Trong mấy ngày qua khi bom tấn Middle-earth: Shadow of War ra mắt, có một chủ đề khá ngoài luồng đã thu hút được rất nhiều sự chú ý, đó là Middle-earth: Shadow of War có một shop bán đồ bằng tiền thật trong game dưới dạng các Loot box, nơi chứa mọi thứ giúp người chơi “ăn gian” và tiết kiệm thời gian cày cuốc tối đa. Rất nhiều tranh cãi đã nổ ra xung quanh vấn đề này, khi nhà sản xuất đã cố tình đưa shop tiền thật vào để móc túi người chơi, khi đánh vào tâm lý “nghiện đánh bạc” của họ.
Được phát hành dưới dạng những gói đồ ngẫu nhiên, Loot box đang là một dạng mới của các món đồ mua bằng tiền thật đang được các nhà phát hành game tận dụng triệt để. Vậy Loot box là gì và tại sao nó lại đang là cái mỏ vàng lợi nhuận, hãy cùng Mọt Game tìm hiểu nhé.
Đầu tiên chúng ta cần phải phân biệt rõ giữa Loot box và cash shop (shop mua đồ bằng tiền thật), mặc dù 2 thứ này đều có cùng mục đích là dụ dỗ người chơi nạp tiền vào game, nhưng cách thức thì khác hẳn. Đầu tiên thì Cash shop là thứ cực kỳ trực tiếp dễ hiểu, bạn nạp tiền thật vào game và dùng nó để mua các món đồ trong này, tất cả đều được niêm yết giá rõ ràng và mua xong là dùng luôn. Cash shop là điển hình cho câu nói: “pay to win” , hay “có tiền làm vua” của rất nhiều game online hiện tại.
Mặc dù là một bom tấn, một tựa game Single và chả có tí dính dáng online nào, nhưng Middle Earth: Shadow of War vẫn cứ quyết tâm phải kiếm thêm bằng đươc.
Loot box thì không như vậy, đầu tiên là khác với cash shop, Lootbox có thể mua được bằng tiền in-game (tất nhiên là có giới hạn) và các món đồ rơi ra từ nó là hoàn toàn ngẫu nhiên. Bạn có thể bỏ một số tiền rất nhỏ để có được một món đồ siêu xịn, hoặc là toàn thứ rác rưởi không đáng một xu. Điều quan trọng ở đây là Lootbox thường có giá mềm, rẻ hơn nhiều nếu so sánh với cash shop thông thường và đây chính là điểm ăn tiền của nó.
Lootbox trong Middle-earth: Shadow of War
Ý tưởng của Loot box đến từ những chiếc máy quay đồ chơi tại Nhật bản có tên Gachapon – gọi tắt là gacha, đây là những chiếc máy nhỏ gọn chứa các món đồ chơi nho nhỏ, bạn bỏ tiền vào đó rồi nhấn nút và thu lại các món đồ hên xui ngẫu nhiên. Gacha là một thú vui “rẻ tiền” tại Nhật khi giá một lần thử của nó chỉ có 100 yên (khoảng 20 ngàn VNĐ), người ta có thể chơi mọi lúc vì cái thứ này đặt ở khắp nơi trên đường.
Có thể coi các máy Gacha này là ông tổ của Loot box, khi mục đích của chúng đều đánh vào tâm lý tìm kiếm cảm giác muốn đánh bạc từ người chơi, khi chỉ phải bỏ số tiền ít nhất để thu lại phần thưởng cao nhất. Những game online nổi tiếng như: Liên minh huyền thoại, Overwatch, Dota 2 hay rất nhiều game mobile khác đều học theo để tối đa lợi nhận thu được bằng cách này hay cách khác.
Máy Gacha – ông tổ của Lootbox trong game
Như đã nói ở trên, bạn có thể dùng tiền trong game để mua Loot box, nhưng những thứ ngon lành nhất chỉ có thể mua bằng tiền thật. Điều cám dỗ nhất của Lootbox là cảm giác đánh bạc và bí ẩn, khi bạn không biết hộp mà mình vừa mua sẽ mở ra cái gì, cũng như những phần thưởng khổng lồ mà nhà phát hành hứa hẹn. Hãy thử tưởng tượng một cái trang phục huyền thoại có giá thị trường là 100 USD chả hạn, nhưng chỉ với 1/100 số tiền đó cho 1 cái Loot box là bạn sẽ có “cơ hội” được sở hữu nó chưa kể là các thứ râu ria đi kèm, quả là một món hời thực sự đúng không nào.
Trên thực tế thì chính cái “cơ hội” này mới là thứ hái ra tiền cho Lootbox, hãy lấy ví dụ như tựa game MOBA cực kỳ nổi tiếng hiện nay là Overwatch, cái tên đi tiên phong trong việc kinh doanh từ Lootbox. Theo như các thống kê từ những người chơi thường xuyên bỏ tiền mua Lootbox trong thời gian dài, thì Overwatch được thiết kế để cho người chơi 1 trang phục Legendary sau mỗi 13 hộp. Hoặc chúng ta cũng có thể chọn một tựa game khác là Hearthstone, ở đây Loot box được thay bằng các Pack bài, và game cũng được thiết kế để chắc chắn nhả cho người chơi 1 lá cấp độ Legendary với mỗi 10 pack được mở.
