Kể từ tháng 9/2018, làng game thế giới đang lâm vào một tình trạng lạ lùng, khi cổ phiếu của tất cả các nhà phát hành game lớn trên thế giới “lên voi xuống chó” không ngừng. Sau một tháng 12 cực kỳ tồi tệ, tháng 1/2019 chứng kiến sự ngóc đầu trở lại của các cổ phiếu này, nhưng trong tuần đầu tiên của tháng 2, giá trị cổ phiếu của các nhà làm game lại sụt giảm mạnh mẽ khi các báo cáo tài chính mới được đưa ra.
Thật vậy, khi nhìn vào tình trạng của bốn công ty vừa đưa ra báo cáo tài chính là Sony, Nintendo, EA và Take-Two, Mọt tui thấy rằng giá trị cổ phiếu của họ đều sụt giảm mạnh từ 13 đến 14%. Ngay cả Activision Blizzard cũng mất 10% giá trị, dù báo cáo tài chính của họ chỉ ra mắt vào tuần sau. Những con số này càng làm trầm trọng thêm tình hình của các công ty này, bởi họ vừa trải qua một thời kỳ trượt dài trên thị trường chứng khoán. Kể từ tháng 9/2018, Sony và Take-Two đã mất 1/3 giá trị, trong khi Nintendo và EA mất 40% giá trị từ thời kỳ đỉnh cao gần 1 năm trước đây. Nhiều công ty lớn khác cũng chịu cảnh ngộ tương tự, dù không trầm trọng bằng.
Trong tình thế này, các nhà phân tích tài chính tin rằng thủ phạm của sự tụt dốc này là… Fortnite. Trò chơi này tiếp tục thành công vượt bậc trong năm qua, đem về cho Epic hơn 3 tỉ USD và khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng Fortnite sẽ “hút” hết tiền bạc lẫn sự chú ý của game thủ. Dựa theo quan điểm này, sự sụt giảm mạnh về giá trị cổ phiếu của các nhà phát hành khác trong 4 tháng vừa qua là minh chứng cho thấy những game thủ “không trung thành” của các nhà phát hành đó đã bị dụ dỗ sang Fortnite.
Đây không phải là lần đầu tiên sự thành công rực rỡ của một trò chơi khiến các chuyên gia lo ngại về tình hình chung của cả ngành công nghiệp game. Trong thời kỳ đỉnh cao của World of Warcraft, khi game có hơn 12 triệu người chơi và đem về cho Blizzard khoảng 2 tỉ USD/năm, người ta cũng lo ngại rằng nó sẽ rút game thủ khỏi sản phẩm của các công ty khác. Tuy nhiên sự thật là World of Warcraft đã mở đường cho sự bùng phát của thể loại MMORPG, với hàng loạt tựa game được tung hô là “kẻ triệt hạ WOW.”
Dù cuối cùng những kẻ thách đấu hoàn toàn biến mất, World of Warcraft vẫn đã góp phần cho sự phát triển của làng game. Sau World of Warcraft, đến lượt LMHT và Dota 2 thúc đẩy sự phát triển của thể loại MOBA, và giờ đây Mọt nghĩ rằng có lẽ Fortnite cũng đang giữ vai trò kẻ thúc đẩy ngành công nghiệp game tiến tới. Nhờ sự thành công rực rỡ của Fortnite (và PUBG), ngày càng có nhiều tựa game Battle Royale mới được tạo ra, khai thác đủ mọi đề tài và bối cảnh, từ hải tặc xa xưa đến thế giới viễn tưởng của Titanfall.
