Phụ Lục
Nhân việc chơi xong Rage 2 và có một cảm nhận rất tốt về cảm giác bắn trong game, Mọt tui đã nghĩ đến quá trình phát triển của thể loại game bắn súng FPS qua các “cảm giác bắn” độc đáo khác nhau. Những chia sẻ dưới đây xuất phát từ trải nghiệm cá nhân nên có thể sẽ có thiếu sót hoặc không kể đủ các tựa game mang tính đột phá. Nếu bạn biết thêm những sản phẩm game bắn súng FPS nào có phong cách khác biệt và tạo cảm giác bắn mới mẻ hãy chia sẻ thêm ở phần bình luận nhé!
Half-Life đã có một tác động lớn tới nỗi không những khiến Valve giàu lên, GabeN tăng cân, tích kho tiền sinh ra Steam mà còn được coi như một cột mốc linh thiêng của dân chơi game bắn súng FPS. Vì vậy nhiều người sẽ tự hỏi trước Half-Life thì game bắn súng FPS sẽ trông thế nào?
Doom! Đó chính xác là câu trả lời. Trước khi kiểu bắn súng 3D mà Half-Life đại diện trở thành một hiện tượng thì thể loại game bắn súng FPS được thiết kế theo kiểu chạy qua các con đường và căn phòng thiết kế đơn giản như những mê cung lòng vòng, vì thế phong cách này được gọi là “maze runner”.
Người chơi ngắm theo chiều ngang và di chuyển 4 hướng. Lúc này chuột chưa hoặc không đủ nền tảng kỹ thuật để tham gia vào hệ thống game, bạn chỉ ngắm bằng phím mũi tên mà thôi. Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa là các game sơ khai này… dở. Nó được kết hợp nhiều yếu tố hấp dẫn nhưng chỉ là mang màu sắc casual nên sẽ cho người chơi một cảm giác bắn súng giải trí kiểu đi màn đơn giản mà thôi.
Các tựa game tiêu biểu của phong cách trải nghiệm này có thể kể ra như Doom, Wolfenstein, Duke Nukem… sau này có một số game indie muốn quay lại khai thác trải nghiệm này như Ion Maiden mà Mọt từng giới thiệu với bà con trước đây.
Nói Half-Life “bao thầu” cả cuộc cách mạng game bắn súng FPS thì hơi quá, vì khái niệm FPS 3D đặt nền móng cho nó vốn ra đời từ những năm 1996 với Quake và sau đó là Star Trek: Next Generation: Klingon Honor Guard và Wheel of Time ra đời năm 1998 cùng lúc với Half-Life cũng đưa ra phương pháp ngắm bằng chuột.
Tuy nhiên sau tất cả chỉ có Half-Life được nhớ đến với cảm giác bắn 3D sử dụng chuột thực sự sôi nổi với tiết tấu nhanh, vũ khí uy lực và một cốt truyện hấp dẫn bổ trợ cho cảm giác sôi sục khi chơi. Riêng một mình Half-Life đã “cân” 2 cảm giác bắn khác nhau mà sau này rất nhiều tựa game khá chỉ cần đ itheo 1 trong 2 thứ đã trở nên thành công vang dội. Đó là phong cách bắn chậm rãi và từ tốn trong cốt truyện và giao chiến mãnh liệt với tốc độ nhanh trong phần chơi mạng.
Rất nhanh sau đó, năm 1999, Counter Strike đã ra mắt như một bản mod của Half-Life và bắt đầu một con đường riêng của mình. Tựa game đi lên từ bản mod này đã tận dụng tối đa cảm giác bắn nhanh và mãnh liệt của phần chơi mạng trên Half-Life để khai sinh một phong cách mới lấy ý tưởng từ hệ thống quân sự hiện đại thay vì giả tưởng tương lai.
Tất nhiên về mặt “cảm giác” mà tựa game bắn súng FPS này mang lại thế nào thì bạn cũng biết rồi đó. Nó trở thành nguồn cảm hứng của rất nhiều ý tưởng thành công sau này trong mảng game online FPS như Battlefield, Rainbow Six: Siege, Đột Kích, Sudden Attack… Mặc dù mỗi game mỗi khác nhưng tựu chung vẫn khai thác phong cách và cảm giác giao chiến “hết hồn” như thế.
Nếu Counter Strike khai thác sự nhanh và mãnh liệt của Half-Life thì một số game ra mắt ngay sau đó lại lấy cảm hứng từ phần chơi đơn theo cốt truyện và cảm giác “đi từ từ” theo lộ trình. Thành công nhất có lẽ là series game bắn súng FPS bối cảnh WWII mang tên Medal of Honor (huân chương danh dự) của EA.
