Phụ Lục
Thành công của Ubisoft có thể kể tới rất nhiều loạt game vẫn còn được duy trì tới tận ngày nay. Tuy nhiên, không một công ty nào lại không trải qua thất bại cả, và thất bại của Ubisoft cũng nhiều không đếm xuể. Có những trò chơi của hãng khiến người hâm mộ thực sự bối rối, không hiểu được tại sao những tựa game siêu thảm hại như vậy lại tồn tại.
Hãy cùng Mọt tôi tới với những cái tên cuối cùng trong danh sách những trò chơi của Ubisoft đã thất bại một cách đau đớn.
Không hấp dẫn được như các trò chơi Myst trước đó, giới chuyên môn đánh giá các câu đố trong Uru: Ages Beyond Myst gây khó chịu hơn là tạo sự thách thức cho người chơi. Bên cạnh đó, Ubisoft cũng không làm tròn lời hứa ban đầu là trải nghiệm trực tuyến sẽ được cập nhật liên tục.
Theo giải thích của Eurogamer, ban đầu, hãng phát triển Cyan World bắt đầu phát triển Myst cho Ubisoft kể từ khi họ mới chỉ là một hãng phát hành nhỏ. Vào thời điểm đó, kế hoạch của Ubisoft là phát triển mạnh mảng chơi trực tuyến. Đáng buồn thay, về sau Ubisoft đã quyết định rời bỏ phần chơi trực tuyến khiến nhiều dự định của Cyan World buộc phải hủy theo.
Sự hợp tác mang nhiều bất đồng nội bộ Ubisoft - Cyan World chính là nguyên do khiến cho Uru: Ages Beyond Myst trở thành một sự thất bại cay đắng.
Các phần game trong loạt Lunar đã thu về một lượng lớn người hâm mộ trung thành, nhưng Lunar: Dragon Song lại là một sai lầm lớn. Trò chơi này bán được ít hơn 25.000 bản trong lần phát hành đầu tiên tại Nhật. Khi tới thị trường Bắc Mỹ, Dragon Song thậm chí phải nhận nhiều chỉ trích và chê bai hơn, đặc biệt là về lối chơi và hệ thống chiến đấu.
Bên cạnh đó, việc dịch thuật lời thoại từ tiếng Nhật sang tiếng Anh cũng bị chê trách. Nó khiến cho việc giải thích cốt truyện trở nên thiếu logic và kém hấp dẫn hơn, thiếu đi sự kết nối với các phiên bản trước. Nhìn chung, Lunar: Dragon Song là một thất bại cay đắng của Ubisoft trong lòng người hâm mộ.
Haze còn hơn cả thất bại về mặt tài chính, nó trở thành nạn nhân của sự kỳ vọng cao của cộng đồng người hâm mộ. Ngay từ trong quá trình phát triển, Haze đã được kỳ vọng sẽ trở thành "Halo killer", tựa game sẽ đánh bại được Halo. Bên cạnh đó, trò chơi cũng có những mục tiêu cao cả và rất nhiều ý nghĩa đặc biệt.
Nhưng thật không may, Haze không đáp ứng được bất cứ kỳ vọng nào, dù là nhỏ nhất, của game thủ. Trò chơi đã bị trì hoãn rất nhiều lần vì những người làm việc tại Free Radical phải thêm vào nhiều tính năng theo lệnh của Ubisoft.
Một sai lầm nữa là Haze lại được phát hành độc quyền trên PlayStation 3, điều này khiến game không thể thực hiện được mục tiêu "hạ bệ Halo". Làm sao những game thủ Halo trên Xbox lại có thể bỏ tiền ra mua Haze trên PlayStation cơ chứ.
Cuối cùng, thất bại toàn diện của Haze cũng khiến cho hãng phát triển Free Radical phải đóng cửa.
Cold Fear là một tựa game kinh dị sinh hồn, nhưng lại tập trung hơn vào mảng hành động, được Ubisoft phát hành vào năm 2005. Nhiều người đã ngay lập tức so sánh nó với Resident Evil 4, do trò chơi phát hành sau RE4 chỉ 2 tháng. Khi mới ra mắt, Cold Fear cũng nhận được rất nhiều lời tán dương từ phía giới chuyên môn.