Hãy để Mọt chứng minh rằng có thể Fortnite đang bị hàm oan, hoặc ít nhất chỉ là một phần nhỏ của vấn đề. Có thể Take-Two và EA, hai nhà phát hành làm game trên PC chịu ảnh hưởng từ Fortnite, nhưng tại sao Sony và Nintendo lại bị ảnh hưởng khi họ có hệ console riêng của mình? Cổ phiếu của Sony bắt đầu tụt dốc khi gã khổng lồ này mở cross-play cho Fortnite trên PS4, một điều mà lẽ ra phải tăng giá trị cổ phiếu của hãng nếu Fortnite thực sự có sức ảnh hưởng lớn đến vậy. Trong khi đó, giá cổ phiếu của Nintendo chẳng thay đổi gì rõ rệt khi trò chơi xuất hiện trên Switch hồi tháng 6 vừa qua.
Ngay cả Tencent, công ty nắm 40% cổ phiếu Epic và là một trong những kẻ hưởng lợi nhất từ Fortnite cũng suy sụp. Chúng ta biết rõ lý do của sự suy thoái mà Tencent đang phải chịu: đó là bởi chính sách thắt chặt quản lý game của Trung Quốc, điều dẫn đến việc Fortnite (và nhiều tựa Battle Royale khác) bị đề nghị cấm cửa tại Trung Quốc. Tương tự như Tencent, Take-Two cũng đang tận hưởng thành công của Red Dead Redemption 2, cho thấy rằng Fortnite không hề cướp hết những chén cơm của làng game.
Câu trả lời thực sự ở đây có lẽ là bởi sau một năm 2018 đầy bất ổn với những pha “thả phẫn nộ” không ngừng của game thủ, các nhà đầu tư đang nhìn vào các cổ phiếu game với ánh mắt lo ngại. Họ phản ứng với bất kỳ thông tin nào trông có vẻ như tin xấu, và nhìn nhận Fortnite quá cao sau một khoảng thời gian dài cái tên này chiếm lĩnh các mặt báo khắp thế giới. Thêm vào đó, sự chống đối mà game thủ dành cho loot box và những công ty làm tiền bằng mọi giá như EA, Activision có thể khiến các nhà đầu tư càng tránh né làng game.
Theo Mọt, ngành công nghiệp game hiện tại không hề bi quan như những mức giá cổ phiếu của các công ty lớn cho thấy. Take-Two đã tìm thấy một thương hiệu hốt bạc thứ hai sau GTA, Nintendo đang trên đà tái lập thành công của Wii với Switch, Sony vẫn bán được 8,1 triệu máy PS4 dù hệ máy này đã tồn tại hơn 5 năm. EA vừa tung ra Apex Legends đạt 10 triệu game thủ chỉ sau 3 ngày, nhưng họ còn có Anthem - đối thủ trực tiếp của Destiny 2 và The Division 2 - sắp ra mắt.
Riêng Activision Blizzard có lẽ là ngoại lệ, bởi sau một năm bi đát, chưa có dấu hiệu gì cho thấy tình hình của công ty sẽ khởi sắc hơn hẳn vào năm 2019, ít nhất là cho đến khi Diablo: Immortal ra mắt tại Trung Quốc. Không rõ Call of Duty 2019 sẽ ra sao, nhưng trong nhiều năm qua chúng ta đã thấy series này ngày càng tụt dốc về doanh số, dù tất cả những fan lâu đời của series vẫn hi vọng một ngày nào đó Infinity Ward sẽ tái hiện thành công của Modern Warfare.
Và cuối cùng, ngay cả trên đà giảm giá hiện tại, ngành game vẫn cho thấy là một lĩnh vực đầu tư béo bở về lâu dài. Khi Mọt xem lại giá cổ phiếu của EA, Activision hay Ubisoft 5 năm trước đây, chúng chỉ bằng 1/3 giá trị hiện tại. Nếu phải tìm một nguyên nhân để giải thích cho thái độ của các nhà đầu tư, điều dẫn đến sự sụt giảm hiện thời, Mọt tui tin rằng thủ phạm là việc các công ty này đang tận diệt và tận thu những thương hiệu quen thuộc bằng những tựa game mà các fan không hề muốn thấy được làm ra.