Đầu tiên, Mọt tôi xin nói thẳng. Game hút máu ở đây chỉ những game offline trong làng PC-Console chứ không nói đến những game online như trước giờ bị bà con mắng chửi đến mòn tai. Lần này Mọt tôi sẽ nói về những cái tên lớn trong làng game thế giới với những lý do có thể giải thích cho việc “bào tiền” của anh em một cách trắng trợn.
Tuy nhiên trước khi hé lộ những đánh giá về nguyên nhân, chúng ta hãy tìm hiểu một chút về những kiểu làm game hút máu của các nhà phát hành những năm gần đây.
1001 kiểu bòn rút
Nếu bạn quá quen thuộc với thể loại game hút máu kinh điển bằng phương pháp Free to Play, xin nói rằng đó chỉ là một trong vô vàn biện pháp để móc túi người dùng. Mọt tôi cũng xin điểm qua luôn cách thức cơ chế Free to Play móc túi bạn.
1 – Cơ chế “luộc con ếch”
Bạn sẽ được mời vào game chơi miễn phí, tâm lý của bạn sẽ là “chả mất gì”. Mồi nhử đầu tiên chính là nội dung game như đồ họa, cốt truyện, gameplay hấp dẫn khiến bạn thích. Từ đây sẽ bắt đầu có những lời mời bạn mua các gói lớn-nhỏ đủ kiểu như “Starter Pack cho tân thủ giảm 60%”, một món abc hay bơm thêm thể lực với giá chỉ 5.000đ - 10.000đ nếu quy ra tiền thật. Những mồi nhử đó khiến bạn tặc lưỡi “nhỏ như con thỏ ấy mà! Bố mày xuống xác!”
Gói Starter Pack cho tân thủ thường được cố ý giảm giá mạnh để mồi tiếp nhu cầu mua đồ của game thủ
Có một câu chuyện về luộc con ếch, đó là khi bạn bỏ con ếch vào nồi nước sôi nó sẽ nhảy trở ra vì nóng, nhưng bạn bỏ nó vào nồi nước lạnh và đun nhè nhẹ dần dần thì con cóc sẽ chết bỏng mà không nhận ra độ nóng để nhảy ra. Mặc dù về thí nghiệm thực tế đã chứng minh câu chuyện trên là… bịa, nhưng nó vẫn cho thấy một đặc tính tâm lý thú vị của con người.
Nếu game free to play bán cho bạn một gói 1 triệu đồng, bạn sẽ nghỉ game ngay lập tức. Nhưng nếu nó dụ bạn mua mỗi giờ 2 – 3 món giá 10.000đ trong 1 tuần có khi bạn trả gấp mấy lần 1 triệu đồng mà bạn không biết. Lúc này bạn chính là con ếch bị luộc trong nước lạnh đun lửa riu riu.
2 – Bán gói trả thêm
Việc bán gói trả thêm (DLC) cũng có nhiều kiểu, nhưng tựu chung nó là việc bán thêm một cái gì đó bên cạnh “cục” game chính. Dạng đầu tiên nhẹ nhàng sẽ là những gói phụ trợ như vũ khí thêm, skin thêm, các theme hay bộ avatar cho console. Người dùng sẽ vui vẻ chi thêm ít tiền để có những món quà kiểu sưu tập làm kỷ niệm hoặc tăng tính hấp dẫn khi chơi với một chút “khác biệt” về skin và vũ khí. Kiểu thu tiền này dễ được chấp nhận nhưng lắt nhắt và giá trị nhỏ lời lãi chẳng bao nhiêu.
Một meme chế nhạo kiểu chia nội dung DLC ngày nay
Tuy nhiên khi nó liên quan đến phần lõi game thì lại là chuyện khác. Mọt tôi vẫn còn nhớ cơn bão mà game thủ nhằm vào Capcom khi hãng này công bố một DLC cốt truyện dành cho Asura’s Wrath. Người chơi lúc đó mới vỡ lẽ là họ phải trả thêm tiền nếu muốn có “true ending” của game. Còn không thì cứ dừng lại ở kết thúc bình thường. Cộng đồng lúc đó cho rằng đây là một kiểu “tống tiền” trắng trợn vì game thủ đã vào game ai chả muốn hoàn thành game một cách trọn vẹn?
Chương 19 - 22 được cho là kết thúc hoàn hảo của Asura's Wrath được Capcom cho vào DLC
Sau sự cố đó các nhà sản xuất game đã rất thận trọng trong việc bán DLC từ nội dung lõi của game, trừ ông EA vì quá tham nên làm liều với con Star Wars: Battlefront II rồi bị bóc phốt sml. Họ đã áp dụng một phương pháp nhẹ nhàng dễ thở hơn là… ngắt lẻ từng mảng. Ví dụ như chừa lại 10% số nhân vật để bán thêm, chừa ra 5 nhiệm vụ phụ có nội dung giải thích rõ thêm cốt truyện game để bán thêm, chừa lại 1 – 2 bản đồ chơi mạng để bán thêm…
Chính xác là sau khi Star Wars Battlefront 2 ra mắt, EA đã bị game thủ cả thế giới phản đối điên cuồng vì quá tham lam và vô liêm sỉ.
Nó vẫn đánh vào tâm lý muốn chơi game trọn vẹn của game thủ để moi tiền nhưng khó có thể bị phản ứng vì nó là “đồ chế thêm”. Nhưng ai biết được nó có được lên kế hoạch ngay từ đầu cho game chính rồi bị cắt ra hay là kế hoạch làm thêm phát sinh để bán? Chỉ có nhà sản xuất biết mà thôi!
3 – Sẽ thật ngu ngốc nếu bỏ sót Lootbox
Loot box là ứng dụng mới nhất được các nhà làm game học hỏi từ mảng game online và game mobile. Cơ chế loot box kích thích sự cay cú bên trong mỗi con người tương tự như trò đánh bạc. Nhà làm game sẽ cho vào list phần thưởng những thứ cực kỳ hiếm mà game thủ thèm muốn. Món đắt giá nhất sẽ có tỷ lệ rơi ra thấp nhất và bạn cứ trông vào may rủi để có được món yêu thích rồi quên rằng tổng tiền mình bỏ ra mua box đã quá tầm tay từ lâu.
Một meme khác chế nhạo ứng dụng loot box
Thực ra những món trong box không hẳn là phải ảnh hưởng đến sức mạnh nhân vật, có những game chỉ cung cấp skin nhân vật như Overwatch. Tuy nhiên vấn đề không phải nằm ở việc nó ảnh hưởng hay không đến gameplay mà nó nằm ở nhu cầu của người dùng. Nếu bạn thích một skin đẹp, bạn vẫn tung cả gia tài ra để quay loot box lấy nó chẳng khác gì một món vũ khí xịn. Mấu chốt của game hút máu chính là ở chỗ nếu bán đồ không dính đến lõi game như skin đẹp, skin độc sẽ không ai phiền trách gì.
Chỉ đơn giản là lòng tham của nhà sản xuất?
Tìm trăm phương ngàn kế để làm ra những game hút máu bòn rút từng đồng của game thủ chỉ đơn giản vì… tham? Nếu bạn để ý diễn biến của nền công nghiệp game thì câu trả lời là chưa chắc tham đâu. Đôi khi nó đến từ những lý do mà ngay cả nhà sản xuất cũng bó tay. Không phải ai cũng như… EA.
1 – Vốn làm game đội lên không tưởng
Có thể nói rằng vốn để làm một tựa game bom tấn AAA có thể dao động từ 50 triệu lên đến vài trăm triệu đô la. Nó có thể gấp đôi có khi gấp 3 lần kinh phí làm một bộ phim bậc trung hay xấp xỉ một phim bom tấn Hollywood. Mà đây cũng không phải là điều gì ám muội, đơn giản là game càng đẹp, càng hiện đại thì chi phí công nghệ và kỹ xảo để tạo ra nó càng cao, tốn càng nhiều nhân công. Mà nhân công làm game nào phải lương rẻ gì cho cam, toàn lập trình viên cao cấp, artist đồ họa, hiệu ứng kỹ xảo 3D...
Ví dụ của Steve Theodore về độ tinh xảo của 2 mẫu quái ngày xưa và ngày nay
Theo như hé lộ của Steve Theodore, giám đốc hãng Bungie, khi bàn về vấn đề này thì ngày xưa một artist đồ họa có thể bao hết công việc lên ý tưởng, vẽ phác thảo, hoàn thiện thiết kế một nhân vật một mình. 15 năm sau, từng ấy công việc với nhân vật theo công nghệ game hiện đại cần một tá người làm trong thời gian dài hơn gấp nhiều lần do độ phức tạp về công nghệ hiện đại. Một mô hình 3D con quái ngày xưa dựng trong 2 tuần trong khi 10 năm sau một mô hình quái 3D phức tạp hơn gấp chục lần dựng mất 7 tuần. Chi phí nhân công đội lên phi mã là điều hiển nhiên.
