Lưu ý: Bài viết có thể chứa đựng các thông tin Spoil cốt truyện của Hellblade: Senua’s Sacrifice, nếu chưa chơi thì các bạn không nên đọc.
Cốt truyện của Hellblade: Senua’s Sacrifice lấy bối cảnh dựa theo các truyền thuyết và thần thoại Bắc Âu, với diễn biến xoay quanh hành trình của nhân vật chính Senua trong việc tìm cách hồi sinh người yêu của mình là Dillion. Để làm được điều này, cô ta phải du hành lên tận cùng phương Bắc để đến Helheim – thế giới của người chết hay địa ngục nếu tính theo cách gọi thông thường.
Có một chuyện đầu tiên phải nói là thế giới quan trong Hellblade: Senua’s Sacrifice, hay chính xác là những gì mà bạn thấy trong Hellblade: Senua’s Sacrifice dưới góc nhìn của Senua đều là ảo tưởng của cô. Nếu bạn để ý thì ngay ở đầu game, Senua đã có những biểu hiện rất lạ như thường xuyên nói chuyện một mình, đặt bản thân ở ngôi thứ 3 (nói chuyện với người chơi) hoặc có những lời thì thầm liên tục xung quanh. Đây là chứng tâm thần phân liệt và ảo giác, một triệu chứng tâm thần khá nặng.
Điều đáng buồn là Senua không biết hoặc cố tình không biết điều này, do đó cả chuỗi hành trình của cô không hề xuống địa ngục, mà đó chỉ là những hình ảnh trong cuộc sống thật bị biến thành ảo giác do các ám ảnh vì bị kịch trong cuộc đời của Senua mà thôi.
Senua tự nói với chính bản thân mình
Trên thực tế bản thân Senua có thể đang nhiễm phải một căn bệnh gì đó, cộng thêm những biến cố trong cuộc đời với đỉnh điểm là cái chết của Dillion đã khiến cô trở nên như vậy. Ở trong trường đoạn chiến đấu đầu tiên khi Senua tìm cách mở cánh cửa vào Helheim, các bạn có thể thấy trên cánh tay của cô có hiện một làn sương đen bí ẩn, nó sẽ lan rộng dần ra mỗi lần Senua gục xuống và khi lan tới cổ thì hành trình sẽ chấm dứt, đồng nghĩa Senua cũng sẽ chết ở thực tại.
Đây cũng là một ảo giác khác của Senua, làn sương đen này có thể là một căn bệnh nặng, nếu Senua không thể vượt qua các ảo giác thì nó sẽ càng ngày càng nặng lên và khiến cô mất mạng.
Căn bệnh của Senua
Trước khi bước vào hành trình tới Helheim, Senua là một trong những người sống sót cuối cùng của của một bộ lạc người Anh cổ, họ về sau bị đế chế Roman đánh chiếm và đuổi đi. Cả cha lẫn mẹ của Senua đều là những tư tế của bộ tộc, nhưng cha của Senua bị chứng cuồng kiểm soát và sự đối xử bạo lực của ông đã khiến vợ lẫn con mình rơi vào trạng thái bất ổn về thần kinh. Sau khi mẹ qua đời, bệnh của Senua trở nên nặng hơn và đây là lúc mà cô gặp Dillion. Chính Dillion là người đã lấy lại tia sáng hi vọng cho cuộc đời Senua, dạy cô cách dùng kiếm cũng như khuyên Senua không nên sợ hãi trước cha của cô nữa.
Một thời gian sau đó, một cơn dịch bệnh lạ đã tràn tới ngôi làng mà Senua đang sống, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người trong đó có cha của Dillion. Rất nhiều người dân trong làng đổ lỗi lên Senua và cho rằng đây là lời nguyền mà cô mang tới cho họ, điều này khiến bệnh tâm thần của cô phát tác nặng hơn. Làn sương đen mà các bạn thấy ở tay Senua có thể là mầm bệnh mà cô bị lây khi còn ở làng, đó là lý do tại sao mà khi Senua càng yếu nó lại càng phát triển mạnh hơn.
Nếu được chọn tôi sẽ không bao giờ muốn làm trùm cuối trong bất kỳ game nào cả, trên cơ bản là trùm cuối muôn đời luôn bị ăn hành mà thôi.
