Phụ Lục
Gần một thập kỷ sau ngày Rage ra mắt, câu chuyện về thế giới hậu tận thế mà id Software tạo ra lại một lần nữa được tiếp nối với Rage 2. Được phát triển dưới sự hợp tác của id Software và Avalanche Studios, trò chơi hứa hẹn đem lại cho game thủ một trải nghiệm phối hợp giữa thế giới mở rộng lớn với gameplay súng đạn hấp dẫn. Nhưng liệu thực tế có được như những gì mà nhà phát triển hứa hẹn trong các trailer?
Rage 2 khởi đầu với một đoạn cutscene dài (và khá xấu) để giới thiệu bạn với tướng Cross, nhân vật phản diện đã từng xuất hiện trong Rage. Phần tutorial của game khởi đầu ngay sau đó khi bạn chọn giới tính cho nhân vật của mình và chứng kiến Vineland – vùng đất hứa cuối cùng của nhân loại – bị tấn công bởi đạo quân biến dị của tướng Cross. Điều này buộc nhân vật chính Walker phải mặc vào người bộ giáp của một Ranger, và “cái sảy nảy cái ung,” chỉ vài phút sau đó bạn trở thành Ranger duy nhất còn sống sót.
Thật may mắn là game thủ còn có được một mục đích để theo đuổi: “Project Dagger,” một dự án hứa hẹn sẽ giúp bạn tiêu diệt tướng Cross và đạo quân của hắn. Nhiệm vụ của bạn là tìm đến ba đồng minh và giành được sự tin cậy, ủng hộ của họ để có thể đánh bại tướng Cross. Đó là tất cả những gì nhà phát triển đặt ra cho Rage 2, vừa đủ để game thủ biết được mình phải làm gì trong thế giới rộng lớn và dày đặc các biểu tượng tròn, lục giác, khiên và vô vàn dấu chấm hỏi của nó. Avalanche Studios chẳng mấy bận tâm đến việc kết nối cốt truyện giữa hai phiên bản Rage 2 với nhau, nên những game thủ đã bỏ lỡ phiên bản đầu có lẽ sẽ cảm thấy hơi lạc lõng trong thế giới mới.
Mà thật ra, Avalanche Studios cũng chẳng buồn bận tâm đến việc phát triển các nội dung của cốt truyện hay tính cách của nhân vật, và có vẻ hơi buồn cười khi “nhân vật” mà bạn giao tiếp nhiều nhất trong game không phải là cô bạn gái “thanh mai trúc mã” cùng lớn lên trong Vineland hay ba NPC quan trọng của Project Dagger, mà lại là… chiếc xe Phoenix. Đối với Mọt tui, những câu thoại đơn giản nhưng được lồng tiếng khá quyến rũ của chiếc xe này đem lại cảm giác thân thiết hơn nhiều với những mệnh lệnh phiền nhiễu mà các NPC khác làu bàu qua sóng radio.
Trong khi phần cốt truyện của Rage 2 tỏ ra chỉ hơn… Minecraft, id Software và Avalanche Studios có lẽ đã dồn toàn bộ công sức vào việc phát triển gameplay. Phần chơi bắn súng của game thực sự cực kỳ xuất sắc, có thể ví như một "bài tập thể dục cho ngón trỏ" khi tất cả các loại súng trong game đều có hai chế độ bắn với những công dụng khác nhau và cho phép game thủ sáng tạo với chúng. Rocket Launcher giúp game thủ có thể tiêu diệt nhiều đối thủ chỉ bằng một phát đạn, Gravity Dart có thể biến các thùng thuốc nổ hay lũ quái tự sát thành những quả bom thông minh tìm đến đúng mục tiêu bạn cần, và ngay cả khẩu súng lục đơn giản cũng cực kỳ uy lực khi bạn có thể dùng nó để tung ra những phát headshot chuẩn xác.
Sau đó, không thể không nhắc đến một series các kỹ năng đặc biệt của game. Walker trong bộ giáp Ranger có được những năng lực siêu nhiên như double jump, dash cả trên mặt đất lẫn trên không, một hố đen mini hút kẻ địch lại với nhau, một tấm khiên năng lượng, cú Slam mạnh mẽ... Khi bạn vận dụng các kỹ năng này càng thuần thục, gameplay của Rage 2 sẽ càng trở nên hấp dẫn bởi chúng là sự khác biệt giữa một tay lính quèn lệt phệt trên mặt đất với một Ranger “bá đạo” thoắt ẩn thoắt hiện và gieo rắc cái chết từ 360 độ.
Ngoài súng đạn, nhân vật chính Walker còn được sử dụng một số trang bị phụ trợ là lựu đạn, chiếc boomerang Wingstick và drone tự động, nhưng chúng thường bị Mọt bỏ qua trong quá trình chơi bởi chẳng hề hữu dụng như súng ống hay kỹ năng. Thêm vào đó, toàn bộ mọi thứ trong kho vũ khí của bạn đều có thể được nâng cấp, bất kể là xe cộ, súng ống, các vật phẩm tiêu hao hay kỹ năng của nhân vật, khiến các trang bị phụ trợ càng trở nên nhạt nhòa.
