Game bán chạy chưa hẳn đã có lời
Nghe có vẻ vô lý nhưng có những game bán đến hàng triệu bản nhưng vẫn “lỗ sặc máu”. Vấn đề của làng game thời hiện đại chính là chi phí làm game ngày một tăng cao. Các game AAA có vốn đầu tư lên đến 50 – 60 triệu USD là chuyện thường vì vậy nếu tính vị chi một bản game bán giá chuẩn là 60 USD thì phải bán hơn 1 triệu bản mới hoàn vốn.
Game bán hàng triệu bản vẫn có nguy cơ bị lỗ
Tất nhiên chả ai làm game chỉ để… huề vốn cả, ngành game vốn là siêu lợi nhuận nên các nhà đầu tư hoặc ngân hàng cho vay luôn kỳ vọng lãi trả về phải cao ngất. Do vậy nhà phát hành game luôn phải chịu sức ép phải bán được vài triệu bản game đồng thời cố “bào tiền” người chơi bằng đủ mọi cách để tăng thêm doanh thu. Nếu game hay mà kế hoạch “hút máu” không tốt thì game vẫn chết nhăn răng mặc dù bán chạy và được khen ngợi.
Kingdoms of Amalur: Reckoning đã chết một cách đáng tiếc vì tài chính yếu
Một ví dụ của tình trạng này là sản phẩm Kingdoms of Amalur: Reckoning ra mắt năm 2012. Game nhanh chóng bán được 1,22 triệu bản trong 90 ngày và được xem như một game có thể sánh được với Dragon Age. Tuy nhiên, đơn vị cho vay vốn làm game đã tuyên bố nhà sản xuất 38 studio phải đạt 2,5 – 3 triệu bản trong 90 ngày mới đủ tiền hoàn vốn. Tất nhiên 38 studio đã phá sản vì không đạt mục tiêu hoàn vốn cho ngân hàng.
Nhỏ “tiếng” bị dìm và số phận hẩm hiu của các công ty gia công game
Rất nhiều công ty gia công đang ngày đêm xây dựng phần lớn thế giới lung linh và những màn chơi kịch tính cho bạn ngoài kia tồn tại như những bóng ma. Ngay tại Việt Nam cũng có vô số những con người và đơn vị như thế. Họ tài năng, họ chăm chỉ, họ có kinh nghiệm nhưng không cái nào trong số đó được khám phá vì lớp “đất bùn” với cái tên “thỏa thuận bảo mật thông tin” chính là mảnh đất giúp họ “trồng lúa kiếm cơm”. Nói trắng ra là nhà thầu đã ràng buộc những công ty làm gia công buộc họ giữ bí mật tuyệt đối về sự can dự của mình vào dự án game.
GlassEgg là công ty gia công game lớn ở Việt Nam
Họ cũng chẳng được ghi tên hay quảng bá cùng với tựa game họ đã gia công, tất nhiên họ vẫn có thể trưng game đó lên thành tích của website mình nhưng chả mấy ai biết mà vào xem. Nếu không nhờ vào những vụ lùm xùm kiện tụng vừa qua thì cái tên “GlassEgg” chắc sẽ mãi chẳng thể nào xuất hiện trong đầu hầu hết game thủ trong và ngoài nước, càng không ai biết họ là công ty nội địa đảm nhiệm gia công kha khá tựa game AAA doanh thu ngất ngưỡng.
Cũng chả ảnh hưởng gì mấy nếu bạn hài lòng với vài dòng game ăn khách “chính thống” vắt sữa “quá khứ” mỗi năm. Nhưng nếu những người làm gia công đó muốn tự làm game để mang sáng tạo chất lượng của mình đến cho cộng đồng, chẳng ai ủng hộ họ vì không ai biết danh tính những nhà gia công đầy kinh nghiệm đó.
Một ví dụ chính là trên kênh huy động vốn cộng đồng Kickstarter xuất hiện một dự án game có tên gọi Hyde, dự án này thất bại vì chẳng ai biết nhóm sản xuất là ai cả, những cái tên lạ lẫm. Sự thực thì họ là nhà gia công từng làm việc với nhiều tựa game lớn trong đó có cả Final Fantasy. Tuy nhiên điều khoản hợp đồng bắt họ phải im lặng không được hé lộ về những gì mình làm cho game. Đến khi họ muốn có một sản phẩm riêng cho mình thì họ không thể ngóc đầu lên được.
Làm game đôi khi chẳng khác gì lao động khổ sai
Như phần trên có nói, những đội lập trình và sản xuất game làm việc với khối lượng công việc khổng lồ, thời gian hạn hẹp và lương được trả tùy vào hợp đồng vốn được đưa ra bởi những kẻ chả bận tâm việc một ngày làm việc không phải là 24 tiếng. Một người tên “Erin Hoffman” đã miêu tả trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến rằng chồng cô phải làm việc 12 đến 13 giờ mỗi ngày, bảy ngày một tuần mà tiền công OT chẳng được trả một đồng.
