Phụ Lục
Đừng để ai nói với bạn rằng video game là thứ vô bổ, tốn tiền, tốn thời gian. Trong năm 2018, giá trị thị trường của video game toàn cầu đã lên tới 134,8 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2017. Vậy có thể coi công nghiệp game đang là một trong những ngành kiếm ra được nhiều tiền nhất.
Trong suốt chặng đường phát triển, đã có rất nhiều người thay đổi chỉ sau một đêm, chỉ sau một trò chơi. Trước đó, họ là những người không hề có tiếng tăm hay tiền tài, họ có thể là những người chỉ đang sống nhờ vào những đồng trợ cấp từ chính phủ, nhưng video game đã đưa họ tới với một cuộc sống xa hoa hơn, tươi đẹp hơn rất nhiều.
Hãy cùng Mọt tôi tới với danh sách những nhân vật trở thành triệu phú chỉ sau một tựa game.
Cái tên đầu tiên chắc hẳn sẽ rất quen thuộc với nhiều game thủ, đó là Nguyễn Hà Đông và trò chơi Flappy Bird. Mặc dù chỉ sống vỏn vẹn trong 28 ngày, nhưng khó có thể phủ nhận thành công mà Flappy Bird đem lại cho Nguyễn Hà Đông.
Chỉ trong chưa đầy một tháng, chú “chim nhảy” của Nguyễn Hà Đông đã làm say mê, cũng như gây nản lòng cho cộng đồng game thủ trên toàn thế giới. Flappy Bird lọt vào top 10 ứng dụng hàng đầu trên App Store. Thành công này đã đem lại cho tác giả doanh thu 50.000 USD một ngày.
Nhưng chính thành công đầy bất ngờ của Flappy Bird đã đem lại không ít rắc rối cho Nguyễn Hà Đông. Sản phẩm của anh bị một lượng lớn game thủ nước nhà chê bai vì những lý do hết sức ngớ ngẩn, đầy sự ghen ăn tức ở. Nhiều trang tin quốc tế cho rằng Flappy Bird chỉ là một phiên bản “nhái lại” của trò chơi kinh điển Mario. Cùng với đó là độ khó có thể thách thức cả những game thủ tài năng nhất thế giới.
Chính Nguyễn Hà Đông cũng phải công nhận rằng Flappy Bird đã làm xáo trộn cuộc sống vốn dĩ rất yên bình của anh. Và chỉ sau 28 ngày, anh quyết định gỡ bỏ hoàn toàn trò chơi này. Nhưng sức hút của trò chơi đã tạo ra vô số sản phẩm ăn theo, cũng như giúp cho Hà Đông có được một nguồn thu khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Cái tên CrossFire hay còn gọi là Đột Kích có lẽ đã quen thuộc với tất cả game thủ Việt Nam. Đây là một trò chơi bắn súng trực tuyến có sự pha trộn giữa Counter Strike và Final Fantasy. Từ riêng thị trường châu Á, sức hút của CrossFire dần lan tỏa sang khu vực Bắc Mỹ.
Nhắc tới CrossFire, chúng ta phải nhắc tới Kwon Hyuk-Bin, nhà sản xuất của trò chơi. Ông hiện là một trong những người giàu nhất Hàn Quốc. Điều khiến tôi thực sự nể phục Hyuk-Bin là ông đã từ chối một công việc ổn định tại tập đoàn Samsung để theo đuổi ước mơ về video game của mình, và nó cũng đã được đền đáp xứng đáng.
Vào thời đỉnh cao, Đột Kích luôn đạt ngưỡng 6 triệu người chơi trên toàn cầu tại bất cứ thời điểm nào. Một điều đáng chú ý nữa là Kwon Hyuk-Bin sở hữu 100% cổ phần công ty SmileGate, một điều hiếm có trên thế giới. Vào năm 2016, CrossFire vẫn lọt vào top 10 game MMO có doanh thu cao nhất thế giới với 377 triệu USD.
Rõ ràng việc từ bỏ một công việc ổn định để theo đuổi đam mê đã giúp cho Kwon Hyuk-Bin và công ty SmileGate của mình bơi trong tiền tài và danh vọng.
Ra mắt trên Android và iOS trong năm 2012, Candy Crush Saga đã gây ra một cơn sốt trên toàn thế giới. Chỉ một năm sau đó, trò chơi ước tính thu lại về 1 triệu USD mỗi ngày từ người chơi (theo Appdata), trở thành ứng dụng có doanh thu cao nhất trên cả iPhone lẫn iPad trong năm 2013. Ở thời điểm hiện tại, trò chơi đã có khoảng hơn 2 tỷ lượt download.
Candy Crush là miễn phí, nhưng điều đó không ngăn người chơi sẵn sàng bỏ tiền ra mua các vật phẩm hỗ trợ trong game. Thành công và doanh thu khổng lồ của Candy Crush đã giúp cho những người đứng đầu tại King (công ty sở hữu Candy Crush) trở thành những triệu phú. Đặc biệt là Sebastian Knutsson, số cổ phần của ông từ sau khi Candy Crush gây bão trên toàn thế giới rơi vào khoảng 396 triệu USD. Ông cũng là người liên tục bổ sung các level mới cho trò chơi, dù ban đầu chính ông cũng thừa nhận rằng Candy Crush chỉ là nhất thời.
