Phụ Lục
Trong làng game, các trò chơi được bán với đủ mọi mức giá “thượng vàng hạ cám” vài chục ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng, nhưng đó chưa phải là mức giá cao nhất. Các nhà phát hành thường sản xuất thêm những phiên bản game đặc biệt chứa nhiều vật phẩm bonus và đặt cho chúng những cái tên thật kêu, kiểu Collector, Ultimate, Supreme, Extreme,… Dĩ nhiên giá của những phiên bản này sẽ cao hơn bình thường từ 50% đến… vài chục lần, tùy vào những gì được nhồi nhét bên trong. Trong bài viết này, hãy cùng Mọt game khám phá một vài bản game đắt nhất thế giới!
Dù là một trò chơi không thực sự thành công về doanh thu và danh tiếng, Mass Effect Andromeda có bản Collector Edition giá 200 USD. Trong hộp game có chiếc xe điều khiển từ xa Nomad điều khiển bằng app điện thoại, bìa đĩa bằng kim loại. Chiếc xe Nomad có đèn, camera và giúp bạn có cảm giác như đang thực sự ngồi bên trong chiếc xe để thám hiểm thế giới quen thuộc quanh mình.
Điều càng khiến bản game này “đặc biệt” hơn là nó… không đi kèm game. Nếu muốn chơi game, bạn sẽ phải bỏ ra thêm 60 USD, nâng số tiền mà bạn phải chi ra lên 260 USD. Thật ra Mọt nghĩ đây là một quyết định sáng suốt của EA, bởi không phải ai thích chiếc xe điều khiển từ xa Nomad cũng muốn chơi Mass Effect Andromeda.
Nếu game thủ đã chờ hơn chục năm để được chơi FF15, không có lý do gì họ lại muốn bỏ qua phiên bản game đặc biệt này. Nó có giá 270 USD, chứa một figure nhân vật Noctis được sản xuất bởi chính Square Enix mang thương hiệu Play-Arts Kai, quyển artbook dày gần 200 trang, hai bìa đĩa kim loại, một bản phim Kingsglaive: Final Fantasy XV, một bộ anime Brotherhood: Final Fantasy XV, bộ sưu tập soundtrack và nhiều vật phẩm trong game. Ban đầu Square Enix dự định chỉ tung ra 30.000 bản trên toàn thế giới, nhưng sau đó họ phải sản xuất thêm vì nhu cầu của game thủ cao hơn dự tính.
Là tựa game cuối cùng của đội ngũ 38 Studios, tựa game này rất hấp dẫn dù có vẫn có một số hạn chế trong lối chơi, và bạn nên thử nếu là fan của thể loại RPG. Trò chơi có 3 bản Collector khác nhau với số lượng cực hạn chế: 2.000 bản giá 80 USD, 700 bản giá 200 USD và 300 bản giá 275 USD. Phiên bản đắt nhất chứa figure một con troll, bản đồ thế giới Faeland trong game, một số vật phẩm giới hạn cực hiếm khác, soundtrack cộng thêm vài DLC độc quyền chỉ dành do những game thủ mua phiên bản này. Thật đáng tiếc là doanh thu của trò chơi không đủ cao để cứu 38 Studios khỏi phá sản chỉ vài tháng sau đó.
Khác với hai bản game trên, khi mua bản Dirt 3 đặc biệt có giá 300 USD này, bạn chỉ nhận được hai thứ: game và chiếc xe điều khiển từ xa sản xuất theo chiếc Ford Fiesta của tay đua Gymkhana nổi tiếng Ken Block. Đây cũng chính là chiếc xe được in trên bìa đĩa của trò chơi. Có vẻ như việc mua quyền sử dụng hình ảnh chiếc xe và cái tên Ken Block đã khiến giá của bản game đặc biệt này bị đẩy lên cao ngất ngưởng.
Cũng có giá 300 USD, phiên bản này “chơi trội” bằng cách đem lại cho game thủ một thứ mà họ sẽ dùng trong nhiều năm. Bên cạnh game, một chiếc áo thun và poster độc quyền, nó còn có… card đồ họa GTX 560 Ti để game thủ có thể đẩy đồ họa lên Maximum ngay lập tức. Đây là card đồ họa “đỉnh” vào thời game ra mắt (2011) và vẫn còn chạy tốt nhiều game theo tiêu chuẩn ngày nay.
Với 105.000 yen (22 triệu đồng), bạn có thể mua một cỗ PC chơi game kha khá, một dàn console + màn hình + loa, hoặc… bản Premium Edition của Resident Evil 6 do Capcom phát triển. Phiên bản game đặc biệt này được bán qua một trang web dành riêng cho nó, nhưng thứ khiến nó thực sự xứng với mức giá trên là một bản sao của chiếc áo khoác da thật mà Leon mặc trong game với bốn cỡ áo khác nhau cho fan của series lựa chọn.