Người chơi sẽ có một trải nghiệm tương tự Half-Life chơi đơn trong bối cảnh WWII với cùng một kiểu bố trí. Bạn đi theo 1 hành trình của cốt truyện, trải qua các biến cố sắp đặt sẵn, nhặt các khẩu súng dọc đường và hạ những kẻ địch cản đường theo từng trận cách quãng. Xen kẽ đó là những quãng nghỉ, trống, để nhặt HP và đạn dược hay đôi khi là chen màn đấu boss hoành tráng.
Hàng loạt tựa game khác cũng làm theo phong cách này như Call of Duty phần chơi đơn, Bioshock, Sniper Elite, 007 Nightfire, Far Cry, Crysis…
Năm 2001, chỉ 3 năm sau sự bùng nổ của Half-Life, một ý tưởng làm game bắn súng FPS điên rồ khác đã khai sinh với tên gọi Serious Sam – The First Encounter. Đặc biệt hơn nó do một studio có tên là Croteam ở tận Croatia phát triển.
Serious Sam nhanh chóng nổi tiếng với ý tưởng khác lạ của mình, đẩy phong cách bắn súng “nhanh – mãnh liệt” lên một mức điên rồ: bắn nhau với hàng trăm kẻ địch đông như kiến cỏ. Thường thì khi được hỏi những người từng chơi Serious Sam hầu như chẳng biết và cũng chẳng cần biết cốt truyện game là gì. Họ bận bắn, bắn và bắn.
Với những vũ khí hạng nặng, đạn dược rải đầy đất kèm một chế độ khó đặc biệt thấp có thể chọn được giúp bạn không lo lắng lắm về việc chết. Tất cả những gì bạn cần làm là vào game, xách súng lên và chống đỡ tất cả những kẻ nào xuất hiện. Đặc biệt nếu nối mạng với vài đứa bạn nữa thì tuyệt. Mọt tôi không bao giờ quên cảm giác “đấu bò” bằng shotgun 2 nòng nó đã ra sao, khi bạn thả diều con bò trong tình trạng 1 đối 1 hay hardcore hơn là 1 Sam chọi 3 bò.
Sau Serious Sam có một số sản phẩm khác cũng khai thác yếu tố “đàn đàn kẻ địch” này như Will Rock của Ubisoft hay thậm chí có thể kể đến Left 4 Dead của Valve cũng mang phong cách này tuy đã được làm khác đi rất nhiều.
Một trong những trải nghiệm game bắn súng FPS mang tính đột phá đáng kể đó là sự ra đời của Call of Duty 4: Modern Warfare. Mặc dù nó cũng mang phong cách chơi tuyến tính cốt truyện và đi màn như nhiều người anh em khác lấy cảm hứng từ Halfe Life chơi đơn, nhưng nó đã triển khai một phong cách bắn rất khác.
Có một game thủ đã nhận xét rằng: “Trong Modern Warfare, Rambo sẽ chết”. Đó chính là mô tả ngắn gọn nhất của phong cách bắn của Modern Warfare, nó vốn được hình thành dần từ các bản Call of Duty trước nhưng đến phiên bản này nó mới thực sự rõ ràng nhất. Bạn luôn phải dựa vào sức tiến công của đồng đội đi theo.
Cách bố trí cuộc đấu của Modern Warfare là kẻ thù tràn ra không giới hạn. Chính vì vậy nếu bạn một mình vượt tuyến lửa bạn sẽ bị số đông áp đảo và chết ngay. Bạn phải tiến từng bước một, nấp vào từng điểm khuất rồi lấn dần chờ đồng đội dâng lên bắn yểm trợ.
Đây là một trải nghiệm chiến trường rất thực lần đầu được tái hiện thành công trong game bắn súng FPS. Bạn cảm nhận rất rõ sự nhỏ nhoi của mình giữa làn đạn chứ không phải là một kẻ bá đạo đi hạ địch như nghóe theo ý muốn. Tất nhiên bạn vẫn là tinh anh, vẫn thắng trận nhưng với điều kiện bạn phải chơi theo luật và biết mình là ai. Đây chính là cái làm nên thành công của phần chơi đơn Modern Warfare, một cảm giác bắn rất khác.
