Không còn gì bàn cãi, Persona 5 chính là tựa game RPG tuyệt vời nhất trong những năm gần đây mà Mọt Game từng được chơi. Tuy nhiên, bom tấn cỡ nào cũng không thể tránh khỏi việc có những hạt sạn gây khó chịu cho người chơi trong quá trình trải nghiệm. Dưới đây là những điểm thiếu sót của Persona 5 mà Mọt Game cho là "khó ưa" nhất, hy vọng sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng thể hơn về tựa game này.
/8
Dẫn truyện quá dài
Vốn Persona vài năm gần đây là dòng game được Atlus hướng tới đối tượng người chơi đại chúng, nên việc thay đổi kịch bản của Persona 5 theo phong cách tăm tối đã làm rất nhiều người bất ngờ. Persona 5 giống như một bộ phim nói về những góc khuyất xấu xí của giáo dục và xã hội hiện đại Nhật Bản, do đó nó có cốt truyện vô cùng dài và sâu sắc, nhưng cũng chính vì vậy mà mạch game đôi lúc bị kéo giãn ra không cần thiết.
Lối dẫn truyện của Persona 5 theo kiểu “kết thúc ngược”, tức là ngay từ đâu nó sẽ đưa chúng ta vào một trường đoạn ở tận cuối game, sau đó sẽ để nhân vật chính từ từ hồi tưởng lại những gì đã xảy ra. Nó giống như kiểu hồi ký tự sự, mở đầu bằng câu: “nhớ hồi đó tôi đã…”
Đây là cảnh khởi đầu nhé, từ đây mới nhớ lại này
Kiểu dẫn truyện này nhìn thì tưởng hay, nhưng thực tế lại rất dở hơi và tốn thời gian ghê gớm, cũng như khiến cảm xúc người chơi tụt xuống như tụt quần. Cứ tưởng tượng bạn đang trong một đoạn cao trào, thì bỗng nhiên game bất ngờ quay ngược lại, và thấy mình đang ngồi trong phòng chắp tay lên trán hồi tưởng. Nó khiến mạch game bị loãng, cũng như làm người chơi có cảm giác như đang bị spoil trắng trợn mà không làm gì được.
Kiểu dẫn truyện này khiến cho số lượng câu thoại trong Persona 5 quá nhiều. Đồng ý là một câu truyện bí ẩn luôn thu hút người chơi, nhưng mà khi bạn phải ngồi nhấn “X” nửa tiếng đồng hồ cho một đoạn nói chuyện giữa 3 người thì lại là vấn đề khác nhé. Nói có thể nhiều người không tin, nhưng trong gần 10 giờ đồng hồ chơi Persona 5, số thời gian tôi móc từ điển tra từ chuyên môn để hiểu hội thoại còn nhiều gấp mấy lần số đi đánh nhau.
Thức tỉnh Persona không ấn tượng
Giống như các đàn anh đi trước, phương thức chiến đấu trong Persona 5 cũng xoay quanh việc các nhân vật chính triệu hồi các Persona ra đập lộn. Nhưng đáng tiếc là ở phần ăn tiền nhất là thức tỉnh Persona lại không được làm kỹ cho lắm, và mang đậm mùi “sức mạnh niềm tin” trong mấy cái Shounen manga 3 xu rẻ tiền.
Persona có thể hiểu là nhân cách thứ 2 ẩn sâu trong cơ thể, khi được thức tỉnh nó sẽ cho người đó sức mạnh để làm những điều không tưởng tượng nổi. Đây đều là những thứ xấu xí trong tâm hồn mà chúng ta luôn muốn giấu đi, và nếu muốn lôi nó ra thì phải trải qua một quá trình đấu tranh tư tưởng rất khủng khiếp. Nhưng đáng tiếc là Persona 5 đã tối giản nó không khác gì ra chợ mua rau cả (thậm chí còn dễ hơn mua rau vì mua rau còn phải tốn tiền đồng bào ạ).
Phần triệu hồi Persona ngầu nhưng chưa đủ phê
Tất cả những gì để các nhân vật chính trong game thức tỉnh Persona của họ là: lâm vào tình huống dở sống dở chết, bản thân bị ăn đòn như cờ-hó, sau đó hét lên: “đừng có đùa với bố” và chúc mừng bạn đã thức tỉnh được Persona. Okê, sau vài lần xem thứ chết toi này thì tôi nghĩ mình đang đọc mấy cái Shounen manga, khi nhân vật chính đang gần chết thì chỉ cần chỉ tay lên trời hét một phát là tự nhiên được buff full máu full mana, toàn thân bọc trong kim cương bất hoại rồi vả chết tươi con trùm trước mặt.
Chính vì cách làm tối giản quá mức này đã khiến những khoảnh khắc thức tỉnh Persona - vốn phải rất hoành tráng và đau đớn vì giằng xé tâm lý - thì nó lại biến thành mấy màn la hét cũng như rên rỉ khi các nhân vật cố “rặn” ra Persona của họ. Điều này còn vô tình làm cho các Persona không thể được hiện nội tâm giấu kín của chủ nhân nó, một điểm trừ khá lớn cho một dòng game thiên về tâm linh.
Camera quá tệ
Đầu tiên hãy nói về điểm cộng trong gameplay của Persona 5, đó là nó đã kết hợp giữa hành động lén lút (Stealth Action) đi cùng RPG truyền thống. Lý do cho điều này là vì nhóm nhân vật chính trong Persona giống như một nhóm trộm ngoài vòng pháp luật, với mục đích “thanh tẩy” các thứ xấu xa của xã hội. Mà dĩ nhiên trộm thì đâu có đi khơi khơi trước mặt người khác được, phải vừa trốn vừa đánh lén mới đúng.
Cải tiến này khiến lối chơi của Persona 5 mới lạ hơn, thể hiện được rõ phong cách của game, nhưng vì nhóm phát triển thiếu kinh nghiệm nên thành ra nó vô cùng thảm họa. Điều này phần lớn đến từ cách bố trí camera cực kỳ thiếu khoa học, đôi khi là lý do đưa nhân vật chính lên bàn thờ ngồi mà không hiểu tại sao.
Lối chơi mới cũng hay nhưng mà…
Điểm trừ lớn nhất là góc quay của Persona 5 rất hẹp, đáng lý với 1 game có thiên hướng lén lút thì góc quay phải ở trên cao để người chơi có thể bao quát mọi thứ. Nhưng không, Persona 5 cố tình làm khó nhau khi để camera ngang khiến tầm nhìn giảm còn tí ti như mắt muỗi. Khiến cho chúng ta đôi khi không nhìn thấy được kẻ thù dù chúng ở ngay phía sau, và bị úp sọt cực kỳ vô duyên.
Mà khi đã lâm vào tình trạng này thì bạn sẽ bị đánh cho từ gần chết tới chết luôn tại trận, sẽ là cực kỳ ức chế khi đang chơi cả tiếng đồng hồ chưa kịp save, để rồi Game over lãng xẹt vì cái lỗi dở hơi này. Những lúc đó điều duy nhất mà tôi có thể làm được là đưa tay lên trời cầu phật, sau đó giơ ngón giữa về phía cái camera đang chiếu cảnh cả party của mình từ từ lăn đùng ra từng đứa từng đứa một trong bất lực.