entertainment là ông Jim Ryan đã đem lại cho game thủ lời xác nhận đó. Hệ máy next-gen của Sony sẽ được gọi PlayStation 5. Chưa hết, ông còn xác nhận rằng nó sẽ được ra mắt vào kỳ nghỉ lễ cuối năm 2020.
Đây là thông tin mới đầu tiên từ Sony về PlayStation 5 kể từ khi họ công bố một loạt thông tin về nó hồi tháng 4 vừa qua. Sony thậm chí còn bỏ qua E3 2019, trong khi Microsoft sử dụng cơ hội này để tung ra nhiều chi tiết về hệ máy mới kế thừa Xbox One với tên mã là Project Scarlett. Cũng như PS5, Project Scarlett sẽ dùng một CPU dựa trên công nghệ Ryzen và một card đồ họa dựa trên dòng Navi, cả hai đều của AMD. Sự tương đồng của đôi bên còn chưa dừng lại ở đó, bởi cả Xbox Scarlett và PS5 đều vứt bỏ ổ đĩa cứng HDD truyền thống để chuyển sang SSD đời mới đem lại tốc độ nhanh hơn.
Một số thông tin mới về PlayStation 5 cũng được tiết lộ trong dịp này. Ông Mark Cerny, kiến trúc sư hệ thống của Sony nhắc lại khả năng hỗ trợ ray-tracing của PS5 không phải chỉ dựa trên phần mềm, mà hoàn toàn được xây dựng trên phần cứng, cụ thể là card đồ họa của máy. “Có bộ xử lý ray-tracing trên card đồ họa. Tôi tin rằng đây là thông điệp mà mọi người đang chờ đợi,” ông Mark Cerny cho biết. Đây là một điều quan trọng bởi ray-tracing không chỉ có thể được ứng dụng trong việc dựng hình mà còn có thể đem lại cho game thủ những hiệu ứng âm thanh chân thực hơn bằng cách mô phỏng sự vang vọng và phản xạ của âm thanh qua các bề mặt trong môi trường.
Ông Mark cũng nói rằng quyết định lựa chọn ổ cứng SSD cho PS5 không chỉ nhằm tăng tốc thời gian load game nhờ tốc độ truyền tải dữ liệu, mà còn vì hiệu năng của nó. Khi một ổ cứng bình thường trên console quay ở tốc độ 5.400 vòng / phút, ổ cứng phải liên tục di chuyển đầu đọc để tìm và đọc dữ liệu cần thiết, khiến các linh kiện khác phải chờ dữ liệu và tốc độ xử lý chậm lại. Để khắc phục điều này trên HDD, các nhà phát triển phải nhân bản nhiều mảnh dữ liệu để tạo thành các khối dữ liệu liền nhau, giảm bớt việc di chuyển đầu đọc và tăng tốc độ xử lý của máy.
Tuy nhiên điều này lại khiến dung lượng của trò chơi phình to. Theo lời ông Mark Cerny, trong Marvel’s Spider-Man có một số mảnh dữ liệu được nhân bản đến… 400 lần trong ổ cứng, khiến dung lượng của game cao hơn nhiều so với nguyên bản. Bởi SSD không có đầu đọc, nó không cần phải chờ các cơ chế di chuyển đầu đọc đến vị trí cần thiết nên ngoài tốc độ cao, SSD còn có thể giúp các nhà phát triển giảm bớt dung lượng của trò chơi. Sẽ có những studio dùng dung lượng này để mở rộng tựa game của mình, trong khi số khác tối ưu hóa kích thước của game. Dù chọn phương án nào, game trên PlayStation 5 đều sẽ dùng đĩa Blu-Ray có dung lượng 100 GB. Đầu đọc đĩa của PlayStation 5 cũng sẽ là một máy phát Blu-Ray 4k.
Việc cài đặt game trên PS5 sẽ có một chút khác biệt so với PS4. Nhờ những lợi thế của SSD đã được nhắc đến ở trên, Sony tạo ra một tiến trình cài đặt và cả gỡ cài đặt tiên tiến hơn. Thay vì xem game như một khối dữ liệu lớn và game thủ buộc phải cài đặt toàn bộ vào ổ cứng, game thủ sẽ có thể lựa chọn phần mình muốn trong trò chơi (nếu nhà phát triển cho phép). Điều này có nghĩa là game thủ có thể chọn cài phần chơi đơn của game và bỏ qua phần chơi mạng, hoặc cài cả chơi đơn lẫn chơi mạng rồi xóa phần chơi đơn sau khi đã hoàn tất nó, chỉ giữ lại phần chơi mạng để tiếp tục “chiến” online.
Giao diện của PS5 cũng sẽ được làm lại hoàn toàn. Với PS4, game thủ phải mở game lên để biết được bạn bè đang làm gì trong tựa game đó hay xem những trận multiplayer đang diễn ra. PS5 sẽ thay đổi điều đó bằng cách cung cấp các thông tin trên cho game thủ từ server ngay trên giao diện chính của máy, và bạn có thể nhảy vào tham dự một trận multiplayer hay co-op cùng bạn bè ngay lập tức từ giao diện này.
PS5 cũng sẽ sở hữu một tay cầm mới chưa có tên (rất có thể sẽ được gọi là DualShock 5) có ngoại hình rất giống DualShock 4 hiện tại, nhưng dùng kết nối USB Type C để sạc và kết nối với PS5. Nó cũng có một số thay đổi đáng chú ý. Một là “adaptive triggers”:nhà phát triển nay có thể lập trình hai cò R2, L2 để thay đổi sức nặng khi bấm xuống, mô phỏng các cảm giác như bề mặt môi trường hay bóp cò súng, kéo dây cung… Hai là công nghệ rung haptic mới với nhiều cấp độ hơn, khác biệt so với chỉ một mức độ rung trên các tay cầm cũ. Cuối cùng, loa trên tay cầm này cũng được cải tiến, tất cả kết hợp cùng nhau để đem lại cảm nhận chi tiết hơn cho các tình huống khác nhau trong game.
Playstation 5 có thể sở hữu mọi tính năng đỉnh cao nhất trên đời, nhưng nó sẽ chẳng bao giờ ngầu bằng các icon save đậm chất bá đạo thời cũ.
Thật ra công nghệ rung haptic đã được phát triển từ lâu, lúc DualShock 4 còn chưa được bán ra chính thức và đã hoàn thiện trước khi PS4 Pro ra đời, nhưng Sony quyết định không đưa nó vào PS4 Pro mà “ém hàng” chờ đến PS5. Những công nghệ mới này khiến tay cầm mới nặng hơn DualShock 4 một chút, nhưng vẫn nhẹ hơn tay cầm Xbox hiện tại, theo lời ông Toshi Aoki, product manager của Sony.
Đó là tất cả những thông tin mới nhất mà Mọt có được từ Sony về hệ console mới PlayStation 5. Chúng ta vẫn còn chưa biết được ngoại hình của nó trông sẽ ra sao, nhưng ắt hẳn Sony sẽ sớm thỏa mãn thắc mắc đó của game thủ.