Có thể nói một khai phá khác nữa của game bắn súng FPS tuyến tính chính là trộn lẫn giữa 2 thể loại Nhập Vai và Bắn Súng FPS. Nói nôm na là bạn chơi Diablo theo góc nhìn FPS và cầm súng thay vì vũ khí lạnh. Tựa game khơi lên ý tưởng này chính là S.T.A.L.K.E.R.: Shadow of Chernobyl.
Bên cạnh các cuộc bắn súng nảy lửa S.T.A.L.K.E.R.: Shadow of Chernobyl giới thiệu một số tính năng rút từ game RPG như hệ thống kỹ năng, nhận và trả nhiệm vụ, hệ thống kinh tế và mua bán item trong game… Nó tạo ra một thế giới nhập vai dành riêng cho fan của thể loại game bắn súng FPS, một điều hấp dẫn chưa từng có.
Sau S.T.A.L.K.E.R.: Shadow of Chernobyl, nhiều tựa game khác cũng lấy ý tưởng này để khai thác như Fallout 3, Fallout 4, Far Cry từ bản 2 về sau và nổi trội nhất có lẽ là series Borderlands khi đưa ra hệ thống đa dạng vũ khí lên đến hàng triệu phiên bản khác nhau. Với Borderlands, một khẩu súng cũng có các tính năng tương tự như vũ khí trong Diablo. Cùng một loại súng có thể có sát thương, tốc độ bắn, số lượng đạn, các dòng phụ (magic) và chất lượng (đồ vàng, đồ tím,…) khác nhau.
Tất cả đều trả về một kết quả: Cho bạn một cảm giác chơi game bắn súng FPS rất khác, cảm giác đi cày đồ, cày cấp tăng skill của game RPG.
Có thể nói The Elder Scrolls III: Morrowind là một sự trái ngược của S.T.A.L.K.E.R.: Shadow of Chernobyl khi mang vũ khí lạnh lên góc nhìn… FPS. Thật ra game này và các bản sau vốn được Bethesda thiết kế song hành giữa góc nhìn thứ 1 và góc nhìn thứ 3 cho phép người chơi chọn lựa, cũng như Fallout 3 trở đi nên cũng có thể không tính nó là game bắn súng FPS cũng được.
Nhưng cái cảm giác nó mang lại thì thực sự có thể tính là một trải nghiệm “lạ”. Cảm giác chém kiếm đâm lao và thậm chí đánh phép bằng góc nhìn FPS 3D rất lạ lùng. Các tựa game trước nó hầu như dùng góc nhìn FPS 2D sơ khai hoặc không chuột kiểu Might & Magic cổ điển. Mặc dù có vẻ không liên quan lắm với “bắn súng” nhưng dù sao nó cũng đáng để nhắc đến.
Cần phải thẳng thắn rằng Rage 2 chưa đủ trình để tạo ra một cuộc đột phá về cảm giác bắn, nhưng nó cũng mang lại một trải nghiệm thú vị vừa đủ. Cái chất nhanh và mãnh liệt tương tự như Modern Warfare hay gần nhất là Apex Legends khi xung trận nhưng được lồng ghép vào một game chơi đơn.
Bạn sẽ phải liên tục chạy và bắn vì kẻ địch trong game khá mạnh và tinh khôn, nó giống như chơi Serious Sam nhưng với kẻ địch được gia giảm và tinh nhuệ hơn. Game buộc bạn phải liên tục đổi vị trí và chạy né tránh để chiến đấu, thậm chí nó cung cấp cho bạn một núi kỹ năng phục vụ điều đó như lách nhanh (tương tự blink), nhảy 2 bậc, chạy quãng ngắn… Bạn sẽ làm xiếc với kẻ địch theo kiểu “thách mày bắn được bố này!”
Cái cảm giác ôm shotgun chạy vòng vèo qua các chỗ nấp rồi dí vào người kẻ địch để nổ tầm gần rồi nhìn hắn bị thổi văng ra xa lả cực kỳ đặc biệt.
Dù là kiểu “cảm giác bắn” nào đi nữa, bắn súng FPS cũng là thể loại dành riêng cho những fan thích hành động một cách phấn khích. Nhìn cuộc giao chiến dưới đôi mắt của chính nhân vật, truy đuổi kẻ địch đến tận cùng hay bị đuổi dí đến cùng tận đều cho bạn cảm giác cực “đã”. Và tất nhiên nhìn chính mình “chết” cùng với Ghost như trong Modern Warfare 2 cũng gây ấn tượng mạnh không kém.
Bắn súng FPS chính là bạn tát vào mặt khó khăn theo đúng nghĩa đen và theo một cách trực quan nhất: chính kẻ địch đứng trước mặt.