Làm game áp lực cao và ngốn nhiều thời gian
Theo Guardian, tình trạng này ngày càng trở nên phổ biến trong giới làm game và chả ai lên tiếng chống lại nó cả. Đã từng có vài động thái liên kết nhằm đòi quyền lợi cho nhân viên ngành game làm thêm giờ nhưng cũng chẳng đổi thay được gì nhiều. EA và Rockstar là hai cái tên đã bị trát toà réo gọi vì vấn đề trên.
Thế nhưng, tình trạng quá tải trong công việc, căng thẳng và thiếu thốn thời gian cho gia đình vẫn cứ tồn tại giữa cuộc sống của những người ngày đêm tạo ra tiếng cười cho hàng tỉ người trên thế giới.
Khi nhà phát hành “hối lộ” để có bài đánh giá “bóng bẩy”
Thói quen của bạn trước khi mua game thường là tìm đọc những thông tin, đánh giá từ những kênh uy tín như báo game lớn hay các streamer nổi tiếng đúng không? Một trong những vấn để khá là “bốc mùi” tồn tại từ rất lâu và thậm chí được chấp nhận ngay trong chính làng game thế giới đó là nhà phát hành game trả tiền cho các kênh trang tin và “người nổi tiếng” để đánh giá tốt cho game.
Các nhà phát hành game sẵn sàng chi tiền để "tác động" đến các kênh đánh giá game
Bạn có thể cho rằng đó là một kiểu “quảng cáo”, các trang tin và người nổi tiếng cũng cần có thu nhập. Tuy nhiên sẽ rất sai nếu họ nhận tiền và bóp méo sự thật theo yêu cầu. Người ta nói rằng “nửa cái bánh mì thì vẫn là cái bánh mì nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật nữa”. Một bài đánh giá game mà cố ý giấu gần hết những điểm dở chỉ nêu những điểm hay hoặc một streamer toàn ca ngợi game mà tránh bước vào những tình huống thể hiện cái dở của game liệu có thể xem là trung thực và khách quan?
Thiếu những đánh giá công bằng và khách quan khiến người chơi mỗi khi muốn tham khảo tí đánh giá để chọn game chơi như bị lạc vào “mê hồn trận” vậy, chả biết đâu thật giả. Chi tiền mua một tựa game xong rồi đến khi chơi dang dở lại thấy game dở “vô lối” thì vừa là lúc hết được refund vì quá thời lượng chơi cho phép để hoàn tiền. Khỏi phải nói là “cay” đến thế nào nhỉ.
Warners Bros. chi đậm để Middle-earth: Shadow of Mordor được "nói tốt"
Mọt game cũng chắc chắn luôn với bạn rằng đây không phải chuyện bịa. Một ví dụ gây ồn ào nhất chính là Middle-earth: Shadow of Mordor vào năm 2014. Bí mật thỏa thuận giữa nhà phát hành Warners Bros. với các chủ kênh Youtube về việc cho phép review game là họ phải nói tốt cho game và họ sẽ nhận được số tiền tương ứng theo “nồng độ” tung hô của chủ kênh cho sản phẩm. Cho đến năm 2016 nhà phát hành này chính thức bị phạt đến 10.000 USD vì tội can thiệp vào quá trình đánh giá sản phẩm của các người nổi tiếng, trong danh sách nhận tiền có cả huyền thoại Pewdiepie.
Lồng tiếng game: thật đến đáng sợ
Công việc của diễn viên lồng tiếng cũng giống như nhiều diễn viên bình thường khác trên màn ảnh. Tất cả cảm xúc và âm thanh của nhân vật trong game từ khóc, cười, sợ hãi cho đến đau đớn, thống khổ đều phải được diễn tả một cách chân thật. Sự thành bại của một tựa game đôi khi được quyết định bởi biểu cảm qua âm thanh của người lồng tiếng. Và để bảo đảm trải nghiệm của game thủ, đôi khi nhà sản xuất phải "tạo điều kiện", lắm khi quá mức cần thiết khiến voice actor trở thành diễn viên đóng thế bất đắc dĩ.
Lồng tiếng chân thật không phải dễ
Steve Blum - người góp giọng trong hàng loạt dòng game đình đám như Final Fantasy, Star Wars hay Marvel nói rằng có lần anh đã phải chịu thương tổn vật lý trên cơ thể nặng tới mức ho ra máu chỉ để đạt được đúng biểu cảm yêu cầu của vai diễn. "Tính ra tôi còn may mắn chán so với rất nhiều đồng nghiệp buộc phải trải qua phẫu thuật vòm họng do tổn thương thanh quản”, Steve nói.