Tin rằng mình là nguyên nhân của dịch bệnh, Senua đã tự tách mình khỏi làng và đi vào trong rừng sống như một ẩn sĩ lang thang. Đáng buồn là khi làm như vậy, cô lại vô tình khiến chứng hoang tưởng của mình nặng hơn khi không gặp được Dillion nữa. Trong thời gian này cô đã gặp một ẩn sĩ khác có tên là Druth, người đã kể với cô về những bộ tộc ở phương Bắc (người Viking) và hành trình tới Helheim để cứu rỗi linh hồn, nhưng đáng tiếc là Druth cũng chết không lâu sau đó.
Ảo giác của Senua về Druth ở đầu game
Druth đóng vai trò quan trọng trong game khi là giọng nói dẫn đường Senua tới Helheim, ông ta cũng là người giải thích cho cô về các truyền thuyết của người Viking (bạn có thể tìm chúng ở các hòn đá có dấu ấn rải rác trên đường đi). Giọng nói Druth cũng chỉ là một trong vô số các ảo giác mà Senua tạo ra, nhằm tự huyễn hoặc bản thân trên hành trình tới phương Bắc tìm đến Helheim.
Sau cái chết của Druth, Senua trở về làng và nhận ra một thảm kịch là mọi người mà cô quen biết đều đã chết trong một trận tàn sát cướp bóc của người Viking. Dillion bị giết và treo lên làm vật hiến tế thần linh Viking, đây chính là nguyên nhân trực tiếp khiến Senua sụp đổ hoàn toàn. Tuyệt vọng và đau đớn, Senua đã chặt lấy đầu của Dillion và bắt đầu hành trình lên phương Bắc tìm kiếm chiếc cổng vào địa ngục Helheim, nơi cô tin rằng linh hồn của Dillion có thể được phục sinh.
Cái chết của Dillion
Xuyên suốt các thử thách cũng như hành trình của Senua, chúng ta sẽ dần dần thấy được ký ức cũng như thế giới quan của cô thông qua các ảo giác khác nhau. Hai chướng ngại đầu tiên: khu vườn ảo giác của Valravn và vùng đất rực lửa của Surt, nó tượng trưng cho quãng thời gian Senua còn ở trong rừng làm một ẩn sĩ và thảm kịch khi cô trở về làng.
Trong thử thách vượt qua ảo giác của Valravn, bạn sẽ thấy các giọng nói xung quanh Senua “hồi tưởng” lại quãng thời gian còn ở trong khu rừng cũng như cuộc gặp gỡ với Druth, còn ngôi làng mà Senua đi qua ở thử thách của Surt là lúc mà cô trở về để chứng kiến thảm kịch. Trong thần thoại Bắc Âu thì Surt là thần Lửa, điều này giải thích tại sao những gì mà Senua nhìn thấy là một ngôi làng chìm trong biển lửa với những xác chết bị chiêu cháy, nó chính là những gì mà cô thấy trong thực tế. Những chiến binh phương Bắc mà Senua phải chiến đấu trong hành trình có thể tượng trưng cho đám cướp biển Viking đã tàn sát làng của cô, hoặc nó phản ánh sự hối hận của Senua khi không thể có mặt lúc chúng giết Dillion.
Ngôi làng của Senua trong ảo giác của cô
Sau khi vượt qua thử thách của Valravn và Surt, Senua lần đầu tiên chạm mặt với Hela – nữ thần địa ngục, chủ nhân của Helheim. Tuy vậy Senua đã không dám đối mặt với Hela và bị nữ thần hất xuống vực, đồng thời đánh gãy thanh kiếm, vũ khí duy nhất của Senua. Về cơ bản Hela chính là bóng tối trong con người của Senua và cây cầu này là thứ mà cô phải vượt qua để đối mặt với nó, Senua đã không đủ dũng cảm để vượt qua, cũng giống như lúc cô trốn chạy khỏi làng sau cơn dịch bệnh vậy.
Để có thể hạ được Hela, Senua cần một món vũ khí khác, một vũ khí có thể giết được cả những vị thần. Trong thần thoại Bắc Âu có một vũ khí như vậy, đó chính là thanh gươm Gram, thứ được người anh hùng Sigurd dùng để tiêu diệt con mãng xà khổng lồ Fafnir. Thanh gươm Gram chính là thứ tượng trưng cho hi vọng của Senua, điều này giải thích tại sao các ảo giác dẫn cô đến gốc cây cổ thụ tại làng, nơi lần đầu tiên Senua gặp Dillion, nơi khởi đầu cho tình yêu cũng như hi vọng của cô.
Gốc cây cổ thụ này cũng tượng trưng cho sự sợ hãi và tuyệt vọng của Senua, khi nó bị lấp đầy bằng những xác chết của người trong làng. Senua cần phải vượt qua chúng để tìm thấy hi vọng, đó là lý do tại sao cô phải trải qua các thử thách khác trước khi chạm tới thanh gươm Gram.
