Ngành khách sạn đang nóng lên nhờ NFT (Non-fungible token - tài sản không thể thay thế) trong bối cảnh tình trạng “no-show” (đặt phòng nhưng không đến) và huỷ đặt phòng gây thất thoát hơn 100 triệu USD tại Hoa Kỳ mỗi năm. Giờ đây, các khách sạn đang chuyển sang sử dụng blockchain để tìm cách bù đắp phần lỗ đó.
Pinktada - một nền tảng đặt phòng mới, hợp tác với các khu nghỉ dưỡng địa phương để nhận đặt phòng ở các điểm nóng như Caribe và Hawaii và biến chúng thành NFT.
Đối với khách thuê phòng: họ có thể đặt phòng bằng cách mua những NFT đó từ Pinktada với mức giá thấp hơn so với giá phòng linh hoạt (được quyền hủy phòng) mà họ đặt trực tiếp với khách sạn. Nếu họ cần hủy, họ có thể tặng hoặc bán lại phòng đó trên thị trường NFT của Pinktada
Nói một cách nôm na, các khách sạn sẽ biến 1 đêm nghỉ ở 1 phòng của mình thành 1 loại voucher. Cứ ai có voucher đó thì được nghỉ 1 đêm ở 1 phòng đã định.
Sau đó, khách sạn gắn mỗi voucher với một NFT. Mỗi NFT là một “chứng nhận điện tử” của voucher, có NFT trên máy tính tức là sở hữu voucher tương ứng.
Các khách sạn sẽ bán các NFT đó trên một sàn thương mại điện tử blockchain. Khách cần nghỉ sẽ lên đó mua NFT và đi nghỉ. Nếu họ muốn hủy phòng, họ chỉ cần bán lại NFT cho người khác. Các khách sạn sẽ không phải làm gì trong cuộc mua bán giữa các người đi nghỉ này. Điều đó sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí cho khách sạn.
Thời gian gần đây, doanh số NFT đã giảm mạnh khi các khoản đầu cơ bị đè bẹp bởi lãi suất cao. Nhưng ngày càng nhiều ngành công nghiệp - từ chăn nuôi gia súc đến ăn uống cao cấp và mới đây nhất là khách sạn - đang chuyển sang blockchain cho các ứng dụng trong thế giới thực. Tháng trước, NoMo SoHo ở thành phố New York đã trở thành một trong những khách sạn đầu tiên tại Mỹ cung cấp các gói dựa trên NFT với các đặc quyền như trả phòng trễ và bữa sáng miễn phí.
Nhìn chung, nghe giống như một giải pháp hoàn hảo… ít nhất là đối với các khách sạn, vì họ đã đẩy được công việc mua bán lại phòng cho khách du lịch. Trong khi họ có thể giảm chi phí tồn kho và giảm thiểu tác động đến doanh số bán hàng do các lệnh huỷ phòng, khách du lịch phải chịu gánh nặng về việc bán lại phòng của họ - hoặc chấp nhận mất tiền.
Thêm vào đó, vì là mua bán NFT trên sàn điện tử, nên các thuật toán mua bán NFT “phòng nghỉ” có thể tính toán được cách mua/giữ phòng trong mùa cao điểm để đạt được lợi nhuận lớn nhất.
Lý thuyết là như thế, nhưng tất cả mới chỉ là khởi đầu. Thời gian sẽ cho chúng ta biết liệu xu hướng này có bùng nổ hay không, khi mà các chuỗi lớn như Hilton hay Marriott vẫn đang đứng ngoài lề.
Theo dõi Mọt Game để đón đọc những thông tin mới nhất về game nhé!