Nikhil “Forsaken” Kumawat, một game thủ Counter-Strike: Global Offensive chuyên nghiệp vừa trở thành đề tài nóng trong cộng đồng của tựa game eSports này nói chung, và tại Việt Nam nói riêng. Không phải vì tài năng hay đức độ, mà là vì anh ta là game thủ chuyên nghiệp dám cả gan… gian lận trong CSGO, ngay trong một trận đấu chuyên nghiệp.
Cụ thể, trong một đoạn video vừa lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các mạng xã hội, Nikhil bị nhìn thấy đang cố tắt một phần mềm aim-assist ngay giữa trận đấu, khi đội tuyển OpTic India của Nikhil đấu với Revolution của Việt Nam vào thứ 6 tuần trước trong khuôn khổ giải Extremesland Asia. Đây là một giải đấu LAN với giá trị giải thưởng lên đến 100.000 USD, và có sự tham dự của 16 đội tuyển từ khắp thế giới.
Theo một số nguồn tin, các trọng tài của giải nhận thấy điều gì đó lạ lùng đang diễn ra, và tạm dừng trận đấu trong 20 phút đến khi họ xác nhận tìm thấy một phần mềm gian lận trong máy tính của Nikhil.
Forsaken cố gắng xóa gian lận khi bị trọng tài phát hiện.
Khi bị phát hiện, Nikhil chống chế rằng nó đã bị xóa bởi phần mềm diệt virus trên máy của mình. Tuy nhiên sau khi điều tra kỹ hơn, ESIC – một bên thứ ba chuyên thụ lý và giải quyết những vấn đề về gian lận và chất kích thích trong eSports – đã xác nhận rằng đây không phải là lần đầu tiên game thủ này gian lận, còn các thành viên khác trong đội không sử dụng phần mềm gian lận nào.
Ngoài trận đấu với Revolution, Nikhil còn sử dụng phần mềm hỗ trợ trên tại giải đấu ESL India Premiership hồi đầu tháng để giành chiến thắng và giải thưởng khoảng 6.750 USD. Chưa hết, dù là một game thủ chuyên nghiệp, anh ta còn từng bị VAC Ban hồi năm 2017 cũng vì gian lận trong CSGO.
Với những khám phá này, Nikhil bị ESIC cấm thi đấu 5 năm. Thực ra, game thủ này có thể bị cấm thi đấu trọn đời với những vi phạm trên, nhưng ESIC nói rằng họ không muốn đưa ra hình phạt tối đa vì “chúng tôi thấy rằng lần vi phạm đầu vào năm 2017 không liên hệ trực tiếp đến lần này, và cấm thi đấu trọn đời là không phù hợp.” Hành vi gian lận trong CSGO của Nikhil không chỉ khiến anh ta lãnh án phạt cấm thi đấu, mà còn ảnh hưởng xấu đến đội tuyển OpTic India. Dù các thành viên còn lại trong đội nói rằng họ không biết gì về việc Nikhil gian lận, cả đội cũng bị loại khỏi giải đấu Extremesland Asia và sau đó bị giải tán.
Sau khi việc gian lận trong CSGO bị phát hiện, Nikhil nói phần mềm gian lận của mình không có gì to tát, bởi nó chỉ “đem lại một chút xíu lợi thế khi nhắm bắn” và “không quá rõ rệt đến mức khiến người ta chú ý”. Nikhil còn bày tỏ rằng mình ân hận vì… lỡ chơi CSGO. “Nếu tôi có thể trở lại quá khứ, tôi có lẽ sẽ xóa cái ngày đầu tiên mình chơi Counter Strike. Chưa từng có thứ gì tốt đẹp xảy ra với tôi kể từ khi tôi bắt đầu chơi game.”
Gác sang một bên việc Nikhil nói gì về việc gian lận trong CSGO của mình, bản thân sự xuất hiện của phần mềm gian lận trên một máy tính được dùng để thi đấu trong một giải đấu lớn như thế này là khá bất ngờ. Lý do Nikhil có thể gian lận là vì các game thủ CSGO thường có một file .cfg chứa các thiết lập riêng của mình, chẳng hạn góc nhìn (FOV), hình dạng, kích thước tâm ngắm (crosshair), và những thiết lập này thường nằm trong một ổ cứng mà họ mang theo người. Điều này giúp họ tiết kiệm thời gian kiểm tra và cài đặt lại từng thiết lập sao cho thuận tay, nhưng cũng mở đường cho việc gian lận. Thật vậy, các trọng tài đã tìm ra phần mềm gian lận trong ổ cứng SSD mà Nikhil mang theo.
Việc ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai có lẽ là bất khả thi, bởi ngay cả những chip nhớ on-board trên các gear (bàn phím, chuột, tai nghe…) cũng có thể bị lợi dụng. Game thủ đã quá quen với bàn phím/chuột của riêng mình, một số thậm chí còn dùng những model không còn được sản xuất, và ngay cả khi có cùng model, cảm giác ấn giữa một thiết bị cũ và mới cũng rất khác biệt, ảnh hưởng đến phong độ của họ. Ngoài ra, nhà tổ chức còn phải cấm game thủ đem theo file .cfg, không được cài driver cho các thiết bị của mình, không được truy cập internet trên những máy thi đấu, không được dùng tài khoản Steam riêng… Vì vậy, ngay cả những giải đấu LAN hàng đầu cũng không thể chống cheat 100% và phải phụ thuộc vào sự tự giác của game thủ.
Giải thích cho việc sử dụng phần mềm gian lận, Nikhil nói rằng dù tự tin về hiểu biết và chiến thuật, anh ta không tự tin về khả năng ngắm bắn và vì thế tìm cách bù đắp. Trong khi người khác bù đắp bằng cách thêm giờ luyện tập, game thủ này chọn phần mềm gian lận. Bù lại, Nikhil không đổ lỗi cho áp lực phải chiến thắng, mà thừa nhận rằng việc gian lận trong CSGO là lỗi của chính mình.
“Tôi đã mất mọi thứ khi đặt Counter-Strike lên trên tất cả, và hôm nay tôi mất cả Counter-Strike,” Nikhil nói. “Thứ duy nhất tôi chưa từng mất là gia đình cùng bạn gái, và tôi hi vọng không bao giờ gian lận với họ.”
“Hi vọng?” Gian lận không phải là điều xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên hay ập đến bất thình lình. Nếu một bài học đắt giá như việc cả sự nghiệp eSports sụp đổ ngay trước mặt mình không đủ để dạy cho Nikhil cách để không gian lận, sẽ chẳng có thứ gì giúp game thủ này không gian lận trong tương lai.