Phụ Lục
4 năm sau ngày The Elder Scrolls: Oblivion ra đời trong vai trò tựa game đầu tiên sử dụng SpeedTree, trò chơi bước lên Xbox 360 vào năm 2006. Cũng như phiên bản PC, bản Xbox 360 thành công rực rỡ và khiến logo SpeedTree nằm ở mặt sau hộp đĩa rơi vào mắt rất nhiều người. Trước khi điều này xảy ra, quan điểm chung là một phần mềm như SpeedTree vẫn khá nặng nề để chạy được trên console, nhưng Oblivion đã bác bỏ thành kiến đó một cách thuyết phục. “Vì Oblivion thể hiện rằng SpeedTree đã sẵn sàng trở thành ngôi sao trên mọi hệ máy một cách hoành tráng, đó có lẽ là tựa game quan trọng nhất mà chúng tôi từng góp phần tạo ra. Chúng tôi sẽ mãi biết ơn Todd Howard,” Chris King, nhà sáng lập công ty Interactive Data Visualization (IDV) và là tác giả SpeedTree cho biết.
Vào thời điểm đó, một tựa game thế giới mở như Oblivion chạy trên console là điều chưa từng xảy ra trước đó. Dù phiên bản Oblivion trên Xbox 360 đầy bug và gần như không thể chơi được (đặc trưng của game Bethesda xưa nay), các studio làm game nhận ra rằng SpeedTree có thể dựng hình cây trên một bản đồ rộng 16 dặm vuông và không làm quá tải một console có cấu hình thua xa các PC chơi game tầm trung của 2006. Tất cả các ông lớn trong ngành công nghiệp game đã nhận ra tiềm năng của SpeedTree.
Dĩ nhiên SpeedTree cũng góp phần vào thành công của Oblivion. Nhờ vào phần mềm này, game thủ có những khu rừng rộng lớn, đáng tin và thỏa mãn trí tưởng tượng của họ. Dù cây cối và rừng rậm trong Oblivion vẫn khá xấu so với tiêu chuẩn ngày nay, việc dựng hình những mảng rừng lớn với nhiều loại cây cối, nhiều tầng lớp khác nhau là một bước đột phá về mặt kỹ thuật, chứng minh rằng game thế giới mở có thể chạy được trên máy cấu hình thấp và độ phân giải tương đối chấp nhận được. Nó khiến cả ngành công nghiệp game biết rằng kể từ thời điểm đó, những cánh rừng rậm rạp và đầy sự sống không còn là giấc mơ.
Sau nhiều năm phát triển, IDV đã biến SpeedTree từ một công cụ nhỏ ban đầu thành một phần mềm khủng chứa một thư viện vân bề mặt khổng lồ để dựng hình các loại cây cối, đi kèm với những công cụ tạo chuyển động (animation) cho phép nhà phát triển game mô phỏng chuyển động của cành lá khi có gió thổi qua. Nhưng quan trọng nhất, những cái cây của SpeedTree còn được thiết kế sao cho tiết kiệm tài nguyên nhất có thể, bởi game thủ luôn ưu tiên số khung hình hơn là chất lượng đồ họa của game. Điều này giúp họ giành được một hợp đồng với Ubisoft vào năm 2016, khi SpeedTree sẽ trở thành công cụ trồng cây trong mọi tựa game của Ubisoft từ đó trở đi.
Ông mô tả cách hoạt động của phần mềm của mình một cách khái quát: “Tất cả đều được định sẵn, nghĩa là chúng tôi sẽ dùng những đường cong và con số để nhập liệu vào một thuật toán có khả năng tạo ra cây, và khi bạn thay đổi những đường cong và con số, cái cây cũng thay đổi.” Người dùng thậm chí còn có thể cắt giảm công đoạn nhập liệu bằng cách nhấn nút tạo ngẫu nhiên, nên nhà phát triển có thể dùng SpeedTree để tạo ra cả một khu rừng không có hai cái cây nào giống hệt nhau một cách dễ dàng. Với những cái cây được tạo ra, các họa sĩ, nhà thiết kế màn chơi hay lập trình viên trong đội ngũ làm game có thể dễ dàng sắp đặt thành một khu rừng theo đúng ý muốn của mình. Sau đó, SpeedTree sẽ đảm nhiệm toàn bộ những công đoạn load, dựng hình, thay đổi mức độ chi tiết theo khoảng cách xa gần, các hiệu ứng ánh sáng và cả gió cho toàn bộ khu rừng khi game thủ ghé thăm.
