Trong cuộc đời chơi game của mình, Mọt tui đã đi qua muôn vàn cung bậc cảm xúc, có vui, có buồn, có nuối tiếc và cũng có cả hân hoan đón chờ. Tất cả chúng hòa quyện lại với nhau tạo thành một thứ kỷ niệm đặc biệt mà mỗi khi ngoái đầu nhìn lại, Mọt lại thấy bồi hồi về một thời hồn nhiên vô tư lự được gửi gắm nơi đây. Giữa những ngày hè nắng cháy mặt đường, Mọt tui lại nhớ về những ký ức ngày xưa cùng đám trẻ con trong xóm ngồi quây quần quanh chiếc máy tính màn hình lồi cổ lỗ sĩ, đứa la đứa trỏ, đứa phá lên cười. Tuy đây là những kỷ niệm rất riêng của Mọt, nhưng có thể nhiều người sẽ tìm thấy bản thân mình trong đó để mà nhớ về một thời hồn nhiên đã xa.
Tuổi thơ của Mọt là một miền nông thôn với cánh đồng và con trâu. Ngày đó không có smartphone hay máy tính bảng, cũng chẳng có thực tế ảo VR, đám trẻ con chúng tôi tiêu khiển bằng thứ gọi là trò chơi "tương tác vật lý", hiểu nôm na là mấy đứa rủ nhau ra sân chơi nhảy dây, đá cầu, trốn tìm...Những ngày nghêu ngao cùng đám bạn, thả mình trên những cánh đồng gió bát ngát, khi đá banh, lúc thả diều, nếu bây giờ kể lại cho bọn trẻ con, chưa chắc chúng nó đã tin có một thời như thế. Tôi còn nhớ cái thời chơi game trên DVD, cả đám đi mượn khắp một vùng mới được một đôi tay cầm cọc cạch để cắm vào đầu đĩa.
Ngày đó đám chúng tôi làm gì biết tới khái niệm máy chơi game hay game bản quyền, tất cả những trò giải trí mà tụi này biết nằm gọn trong chiếc DVD 999 games in 1 huyền thoại. Nào là Contra, Mario ăn nấm, Bắn xe tăng, Ninja cứu mẹ...cả một rừng game đủ để đám trẻ con chúng tôi cày mệt nghỉ suốt mùa hè. Khổ một nỗi là tay cầm chỉ có hai chiếc mà ngồi trước màn hình có tới mười mấy cặp mắt trực chờ. Thế là một luật bất thành văn được sinh ra để thỏa mãn nhu cầu của cả đám, đó là hễ thằng nào thua thì phải nhường cho đứa sau tới lượt. Với trình độ của mấy đứa trẻ nhà quê chưa học tới lớp 1, chẳng mấy đứa trong đám chúng tôi trụ được quá 15 phút ở cái cuộc chơi khắc nghiệt này. Ấy thế mà cả đám vẫn lai rai được hết cả buổi chiều, mà hay ở chỗ là đứa nào khi ra về cũng cười nói vui vẻ thoải mái. Có lẽ, trò chơi điện tử ngày ấy với chúng tôi là một cách thức mới lạ và kỳ ảo để giải trí và gắn kết tình bạn, vì thế chuyện thắng hay thua cũng chẳng mấy quan trọng.
Già đầu hơn một chút, bố tôi được ông anh ở cùng cơ quan tặng cho dàn máy tính cũ. Nói là cũ có lẽ cũng chưa đủ, bởi dàn máy cổ lỗ sĩ ấy cồng kềnh và chậm chạp ngay cả khi so với tiêu chuẩn PC cùi thời bấy giờ. Ấy vậy mà mấy con game như Road Rush, Rồng đen (Mortal Kombat 4) hay Đế chế bằng một cách nào đó lại chạy êm ru trên chiếc màn hình lồi dày vài gang tay kia. Thế là đám trẻ chúng tôi có một công cụ tiêu khiển mới, "oách" và đẹp hơn mấy con hàng 2D trên DVD nhiều. Những đầu game vừa kể ở trên nếu so sánh với tiêu chuẩn ngày nay, thì tôi khẳng định luôn là xấu, xấu vô cùng, xấu không chịu được. Thế nhưng trong mắt mấy đứa trẻ con thời bấy giờ, đấy là cả một cuộc cách mạng đồ họa toàn diện và hoành tráng, thứ mà lũ chúng tôi chẳng thể tưởng tượng nổi nếu không được thấy tận mắt.
