Phụ Lục
Cơ bản thì team building là hoạt động để thắt chặt tình hữu nghị giữa các thành viên trong công ty nhưng đôi khi nó lại là gánh nặng với nhưng ai có 3 trở ngại. Ngại giao tiếp, đứng giữa đám đông cảm thấy bản thân thật thừa thãi, tôi chẳng hiểu mình có mặt ở đây để làm gì.
Ngại hòa đồng, tôi thích ở một mình, vậy tại sao tôi có mặt giữa hàng chục, thậm chí là hàng trăm con người để làm gì. Ngại vận động, đi mua cốc trà sữa còn lười, giờ thì lại phải vác cơ thể đi làm mấy trò vận động gì đó trên danh nghĩa hoạt động nhóm.
Cuộc đời 9 người 10 ý, có người thích thú và mong chờ team building như một phần không thể thiếu trong cuộc sống nơi công sở. Kẻ khác lại ngại nó quá phiền nhưng không tham gia thì ngại mang tiếng kém hòa đồng rồi bị trưởng bộ phận cho vào sổ đen thì xong con ong.
Thật quá phiền phức nhưng ơ kìa đến tháng 8 thì sếp bỗng nổi hứng ra cái mail: “Để tăng cường trao đổi chất và hệ miễn dịch, năm nay tổ chức team building trong game cho khỏi càu nhàu nữa và yêu cầu đề xuất những trò chơi phù hợp.”
Lúc này bạn sẽ đề xuất những tựa game nào cho phù hợp với tiêu chí team building là chơi theo nhóm, vui là chính và yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ của các thành viên? Hãy để Mọt tư vấn cho bạn chút ý tưởng!
Fall Guys từ lâu đã là lựa chọn số một trong các game tranh đấu vui nhộn bởi ít bạo lực và rất nhiều tiếng cười. Bạn sẽ vào vai các nhân vật có hình hạt đậu ngộ nghĩnh rồi cùng nhau thi tài vượt chướng ngại vật trong nhiều màn chơi đa dạng và rộng lớn. Các thiết kế màn chơi có phong cách tương tự như các trò chơi vận động nổi tiếng trên truyền hình như Wipeout, American Ninja Warrior, Brain Wall…
Ban đầu, Fall Guys không có chế độ chơi theo đội mà chỉ solo tới chết nhưng một số màn lại chia người chơi theo nhóm để thi đấu tính điểm. Các màn chơi nhóm này thường thiết kế như một môn thể thao 2 đội như bóng ném, cướp cờ… Về sau nhóm phát triển nhận thấy tiềm năng của kiểu chơi này nên đưa ra chế độ chơi theo nhóm để tăng tính đồng đội cho các game thủ có nhu cầu giải trí cùng bạn bè.
Từ đó chế độ chơi theo đội mang tên Squads Show ra đời từ mùa 4 của Fall Guys cho phép game thủ tìm thêm 3 người bạn rồi lập đội 4 người cùng nhau thi đấu. Thay vì tự mình đấu tranh với cả thế giới thì giờ đây chúng ta phải chơi kiểu hợp sức cùng các đồng đội và hỗ trợ lẫn nhau thực hiện thử thách.
Các hoạt động team building ngoài đời cũng được xây dựng từ các trò chơi vượt chướng ngại vật theo kiểu tổ đội. Chính vì vậy Fall Guys vô cùng phù hợp nếu một ngày đẹp trời sếp của của bạn có ý định tổ chức team building trong thế giới ảo. Quan trọng hơn game này lại còn miễn phí sau khi NSX Mediatonic bán mình cho Epic Games.
Nếu Fall Guys thường tập trung vào những trò chơi vượt chướng ngại vật thì ứng viên thứ 2 của chúng ta là Overcooked! 2 lại là bậc thầy của sự gắn kết và hỗ trợ nhau trong một team. Cả 2 phần game Overcooked! đều xây dựng dựa trên nội dung nấu ăn và các thử thách xung quanh những hoạt động trong nhà bếp.
Người chơi sẽ tập hợp theo nhóm 2 - 4 người và hợp tác cùng nhau thực hiện các giai đoạn của một món ăn. Chúng sẽ bao gồm chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế, nấu, bày ra bàn và lau dọn. Mỗi màn chơi sẽ yêu cầu nhiều món khác nhau, đồng nghĩa với việc cần nhiều nguyên liệu cũng như cách thức nấu nướng khác nhau. Nếu không có sự phối hợp tốt, các thành viên trong nhóm dễ khiến căn bếp rối tung khi giẫm chân lẫn nhau.
