Phụ Lục
PlayerUnknown’s Battlegrounds, Fortnite, Black Ops 4 có điểm gì chung? Nếu đáp án của bạn là “cùng có Battle Royale,” nó chỉ đúng nhưng chưa đủ. Cả ba tựa game này đều là những tựa bắn súng không có phần chơi đơn theo cốt truyện (campaign), nhưng vẫn hết sức thành công cả về danh tiếng lẫn doanh thu, và phần nào đó minh chứng cho xu thế suy tàn của chế độ campaign trong các tựa game bắn súng hiện đại. Bản thân nhà phát hành EA cũng từng hát bài ca “chơi đơn đã chết,” nên khi nghe tin rằng phần chơi đơn của Battlefield 5 vẫn tồn tại, Mọt tui đã hết sức vui mừng chờ đến ngày ra mắt của game.
Quả thật, phần chơi chiến dịch từng là điểm hút khách chính của các tựa game bắn súng ngày nào. Tuy nhiên khi đồ họa ngày một tiến bộ, game thủ ngày càng có con mắt khắt khe hơn về hình ảnh, đòi hỏi nhiều hơn về lối chơi và phán xét kịch bản game như những nhà bình luận độc miệng. Để làm ra một tựa game đáp ứng được những đòi hỏi này, các nhà làm game phải chi một khoản tiền khổng lồ để thuê diễn viên lồng tiếng, trả lương cho tác giả kịch bản, chưa kể đến chi phí cho đội ngũ lập trình viên, tester, ti tỉ thứ không tên khác. Dù vậy, kết quả mà họ nhận được chưa hẳn đã tương xứng với chi phí đầu tư, và cũng chẳng mấy ai chơi lại campaign của một tựa FPS quá hai lần.
Trong khi phần chơi đơn của các tựa game FPS ngày càng tốn kém hơn, mục chơi mạng của FPS lại ngày càng trở nên phổ biến nhờ sự lan rộng của internet. Các mục chơi mạng có thể giữ chân game thủ hàng trăm giờ mà chẳng cần đến kịch bản, cốt truyện – tất cả những gì người chơi cần chỉ là gameplay, nên chi phí phát triển nó rẻ hơn rất nhiều. Chưa hết, các nhà phát triển cũng nhìn thấy một cách hốt bạc mới khi xu thế microtransaction xuất hiện, và chẳng nơi nào khuyến khích sự ganh đua khoe hàng của game thủ hơn là mục multiplayer. Vì vậy, khi một tựa game đứng trước “ngã ba đường” tập trung hoàn toàn vào chơi mạng hay làm một tựa game đủ cả đơn và mạng như truyền thống, đó là một lựa chọn hết sức dễ dàng.
Và bây giờ khi hoàn tất phần chơi đơn của Battlefield 5, Mọt tui có cảm giác rằng nhà phát triển DICE đang cố gắng thỏa hiệp với game thủ lẫn EA bằng cách… đi cả hai con đường. Họ đổ dồn công sức vào mục chơi mạng (và có lẽ đang vắt óc tạo ra luật chơi cho Firestorm), trong khi vẫn phải cho game thủ chế độ chơi đơn mà họ mong muốn. Vì vậy, phần chơi đơn của Battlefield 5 giống như một bữa ăn Tây: các món được dọn ra trong những chiếc dĩa to ngoại cỡ nhưng chỉ đủ để bạn cho 1 phát vào miệng chẳng thừa được chút nào. Với chỉ… ba màn chơi khác nhau đặt tại Bắc Phi, Na Uy, Pháp, toàn bộ thời lượng của phần chơi đơn của Battlefield 5 chỉ kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ, trong khi DICE treo lủng lẳng một “món tráng miệng” trước mặt game thủ bằng dòng chữ “Coming Soon” (sắp ra mắt) ở màn chơi thứ 4. Màn chơi thứ 4 này sẽ kể về một cậu bé bị kéo vào quân đội, trở thành một chỉ huy một chiếc xe tăng bảo vệ Berlin trước ngày sụp đổ của quân Đức.