Cũng nhờ thành công của Candy Crush, Sebastian Knutsson có thể mua hẳn một căn nhà trị giá 3 triệu USD xa hoa ở quê nhà Stockholm.
Cho tới ngày nay, Minecraft vẫn còn hàng chục triệu người chơi hoạt động hàng tháng. Trò chơi đã bán được hơn 154 triệu bản, trở thành tựa game bán chạy thứ 2 trong lịch sử video game. Và tất nhiên là nó cũng đem lại cho nhà phát triển, Markus “Notch” Persson rất nhiều tiền và tiếng tăm.
Tính tới năm 2012, tức chỉ một năm sau khi Minecraft phát hành, công ty Mojang đã tích lũy được 240 triệu USD, và Notch kiếm được 101 triệu USD. Thậm chí ngay cả bản thân anh là người sáng tạo ra Minecraft cũng không thể ngờ mình lại có được thành công to lớn tới vậy.
Notch trở nên nổi tiếng hơn nữa khi thương vụ lịch sử diễn ra, Microsoft mua lại Mojang với giá 2,5 tỷ USD. Điều này khiến cho Notch càng kiếm được nhiều tiền hơn và đứng trên đỉnh của sự xa hoa. Anh đã mua một căn biệt thự trị giá 70 triệu USD ở Beverly Hills, thậm chí anh còn trả giá cao hơn cả Beyoncé và Jay Z.
Tuy nhiên, tiền nhiều cũng chẳng mua được hạnh phúc. Kể từ khi trở nên giàu có một cách quá đà, cuộc sống của Notch chẳng mấy vui vẻ. Anh thừa nhận cuộc sống xa hoa này quá cô đơn. Khi đã kiếm ra được quá nhiều tiền ở tuổi 36, Notch gần như đã mất đi động lực để tiếp tục phấn đấu trong cuộc sống này.
Shigeru Miyamoto được tuyển dụng vào Nintendo vào năm 1977, ông được phân công vào nhóm thiết kế một trong những trò chơi đầu tiên của hãng, đó là Radar Scope. Tuy nhiên, nó lại không thành công như mong đợi của Nintendo.
Miyamoto về sau đã sử dụng lại một phần của Radar Scope, cải biên lại nó và biến nó thành trò chơi Donkey Kong. Đây được coi là một bước ngoặt trong lịch sử ngành công nghiệp game. Nhân vật chính trong Donkey Kong chính là Mario, về sau đã trở thành nhân vật game nổi tiếng nhất thế giới và là biểu tượng của Nintendo.
Miyamoto nhanh chóng thành nhà thiết kế chính của hãng, phần lớn các game do ông thiết kế hiện vẫn còn rất nổi tiếng và phổ biến toàn cầu. Có thể nói cuộc sống của Miyamoto sau khi Mario ra đời đã thay đổi hoàn toàn. Và tất nhiên, khi đã trở thành một huyền thoại của Nintendo, sự an toàn của ông quá quan trọng đối với công ty. Nintendo đã không còn cho phép Miyamoto tự đạp xe đi làm nữa (đây là một thói quen của ông).
Vào năm 2009, mức lương của Miyamoto là 126 triệu Yên (khoảng 1,4 triệu USD), là người được trả lương cao thứ 2 tại Nintendo. Có thể nói Mario đã thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp game đương đại cũng như thay đổi chính cuộc sống của Shigeru Miyamoto vậy.
Và tất nhiên, trong danh sách này không thể thiếu Brendan Greene với PUBG. Có thể nói PUBG không phải trò chơi Battle Royale đầu tiên, nhưng nó chính là thứ đã biến chế độ này trở thành một xu hướng toàn cầu, có ảnh hưởng tới cả những ông lớn trong ngành game.
Trước khi PlayerUnknown's Battlegrounds ra đời, Brendan Greene bị nhận xét chỉ là một kẻ vô gia cư, sống nhờ tiền trợ cấp của chính phủ, suốt ngày lãng phí thời gian vào lập trình những trò chơi miễn phí vô bổ. Tuy nhiên, khi PUBG ra đời, cuộc đời của ông đã bước sang một trang mới.
Trò chơi đã đem về cho Brendan Greene và công ty Bluehole doanh thu hơn 100 triệu USD chỉ 3 tháng sau khi ra mắt. Còn về riêng Brendan Greene, ông không còn là một kẻ sống nhờ tiền trợ cấp nữa, số tiền trong tài khoản của ông liên tục tăng tới ngưỡng mà ai cũng hàng mơ ước. Có thể nói nhờ PUBG, Brendan Greene đã biến thành triệu phú chỉ trong một đêm. Tuy nhiên, ông vẫn lựa chọn cho mình một cuộc sống giản dị chứ không hề xa hoa. Tất cả số tiền Brendan kiếm được đều dành hết để xây dựng một tương lai tươi sáng cho cô con gái của mình.