“Ác” hơn nữa là các màn chơi sẽ có các kiểu nhà bếp khác nhau được tô điểm bằng nhiều chướng vật, khiến cho cuộc chơi càng thêm thử thách. Đó có thể là một nhà bếp bị chia đôi bởi lối đi bộ và khách bộ hành sẽ cản trở sự di chuyển của các đầu bếp. Đó cũng có thể là nhà bếp di động nằm trên 2 chiếc xe chạy với tốc độ khác nhau.
Nhìn chung thì Overcooked! 2 là một game cực kỳ phù hợp để xây dựng sự gắn kết giữa người chơi. Đó cũng là mục đích cuối cùng của ban tổ chức khi yêu cầu mọi nhân viên trong công ty tham gia trò chơi thử thách tại team building. Còn trong Overcooked, các chiến hữu phải thực sự hiểu nhau và hoạt động nhịp nhàng theo cùng một tiến độ nếu muốn hoàn thành màn chơi trọn vẹn.
Nếu những game trên là kiểu hợp tác đồng đội thì Keep Talking and Nobody Explodes lại là hợp tác sinh tử đầy chất điện ảnh nhưng do chính bạn làm diễn viên. Nếu thường xem phim hành động có cảnh gỡ bom nghẹt thở thì Keep Talking and Nobody Explodes sẽ cho bạn thử cảm giác này một cách chân thật hơn. Không chân thật sao được khi có nguyên quả bom ngay trước mặt luôn!
Keep Talking and Nobody Explodes được xây dựng rất độc đáo. Trò chơi cần ít nhất 2 người để bắt đầu và nhiều hơn cũng ok luôn. Một người đóng vai trò người gỡ bom và những người còn lại sẽ đóng vai trò chuyên gia hỗ trợ. Không như phim điện ảnh chỉ cần cắt bừa một sợi dây là đồng hồ ngừng đếm ngược, cái game này yêu cầu người ta phải giải đố để vô hiệu hóa quả bom.
Cứ giải sai câu đố thì bom sẽ nổ hoặc khiến thời gian nổ nhanh hơn. Quan trọng là người gỡ không biết gì về cách giải các câu đố đó. Manh mối được cung cấp cho nhóm chuyên gia hỗ trợ và nhiệm vụ của đám kia là làm sao truyền đạt lại nhanh gọn nhưng vẫn phải đảm bảo tròn vành rõ chữ cho ông đang gỡ bom không hiểu tầm bậy mà giải sai câu đố. Khi team phối hợp tốt, hiểu ý nhau thì đây là một trò chơi thú vị, còn ngược lại thì đúng là thảm họa V-Pop.
Keep Talking and Nobody Explodes là một trò chơi rất thú vị nếu mang ra làm team building vì nó là dạng nâng cao của đoán hình bắt chữ. Nhưng thay vì một người nhìn đáp án rồi dùng cử chỉ để nói cho đồng đội biết thứ mình thấy là vật gì thì gỡ một trái bom bằng cách tương tự rõ là vui hơn nhiều. Chưa kể đây cũng là một ẩn dụ tốt khi dùng trò này để làm team building.
Trong công việc, các đồng nghiệp hiểu ý nhau là một điều cực kỳ quan trọng. Cùng ngồi chung một văn phòng mà nói chuyện với nhau còn không làm cho đối phương hiểu mình đang trình bày vấn đề gì thì ra bên ngoài gặp khách hàng làm thế nào để người ta hiểu công ty của bạn đang mong muốn điều gì ở họ?
Monster Hunter World là một game về săn thú nhưng nó được xây dựng cực kỳ công phu cả về những con mãnh thú hùng mạnh có kích thước khổng lồ, tập tính thú vật đầy tự nhiên của chúng cho đến hệ thống vai trò của các thợ săn. Để hạ gục được những con thú, người chơi phải vào vai thợ săn và mỗi thợ săn sẽ chọn một loại vũ khí cho mình.
Tương ứng với các vũ khí trang bị là vai trò của mỗi người trong đội thợ săn. Vì đây là những con thú cực kỳ mạnh mẽ và to lớn vì vậy cần nhiều người đảm nhận nhiều vai trò khác nhau tương trợ chặt chẽ lẫn nhau. Sẽ có người cầm vũ khí to lớn nặng nề để gây sát thương chính, cũng có người dùng vũ khí linh hoạt để quấy rối con vật, có người sẽ đóng vai trò hỗ trợ để các đồng đội yên tâm chiến đấu.