Một lần nữa Capcom lại “chơi trội” bằng cách tung ra những phiên bản siêu đắt cho tựa game DMC 5 sắp ra mắt. Cụ thể, bạn có thể chọn chi ra 600.000 yen (124 triệu), 750.000 yen (155 triệu) hoặc 900.000 yen (186 triệu) để mua một bản game đi kèm chiếc áo khoác da của các nhân vật chính của trò chơi. Nếu không có gì ngoài điều kiện và muốn sở hữu những chiếc áo này, bạn có thể đặt trước trong thời gian từ 22/10 đến 19/11 tại đây.
Những phiên bản đặc biệt của Mass Effect Andromeda và Dirt 3 chỉ có thể “hít khói” Grid 2 Mono Edition theo đúng nghĩa đen. Nếu chịu chi 125.000 Euro – tức 3 tỉ 350 triệu – bạn sẽ nhận được một bản game, một chiếc mũ bảo hiểm có logo Grid 2, bộ trang phục đua xe (cả giày và găng tay), một chiếc PS3 để chơi Grid 2, và… một chiếc siêu xe BAC Mono. Sau khi mua bản game đặc biệt này, nếu cảm thấy đua trong game chưa đủ, bạn có thể leo lên chiếc xe này và tiếp tục vi vu lướt gió ngoài đời.
Và nếu bạn nghĩ chẳng game thủ nào đủ giàu để mua bản game này, bạn đã lầm. Chủ sở hữu của nó là DJ nổi tiếng Deadmau5. Đây cũng là bản game duy nhất trong top 3 có chủ sở hữu thực sự.
Áo khoác hay xe đua vẫn còn quá tầm thường với Techland, studio phát triển tựa game zombie Dying Light. Họ quyết định bán ra một bản game đặc biệt có giá 250.000 Euro, tức 6.7 tỉ đồng tiền Việt. Nó đem lại cho bạn 4 bản game, 2 tai nghe Razer Tiamat, một bài học parkour để trốn khỏi zombie, kính nhìn đêm và… tã giấy để chơi game ban đêm, tượng zombie to bằng người thật, chuyến du lịch đến trụ sở Techland để chơi game, một căn nhà chống zombie được xây bởi Tiger Log Cabin.
Toàn những thứ hấp dẫn, nhưng có lẽ game thủ không thích bỏ công sức tập parkour và vì thế cho đến lúc này, vẫn chưa có ai bỏ tiền ra mua phiên bản này cả.
Là một series game nổi tiếng vì sự hài hước và bẩn bựa của mình, Saint’s Row chưa bao giờ thiếu những trò chơi trội. Vì thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi đội ngũ phát triển Volition công bố một phiên bản game đặc biệt duy nhất có giá 1 triệu USD. Dĩ nhiên đây chỉ là một trò đùa, nhưng nếu bạn chịu mua, Volition sẵn sàng bán.
Những vật phẩm mà bạn sẽ nhận được khi chịu chi 1 triệu USD cho bản game này bao gồm game, một vé bay lên không gian của hãng Virgin Galactic, 2 chiếc xe hơi Lamborghini Gallardo và Toyota Prius, vé đến Dubai, 1 tuần ở phòng Top Royal của khách sạn Burj Al Arab (Dubai), phẫu thuật thẩm mỹ, khóa huấn luyện gián điệp, kinh nghiệm làm con tin (dĩ nhiên sẽ được giải cứu) cùng nhiều thứ linh tinh khác. Tuy nhiên nếu có 1 triệu USD trong tay, việc mua bản game này là phí tiền bởi theo ước tính, giá trị của tất cả những vật phâm này chỉ vào khoảng 630.000 USD.
Vì vậy, trừ khi bạn nghĩ rằng quyền được khoe khoang là người mua bản game đắt nhất thế giới và có tên trong sách kỷ lục Guiness là xứng đáng với con số 370.000 USD, Mọt khuyên bạn không nên mua bản game đặc biệt này.
Khác với tất cả những phiên bản trên, đây là một phiên bản không có mức giá chính thức. Nó chỉ được trao tặng trong một số sự kiện đặc biệt và chứa bản sao của một con dao cổ đại, một artbook, vài DLC và một bìa đĩa được ký tên bởi các nhân viên Naughty Dog. Thỉnh thoảng bản game này xuất hiện trên eBay với giá 2.000 - 4.000 USD, chẳng thấm vào đâu so với top 3 nhưng ít ra nó thực sự có chủ sở hữu.
Và đó là một số phiên bản game đặc biệt đắt giá nhất mà Mọt tui được biết. Dĩ nhiên còn có rất nhiều tựa game khác với những bản Collector Edition ở tầm giá 200-300 USD, nhưng do tác giả đã... mỏi tay, bài viết này chỉ nhắc tới một vài phiên bản đáng chú ý mà thôi.