Bạn có bao giờ cảm thấy game mình đang chơi dễ quá hoặc bản thân đánh hay ơi là hay không, có thể đó chỉ là một trong những “cú lừa” trong game được các lập trình viên tạo ra để khiến người chơi thỏa mãn hơn mà thôi.
Mặc dù đã ra mắt một thời gian khá lâu và giành cả GOTY 2019, nhưng God of War vẫn còn rất nhiều bí mật mà rất nhiều người chơi bây giờ mới biết.
Một trong những “cú lừa” trong game kinh điển nhất thường được sử dụng trong các thể loại bắn súng để tăng phần hồi hộp, đó là chỉnh sát thương tối đa. Nói cho đơn giản thì thí dụ như một khẩu súng được lập trình sẽ giết chết mục tiêu bằng 4 phát bắn (không tính giáp, hồi máu, headshot), thì theo thông thường chúng ta sẽ nghĩ mỗi phát sẽ lấy đi 25% máu đúng không nào. Thực tế thì các nhà làm game sẽ chỉnh con số này lên 30 hoặc 33%, sao cho sau khi ăn 3 phát bạn sẽ chỉ còn một vạch máu bé như sợi tóc, như thế cảm giác “lật kèo” sẽ thỏa mãn và sung sướng hơn nhiều, mặc dù sát thương vẫn đảm bảo 4 phát chết.
Một thứ khác nữa là xếp hạng ranking, có thể bạn không biết nhưng các lập trình viên của Gears of War đã nhận ra là nếu như một người chơi tham gia đấu online lần đầu, sẽ có tới 90% tiếp tục chơi nếu như ván đấu đó họ có mạng (bất kể thắng thua). Điều này áp dụng cho mọi game online, do đó ván đấu đầu tiên luôn là thứ quan trọng nhất, ăn tiền nhất với các nhà phát hành. Đó cũng là lý do tại sao họ cho ra đời hệ thống Matchmaking, để đảm bảo ai cũng thỏa mãn với các đối thủ cùng trình.
“Vạch đe dọa ảo” cũng là thứ được sử dụng để khiến người chơi cảm thấy bị đe dọa, thí dụ rõ ràng nhất là tựa game Hellblade: Senua's Sacrifice, nó có một cơ chế đặc biệt mỗi khi nhân vật chính Senua chết đi, cánh tay cô sẽ bị bao phủ bởi cụm gân đen và ngụ ý là nếu nó "ăn" lên tới cổ thì game sẽ chấm dứt (permadeath). Thực tế đây chỉ là hiệu ứng thị giác để khiến game hồi hộp hơn, bạn sẽ chẳng bị làm sao cả, nhưng mà nó thành công lắm đấy vì làm gì có ai chơi Hellblade lần đầu mà biết "tẩy" vụ này đâu.
Các game hành động như seri Assassin's Creed và Doom cũng xài chiêu này, đó là vạch máu ở những thời khắc cuối cùng luôn được chỉnh sửa nhiều hơn (chỉ áp dụng ở độ khó mặc định). Có nghĩa là bình thường bạn ăn 1 đòn sẽ chết thì nay là 2 hoặc nhiều hơn, nó khiến cho người chơi cơ hội để “lật cái bàn”, cũng như ảo tưởng mình vừa mở charka hay gì đó ghê gớm lắm. Chia buồn với bạn, tất cả đều là “cú lừa” trong game hết.
Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao các nhà lập trình game thích nhét nhiều kẻ thù vào 1 chỗ không, câu trả lời là khiến người chơi có cảm giác Rambo chấp hết, nhưng vẫn phải bảo đảm họ chiến thắng. Giải pháp đặt ra là khiến chúng luôn hụt đòn đánh đầu tiên, seri BioShock rất thích trò này, cụ thể là tất cả viên đạn đầu tiên của kẻ địch sẽ luôn luôn hụt bất kể bạn còn bao nhiêu máu.
Kiểu “cú lừa” trong game này cũng được nhiều game khác áp dụng, thí dụ như với Devil May Cry thì nếu như bạn đang gặp một lũ quái lớn, những con đang ở ngoài tầm quan sát trên màn hình sẽ có xu hướng không tấn công và tạo cơ hội để người chơi quẩy hết đám ở gần trước đó – một mẹo đơn giản để tạo ảo giác nhỉ.