Cuộc săn trở nên thú vị khi con mồi cũng có suy nghĩ và hành động riêng. Có những tình huống không thể lường trước được đòi hỏi đội thợ săn không chỉ phối hợp làm tốt vai trò của mình mà còn phải linh động xoay chuyển cùng cả nhóm khi có những bất ngờ xảy ra.
Mỗi cuộc săn trong Monster Hunter World cũng giống như một buổi team building được đẩy lên rất cao trào khi tất cả những người tham gia phải hợp tác và hiểu ý nhau, tương trợ nhau trước mọi tình huống có thể xảy đến. Có những con mồi có sức mạnh vô song nên thời gian một cuộc săn cũng có thể kéo dài hàng giờ đồng hồ với các tình huống căng thẳng và nóng bỏng. Để rồi khi con mồi đổ gục, cảm giác thỏa mãn chảy tràn trong mỗi người và mỗi thợ săn giờ đây là một chiến hữu sinh tử của nhau.
Cuối cùng cũng là một game hơi hardcore nhưng cũng là game đề cao tinh thần đồng đội nhất, đó chính là trò chơi phối hợp để sinh tồn trong đại dịch zombie mang tên Left 4 Dead. Một nhóm 4 người chơi sẽ vào vai 4 nhân vật chính cùng nhau thực hiện một hành trình gian khó khi vượt qua những khu vực có đầy rẫy zombie nhằm tìm đường thoát khỏi thành phố.
Súng đạn và thuốc men sẽ được cung cấp có giới hạn, nhất là các túi cứu thương giúp hồi máu cho nhân vật. Cả nhóm phải phối hợp với nhau cùng chống lại bầy zombie cản đường đông đảo. Ngoài ra họ còn đối mặt với các loại zombie đặc biệt có những kỹ năng khác nhau. Có con sẽ bùng nổ tạo thành một tín hiệu mùi hương thu hút số lượng lớn zombie kéo đến, có con sở hữu bộ giáp cực dày rất khó hạ gục và đặc biệt có con sở hữu đòn đánh chết người.
Phối hợp đồng đội là yếu tố quyết định của Left 4 Dead vì chỉ cần có sai sót khiến một đồng đội chết đi, họ sẽ bị loại khỏi vòng chiến. Mất một tay súng thì hỏa lực của đội sẽ yếu đi, đợt tấn công số đông tiếp theo có thể sẽ là cơ hội cuối cùng trong cuộc đời. Left 4 Dead cho phép dùng túi cứu thương để tự chữa hoặc chữa cho đồng đội vì vậy quyết định “nhường cơm sẻ áo” rất quan trọng và cũng là yếu tố thắt chặt thêm tính đồng đội giữa các thành viên.
Left 4 Dead mặc dù đen tối nhưng cũng rất thích hợp để sử dụng làm một trò chơi team building. Nó không cần phân chia vai trò và kỹ năng riêng biệt phức tạp như Monster Hunter World mà chỉ là mỗi người một khẩu súng cố bảo vệ cả đội an toàn đi hết hành trình. Đó có thể là một pha nhường túi cứu thương, có thể là những phát súng giải vây kịp lúc khi đồng đội bị bao vây hoặc liều mình xông pha hồi sinh đồng đội bị hạ gục. Tất cả đều vì mục tiêu chung là sống sót một cách trọn vẹn nhất.
Left 4 Dead là một trò chơi còn những người đồng nghiệp chính là cuộc sống ngoài đời thật của bạn. Trong trò chơi bạn có thể ích kỷ một túi cứu thương, một băng đạn, một chai Molotov, bất quá thì game over rồi làm lại ván mới. Nhưng ngoài đời thật, khi những người đồng nghiệp không còn muốn kề vai sát cánh với bạn để vượt qua đống KPI đang đè nặng trên vai cả team, thì hãy coi chừng, sự nghiệp của bạn đang ở trạng thái báo động đỏ rồi. Game đôi khi rất đời và đời lắm lúc cũng drama chẳng kém gì game bạn nhỉ, quan trọng là chúng ta nhìn nhận nó như thế nào thôi.
Và đó cũng là những gợi ý của Mọt về các trò chơi thỏa điều kiện trở thành game team building trong thế giới ảo. Chúng đều yêu cầu những người tham gia phải gắn kết đồng đội, hỗ trợ nhau, hoạt động ăn ý cùng nhau về đích thành công. Nếu bạn biết thêm những trò chơi tương tự như vậy, hãy cùng góp vào trong phần bình luận bên dưới nhé!
Theo dõi Mọt Game để đón đọc những thông tin mới nhất về game nhé!