Xét về hiệu quả kinh tế thì Loot box lợi hơn cash shop hàng chục lần, vì kể cả đã có món đồ ưng ý, rất nhiều người sẽ cố mua thêm để lấy nốt những phần thiếu còn lại. Càng về sau số phần trăm càng nhỏ đi trong khi số tiền bỏ ra càng lớn lên, đi theo đó là tâm lý cay cú cùng hồi hộp của người chơi. Họ sẽ khó lòng dừng lại khi phần thưởng chưa tới tay mình, nhất là càng mở cơ hội lại càng “có cảm giác” là tăng thêm một chút.
Trang phục hiếm với giá bèo là thứ mà "độc dược" Lootbox mang lại
Các tỉ lệ phần trăm này có thể khác biệt tùy từng game và nhà phát hành, nhưng tựu chung lại chúng đều có chung một đặc điểm, đó là đưa người chơi tới mép bờ vực giữa: “không có gì” và “một món đồ cực xịn” sau mỗi lần mua Loot box. Nói thẳng ra đó chính là một cách đánh bạc hoặc chơi sổ xố trá hình, nơi mà bạn liên tục bỏ tiền ra để mong trúng độc đắc.
Nếu như bạn không biết thì hơn 25% lợi nhuận của các tựa game đến từ việc bán Loot box và các gói DLC, thành ra đây chính là một cái mỏ vàng hấp dẫn không thể bỏ qua với bất kỳ nhà phát hành nào. Với đặc thù game thủ đều là những người trẻ ở độ tuổi thanh niên, Loot box đem lại cho họ cảm giác khao khát về một thứ không tưởng, một giấc mơ đẹp đẽ trong tầm tay bằng cái giá quá nhỏ. Đó chính là RNG – hay còn gọi là sự ngẫu nhiên, thứ chỉ có thể tìm được bằng đánh cược với Lootbox.
Một điều nữa là Loot box được thiết kế với đồ họa cực kỳ bắt mắt, thường sẽ là các hiệu ứng hình ảnh cùng âm thanh dạng mở khóa hoặc một hội quà vỡ ra thành từng mảnh để khiến người chơi hồi hộp. Cái cảm giác chờ đợi đó khiến người ta thích thú, đây là mánh thường thấy ở các máy đánh bạc dạng slot, đó là thật nhiều màu sắc cùng âm thanh vui tai để kích thích người chơi liên tục móc tiền vào.
Sung sướng khi mở pack trong Hearthstone
Mặc dù Loot box rõ ràng là một dạng đánh bạc trá hình, nhưng theo cách nói của ESRB thì lại không như vậy. Vì đánh bạc là bạn chỉ có được hoặc mất, còn khi mua Loot box là chắc chắn người chơi sẽ được đồ, chẳng qua là không phải món xịn nhất mà thôi và đó là giao dịch theo lý thuyết là “công bằng”. Vấn đề là với những game bom tấn, Loot box dần biến tướng trở thành một loại hình “play to win” (mua nhiều kiểu quái gì chả ra đồ xịn) và nó khiến người chơi không hài lòng.
Loot box là thứ mà ESRB đang mắc kẹt và bản thân họ cũng không muốn dây vào, vì mấy cái khái niệm này có liên quan tới Hiệp hội phần mềm giải trí (Entertainment Software Association – ESA), tổ chức đứng sau hỗ trợ chủ yếu của các nhà phát hành game, thế nên nhiều người cho rằng ESRB chỉ đang là tìm cách đánh tráo khái niệm mà thôi.
Loot box không phải đánh bạc nhé, là "mua bán" thôi
Bỏ qua vấn đề cân bằng trong game, Loot box còn có thể khiến game thủ trở nên nghiện mở chúng. Các game có Loot box được thiết kế theo kiểu thưởng miễn phí 1 hộp sau khoảng thời gian cố định, hoặc cho không khi bắt đầu sự kiện. Kể cả khi bạn không bỏ tiền thật để mua Loot box, thì cảm giác kích thích khi mở hộp quá miễn phí đầu tiên, cũng như một đống phần thưởng “ảo” phía trước cũng đủ để bạn lao vào cày cuốc rồi (thời gian chính là tiền bạc).
Cái hay ho ở đây là đồ trong Loot box là ngẫu nhiên, bạn không thể có chúng bằng cách mua trực tiếp như cash shop, chưa kể một vài sự kiện còn giới hạn thời gian, do đó cách duy nhất là tống thật nhiều tiền để mở Lootbox. Đến đây thì các bạn chắc cũng đã hiểu một phần nào tại sao Loot box lại là thứ câu tiền đến vậy, khi nó hội tụ tất cả yếu tố từ: đánh bạc, sự ngẫu nhiên, khao khát và may mắn trong chỉ một cái hộp ảo bé tý.
Trong tương lai, Loot box sẽ còn xuất hiện nhiều hơn nữa và sẽ từ từ thay thế cash shop thông thường, vậy nên với những game thủ trẻ tuổi thì Lootbox đúng là một cái hố sâu không có lối thoát, dính vào rồi thì đừng hòng mà chuồn ra được.