Thông thường, người ta sẽ chơi game bằng tay cầm, bàn phím/chuột hay các thiết bị chơi game thực tế ảo. Tuy nhiên, trong lịch sử phát triển của ngành công nghiệp game, nhiều nhà phát triển đã cố gắng tận dụng những tiện ích của PC/Console để tạo ra những thay đổi thú vị hơn trong cách trải nghiệm game của khách hàng. Có nhiều ý tưởng thú vị nhưng cũng không ý các "sáng kiến" tỏ ra khá kỳ quặc. Có thể họ cho rằng chỉ một thay đổi nho nhỏ khi cắm controller vào máy chơi game hay chút tương tác với mic thôi sẽ tạo ra những trải nghiệm game thú vị hơn rất nhiều.
Trong tựa game nổi tiếng The Legend of Zelda: Phantom Hourglass, một vài câu đố có thể yêu cầu người chơi tận dụng triệt để tính năng của Nintendo DS và nó trông khá là kỳ quặc. Điển hình chính là việc game yêu cầu người chơi phải thổi nến để mở ra Temple of Fire. Tuy nhiên, hành động thổi nến này không thông qua việc nhấn nút, mà game yêu cầu người chơi phải thực sự thổi vào mic của chiếc máy DS mới có tác dụng. Rõ ràng đây là một mánh lới nho nhỏ nhưng khá thú vị bởi nó giúp cho người chơi đắm chìm hoàn toàn vào tựa game họ đang trải nghiệm.
Khi được phát hành lần đầu tiên, bản DLC có tên Paper Trail của tựa game Infomous: Second Son đã yêu cầu người chơi phải truy cập vào một website có thật, với mục đích cho người chơi cảm giác như mình thực sự là nhân vật chính Delsin Rowe đang đi tìm các manh mối. Tuy nhiên, có vẻ như phần đông người chơi đều cảm thấy không thể ưng nổi cách làm này nên đã khiếu nại tới Sucker Punch. Ngay sau đó, hãng phát triển đã tung ra một bản vá để loại bỏ đi tính năng này. Manh mối người chơi cần tìm có luôn ở trong game, người chơi không cần phải truy cập website nào nữa. Dĩ nhiên trang web kia sau khi hoàn thành chức năng cảu mình cũng không còn tồn tại nữa.
OneShot là một trò chơi giải đố nhưng game thủ lại coi nó giống như một con virus máy tính hơn. Tại sao lại vậy? Bởi OneShot sẽ tự động vượt quyền để thực hiện một số thay đổi trong chiếc máy tính của bạn như: tự thay đổi hình nền, tự download một số file xuống. Chính những thay đổi đó lại đóng vai trò manh mối, chứa các thông tin gợi ý cho những câu đố trong game. Đáng chú ý nhất là có một tệp nằm trong folder Documents ngay sau khi game thủ hoàn thành trò chơi. Lần đầu tiên khi bạn hoàn thành game, bạn có thể lựa chọn một trong hai kết thúc, nhưng chúng đều không phải happy ending. Và chính cái tệp nằm trong Documents kia sẽ chỉ dẫn cho người chơi tới với kết thúc thứ ba, hay còn gọi là kết thúc thực sự của OneShot. Có vẻ thú vị nhưng với những game thủ khó tính họ sẽ xóa ngay OneShot vì cảm giác bị "qua mặt" trắng trợn.
Có nhiều đánh giá cho rằng game thủ chúng ta đa số là những người thích “ẩn dật”, “nhút nhát” và "thiếu các liên kết tích cực với xã hội". Game Freak rõ ràng muốn thay đổi những lời đánh giá tiêu cực nói trên thông qua các phiên bản của trò chơi Pokemon, bằng cách khuyến khích người chơi bước chân ra ngoài nhiều hơn. Ngay từ những trò chơi đầu tiên, hãng đã tạo ra những con Pokemon đặc biệt, người chơi chỉ có thể kiếm được chúng bằng cách tham gia các sự kiện được tổ chức ngoài đời thật. Thậm chí những sự kiện ngoài đời này còn chứa những nội dung bị khóa trong game. Mặc dù điều này thoạt nhìn có vẻ hơi phiền toái với những tay thích ẩn dật nhưng chung quy đó vẫn là thiện ý ủa NSX với lại đây là chuyện có lợi cho game thủ. Nếu bạn muốn hoàn thành 100% các trò chơi Pokemon, hãy bước chân ra ngoài, tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn.
