Phụ Lục
Có lẽ trong cuộc đời của mỗi game thủ, những cái tên như Plants vs. Zombies, Bejeweled hay Cá lớn nuốt cá bé, Zuma,... đều đã in sâu vào tâm trí. Đây là những trò chơi được PopCap tạo ra với sự đơn giản, sáng tạo, phù hợp với người chơi game ở mọi lứa tuổi khác nhau.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, PopCap chỉ được nhắc tới như một kỷ niệm đẹp trong ký ức của game thủ. Bị EA thâu tóm, phải sa thải nhiều nhân viên, đóng cửa nhiều chi nhánh, có thể nói PopCap hiện giờ hoàn toàn trống rỗng. Nhưng trước khi bị EA mua lại, hãng được coi là ông hoàng trong thể loại casual game và đã có thành công liên tiếp trong suốt khoảng một thập kỷ.
Vào năm 2000, PopCap chính thức được sáng lập nên bởi John Vechey, Brian Fiete và Jason Kapalka.
Sau khi được thành lập, trò chơi đầu tiên của hãng là Bejeweled được phát hành vào năm 2001. Ngay lập tức, trò chơi đã thống trị trên toàn thế giới. Cho đến ngày nay, người ta vẫn coi Bejeweled là một huyền thoại, chuẩn mực của thể loại game xếp kim cương. Nó chính là tiền đề để sinh ra những game như Candy Crush Saga, Puzzle & Dragons,... sau này.
Trò chơi đầu tiên của PopCap Games đã bán được hơn 50 triệu bản, giành được về cho hãng một vị trí trang trọng tại “Hội trường danh vọng trò chơi điện tử thế giới”, nhận được rất nhiều sự kính trọng từ những fan hay nhà phát triển các thể loại game khác.
Không phải hãng game nào cũng đạt được thành công to lớn ngay từ trò chơi đầu tiên. Nhưng PopCap đã làm được với Bejeweled. Ngay sau thành công to lớn từ trò chơi “xếp kim cương”, hãng không hề ngủ quên trên chiến thắng mà tiếp tục sản sinh ra những trò chơi kinh điển khác.
Khi PopCap mở rộng vào năm 2005 và mua lại Sprout Games, hãng sau đó đã sở hữu 2 trò chơi cực nổi tiếng là Feeding Frenzy và Feeding Frenzy 2: Shipwreck Showdown, game thủ tại Việt Nam vẫn gọi nó với cái tên quen thuộc là “Cá lớn nuốt cá bé”. Dưới bàn tay của PopCap, mức độ phổ biến của thương hiệu Feeding Frenzy tăng gấp 10 lần so với trước đó.
Một trong những thương hiệu cổ điển khác của PopCap mà chúng ta cũng cần phải nhắc lại, đó là Bookworm cùng phần tiếp theo có tên Bookworm Adventures. Khi cả 2 trò chơi này được phát hành lần lượt vào năm 2003 và năm 2006, chúng đã nhận được rất nhiều sự chú ý bởi trò chơi vừa mang tính giải trí, lại chứa rất nhiều kiến thức bổ ích. Bookworm là một sản phẩm hoàn hảo cho game thủ ở mọi độ tuổi khác nhau.
Vào năm 2007, PopCap tiếp tục thành công với Peggle, trò chơi được đánh giá là vẫn mang một chất rất riêng. Tựa game này thành công tới nỗi Bjorn, tên một chú kỳ lân có trong Peggle, trở thành linh vật chính thức của công ty. PopCap ban đầu phát hành Peggle trên Windows và Mac OS, nhưng sau đó nó đã được mở rộng ra trên tất cả các nền tảng bao gồm Xbox, PlayStation, Nintendo, Windows Mobile, iOS, Zeebo và Android. Thậm chí Peggle còn được làm thành một mini game mở rộng có trong World of Warcraft.
Plants vs. Zombies, một cái tên mà tôi chắc chắn rằng không một ai là không biết tới. Vào năm 2009, PopCap đã vượt qua được tầm nhìn ban đầu của mình khi phát hành Plant vs. Zombies, một trò chơi đem lại sự mới mẻ hơn so với các trò chơi trước đó của hãng. Trong khi hầu hết các sản phẩm dưới bàn tay của PopCap sẽ chứa các câu đố, lấy cảm hứng từ Scrabble, Plants vs. Zombies lại là một game phòng thủ. Và sự thay đổi này cực kỳ hợp lý, vừa giúp hãng có được sự mới mẻ mà vẫn giữ được phong độ thành công xuyên suốt gần thập kỷ của mình.
Không dừng lại ở đó, PopCap tiếp tục tăng tốc ngay trong năm 2009 với Zuma’s Revenge!, phần tiếp theo của trò chơi ghép bóng màu cổ điển Zuma từ năm 2003. Có thể nói Zuma’s Revenge! là những gì tinh túy nhất của PopCap kết hợp với yếu tố hành động, tạo ra được một trò chơi tuyệt đỉnh.
Ở giai đoạn năm 2009 tới năm 2010, cộng đồng game thủ vẫn nhớ tới PopCap là một hãng phát triển, phát hành game độc lập có chất sáng tạo rất riêng và hấp dẫn. Tuy nhiên, năm 2011 đã thay đổi hoàn toàn.