Và thế là những ngày hè lại tiếp tục trôi đi, bộ DVD và đôi tay cầm được cho về vườn ở ẩn. Luật bất thành văn kia vẫn được áp dụng đối với chuột và bàn phím. Hoặc là hai đứa chen nhau cùng sử dụng bàn phím, hoặc một đứa dùng chuột tấn công, đứa còn lại di chuyển bằng phím, cũng chính vì kiểu chơi "co-op" vô cùng khó đỡ này mà niềm vui của chúng tôi luôn được nhân lên gấp nhiều lần và trở thành những kỷ niệm đẹp chẳng thể nào phai.
Cái gì cũng có lần đầu, và lần đầu đến với game online là một trải nghiệm "toát mồ hôi hột" mà đến già tôi cũng chẳng dám quên. Số là cách nhà tôi cỡ 10 cây cột điện có một quán net cỏ. Nói là net cỏ cũng chưa thật sự chính xác bởi vợ chồng ông chủ vốn vốn là dân bản địa, từ thời ông bà ông vải của họ đã sinh cơ lập nghiệp ở đây, đến đời vợ chồng chủ quán thì hai người đã quá sành sõi chốn này. Bên ngoài thì mở cửa hàng tạp hóa, phía sau nhà là phòng nét rộng đẹp và tươm tất vô cùng. Chuyện cũng không có gì nếu như ngày đấy tôi không loi choi chạy theo mấy ông anh trong xóm vào chơi ở đó. Nói vậy chứ chỉ có mấy anh bỏ tiền ra chơi, còn tôi thì chỉ dám đứng sau lưng và quan sát. Một mặt là tôi không có tiền, mặt khác bởi bố mẹ tôi giáo dục khá nghiêm. Ngồi chơi game ở nhà thì ông bà có thể mắt nhắm mắt mở cho qua, chứ lai vãng tới những chốn "phức tạp" như thế này thì tuyệt đối không được.
Cái dại của tôi ngày ấy là không chịu an phận với mấy con game trên chiếc PC cũ, cái bản tính tò mò đã đẩy tôi tới quán nét để tìm kiếm những thứ mới mẻ. Phải thú nhận rằng quán nét đúng là một trải nghiệm "khác bọt" hoàn toàn so với mấy trò chơi cũ ở nhà. Lần đầu nhìn thấy game online cũng cho tôi cái cảm giác gần giống với lần bái bai mấy con game trên DVD để đến với thế giới 3D trên máy tính, trí óc tôi như được rót thêm hàng ngàn ý niệm mới và rồi được ném thẳng lên 9 tầng mây, "sướng" và khó tả vô cùng. Cái mớ suy nghĩ về game online ấy cứ quanh quẩn trong đầu mấy ngày liền làm tôi ngứa ngáy muốn phát điên. Sau nhiều ngày đấu tranh tư tưởng với chính mình, tôi đã đưa ra một quyết định táo bạo, đó là nhịn ăn sáng 4 ngày liền để có tiền ngồi net cày game. Trong 4 ngày tiếp sau đó, mọi thứ đều đi đúng với những gì tôi đã đặt ra, bước tiếp theo là đợi thiên thời địa lợi để kế hoạch này thành công mỹ mãn. Ngay sau khi mẹ dắt xe ra đồng phụ bố, tôi nhẹ nhàng khóa cửa lại và hướng thẳng về phía quán net.
Mọi chuyện thật suôn sẻ, tôi ngồi xuống và ngay lập tức chìm đắm vào đám game online mà bản thân hằng tơ tưởng. Đầu óc tôi được vùng vẫy thỏa chí sau bao ngày mong mỏi đến héo hon. Ngay trong cái khoảnh khắc đê mê cùng cực ấy, một giọng nói quen thuộc như xé ngang bầu trời bất ngờ vang lên sau lưng. Chân tay tôi lạnh toát còn trống ngực thì phập phồng không ngớt. Đó chính là tiếng của mẹ, không thể sai được, giữa cái lúc tôi đắm chìm nhất cũng là lúc tôi nghe thấy tiếng của bà rõ nhất. Mãi cho tới tận bây giờ, tôi vẫn chưa thể hiểu được tại sao mình lại bị mẹ "hốt gọn" vào ngày hôm ấy. Cũng trong buổi chiều định mệnh, mẹ bắt tôi nằm lên giường, tay bà cầm chiếc roi thật to, tuy chỉ dọa đánh nhưng cũng khiến tôi sợ đến toát mồ hôi hột. Một kỷ niệm đáng sợ nhưng cũng vô cùng đáng nhớ mà có đến già tôi cũng chẳng dám quên.
Còn tiếp...