Game kinh dị là một thể loại khó làm, và cũng khó nổi tiếng. Ngoài một vài tựa game đỉnh của đỉnh như Resident Evil, Silent Hill và Dead Rising thì những tựa game kinh dị chất lượng thường bị bỏ qua, không được chú ý và rơi vào quên lãng. Đó là một điều rất đáng tiếc, đặc biệt là khi ngay cả giới hạn phần cứng cũng không đánh bại được game kinh dị - bạn có biết rằng màn sương mù bao phủ Silent Hill thực ra còn là để… lấp liếm giới hạn về sức mạnh đồ họa của PS1?
Dĩ nhiên, game kinh dị cũng phần nào chịu bất lợi bởi sự phổ biến của stream và YouTube. Do là một thể loại trò chơi tập trung vào trải nghiệm và khám phá, việc biết trước nội dung của game phần nào khiến thể loại này mất đi sức hấp dẫn của nó. Nhưng thật may mắn là thể loại này vẫn chưa hề lụi tàn như RTS, bởi vẫn có những tựa game mới ra mắt đều đặn trong những năm qua. Nếu bạn là một fan của game kinh dị, hãy cùng khám phá 10 tựa game hấp dẫn nhưng không mấy nổi tiếng trong bài viết này cùng chúng tôi.
Shadow of the Damned
Được phát hành trên PS3 và Xbox 360, trò chơi là kết quả của sự hợp tác giữa những tên tuổi “hầm hố” trong làng game kinh dị như Suda51, Shinji Mikami và Akira Yamaoka. Vì thế, lối chơi của game rất giống với Resident Evil, nhưng lại có sự ngớ ngẩn của Suda51 và những bài nhạc nền cực “chất” không kém gì Silent Hill. Thêm vào đó, bạn cũng sẽ gặp được những trường đoạn hành động over-the-top dưới địa ngục khi nhân vật chính Garcia Hotspur tìm cách cứu cô bạn gái Paula của mình.
Ngoài ra, Shadows of the Damned còn đáng được nhắc đến nhờ những trò đùa… thô bỉ đúng kiểu Suda51, chẳng hạn một khẩu súng được gọi là “Big Boner” (con trai chắc sẽ biết nghĩa của nó). Và khi nói về sự ngớ ngẩn của Suda51, ý tác giả muốn nói tới con quỷ Johnson, kẻ đóng quá nhiều vai trong tựa game này, bao gồm ba khẩu súng, một người bạn tốt, kiêm một cây đuốc và phương tiện di chuyển của Garcia.
Không phải quái vật, không phải ma, cũng không phải xác sống – mấy cái cửa, vâng chính mấy cái cửa trong game ra vào mới là thứ gây hoảng sợ nhất thế giới.
Thật ra, game cũng không kinh dị lắm. Làm thế quái nào mà nó kinh dị được khi nhân vật chính bận rộn nhét Big Boner vào mõm những kẻ được giao trách nhiệm hù dọa anh ta trong game?
The Thing
Câu chuyện của The Thing xoay quanh đại úy Blake, một binh sĩ đặc nhiệm Mỹ được gửi đến phế tích của trạm nghiên cứu Nam cực nhằm tìm hiểu điều gì đã xảy ra với các nhà khoa học tại đây. Với một nhân vật chính như vậy, lối chơi của game đa phần là những cảnh hành động ở góc nhìn người thứ 3 với đủ thứ “đồ chơi” từ tiểu liên đến súng phun lửa.
Điểm nhấn của trò chơi là hệ thống Trust/Fear và Infection, trong đó Trust/Fear quyết định mức độ tin cậy của đồng đội và khả năng hỗ trợ bạn trong chiến đấu, còn Infection có thể khiến đồng đội âm thầm bị nhiễm bệnh và biến thành quái vật tấn công bạn một cách bất ngờ.