Nhưng cuối cùng, những lời đánh giá tốt đó cũng không đưa Cold Fear tới với thành công được. Tính tới tháng 2 năm 2006, tức gần một năm sau ngày phát hành, doanh số Cold Fear ở Hoa Kỳ còn chưa tới nổi con số 70.000 bản trên cả PC, Xbox và PlayStation 2 cộng lại. Nhiều người nhận xét rằng chính cái bóng quá lớn của Resident Evil 4, cộng với việc Cold Fear chưa thực sự được phát triển tới tầm và vẫn còn tồn tại khá nhiều điểm khó chịu trong cách thiết kế các màn chơi đã khiến cho trò chơi của Ubisoft không đạt thành công như mong đợi.
Nào có ai ngờ được rằng một thương hiệu chuyên về dịch vụ ăn uống lại có thể được xây dựng thành một tựa game thuộc thể loại đua xe. Hooters: Road Trip được phát triển bởi một công ty được thành lập từ một tay chơi cực mạnh. Trò chơi này nhấn mạnh vào hình ảnh các Hooters Girl (những cô nàng phục vụ ăn mặc nóng bỏng, biểu tượng của chuỗi nhà hàng Hooters).
Nhưng 30/100 điểm Metascore và 0.4/10 điểm User Score đã khẳng định được chất lượng siêu thảm hại của Hooters: Road Trip. Thậm chí nhiều người đã cho rằng trò chơi này thực sự là một cú lừa đau đớn dành cho người hâm mộ. Game bị đánh giá phần đồ họa, cơ chế gameplay hay các màn chơi được thiết kế ở mức siêu tệ hại, không ai có thể chấp nhận nổi.
Và quan trọng nhất, trò chơi đã lừa game thủ bằng những hình ảnh của các cô Hooter nóng bỏng. Trên thực tế, những cô đào Hooter chỉ là những hình ảnh vô hồn được lặp đi lặp lại vài câu nói trong một mẩu video ngắn sau mỗi vòng đua. Nhiều người chỉ sau một màn chơi, họ đã vứt ngay đĩa game vào nơi nó xứng đáng thuộc về, đó là sọt rác.
Bộ phim The Road to El Dorado thực sự là một thất bại tại phòng vé của Dreamworks. Nhưng tôi vẫn thấy rất khó hiểu khi Ubisoft lại có thể phát hành một trò chơi được làm dựa trên bộ phim tệ hại đó, Gold and Glory: The Road to El Dorado. Thậm chí họ còn sử dụng một số cảnh quay tử chính bộ phim để đưa nó vào các đoạn cắt cảnh trong phiên bản video game.
Nhìn chung, tổng thể trò chơi cũng chẳng khá hơn gì bộ phim cả. Gold and Glory: The Road to El Dorado nhận hàng loạt những đánh giá tiêu cực. Các đoạn phim cắt cảnh trong bộ phim hoạt hình không thể cứu vãn nổi một trò chơi rối rắm tới mức khó trải nghiệm. Hầu hết các đánh giá của giới chuyên môn đều cho rằng trò chơi có tiết tấu chậm tới mức tẻ nhạt, các câu đố được thiết kế quá vô lý hơn là thử thách.
Fighters Uncaged là một tựa game được thiết kế cho Kinect. Nó là một trò chơi chiến đấu (trên lý thuyết), cho phép người chơi có cảm giác mình đang tham gia một trận chiến tay không thực sự trong khi sẽ không có vết thương nào để lại. Nhưng đó chỉ là trên lý thuyết, thực tế bao giờ cũng ngược lại.
Cốt truyện trong Fighters Uncaged chỉ được làm ra cho có. Nó khiến cho một đoạn phim cắt cảnh ngắn ở đầu game cùng đoạn giải thích trong tài liệu đi kèm cố giới thiệu tổng quan về cốt truyện trở nên lạc lõng và thực sự không cần thiết. Vấn đề nghiêm trọng hơn nằm ở lỗi trò chơi không phản hồi lại thao tác của người chơi. Trò chơi này khiến cho người trải nghiệm nó trông thật ngu ngốc, khi họ cố gắng làm cho hệ thống game nhận diện được đòn đánh của mình.
Thật may mắn khi biết rằng không một trò chơi thảm họa nào được Ubisoft “cố đấm ăn xôi” tới tận bây giờ. Ngoại trừ những tựa game thực sự chất lượng, nhưng lại bị Ubisoft quảng bá sai cách, như Beyond Good & Evil.