Mafia – Một dòng game có truyền thống và một thời được xem như đối trọng của dòng GTA vừa được nhà sản xuất làm lại dưới nhiều hình thức. Nếu như Mafia 2 và Mafia xuất hiện gần đây hơn chỉ được remaster về đồ họa thì bản đầu tiên có lẽ đã đủ cũ để có một remake.
Khi nghe tin này, Mọt tui lại bồi hồi nhớ lại hành trình của mình qua các game Mafia cũng như vài game đề tài tội phạm khác. Và cuối cùng là câu nói kinh điển trong phim Trùm Hương Cảng – “Sống chết có số, phú quý do trời”. Câu nói như một lời khuyên cứ sống thoải mái vì số phận đều có số có trời định cả rồi, nhưng đối với dân giang hồ mà nói thì trên trời còn có trời. Cái Mọt muốn nói chính là nhân quả báo ứng.
Đây không phải là một bài giảng đạo, mà chỉ muốn bàn về sự công bằng của số phận với những kẻ lỡ bước vào giang hồ rồi không thể rút chân ra được nữa. Hầu hết các tựa game về những kẻ Mafia hay giang hồ đều cho thấy một kết cục bi thảm cho những kẻ sống tại giang hồ ngay cả khi đó là nhân vật chính.
Bản thân người viết không chơi nhiều về series GTA như các ông Mọt còn lại nhưng lại rất thích Mafia 2. Ngoài các cơ chế gameplay độc đáo và khác biệt ra nó còn dẫn dắt chúng ta vào một câu chuyện tưởng chừng không đầu không đuôi hay kết thúc lãng xẹt. Nhưng kỳ thực đó là một câu chuyện độc đáo về nhân quả.
Lưu ý, kể từ đây sẽ là spoiler một số chỗ trong cốt truyện của nhiều game liên quan, bạn nên cân nhắc trước khi đọc tiếp.
Ngay ở giữa game chúng ta đã chứng kiến nhân quả đổ xuống đầu kẻ tiền nhiệm là Tommy Angelo – nhân vật chính của Mafia 1. Nhân vật chính của phần 2 là Vito nhận nhiệm vụ trừ khử một kẻ thù cũ của ông trùm Mafia trong thành phố. Đó chính là thuộc hạ cũ của ông ta, kẻ đã dám phản bội tổ chức.
Vậy câu chuyện của Tommy là gì? Xuất thân từ một người lái taxi nghèo, vô tình cứu được 2 tên Mafia trong băng đảng của ông trùm Salieri khỏi cuộc thanh toán của băng Mafia đối địch của ông trùm Marello. Chỉ có vậy thôi nhưng người lái taxi lương thiện bị cuốn vào vòng xoáy giang hồ, trở thành một kẻ cộng tác cho Mafia rồi cuối cùng trở thành một công cụ giết người lúc nào không hay. Thật may, Tommy vì lòng trắc ẩn đã nhiều lần chống lệnh thả kẻ lẽ ra mình phải giết cho họ chạy trốn và sống sót.
Báo ứng cuối cùng cũng kéo đến khi những xung đột trong băng và lòng tham khiến Tommy phải đối đầu với ông trùm của chính mình. Có lẽ nhờ những điều thiện ông ta gieo lúc cứu mạng những người khác đã giúp ông ta trốn thoát thành công rồi sau đó gia nhập chương trình bảo vệ nhân chứng. Tuy nhiên đến thời của Vito ở Mafia 2 thì Tommy cũng phải đối mặt với nhân quả của mình sau một thời gian yên bình.
Nhưng rồi đến Vito - kẻ có dã tâm mới mẻ với tôn chỉ bất chấp tất cả chỉ để không phải sống nghèo túng, cũng bước đúng con đường của Tommy. Gia nhập một gia đình Mafia lớn, làm tay sai cho các phi vụ thanh toán giết chóc để rồi trong một phút thiếu suy tính đã trở thành kẻ tội đồ phản bội bị chính bọn Mafia truy tìm. Vito chỉ may mắn nhờ vào tình bạn giang hồ thanh mai trúc mã mà thoát được họa sát thân. Nhưng cái giá phải trả cũng quá đắt khi bản thân anh được một tiền bối cứu đi phải mai danh ẩn tích bỏ xứ đi mãi mãi giống Tommy trong khi người bạn thân của anh bị đưa đi thủ tiêu không rõ sống chết.