Game được phát hành trên PS2, Xbox và PC. Và một điều nữa là game này được làm đi đôi với một tựa phim kinh dị cùng tên cũng khá hay, bạn có thể tìm và xem thử nếu có hứng thú.
Layers of Fear
Là một trò chơi khá mới (2016), Layers of Fear có đồ họa tương đối hợp thời và chạy trên PC, Mac, Xbox One, PS4, Switch. Nó cũng tập trung vào việc hù dọa người chơi chứ không theo đuổi thể loại bắn súng như hai tựa game vừa được nhắc đến bên trên.
Trong Layers of Fear, game thủ sẽ trở thành một họa sĩ điên muốn vẽ nên bức họa để đời của mình bằng mọi giá. Câu chuyện của game được dàn dựng kỹ lưỡng xoay quanh bức tranh và những gì mà nhân vật chính thực hiện để hoàn thiện bức tranh đó. Game hù dọa bạn bằng những hiệu ứng hình ảnh ma quái và những trò ú tim “dựng tóc gáy” được nhúng trong một bầu không khí âm trầm, bối cảnh gothic tối tăm và áp lực.
Dù có một vài lỗi nho nhỏ có thể khiến trải nghiệm của bạn bị giảm sút, đây vẫn là một trò chơi mà bất kỳ một fan của thể loại kinh dị tâm linh nào cũng phải thử qua.
Silent Hill: Homecoming
Được ra mắt vào năm 2009 và chỉ được đánh giá là bình thường, Mọt game vẫn nghĩ rằng nó nên được đưa vào danh sách này. Là tựa Silent Hill đầu tiên được phát triển bởi một studio bên ngoài nước Nhật, không có gì lạ khi trò chơi có nét kinh dị “kiểu tây”, tức bằng máu me và những hình ảnh ghê rợn chứ không phải mang đậm nét tâm linh như trong phiên bản gốc hay Silent Hill 2.
Dù vậy, game vẫn có điểm mạnh: nó khai thác câu chuyện về nhân vật chính Alex cùng gia đình anh. Những mối quan hệ xa cách, lạ lẫm giữa Alex với cha, mẹ và em trai mình dù không thực sự mới lạ hay gây bất ngờ, vẫn đủ… ghê tởm và vặn vẹo - những từ ngữ tương đương với lời khen khi nói về một tựa game kinh dị như Silent Hill: Homecoming.
Ngoài ra, Homecoming còn có một hệ thống chiến đấu khá hấp dẫn và một vài con quái vật đáng sợ. Tất cả những yếu tố này hợp lại với nhau để biến nó thành một tựa game kinh dị mà bạn không nên bỏ qua.
The Evil Within
Lại một lần nữa cái tên Shinji Mikami được nhắc đến trong bài viết này. Cũng tập trung vào nét kinh dị phương Đông, The Evil Within được khá nhiều lời khen ngợi khi ra mắt vào năm 2014 dù có nhiều người chỉ trích Shinji Mikami đã cho quá nhiều gia vị hành động vào game, tương tự Resident Evil 4. Sự thất bại của trò chơi có lẽ là do nó thiên nhiều về “căng thẳng” hơn là “sợ hãi” và ra mắt cùng lúc với một đối thủ đáng gờm, có danh tiếng lâu đời là Alien: Isolation.
Với góc nhìn người thứ ba, The Evil Within nghiêng hẳn về phần hành động, nhưng vẫn có khá nhiều yếu tố sinh tồn – kinh dị truyền thống của dòng game Resident Evil, chẳng hạn sự thiếu thốn đạn dược, túi đồ giới hạn, những câu đố rải rác và những con trùm đáng sợ.
Cũng cần phải nói rằng cốt truyện của The Evil Within là một mớ hỗn loạn và khó hiểu, nhưng nếu bạn là fan của thể loại sinh tồn – kinh dị cổ điển, đừng nên bỏ qua The Evil Within.
(Còn tiếp)