Vào năm 2011, công đồng game thủ kinh ngạc khi EA quyết định chi tới 1,3 tỷ USD để mua lại PopCap. Mục đích của EA trong việc này là muốn củng cố sức mạnh, đối đầu với Zynga trong thị trường trò chơi cho mạng xã hội. Trong khi đó, PopCap trong năm 2010 đã kiếm được 100 triệu USD lợi nhuận, hãng chuyên cung cấp các game thuộc thể loại casual đơn giản cho Facebook, Rennen, Google hay Apple.
Trong năm 2012, hãng phải đối mặt với áp lực sa thải hàng loạt cán bộ cao cấp từ công ty mẹ, chỉ một năm sau khi được mua về bởi EA. PopCap sau đó tiếp tục đóng cửa các studio ở Dublin và Ai-len.
Năm 2013, sau khi về tay EA, PopCap tiếp tục phát triển các thương hiệu nổi tiếng của mình. Tuy nhiên, Plants vs. Zombies 2 chỉ được phát hành trên Android và iOS. Còn Peggle 2 được phát triển cho nền tảng console như Xbox One và PlayStation 4.
Tới năm 2014, EA cùng PopCap ra mắt Plants vs. Zombies: Garden Warfare với sự cải tiến khó có thể tưởng tượng ra. Game được xây dựng thuộc thể loại bắn súng góc nhìn thứ 3 và loại bỏ đi hoàn toàn chế độ chơi đơn, thay vào đó là chế độ Multiplayer. Mặc dù trò chơi được đón nhận khá tích cực bởi các nhà phê bình trong việc thiết kế nhân vật cùng nhịp game vui tươi, nhưng sự thiếu đi kịch bản hay một nội dung rõ ràng khiến cho Garden Warfare bị chỉ trích không kém phần nặng nề.
Dù được phát triển bởi PopCap nhưng game thủ không thể nhận ra được một Plants vs. Zombies ngày nào với chất rất riêng. Hãng cùng EA vẫn tiếp tục lấy Plants vs. Zombies làm trọng tâm chính khi ra mắt Garden Warfare 2 và Plants vs. Zombies: Heroes vào năm 2016.
Một điều đáng tiếc nữa là kể từ khi bị EA thâu tóm, những con người chủ chốt của PopCap dần rời bỏ công ty. Vào năm 2014, CEO của hãng, Dave Roberts xác nhận thông tin nghỉ hưu, ông tham gia vào công ty từ năm 2005. Sau đó, John Vechey, đồng sáng lập của PopCap sẽ thay ông làm tổng giám đốc. Tuy nhiên, người hâm mộ phải đón nhận thông tin không mấy vui vẻ khi Jason Kapalka, cũng là một trong những người sáng lập nên PopCap sẽ rời bỏ studio ngay khi Roberts chia tay công ty.
Nhưng chỉ sau đó vài tháng, John Vechey tuyên bố sẽ rời công ty sau hơn 14 năm kể từ ngày ông cùng bạn mình sáng lập nên PopCap. John Vechey muốn tập trung hơn vào các dự án phi lợi nhuận. Vậy là người cuối cùng trong nhóm sáng lập nên PopCap cũng đã rời bỏ chính dự án mình xây dựng năm nào.
Vào năm 2017, bê bối xảy ra giữa EA và cha đẻ của Plants vs. Zombies. Có thông tin cho rằng EA đã ra quyết định sa thải George Fan, người đã sáng tạo ra trò chơi Plants vs, Zombies vì không chịu biến trò chơi thành công cụ kiếm tiền về cho EA. Sau đó nhìn lại, người hâm mộ có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa 2 phần đầu tiên của Plants vs. Zombies khi phần thứ 2 áp dụng những cách thức kiếm tiền cực kỳ quái thai, khiến game thủ dễ thấy khó chịu.
Ở thời điểm hiện tại, PopCap gần như không có bất cứ một sản phẩm mới đáng chú ý nào. Hãng vẫn đang cùng EA nghĩ cách để tiếp tục vắt sữa thương hiệu Plants vs. Zombies, hay như tiếp tục phát triển các sản phẩm nhỏ lẻ trên các mạng xã hội. PopCap mà chúng ta biết thời điểm 2000 – 2010 đã hoàn toàn biến mất, đã bị chính tay EA chi tiền ra phá hủy. Đến ngay cả những người sáng lập cũng buộc phải rời bỏ đứa con tinh thần của mình.
Tuy nhiên, khi nhắc lại thành công của PopCap, hãng chỉ đơn giản là rất sáng tạo và có một cái chất riêng trong quá trình phát triển game, phù hợp với mọi độ tuổi của tất cả game thủ. Dù game của PopCap đơn giản nhưng bạn thậm chí có thể viết nên một cuốn tiểu thuyết nếu chịu khó tìm hiểu ý nghĩa mà hãng lồng ghép vào.
Có thể PopCap không phải là công ty game lớn nhất, nhưng họ chắc chắn là một trong những hãng sáng tạo nhất. Nếu như PopCap không để cho EA thâu tóm, vẫn giữ được sự sáng tạo vốn có của mình, tôi nghĩ rằng rất khó để một công ty nào khác đủ sức cạnh tranh với PopCap trong thể loại casual game.