Với những công năng mạnh mẽ như vậy, hẳn bạn có thể dễ dàng nhận ra được SpeedTree quan trọng đến mức nào với các nhà phát triển game, đặc biệt là các studio indie muốn có những cái cây chân thực trong game của họ. Trước khi SpeedTree ra đời, các lập trình viên của Bethesda đã phải vẽ và đặt những cái cây trong The Elder Scrolls 3: Morrowind hoàn toàn bằng tay, một công việc hết sức nhàm chán và lãng phí thời gian. SpeedTree giúp họ chuyển khoảng thời gian đó sang những công đoạn quan trọng hơn, góp phần vào sự thành công của Oblivion và Skyrim sau này.
Hiện tại, IDV đã phát hành SpeedTree 8, một bước tiến nhảy vọt trong công nghệ dựng hình dựa trên các yếu tố vật lý. Để tạo ra những cái cây chân thực nhất có thể, họ thậm chí còn thuê chuyên gia bay khắp thế giới để scan vỏ mọi loại cây có thể tìm được và bổ sung vào thư viện vân bề mặt của game. Nhưng ông Chris King vẫn tin rằng phần mềm của mình còn có thể phát triển hơn nữa. “Cây của chúng tôi nhìn đẹp ở khoảng cách game thủ thường đứng nhìn cây – khoảng 3 đến 30m. Vậy nên trong 10 năm tới, chúng tôi hi vọng mình sẽ có thể zoom từ không gian vào đường gân trên lá một cách mượt mà.”
Ngày nay, chúng ta có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tựa game mới mỗi năm, và rất nhiều trong số đó sử dụng SpeedTree. Một số đòi hỏi nhiều hơn những cái cây bình thường, chẳng hạn thể hiện sự sống của chúng. SpeedTree không đáp ứng được điều này, bởi ông Chris nói rằng việc khép SpeedTree vào các quy luật tự nhiên sẽ khiến công dụng của nó bị thu hẹp.
Để minh họa cho điều này, Chris kể lại một sự việc khó tin, khi ngay cả… Mật vụ Mỹ cũng là khách hàng của SpeedTree. Ông nói rằng vào lần đó, các đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ Nhà Trắng muốn tạo ra một bản sao của Nhà Trắng và khu vực xung quanh trong thế giới ảo. Ban đầu, Mật vụ Mỹ liên hệ với một đối thủ của IDV có trụ sở ở châu Âu, nhưng công ty này từ chối bởi phần mềm của họ tuân thủ nghiêm ngặt các quy luật tự nhiên, kiểu “cây magnolia miền nam không mọc đến 24m, nên phần mềm của chúng tôi không làm được vậy.” Thế là các sếp Mật vụ gọi điện cho IDV, và ông Chris đùa rằng mình trả lời “chúng tôi sẽ làm nó cao 2.400m nếu cần, chúng tôi cóc quan tâm (đến quy luật tự nhiên). Chẳng có gì khác biệt cả, vì chúng tôi không bị gò bó trong quy luật tự nhiên. Các anh muốn cỡ nào? Có muốn làm cái cây đó có hình dạng Nhà Trắng không? Chúng tôi cũng làm được luôn!”
Mọt không rõ tại sao người ta lại cần một cái cây cao 24m trong trường hợp này, nhưng Mật vụ Mỹ không phải là khách hàng duy nhất có những yêu cầu lạ lùng như vậy. Ông Chris nói rằng thật ra số lượng hãng phim và studio game yêu cầu họ tái hiện Nhà Trắng là quá nhiều, đến mức nó trở thành một trò đùa trong nội bộ công ty. Điều này là dễ hiểu bởi không ai được phép quay chụp trong khuôn viên Nhà Trắng, mặc cho sở thích đập phá công trình này của các tay đạo diễn Hollywood và giám đốc phát triển game trên toàn cầu.
Kể từ khi ra mắt đến nay, đã có hàng trăm bộ phim và hơn 1.000 tựa game sử dụng SpeedTree để phủ xanh thế giới của mình. Dù hiếm khi được game thủ chú ý trong quá trình chơi, nhưng cây cối là đại công thần trong việc tạo ra những khung cảnh theo đúng ý đồ của nhà sản xuất, từ thơ mộng nên thơ đến ma quái hoang tàn. Vậy nên dù bạn leo trèo trong Assassin’s Creed, tìm quái thú trong rừng của The Witcher 3, hay náu người sau những cái cây chống đạn của PUBG, hãy dành một chút thời gian để thưởng thức những cái cây tuyệt đẹp mà phần mềm này tạo ra để bữa gà hay cuộc vờn nhau với kẻ địch thêm phần hấp dẫn.