Phụ Lục
Trong ngành công nghiệp game hiện nay, các hãng game khi thiếu vốn có thể huy động ngay từ chính cộng đồng người hâm mộ của mình. Chương trình Kickstarter thực sự rất hay và ý nghĩa. Nó giúp cho những nhà phát triển nhỏ lẻ có thêm nguồn vốn dồi dào để tiếp tục dự án, người hâm mộ cũng góp một chút công sức vào công cuộc phát triển, đồng hành liên tục cùng hãng game.
Nhưng vấn đề nào cũng đều có mặt trái của nó. Khi việc “xin” tiền của người hâm mộ thông qua Kickstarter dễ dàng, nó khiến cho một vài hãng game trở nên chây ì trong việc phát triển trò chơi. Nghiêm trọng hơn một vài bên còn sử dụng tiền của game thủ cho dự án này để mang đi đầu tư cho trò chơi khác. Và ở mức nghiêm trọng nhất, người hâm mộ có thể đã bị lừa, tiền ủng hộ mình bỏ ra mất trắng mà game thì lại chẳng thấy đâu.
Phải chăng Kickstarter đang cần một thứ gì đó ràng buộc hơn với hãng game? Vì họ là người được nhận tiền mà chỉ cần thỏa thuận miệng với người chơi là xong, còn người dùng mới là bên cần lo lắng vì những đồng tiền “mồ hôi nước mắt” đã dành cho trò chơi mình yêu thích.
Hiện nay khi search những vụ bùng tiền quyên góp game trên Kickstarter, bạn sẽ thấy Google trả về rất nhiều kết quả khác nhau. Mặc dù chẳng ai buộc tội đó là lừa đảo, nhưng trong thâm tâm mỗi game thủ, việc bỏ tiền ra nhưng lại chẳng thấy game đâu thì mặc định đó là lừa đảo rồi.
Vì lẽ đó, người dùng cần phải thận trọng hơn trong việc bỏ tiền ra quyên góp. Quan trọng là game thủ phải thật tỉnh táo, đừng để bị hoa mắt bởi những lời giới thiệu có cánh tới từ các hãng phát triển. Vì khoảng thời gian sau khi nhận được tiền quyên góp, ai biết được tình hình những người đó làm game như thế nào đâu.
Tôi sẽ nêu cho bạn đọc một ví dụ rõ ràng cho vấn đề này. Bạn còn nhớ Star Citizen không? Đây là một dự án game đứng đầu là Chris Roberts, nổi tiếng trong làng game với sản phẩm Wing Commander từ năm 1990. Ông đã công bố dự án Star Citizen là một game trực tuyến, mô phỏng lại việc khám phá vũ trụ bao la. Game thủ có thể tùy chỉnh tàu vũ trụ của mình, tham gia buôn bán, chiến đấu với những người chơi khác.
Sau 7 năm, Star Citizen trở thành một trong những trò chơi huy động được nhiều vốn nhất trong lịch sử với số tiền gần 300 triệu USD. Nhưng 7 năm là một khoảng thời gian quá dài để phát triển một trò chơi, bạn có bao giờ tự Chris Roberts cùng Cloud Imperium Games đã làm gì với số tiền khổng lồ đó hay chưa?
Tạp chí Forbes công bố rằng tài khoản của Cloud Imperium Games tính tới cuối năm 2017 chỉ còn lại thực tế hơn 14 triệu USD. Và sau 7 năm trời, cùng với số tiền gần 300 triệu USD, họ mới làm được 2 hành tinh, 9 mặt trăng và 1 thiên thạch. Thậm chí họ còn chưa hoàn thành một hệ mặt trời nào, dù trước đó Cloud Imperium giới thiệu Star Citizen sẽ có tới 100 hệ mặt trời khác nhau.
Chắc chắn hàng loạt những suy nghĩ sẽ hiện lên trong đầu game thủ. Trung bình mỗi người đều quyên góp tận gần 100 USD cơ mà. Tôi không khẳng định Kickstarter có phải là một hệ thống để các hãng lừa đảo hay không. Nếu như mỗi người đều quá dễ dãi trong việc quyên góp tiền thì tôi nghĩ sẽ chẳng có mấy dự án tử tế được làm nhờ vào tiền quyên góp đâu.