Cây cổ thụ trong tưởng tượng của Senua
Điểm đến đầu tiên của Senua trong thử thách của Odin là một mê cung dưới lòng đất, nếu các bạn để ý thì sẽ thấy chỗ này tuy chật hẹp nhưng lại có rất nhiều các thứ đồ gia dụng hằng ngày. Đó là vì nó phản ánh lại quãng thời gian Senua còn sống ở nhà, cũng như sự ám ảnh của cô với người cha của mình. Ở trong mê cung Senua lại liên tục “cảm thấy” giọng nói của Dillion dẫn đường cho mình khỏi mê cung trong ảo giác. Đơn giản vì lúc đó Dillion chính là hiện thân của sự cứu rỗi cho Senua, và là người kéo cô ra khỏi sự kiểm soát của người cha cuồng loạn kia.
Thử thách thứ hai nằm lấy hình ảnh của một ngôi làng bỏ hoang với những đầm lầy bẩn thỉu, nó chính là dịch bệnh đã lan tràn vào ngôi làng và là nguyên nhân khiến cô phải ra đi. Ở phần tiếp theo Senua đã bị một bóng đen đuổi theo trong một mê cung rực lửa, đây là hiện thân cũa những người dân làng đã đổ lỗi cho Senua và cho rằng chính cô là nguyên nhân gây ra dịch bệnh. Bản thân cha của Dillion cũng qua đời vì dịch bệnh này, nó vô tình làm Senua cảm thấy tội lỗi và nó cũng giải thích vì sao mối quan hệ của hai người trở nên xa cách.
Mẹ của Senua – Gelena cũng được nhắc tới trong rất nhiều các ảo giác, nếu bạn để ý kỹ thì đôi lúc Senua sẽ lâm vào tình trạng bị “ảo giác trong ảo giác”, khi khuôn mặt của cô không có vết sẹo và các hình xăm, cũng như các hình bóng của Dillion, cha và mẹ nói chuyện với cô. Có thể căn bệnh của Senua có một phần nguyên nhân từ mẹ mình, khi Gelena nghĩ rằng mình đang mang trong mình một lời nguyền khác.
Hela – vị thần mà Senua luôn tìm kiếm, thực ra chính là hình dạng khác của căn bệnh tâm thần mà cô đang phải chịu. Nếu bạn để ý thì trong trường đoạn cuối khi đụng mặt Hela, Senua liên tục nghe được giọng nói của cha mình đổ lỗi cho cô về cơn dịch bệnh, cái chết của Dillion và vụ thảm sát tại ngôi làng. Hela chính là nỗi ám ảnh của Senua về cha mình, người không hiểu được chứng bệnh tâm thần của con gái và khiến nó trở nặng tới như vậy.
Hình tượng Hela, tượng trưng cho gốc rễ căn bệnh của Senua
Trong đoạn phim ở cuối game khi Hela xuất hiện dưới hình dạng một cô gái với các hình xăm kỳ bị và cơ thể bị đốt cháy, Senua cuối cùng cũng nhận ra rằng Dillion đã chết và không gì có thể mang anh ta trở lại được nữa. Đó là khi Senua thực sự đối mặt được với căn bệnh tâm thần đang khiến mình hoang tưởng, nó cũng là lý do tại sao hình dạng của Hela lại khá giống Senua và có một nửa người bị cháy xém (tượng trưng cho sự dằn vặt của Senua về làng của cô).
Trong đoạn kết của game, Hela đã ném chiếc đầu của Dillion xuống vực, thực ra người làm việc này chính là Senua khi cô thực sự nhận ra rằng vốn không có sự hồi sinh, không có ma quỷ mà mọi việc chỉ là ảo giác của mình mà thôi. Các bạn có thể thấy từ lúc đó thế giới quan của Senua đã trở lại bình thường, các giọng nói trong đầu cô không còn nữa, Senua đã đủ dũng cảm để vượt qua hành trình này và thoát khỏi căn bệnh luôn ám ảnh bấy lâu nay.
Cảnh cuối khi Senua từ bỏ Dillion
Trên đây là những gì mà Mọt Game muốn nói về cốt truyện Hellblade: Senua’s Sacrifice, đây thực sự là một game khá khó hiểu và mang nặng màu sắc tâm linh rất kén người chơi. Hi vọng qua bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu thêm về cốt truyện của game, cũng như giải đáp các thắc mắc còn sót lại nhé.