Mãi đến tận Mafia 3 chúng ta mới có thể gặp lại Vito trong một tư cách khác nhưng thật không may, phần 3 này không được đánh giá cao lắm từ cách sắp xếp màn chơi cho đến cốt truyện. Mọt nghĩ sự thất bại của cốt truyện Mafia 3 chính là ở chỗ nó cho phép người chơi có thể lựa chọn một kết thúc quá đẹp, quá màu hồng và hoàn toàn mất đi chất tàn khốc của nhân quả. Nó vẫn mang giá trị nào đó về ý nghĩa nhưng sự tàn khốc của thế giới ngầm đã giảm đi ít nhiều.
Nhân vật chính Lincoln nằm sẵn trong một nhánh nhỏ của một gia đình Mafia, anh vốn không có xuất thân như 2 nhân vật chính trước là từ một kẻ ngoại đạo gia nhập. Anh chàng này cũng thực thi một công lý là trả thù, một thứ nhân quả nhân tạo và mang tính cá nhân hoàn toàn khác với triết lý kẻ làm ác sẽ phải trả giá của trời. Lincoln dùng thù hận làm cớ để giết chóc và phá hoại, mặc dù anh nhằm vào các nhóm tội phạm theo mô hình anh hùng cá nhân quen thuộc của điện ảnh Mỹ.
Tuy nhiên cuối cùng Lincoln được chọn giữa an nhàn ra đi, giải thoát khỏi gánh nặng hận thù của mình hoặc trong một ending khác anh trở thành trùm của thành phố và tiếp tục công việc tội phạm để rồi bị ám sát bằng bom bởi một người bạn thân nhất của mình. Chỉ có một nửa kết thúc là có nhân quả nhưng lại là kết thúc được xem như "bad end".
Một dòng game cực hay về tội phạm khác chính là Red Dead Redemption, trong đó các nhân vật chính dù có lòng trắc ấn hay chính nghĩa thì cuối cùng vẫn phải trả giá cho cuộc đời giang hồ của mình. Ở phần 1, John Marston đã phải đối mặt với chính quá khứ tội phạm của mình khi bị mật vụ Edgar Ross dùng một cách chẳng được quân tử lắm là bắt cóc gia đình anh và buộc anh đi giết hết những kẻ từng là đồng bọn.
Cuối cùng, John vì gia đình đã trừ khử những kẻ từng sát cánh bên mình để rồi khi trở về với cuộc sống bình thường anh lại bị Ross phục kích giết chết. Gã mật vụ FBI đã dùng một lý thuyết riêng về nhân quả để lý giải cho việc làm của mình, đó là John chết vì chọn cách sống cuộc đời gian hồ như vậy. Edgar Ross một phần nào đó tự xem mình như một phần của luật nhân quả, nhưng sau đó chính gã cũng phải trả giá cho những việc bỉ ổi của mình khi con trai của John là Jack quay lại báo thù. Game kết thúc với Jack trả xong thù xưa nhưng lại có nguy cơ bước đi lại đúng vết xe đổ của cha mình, với con đường đầy bạo lực mà John và trước đó là cả Arthur muốn anh phải tránh.
Và nhắc đến Arthur thì chắc chúng ta cũng không thể không nhắc Red Dead Redemption 2 khi mà chính anh ta dù là một người có lòng trắc ẩn, sống tình cảm mới những kẻ đồng bạn nhưng cũng không thoát được nhân quả. Để rồi khi mọi thứ tan vỡ, Arthur chết thảm còn John sống sót đưa gia đình nhỏ của mình cố thoát về đời sống bình thường nhưng quá khứ bạo lực vẫn không buông tha.
Nhìn chung, cái hay của các sản phẩm game về thế giới tội phạm luôn nằm ở chỗ có vay có trả. Kẻ sống trong giang hồ chấp nhận “Sống chết có số, phú quý do trời” cũng chính là chấp nhận một ngày nào đó mình sẽ phải trả đủ những thứ đã trót vay. Và cuộc đời ngoài vòng pháp luật đó có một hấp lực vô cùng lớn, một khi nhúng chàm thì không thể nào rửa sạch được. Tommy Angelo, Vito Scaletta, John Marston, Arthur Morgan và có thể cả Jack Marston – mỗi người bước vào giang hồ trong một hoàn cảnh khác nhau, có thể là bất khả kháng cũng có thể là tự nguyện nhưng cái kết của họ thường vẫn phải trả đủ nhân quả trót vay.
Luật nhân quả không chừa một ai.