Kẻ địch trong game cũng là một yếu tố quan trọng trong việc đem lại sự hào hứng khi sử dụng súng cho game thủ. Chúng được thiết kế hàng loạt kiểu… chết khác nhau tùy vào loại sát thương phải chịu: súng càng to, mảnh càng nhỏ (và càng ít), nhưng tất cả các kiểu chết này đều có điểm chung là đều hết sức bầy nhầy. Kết hợp cùng các viên Feltrite vừa là tiền, vừa là máu nhưng “tan” rất nhanh với cơ chế Overdrive, game thủ luôn được thôi thúc lao thẳng vào đám đông kẻ địch để thể hiện sức mạnh. Có thể thấy rõ ràng là Avalanche Studios và id Software đã làm mọi cách để tái hiện lối chơi hành động đầy tốc độ và mãnh lực mà Doom 2016 có được trong Rage 2, và đã thành công. Mọt không tìm được vấn đề gì về mặt hình ảnh hay cơ chế chiến đấu để chê bai trong tựa game này.
Nếu có một cỗ PC đủ mạnh, bạn sẽ nhận ra rằng đồ họa của Rage 2 thuộc hàng đỉnh với phong cách màu sắc rất riêng. Thay vì giữ nguyên style hậu tận thế u ám, xám xịt, Avalanche Studios đã chọn tông màu tươi sáng và sặc sỡ, đổ thêm sắc tím – hồng để tạo ra một thế giới điên rồ và hỗn loạn theo phong cách riêng của mình. Mỗi người có một sở thích khác nhau ở khoản này, nhưng với tác giả thì đây là một điểm cộng dành cho Rage 2.
Bản đồ của game dù không thật rộng lớn bởi vực sâu và đường sá chiếm một diện tích rất lớn, nhưng số lượng hoạt động mà game thủ có thể tham gia chẳng kém gì một tựa game của Ubisoft. Các biểu tượng chi chít chen nhau trên màn hình mỗi khi bấm nút M sẽ khiến bạn luôn có việc để làm khi chui vào bộ giáp Ranger, và luôn đem lại cho bạn một phần thưởng nào đó khi hoàn tất. Đây là một điểm cộng bởi thực sự cốt truyện của trò chơi rất ngắn và chẳng có gì hấp dẫn, và như Mọt đã nói, nó chỉ đóng vai trò làm nền cho những trò bắn giết mà bạn sẽ thực hiện trong game.
Một điểm đáng khen khác là dù nội dung trong game đều được thiết kế để phục vụ cho mảng bắn súng, bạn có thể bắt gặp rất nhiều biến thể khác nhau. Ngoài những nhiệm vụ bắn giết trên bộ truyền thống, game thủ còn có thể tham gia vào các cuộc đua, phá hủy các đoàn xe của địch, giải đố khi tìm kiếm di thể của các Ranger đã qua đời… Ngay cả những hoạt động tưởng chừng chẳng có gì để biến hóa như tìm Ark cũng có một vài biến thể, chẳng hạn khi Ark ở sa mạc Dune Sea sẽ giới thiệu bạn với dạng nhiệm vụ “cúp cầu dao,” hay phải đập một con mech khổng lồ trước khi có thể mở khóa Ark… Tất cả mọi thứ trong game đều khiến Walker mạnh mẽ hơn, mở khóa những style hành động mới và phục vụ cho giấc mơ siêu anh hùng mà Rage 2 đem lại.
Được làm nên bởi những người tạo ra Doom và Just Cause, Mọt tui rất bất ngờ về thời lượng của Rage 2. Phần cốt truyện của trò chơi ngắn một cách bất ngờ, và chỉ có các hoạt động bên lề mới có thể cứu vãn thời lượng chơi của nó. Game cũng có một số bug như các lời thoại không được lồng tiếng, NPC vô hình, tiếng gầm rú của động cơ không dừng lại ngay cả khi bạn đã xuống xe,… Ngoài ra, việc chuyển qua lại giữa các menu chính trong game (bản đồ, xe cộ, túi đồ, vũ khí…) tỏ ra rất trì trệ, một điều khó hiểu bởi chúng chỉ toàn text và hình ảnh 2D thông thường.
Bên cạnh đó, độ khó của Rage 2 tỏ ra hơi thấp. Đối thủ trong game quá “mong manh,” bao gồm những con quái to ngoại cỡ hay robot khổng lồ trong hai mức độ dễ và trung bình, và chẳng mấy thử thách ở mức khó sau khi bạn đã nâng cấp sát thương cho nhân vật chính. Vì vậy, nếu là một game thủ đã rành sáu câu về FPS hay muốn tìm kiếm thử thách, Mọt khuyên bạn nên khởi đầu trò chơi ở mức khó và nâng lên Nightmare sau khi đã hoàn tất khoảng một nửa các hoạt động trong game và nâng cấp hết các kỹ năng quan trọng như Dash và Defibrillator.
Sau khi đã xem xét tất cả các mặt mạnh và yếu của trò chơi, bao gồm cốt truyện tầm phào, thời lượng ngắn, thế giới mở đa dạng, đồ họa đẹp mắt và combat sướng tay, Mọt tui kết luận rằng Rage 2 là một trò chơi hấp dẫn hơn hẳn người tiền nhiệm. Chỉ riêng phần combat của nó đã đủ sức chinh phục một game thủ FPS, đặc biệt là những người yêu thích sự cuồng loạn đặc trưng mà các trò chơi của id Software đem lại. Tất cả những điểm trừ nhiều bug hay cốt truyện làng nhàng đều có thể bị phớt lờ trong quá trình tập thể dục cho ngón trỏ với Rage 2.
Bạn có thể mua bản PC trên Steam tại đây.
Cấu hình tối thiểu: