Phụ Lục
Thời đại công nghiệp 4.0 làng game 40 năm phát triển, game thủ vẫn luôn đau đáu một câu hỏi: Lớn lên làm nghề gì để vừa có thu nhập vừa sống cùng với đam mê chơi game? Mọt tui không dám xưng là uyên thâm tri thức tột bậc nhưng cũng lăn lộn trong làng kiếm cơn từ game ngót nghét chục năm nên có một số lời khuyên cho các bạn về những nghề nghiệp cho game thủ như sau.
Vậy là tại sự kiện E3 năm nay, Capcom đã chính thức tung con át chủ bài ngâm dấm chính xác là tròn 10 năm của mình ra là phiên bản thứ 5 của dòng game chặt chém đình đám Devil May Cry. Người hâm mộ thì đã chờ mỏi mòn theo từng mùa E3 từ rất lâu. Liệu mọi chuyện đã quá muộn?
Đầu tiên, hãy xác định rằng ngành nghề về game không phải cái nào cũng đòi hỏi trực tiếp chơi game hay nặng kiến thức game. Có nhiều chuyên ngành khác nhau mang tính trung lập nhưng chỉ cần kết hợp với một chút kiến thức về game là có thể làm trong ngành game. Hãy cùng xem qua những nghề nghiệp cho game thủ chọn lựa nhé!
Cơ bản nhất, thường thức nhất, đây chính là nghề nghiệp cho game thủ mở mức căn bản nhất. Khi nhắc đến khái niệm việc cho game thủ làm thì nó nảy ra đầu tiên trong đầu bạn. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà nó là loại nghề dễ làm nhất, thậm chí còn ngược lại. Lập trình viên vốn là một nghề không dễ, bạn cần phải thông thạo tinh học lập trình và có khả năng logic để giải các vấn đề hóc búa mà sản phẩm yêu cầu.
Điều khiển một nhân vật đi từ A đến B không khó, nhưng viết code để điều khiển 1 nhân vật đi từ A đến B là một chuyện hoàn toàn khác. Chính vì vậy, nếu bạn mê chơi game và muốn tạo cho mình một sản phẩm game mà mình hằng mơ ước, hãy suy nghĩ kỹ trước khi thử sức học lập trình game. Hiện tại một số trung tâm đào tạo kỹ thuật cao đã mở lớp lập trình game cho mobile, đơn giản và đáp ứng thị trường hơn là lập trình game cho PC-console vốn đã cũ và độ khó cao hơn nhiều.
Tất nhiên bạn cũng cần phải tính toán việc học xong thì… có tìm được việc làm không nữa. Lập trình viên làm game là một nghề nghiệp cho game thủ thuộc nhóm khó tìm việc vì nhu cầu tuyển không nhiều mà lại yêu cầu kỹ năng khá cao.
Đây là nghề nghiệp cho game thủ tồn tại song song với lập trình viên cho game. Nếu lập trình viên phát triển game qua code thì họa sĩ thiết kế tham gia qua khâu tạo hình và vẽ các chi tiết. Lấy ví dụ như LMHT, với một con tướng thì lập trình viên sẽ quy định các chiêu thức cũng như cơ chế vận hành của tướng còn họa sĩ sẽ vẽ ngoại hình, làm hiệu ứng chiêu thức, vẽ phác họa các skin…
Họa sĩ thiết kế cũng khó như lập trình viên vì nó cần một tài năng khá cao cộng với kỹ năng được đào tạo chuyên sâu. Nó không đòi hỏi tư duy logic giải quyết vấn đề như lập trình nhưng đòi hỏi khả năng sáng tạo, sự tưởng tượng và tài vẽ vời để cụ thể hóa ý tưởng thành hình dáng có thể nhìn thấy được. Các trung tâm đào tạo về game thường mở song song lớp họa sĩ cho game và lớp lập trình, với các trung tâm đào tạo công nghệ khác, bạn cũng có thể học mảng thiết kế để trở thành họa sĩ, designer.
Hiện tại Việt Nam khá nổi trong việc gia công các game cho những hãng lớn và công việc của họa sĩ tạo hình có thể làm việc trong một dãy khá rộng như game mobile, game PC-console, tạo hình nhân vật 3D… tùy mỗi nơi mà độ phức tạp khác nhau nhưng nếu bạn có tay nghề chắc thì nghề designer luôn được săn đón.
Đây lại là một nghề nghiệp cho game thủ thuộc dạng cơ bản của cơ bản, đối với game online thì nó là một nghề kinh điển cho những ai muốn “vừa chơi game vừa lĩnh lương”. Tuy nhiên Mọt tui phải nói rõ là không có chuyện vừa chơi vừa lãnh lương đâu.
Hầu hết các game thủ khi bước vào nghề này sẽ nhanh chóng “vỡ mộng” vì chơi game để thưởng thức khác hoàn toàn việc chơi game vì công việc. Cái “đắng” nhất chính là bạn không có quyền chọn game để chơi. Thích hay không thích bạn cũng phải chơi cặn kẽ và chi tiết cái game mình được giao vận hành. Và chơi không phải để vui mà bạn phải nắm rõ tất cả mọi thứ, mọi thông số và cả những bất thường trong khi chơi. Với một GM, chơi game không phải để giải trí mà chơi để lấy thông tin.
Điểm yếu chết người của nghề GM là bạn không thể đổi nghề được. Nếu lập trình viên không làm game nữa họ chỉ cần học thêm một chút và đổi sang lập trình phần mềm hay web, designer cũng vậy, còn GM mà không làm game thì họ chẳng thể dùng những kỹ năng đó cho ngành khác.
Có lẽ bạn sẽ nghe xa lạ nhưng trong một NPH game online ngoài GM ra còn có những bộ phận khác phục vụ cho việc kinh doanh và quan trọng nhất là Marketing – Truyền thông. Nhóm nghề nghiệp này ngoài kỹ năng chuyên môn phổ thông của Marketing – Truyền thông họ cần phải hiểu rõ về game, về sản phẩm của mình để có thể làm tốt công tác bán hàng và xây dựng thương hiệu cho game.
Trong các nghề nghiệp cho game thủ thì đây là nghề dễ chọn nhất vì nó linh động và rất nhiều nơi đào tạo. Chỉ cần học tốt kỹ năng căn bản cộng khả năng tiếp thu game, chơi game nữa là bạn có thể sẵn sàng bắt tay vào công tác. Tất nhiên kinh nghiệm cũng rất quan trọng.
Đặc điểm của ngành nghề này là nó rất phổ biến và nếu chẳng may bạn không làm trong làng game nữa bạn cũng có khả năng chuyển việc rất linh động. Kỹ năng cơ bản đã có sẵn, bạn chỉ cần học lại đặc tính sản phẩm là bạn có thể làm cho bất cứ mảng nào từ thực phẩm đến nội thất, không sợ vỡ mộng xong thất nghiệp như ông GM.
Đúng vậy, cái mọt tui đang làm đây. Làm người viết tin về game cũng là một nghề nghiệp cho game thủ nhưng nó khá kén người làm. Yêu cầu của ngành nghề này không quá phức tạp, bạn chỉ cần có khả năng viết bài, diễn đạt ý tứ hay và hiểu biết cũng như kinh nghiệm về game và cộng đồng game.
Thực ra hiểu biết về làng game và thế giới game thì rất nhiều nhưng tìm một người đủ khả năng lên ý tưởng và viết thành những bài viết hay thì khá hiếm. Bình thường các game thủ chỉ đạt đến mức viết trôi chảy và đúng chính tả là cùng, nhưng công việc phóng viên game đòi hỏi cao hơn nữa, bạn phải viết hay và có cách khai thác đề tài riêng.
Cũng như Marketing, kỹ năng viết là cơ bản nên nếu bạn không viết về game cũng có thể tìm hiểu và viết về các mảng khác. Chỉ cần tìm hiểu và chịu khó thay đổi phong cách cho phù hợp với yêu cầu là được.
Game thủ chuyên nghiệp là một nghề nghiệp cho game thủ thuộc loại căn bản của thế hệ mới (mấy cái kể bên trên là thế hệ cũ). Khi eSports lên ngôi thì đây cũng là một nghề hot được nhiều game thủ hướng tới. Tuy nhiên, đến hôm nay nó đã cho thấy cái sự “chua” khi làm nghề này.
Game thủ chuyên nghiệp là một nghề khốc liệt vì chỉ có người thắng mới sung túc, người thua sẽ chết đói và tự… bỏ nghề. Ngành nghề này yêu cầu cực cao ở kỹ năng chơi game, để làm game thủ chuyên nghiệp bạn phải chơi cực giỏi. Đối với các game đòi hỏi đấu đội bạn còn cần thêm cả kỹ năng làm việc nhóm và phối hợp. Hầu hết các kỹ năng này đều phải thông qua tập luyện, đối với các game thủ chuyên nghiệp việc tập game mỗi ngày 8 tiếng là chuyện thường.
Tập nhiều là vậy nên bạn sẽ không có thời gian đi làm việc khác để kiếm cơm, bạn đói hay no là nhờ khả năng chiến thắng của bạn. Nếu thắng nhiều bạn sẽ có cơ may vào những đội lớn có phát lương, nếu thắng nhiều hơn nữa bạn sẽ giàu nhờ tiền thưởng giải. Còn nếu thua? Bạn sẽ rơi khỏi chỗ có thể lĩnh lương và phải bỏ tiền túi ra ăn cơm trong khi phải luyện tập 8 tiếng mỗi ngày chẳng thể làm thêm công việc gì. Điều khó nhất là khi bạn bỏ cuộc, bạn sẽ không có cơ sở hay kỹ năng nào để đi tìm công việc khác ổn định. Bỏ cả tuổi trẻ ra luyện game, giờ bước ra ngoài không học vấn không kỹ năng không đào tạo chuyên môn nào khác, bạn sẽ không thể xin việc được.
Nhưng nếu bạn vượt qua hết, bạn sẽ có một sự nghiệp tiền tỷ với fan đông đảo, hợp đồng quảng cáo, thù lao làm streamer và ngay cả khi qua tuổi thi đấu bạn vẫn có thể chuyển sang làm huấn luyện viên. Sau thời gian cày bừa thành công bạn sẽ có số vốn kha khá để đầu tư lâu dài, nhìn chung bạn sẽ sống khỏe như QTV nếu chăm chỉ và gặp thời.
Nghề Stream game đang là một ngành nghề hot trong giới game thủ hiện nay. Có rất nhiều điển hình nổi tiếng thành công như ViruSs, PewPew, MisThy… Xuất phát điểm của bạn có thể thấp nhưng chỉ cần bạn hợp thị hiếu và biết cách sản xuất nội dung độc đáo, bạn sẽ thành công.
Nhiều bạn đã có suy nghĩ sai lầm rằng stream game phải chơi game giỏi. Thực ra stream là một hình thức tạo ra nội dung giải trí, chơi game chỉ là một sự phụ họa. Bạn chơi game giỏi hay không không quan trọng bằng việc phong cách của bạn thú vị đến mức nào. Chỉ cần tạo ra được phong cách tương tác phù hợp với mức kỹ năng chơi game của mình khiến người xem thích thú là bạn sẽ có một lượng fan khá nhiều.
Thu nhập của streamer thường đến từ tiền donate, quà tặng của người hâm mộ. Nếu bạn có nhiều fan bạn sẽ bắt đầu nhận được các hợp đồng quảng cáo, thậm chí được trả lương để stream trên các nền tảng như Bigo, CubeTV… và nếu bạn đạt được đỉnh cao của danh tiếng thậm chí bạn sẽ được mời đại diện độc quyền cho thương hiệu nào đó.
Nghề nghiệp này có thể nói là vừa dễ vừa khó. Bạn có thể dễ dàng thử sức với thời gian rỗi để stream lên trang cá nhân, group, các nền tảng stream. Nó không tốn quá nhiều thời gian để thử độ phù hợp và tài năng của mình. Nhưng để thực sự vào sâu và lên đỉnh sự nghiệp bạn cần bỏ nhiều công sức hơn như đầu tư nội dung, hình thành phong cách, tìm kiếm nền tảng stream chính…
Thực ra còn nhiều mảng nghề nghiệp cho game thủ nhỏ lẻ khác như quản lý cộng đồng game, quay phim quảng cáo game, thanh toán thẻ game… nhưng nó khá ít liên quan nên không kể ra.
Tuy nhiên, dù cho có là mảng nào đi nữa thì bạn cũng cần xác định khả năng sẽ đến ngày bạn phải ra khỏi ngành game. Có thể là nhận ra bạn không phù hợp, không còn sức cạnh tranh hay vinh hiển hơn là… giải nghệ sau khi hết tuổi. Có rất ít người có đủ khả năng đeo đuổi sự nghiệp game đến già nên bạn cần chuẩn bị trước cho khả năng mình rời đi một ngày nào đó để tìm công việc khác.
Game là đam mê, có thể gắn bó càng lâu càng tốt nhưng rồi cũng tới lúc phải dừng. Căn bản là tùy tình hình lúc đó ra sao để quyết định. Nếu bạn có quyết tâm thì có thể thử sức xem sao, biết đâu bạn có khả năng tiềm ẩn để thành công. Chẳng ai có thể đoán trước được Pewdiepie sẽ như ngày nay đúng không? Cuối cùng thì cũng là “vạn sự tùy duyên”, chọn nghề nghiệp cũng không nằm ngoài duyên số đó.