Và cả ba màn chơi đó cũng chẳng liên quan gì đến nhau. Nếu đã chơi qua Battlefield 1 và các War Stories của nó, bạn sẽ quen thuộc với phong cách làm campaign này. Chúng là những câu chuyện manh mún kể về những nhân vật nhỏ bé ở đâu đó trong cuộc chiến tranh lớn nhất lịch sử nhân loại, và bạn chỉ gặp họ đúng một lần duy nhất trong game. Thật ra phần chơi đơn của Battlefield 5 ngắn hơn rất, rất nhiều so với Battlefield 1 và cũng kém ấn tượng hơn rất nhiều. Các màn chơi trong Battlefield 5 hoàn toàn mới, nhưng với một game thủ chưa từng bỏ sót phiên bản Call of Duty nào như Mọt tui, chúng đem lại cảm giác quen thuộc đến bất ngờ cả về khung cảnh, bối cảnh lẫn nội dung.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt đáng nói giữa phần chơi đơn của Battlefield 5 với Battlefield 1 hay với các tựa Call of Duty là kích thước bản đồ. DICE không tạo ra những hành lang dài chật hẹp hay các con đường rừng bị rào lại bằng cây cối hay bụi rậm ở hai bên, buộc game thủ phải đi theo đúng thứ tự nhà phát triển muốn. Chúng là những bản đồ mở rất rộng lớn, với một loạt nhiệm vụ được tung ra cùng lúc rồi để game thủ tự do quyết định mình muốn làm gì. Game thủ sẽ vẫn phải phá hủy pháo phòng không, tiêu diệt xe tăng, cứu tù binh trong căn cứ địch… nhưng bạn có thể lựa chọn giữa lén lút và ồn ào, giữa trượt tuyết và chạy bộ, phá cửa xông vào hay đánh lén từ sau lưng… Có thể nói rằng “gia vị” thế giới mở của DICE đã phần nào khiến các màn chơi này thú vị và lạ lẫm hơn đôi chút.
Nhưng nói chung, Mọt cảm thấy rất thất vọng vì phần chơi đơn của Battlefield 5. Nó không đủ dài để tạo thành một trải nghiệm hoàn chỉnh, và ngưng hẳn một cách đột ngột trước lúc “cao trào,” dù mỗi màn chơi vẫn có những khoảnh khắc ấn tượng riêng. Thêm vào đó, có lẽ do chưa có kinh nghiệm với thể loại open world, DICE rất kém trong việc điều chỉnh nhịp độ của màn chơi. Sẽ có những lúc bạn lang thang một thời gian dài mà chẳng gặp đối thủ nào, nhưng ngay sau đó phải cày qua hàng chục tên địch để bước vào vị trí nhiệm vụ. Ngay cả cách họ thiết kế bản đồ “mở” cũng khá kỳ lạ – có những khu vực tưởng như cho phép đi qua, nhưng khi vào đó bạn sẽ nhận được thông báo phải trở lại khu vực nhiệm vụ trong vòng 10 giây nếu không muốn lăn ra đất và load lại checkpoint.
Với những gì đã trải nghiệm, tác giả cảm thấy rất khó để đánh giá cao phần chơi đơn của Battlefield 5. Cả ba màn chơi đều có những điểm sáng xứng đáng được khen ngợi, chẳng hạn cốt truyện của từng màn, biểu cảm của các nhân vật, thiết kế bản đồ mới lạ hay cảm giác bắn rất sướng tay. Tuy nhiên về tổng thể, trải nghiệm của game thủ bị kéo lùi bởi thời lượng quá ngắn của cốt truyện. Ngay cả khi những màn chơi mới được tung ra trong tương lai, Mọt tui cho rằng chúng cũng khó có thể khiến game thủ đắm chìm vào trong câu chuyện mà DICE muốn kể bởi sự manh mún và “nhỏ giọt” như thế này. Nếu đây là cái giá phải trả để giữ lại phần chơi đơn của Battlefield 5, có lẽ DICE nên noi theo Treyarch và thẳng thừng vứt bỏ nó để tập trung vào chế độ multiplayer, hoặc để dành ý tưởng cho Bad Company 3.