Chi phí cho công nghệ và nhân công để làm Lara Croft bên trái tất nhiên thấp hơn nhiều so với bên phải
Nói cách khác, các nhà làm game đã bỏ hàng tấn chi phí tạo ra một món hàng cực kỳ đắt đỏ và họ phải làm mọi cách để “gỡ vốn” từ nguồn khách hàng duy nhất: game thủ. Bài toán trở nên khó hơn khi bạn không thể đơn giản là tăng giá bán của game lên cao. Với mức giá trung bình trên dưới 60 USD cho một game chất lượng kéo dài nhiều năm nay nó đã trở thành một ngưỡng tâm lý với game thủ. Chỉ cần nhích giá lên một tí, người ta sẽ đặt vấn đề ngay và doanh số có nguy cơ sấp mặt vì game thủ ngại mua đắt, dù chỉ đắt hơi vài đồng.
Cách hữu hiệu nhất là lồng ghép những thủ pháp “bán thêm” kể trên vào và biến sản phẩm thành một game hút máu phức hợp mà vẫn giữ giá bán cơ bản ở mức 60 USD.
2 – Chi phí Marketing
Không chỉ với video game, chi phí Marketing luôn là một gánh nặng với tất cả các loại hàng hóa thời nay. Lấy ví dụ chiếc điện thoại iPhone 4 có giá thiết bị lắp ráp thô chỉ xấp xỉ 200 USD nhưng giá bán của nó lên đến 600 USD. Trong số chênh lệch 400 USD đó phần lớn là chi phí marketing.
Thiết kế, công nghệ và marketing chiếm 360 USD trong tổng 600 USD giá chiếc iPhone 4
Làng game cũng vậy, khi game càng phát triển thì công tác marketing đi từ quy mô các vùng quốc gia riêng lên đến cấp độ toàn cầu cũng đội chi phí lên không tưởng. Theo một số nguồn tin thì chi phí marketing của Modern Warfare 2 cao gấp 3 lần chi phí để làm ra game.
Chi phí để làm game Gratuitous Space Battles 2 với Marketing chiếm một mảng lớn
Tuy nhiên, các chi phí thuộc mảng kinh doanh này ít khi được nhắc và cũng rất ít công bố số liệu chính xác. Chính vì vậy cộng đồng game thủ ít khi biết được những khâu nào của việc làm ra game là đắt nhất. Tuy nhiên tỷ trọng của mảng marketing góp phần cực cao là có thật và cũng rất… hợp lý.
Chỉ là một bánh răng trong guồng máy
Qua những thông tin trên, hẳn bạn đã hiểu tại sao game hút máu lại ngày càng phổ biến và nhà sản xuất cứ tìm trăm phương ngàn kế để đầu tư cơ chế của một game hút máu trở nên tinh vi như vậy. Đơn giản là khi tạo ra một game AAA họ auto cõng một gánh nặng hàng chục đến hàng trăm triệu USD và không chỉ phải hoàn vốn họ phải làm cho nó sinh lãi. Nếu không họ sẽ chẳng thể nào xin vốn để làm tiếp phần sau, các nhà đầu tư chẳng ai muốn bỏ cả đống tiền để đổi lấy khoản lãi quá ít.
Kinh phí (budget) để làm game đang đè nặng lên vai các hãng game lớn
Cũng chính vì vậy các game khi đã trở thành tượng đài dưới tay các nhà phát hành lớn thường ngày càng ít đột phá ở những phần sau đó. Đơn giản là họ sợ mạo hiểm với ý tưởng mới sẽ khiến họ bị món nợ chục triệu đô đèn nặng. Thôi thì cứ chọn đường an toàn mà đi, mỗi năm lại ra 1 bản đều đều vào tháng 11 (chắc bạn biết Mọt tôi đâm chọt ai rồi đấy). Khi đã cạn game vì thất bại họ lại lùng mua thêm những nhà sản xuất game nhỏ đang giữ các sản phẩm triển vọng và… khai thác nó đến chết.
Chẳng thể trách được các nhà sản xuất game vì chính họ cũng bị trói buộc trong guồng máy kim tiền. Để làm game AAA cần vốn lớn cho các chi phí đắt đỏ, mà vay được chi phí đầu tư thì phải cam kết có lãi và trả nợ, để có tiền cho những điều đó chỉ có thể biến sản phẩm thành game hút máu để tận thu từ đám game thủ.