Bên cạnh Star Citizen, cũng có hàng loạt các hãng game khác sau khi nhận tiền quyên góp của cộng đồng cũng bắt đầu rơi vào trạng thái tiến độ làm game cực kỳ chậm. Các hãng sau khi nhận tiền hoặc trong thời gian nhận tiền sẽ rất chăm chỉ update tình hình tiến độ công việc. Nhưng sau khi đã nhận được kha khá tiền, thông tin về dự án ngày một ít ỏi hơn, và cuối cùng là bặt vô âm tín.
Suy cho cùng, tiêu tiền người khác cho vẫn khác hoàn toàn so với việc tự bỏ tiền túi ra mà.
Chắc chắn ban đầu, khi muốn kêu gọi quyên góp vốn, các hãng sẽ phải show ra những gì đẹp nhất của dự án đó. Tuy nhiên, kêu gọi vốn là một chuyện, bắt tay vào làm game bằng những đồng vốn “xin” được đó lại là một câu chuyện khác. Các công ty sẽ chẳng bao giờ lường trước hết được những vấn đề mình gặp phải trong quá trình phát triển dự án game.
Các vấn đề mà một nhà phát triển có thể gặp phải như là xích mích nội bộ, cạn ý tưởng, tiền thuê mặt bằng đắt đỏ,... Có những hãng game trên thực tế không hề có ý định “bùng tiền”, nhưng khi gặp vấn đề bất ngờ không xử lý kịp, họ cũng chẳng thể nào hoàn tiền cho game thủ được nữa. Thôi thì lại đành mang tiếng lừa đảo vì khi đó giải thích cũng đâu còn ai tin.
Hay như đôi khi hãng game đã kêu gọi được một số tiền đáng mơ ước, nhưng họ lại chẳng thể quản lý nổi nhân viên của mình nổi lòng tham. Ví dụ như dự án game ROAM vào năm 2015, một thành viên của đội ngũ đã tự tiện lấy 30 ngàn USD trong quỹ kêu gọi được để tiêu vặt mà chưa có sự đồng ý. Cuối cùng các bên lôi nhau ra toà kiện cáo. Sự việc càng lúc càng rắc rối dẫn tới việc dự án game đang dang dở cũng gặp trắc trở. Kết quả là tiền của người hâm mộ dành cho game đã vào túi thanh niên kia và bù cho phí kiện cáo, pháp lý.
Vấn đề lớn hơn của các hãng nằm ở cách quản lý tiền cho từng danh mục phát triển game. Thậm chí, việc quản lý nhân viên yếu kém cũng có thể dẫn tới việc hao hụt ngân sách một cách chóng vánh. Đây là điều không phải lạ trong các công ty.
Lừa đảo hay không chẳng có ai dám khẳng định, nhưng việc một hãng game sử dụng tiền quyên góp của game thủ cho mục đích không giống như ban đầu thì quá đáng trách. Dù chỉ 1 USD đi chăng nữa cũng là những đồng tiền từ công sức lao động của mỗi người. Hơn nữa, khi game thủ đồng ý quyên góp, họ không phải cho hãng game tiền, mà còn cả niềm tin nơi cộng đồng đặt trọn vào dự án đó.
Bất cứ hình thức quyên góp nào cũng có thể bị biến tướng thành lừa đảo bởi một vài “con sâu làm rầu nồi canh”. Kickstarter là một phương án rất hay, hỗ trợ đắc lực cho nhà phát triển triển khai những ý tưởng táo bạo, đưa thị trường game ngày càng đi lên. Nhưng thật đáng tiếc cho một vài người đã không giữ được tỉnh táo khi có cả một cục tiền bỗng nhiên đổ vào túi.
Còn về phía game thủ, chắc chắn sau vài lần dính cú lừa, họ sẽ phải và cần phải thận trọng hơn. Niềm tin đã trao đi là không thể lấy lại được. Trong một xã hội đang ngày càng phát triển về vật chất, nhưng xuống cấp về mặt đạo đức, chúng ta vẫn nên cảnh giác hơn để bảo vệ chính những đồng tiền của mình.