Thế giới game sẽ không bao giờ được như hiện nay nếu không có sự xuất hiện của những nhân vật game huyền thoại như Mario, Sonic, Pacman... và rất nhiều cái tên khác nữa. Nhưng ít ai biết rằng trước khi nổi tiếng, thì rất nhiều nhân vật ở trên vốn không phải là những dự án đường hoàng đến từ các hãng game lớn, mà chỉ là các ý tưởng “vô tình nghĩ ra” để chữa cháy mà thôi.
Cứ tưởng bí mật trong God of War phải được giấu diếm kinh lắm, nhưng thực ra bạn có thể tìm được nó ngay từ đoạn mở đầu trong game.
Hãy cùng quay ngược lại thời gian một chút vào năm 1980 khi Mario lần đầu tiên xuât hiện trong Donkey Kong, thời đó Nintendo thực ra không phải là một công ty game như bây giờ, mà họ tập trung vào thiết kế các loại máy đánh bạc và các bộ bài để sưu tầm nhiều hơn. Trong thập niên 70, Nintendo có mua bản quyền và sản xuất một bộ bài dựa theo bộ phim hoạt hình của chàng thủy thủ Popeye, thành công của nó khiến họ nghĩ rằng mình có thể làm một game “ăn theo” để kiếm lời nhiều hơn.
Vấn đề ở đây là Nintendo không thể cứ bưng nguyên xi toàn bộ dàn nhân vật của Popeye vào được, thế nên đội ngũ thiết kế lúc đó với Shigeru Miyamoto (cha đẻ của Mario) đã tạo ra một phiên bản khác chính là Donkey Kong (Mario lúc này đóng vai nhân vật do người chơi điều khiển). Thành công không thể ngờ tới của Donkey Kong đã mở ra một chương mới cho Nintendo, khi sau đó họ phát triển Mario trở thành một trong những nhân vật game huyền thoại đỉnh cao nhất mà thế giới từng thấy, mặc dù ít ai biết rằng chàng thợ sửa ống nước của chúng ta chỉ là một phiên bản “thay thế” vô tình của Popeye mà thôi.
Giờ hãy đến với nhân vật game huyền thoại tiếp theo là chú nhím Sonic, thực ra ban đầu cũng giống như Mario – Sonic vốn không phải là kiểu sản phẩm được lên kế hoạch trước. Vào thời điểm những năm 90, Sega nhận thấy rằng họ cần phải tạo ra một nhân vật biểu tượng đủ tầm với đối thủ là Nintendo (Mario), khi sản phẩm trước đó là chú nhóc Alex Kidd quá thiếu nổi bật.
Sega đã tập hợp tất cả nhà thiết kế của mình và mở một cuộc thi ý tưởng, lúc đó thì Sonic còn xa mới xuất hiện mà các mẫu ban đầu thì muôn hình vạn trạng bao gồm: sóc, nhím, thú có mai, rùa và cả một thằng cha trung niên có ria mép (nghe quen không). Nhưng Sega cũng chả biết chọn nhân vật nào, sau cùng thì một nhà thiết kế của họ là Hirokazu Yasuhara đã đem các mẫu thử tới công viên trung tâm tại New York để... hỏi ý kiến người đi đường, cuối cùng thì hạng 1 thuộc về nhím và hạng 2 thuộc về con người.
Hirokazu Yasuhara đem bảng kết quả này về tổng hành dinh Sega và đó chính là bước ngoặt cho sự ra đời của một trong những nhân vật game huyền thoại là chú nhím Sonic, còn về mẫu hạng 2 thì nó cũng được phát triển thành giáo sư Robotnik – kẻ thù truyền kiếp của Sonic. Nếu như Nintendo chỉ vô ý sinh ra Mario, thì Sega là thuộc dạng bố mẹ siêu vô trách nhiệm khi giao đứa con của mình cho... người xa lạ quyết định.
Một nhân vật game huyền thoại khác ra đời nhờ... sự giúp đỡ của người khác là chú cáo Crash trong seri Crash Bandicoot, thực ra ban đầu thì 2 cha đẻ của tựa game này là Andy Gavin and Jason Rubin vốn lấy ý tưởng từ Sonic của Sega, thậm chí phiên bản thử nghiệm đầu tiên của họ còn bị ví như “game nhìn mông của Sonic” khi để camera ngay sau nhân vật.
Vào thời điểm đó thì doanh số của Sega Saturn không được ổn lắm, nên Andy và Jason quyết định chuyển lên Playstation 1 và nghĩ ra xem nên tạo ra một nhân vật nào có tính biểu tượng để khiến người ta chú ý đến họ. Andy muốn một thứ gì đó “vui, dễ thương và độc đáo không ai biết tới” như Sonic, do đó anh ta đã tham khảo bách khoa toàn thư về động vật ở Tasmanian và tạo ra một thứ gọi là Willy the Wombat.
Đáng tiếc là cái tên Willy the Wombat đã xuất hiện rồi, và bản thân Andy cũng thấy nó nghe hơi bị “nhà quê” nên sau đó anh ta đã đổi lại là Crash. Trên thực tế thì Crash không phải cáo như game thủ Việt Nam vẫn gọi mà nó lấy hình mẫu từ mấy con thú có túi ở Châu Úc, phần còn lại của câu chuyện thì ai cũng biết khi Crash trở thành nhân vật game huyền thoại trên Playstation 1 và sống mãi cho tới tận bây giờ.
Cái tên nhân vật game huyền thoại cuối cùng xuất hiện trong danh sách này thuộc về Mew, con Pokemon huyền thoại này chính là thứ khiến tựa game Pokemon thành công kinh khủng như vậy. Ở phiên bản chính thức thì Mew là Pokemon không thể bắt được nếu không dùng cheat, và vốn nó đã không tồn tại và chỉ ra đời khi các lập trình viên rảnh rỗi trêu đùa nhau mà thôi.
Trước ngày ra mắt 2 phiên bản Pokemon Red và Pokemon Green, đội ngũ phát triển lúc đó là Game Freak đã nhận lệnh là không thêm thắt bất cứ thứ gì nữa, nhưng mấy ông lập trình viên thì rảnh rỗi lại sinh nông nổi đã nhét Pokemon thứ 151 vào Pokedex – đó chính là Mew. Đây vốn chỉ là một trò “troll” người chơi, vì những người tạo ra Mew tin rằng sẽ chẳng có ai tìm ra được nó cả.
Nhưng điều hay ho ở đây là về sau nhờ một lỗi trong game mà mọi người có thể thực sự tìm được Mew, biến nó thành một dạng huyền thoại có thực trong Pokemon. Nintendo chớp lấy thời cơ này xác nhận sự ra đời chính thức của Mew, sau đó tổ chức một cuộc thi để cho game thủ có thể danh chính ngôn thuận lấy được Pokemon này. Kết quả là đã có 78 ngàn người tham dự nhưng chỉ có 20 người may mắn thắng cuộc, chính nhờ cơn sốt này mà seri Pokemon mới thành công vang dội như ngày nay, còn Mew thì trở thành một nhân vật game huyền thoại cực kỳ bí ẩn và độc đáo.