Và bạn có bao giờ để ý trong các game bắn súng thường sẽ có mục hướng dẫn bắt chúng ta quay lên xuống hay trái phải chứ (Halo, Portal)... mục đích của nó là để kiểm tra xem người chơi có chỉnh control theo kiểu để ngược nút hay không, từ đó bố trí camera và tọa độ trong game lại cho đúng.
Một “cú lừa” trong game tinh vi khác là ảo ảnh vật thể, biết mấy seri game nhảy nhót kiểu Prince of Persia, Uncharted hay Tomb Raider chứ? Khi bám vách, đu tường hay nhảy qua một chướng ngại vật gì đó (đặc biệt ở mấy trường đoạn chạy khỏi một nơi đang sụp đổ), các lập trình viên sẽ cố tình làm các vật thể rơi chậm lại hay nhanh lên tách biệt hẳn ra với môi trường – tùy theo tốc độ người chơi. Mục đích của việc này nhằm giúp người chơi chạy đúng đường, thứ hai là để khiến mọi thứ đều “vừa đủ” bất kể bạn chơi dở tới đâu chăng nữa, cảm giác mình suýt soát thoát khỏi hiểm cảnh rất đã đúng không nào.
Vụ này cũng được áp dụng trong tất cả các game đua xe hay có chế độ làm chậm (Bullet time), thường là lúc đạt tốc độ cao hay kích hoạt slowmo, bạn sẽ thấy khung cảnh xung quanh mờ đi và tập trung vào nhân vật chính – chia buồn nhé, “cú lừa” trong game cả đó. Những game như Forza Motorsport sử dụng chúng để tạo ảo giác, thực tế thì đúng là có tăng nhưng chỉ như bình thường thôi, ảo giác này làm cho chúng ta thấy như mình đang chạy tốc độ bàn thờ lắm.
Cơ chế pseudo-random (chỉ số ngẫu nhiên tăng dần) cũng một “cú lừa” trong game được ưa thích, nó đặc biệt ứng dụng để khiến người chơi nghĩ mọi thứ đều là hên xui nhưng thực tế là không. Cái này chắc rất nhiều game thủ Dota 1 hồi xưa có nghiên cứu nhất là những ai đánh Phantom Assassin, ulti (Coup de Grace) của hero này có 15% cơ hội chí mạng gây sát thương gấp 4 lần, nhưng chả ai biết lúc nào nó sẽ nhảy ra cả.
Lúc này pseudo-random được áp dụng, tỉ lệ ra ulti của Phantom Assassin sẽ tăng dần lên với mỗi đòn đánh nếu nó chưa được kích hoạt, trị số thực là cộng 3,2% - tức là cú đánh đầu tiên có 3,2% trí mạng, nếu không trúng thì sẽ là 6,4 rồi tiếp đến là 9,7... cho tới khi nào xảy ra thì reset về từ đầu. Vì thế mà có trick là hãy tích một số đòn đánh từ trước nếu ulti chưa nhảy, sau đó đánh nhau với hero địch thì PA sẽ có khả năng kích hoạt Coup de Grace cao hơn. Cơ chế này về sau được áp dụng rộng rãi ở gần như tất cả các game có tỉ lệ kiểu phần trăm, nó tạo sự hồi hộp khi người chơi đánh hụt mãi nhưng ngay cú quan trọng nhất lại trí mạng – ảo giác cờ bạc kinh điển.
Và “cú lừa” trong game cuối cùng là cân bằng trình độ người chơi, lấy 2 phần Left 4 Dead là ví dụ, AI trong game sẽ dựa trên biểu hiện của người chơi để sắp xếp đám quái sẽ tấn công vào ai. Thường thì những thằng ngu thích đi lẻ hoặc chết nhiều nhất sẽ được ưu tiên ít bị nhắm vào (tất nhiên ngu quá thì vẫn sẽ chết thôi), về sau các game Co-op cũng áp dụng chế độ này để một ván đấu cân bằng tương đối.
Vậy nên đôi lúc thì bạn cũng không chơi game giỏi như mình nghĩ đâu nhé, tất nhiên với những người chỉ chọn chế độ khó nhất hoặc nhắm toàn mấy thể loại hardcore thì cứ yên tâm đi, mấy quy tắc này không ảnh hưởng nhiều lắm đâu (bọn khổ dâm không được chào đón).