Metal Gear Solid là một trong những trò chơi nổi tiếng nhất với việc “Phá vỡ bức tường thứ 4”. Trong game, nếu muốn đánh bại Psycho Mantis, bạn sẽ phải…đổi vị trí của 2 cổng cắm controller. Lý do là bởi Psycho Mantis có khả năng ngoại cảm cực bá đạo. Hắn ta có thể đọc tâm trí của Snake để có được lợi thế khi chiến đấu. Mantis biết trước được mọi di chuyển cũng như hành động của Snake để có thể né tránh cũng như phản đòn ngay lập tức. Cuối cùng, việc bạn đổi vị trí 2 cổng cắm controller nhằm mục đích… không cho Mantis đọc suy nghĩ của Snake nữa. Dù trận đánh sau đó cũng chẳng dễ dàng hơn là mấy nhưng ít nhất, Mantis không còn đoán trước được hành động của Snake nữa.
Có lẽ mấy tay mê văn hóa 2D không ai là không biết tới Doki Doki Literature Club. Ẩn bên trong những ngoại hình cute, bắt mắt đó là sự ám ảnh khiến tất cả game thủ đều phải suy ngẫm và thấy rợn tóc gáy. Trong game, vì một lý do nào đó, cô nàng Monika nhận ra mình đang ở trong một trò chơi và cũng bằng cách nào đó, cô có luôn khả năng chỉnh sửa các tệp tin của trò chơi này. Do đó, bạn không thể hoàn thành Doki Doki Literature Club nếu Monika cứ mãi đeo bám xung quanh. Cuối cùng, bạn buộc phải mở game trong máy tính của mình và xóa đi file Monika. Nếu đã chơi trò chơi này, chắc chắn bạn sẽ thấy đó không phải là một quyết định dễ dàng. Nhưng sự ám ảnh mà Monika gây ra trong suốt cả trò chơi rất đáng sợ. Đôi lúc tôi còn thấy mơ hồ giữa việc mình đang chơi game và việc mình đang thực sự bị chính Monika ám. Sau khi tệp Monika được xóa, bạn có thể đi tới cuối cùng của trò chơi này.
Who Framed Roger Rabbit là một trò chơi cổ lỗ sĩ được phát hành hồi năm 1989 trên máy NES. Bạn cần nhớ rằng đây là thời điểm mà các tính năng đại loại như Mission Logs, Mini Maps hay Waypoint, thứ đóng vai trò hỗ trợ người chơi dễ theo dõi cũng như thực hiện các nhiệm vụ trong game, chưa từng ra đời. Vào thời kỳ này, nếu nhiệm vụ của bạn quá phức tạp, bạn rất dễ lạc lối vì thật quá khó khăn để biết mình cần phải làm gì để trò chơi được tiếp tục. Who Framed Roger Rabbit đã nghĩ ra một cách rất thú vị giải quyết vấn đề của riêng mình. Thay vì đặt gợi ý để giải quyết vấn đề trong trò chơi, các lập trình viên đã chơi chiêu khi tạo ra bí ẩn trong bí ẩn khi thứ người chơi có thể tìm thấy là một dãy số điện thoại. Cứ mạnh dạn quay số để được kết nối với hộp thư thoại của Jessica Rabbit,và cô ta đã có sẵn một tin nhắn được ghi âm cho người chơi biết phải làm gì tiếp theo. Thật khó tin khi cách đây 30 năm người ta đã nghĩ được những trò thú vị như vậy.
Có thể thấy ở thời điểm mà ngành game còn thiếu thốn và hạn chế, các nhà phát triển đã sáng tạo như thế nào. Họ nghĩ ra rất nhiều cách độc đáo để thu hút sự chú ý của game thủ. Tới tận bây giờ, tôi vẫn mong sự sáng tạo đó được duy trì và phát triển hơn theo hướng đi lên cùng công nghệ. Rõ ràng công nghệ chơi game đang phát triển quá nhanh, chúng ta đã có rất nhiều cách tương tác mới với thế giới game, điển hình công nghệ game thực tế ảo. Chắc chắn trong tương lai không xa, game thủ sẽ được tiếp cận tới nhiều cách chơi game mới lạ hơn.