Vào năm 2016, Steve còn cho biết thêm rằng có lần diễn viên lồng tiếng buộc phải la hét liên tục bốn tiếng đồng hồ và bị yêu cầu thực hiện những hành động khá nguy hiểm khác trong lúc ghi âm để dạt được biểu cảm mà đạo diễn muốn.
Game trở thành nơi "chat chit" của tội phạm
Chúng ta chơi game để giải tỏa căng thẳng sau một ngày dài làm việc mệt nhọc và quỹ thời gian thì hạn hẹp chẳng đủ đầy cho những chuyến đi xa. Thế cơ mà cuộc đời cũng chẳng buông tha dẫu trong đôi phút nơi ảo giới.
Năm 2011, cơ quan Thống kê tội phạm có tổ chức Hoa Kỳ thuộc FBI đã báo cáo rằng các băng đảng sử dụng game để liên lạc, trao đổi mua bán và chiêu mộ thành viên thông qua tính năng voice chat cũng như "tập dợt" trước "màn trình diễn" của chúng ngoài đời thực.
Các kênh chat bảo mật trong game đang bị lợi dụng
Tương tự, các máy chơi game console luôn được nhắc đến như một nguy cơ trở thành kênh liên lạc của khủng bố khi mà các kênh chat trong game luôn ở trạng thái bảo mật. Nó bảo mật tốt đến nỗi các tình báo chống khủng bố cũng không thể nào nghe lén được. Năm 2015, một quan chức an ninh của Bỉ đã phát biểu điều tương tự về mối lo khủng bố tại Châu Âu thời bấy giờ.
Rửa tiền bằng chợ trong game
Mua vô bán ra kiếm lời trong làng game nhập vai trực tuyến (MMORPG) chắc cũng chẳng lạ gì đối với phần lớn người chơi cũ lẫn mới của thể loại này. Đặc thù của những “phiên chợ online” này cũng rất dễ bị sử dụng như một phương thức rửa tiền của bọn tội phạm công nghệ cao.
Chợ trong game cũng thành một dạng lưu đổi tiền giữa các đầu
Văn phòng giám sát tội phạm và ma túy của Liên Hợp Quốc (United Nations Office on Drugs and Crime) công bố năm 2013 rằng Second Life và World of Warcraft là hai tựa game tồn tại nạn rửa tiền lớn nhất thế giới. Phương thức được sử dụng cực kì dơn giản đó là tạo một lượng lớn tài khoản, đổi tiền thật thành tiền “ảo” chuyển hoặc mua hàng rồi bán cho tài khoản khác, đổi thành tiền thật hoặc bán cho người chơi để lấy tiền mặt.
Rửa tiền trong game là một cách mới của bọn tội phạm kinh tế
Không hề bị giới hạn bởi khoản cách địa lý và thao tác đơn giản, nhanh gọn khiến cho việc làm này của bọn tội phạm trở nên cực kỳ khó theo dõi và thu thập bằng chứng. Ưu điểm của cách làm này chính là khối lượng tài sản được “làm sạch hóa” cực lớn có thể được xử lý gọn gàng và nhanh chóng. Chúng ta đang thực sự sống trong một thế giới với lắm chuyện không ngờ tới nhỉ!
“SWATTING” trò đùa chết người của bọn “vô học” trên mạng đang lan tràn
Cuộc đời chưa bao giờ đối đãi công bằng với tất cả mọi người sinh ra trên thế giới này. Phần lớn chúng ta may mắn chào đời với “não” trong sọ làm việc khá hiệu quả, đôi khi hơi lười nhác một chút như Mọt tôi đây. Số ít còn lại phải sống còn cái suy nghĩ “khuyết tật” rằng phá hoại cuộc sống bình yên an toàn của người khác bằng việc gọi cảnh sát tấn công họ giữa ban ngày là cái gì đó “đỉnh vãi ***”.
Knock knock!
Joshua Peters là một người bình thường, stream game trên Twitch và có 60.000 người theo dõi trên nền tảng trực tiếp game lớn nhất toàn cầu. Anh chàng tội nghiệp này đột nhiên trở thành mục tiêu của mấy thằng “thiểu năng” láo cá, bị SWAT ập vào nhà hai lần khi đang stream game.
SWAT bị lợi dụng như công cụ "đánh thuê" dành cho bọn chuyên quấy rối điện thoại cảnh sát
Không chỉ mỗi Peters, một game thủ tên là Tyran Dobbs bị thằng “hâm” nào đó ở Anh gọi SWAT và báo cáo rằng Dobbs đang bị bắt cóc và kẻ tấn công yêu cầu 15.000$ tiền chuộc. Cảnh sát lập tức lao tới nhà anh, gõ cửa kiểm tra và chàng game thủ bước ra xem ai đang gọi. Bùm! SWAT ngây ngô tưởng anh là kẻ tấn công (tình huống trên chả ai kịp hỏi han gì đâu), ăn đạn cao su vỡ mặt.
Ai đó ngưng việc này lại ngay!!!