Những game xây dựng tự do như Minecraft hay gần đây là Dragon Quest Builders 2 luôn là những thứ rất hấp dẫn, khi nó hứa hẹn một thế giới mở đầy tự do cho người chơi thỏa sức sáng tạo mọi thứ mình muốn. Bạn hẳn đã có những lúc trầm trồ thán phục những công trình tuyệt đẹp được đăng lên Youtube, cho đến khi thực sự bắt tay vào làm thì chợt nhận ra… có vẻ nó sẽ tốn quá nhiều thời gian và công sức hơn bình thường.
Dragon Quest Builders 2 với lối chơi xây dựng thế giới mở, nhưng nó dễ hiểu và dễ tiếp cận hơn rất nhiều so với các tựa game cùng thể loại khác.
Có thể nói về mức độ tốn thời gian thì những game nhập vai cày cuốc còn xa mới bằng được thể loại xây dựng này, vì với các game cày cuốc bạn có muốn max hết mọi chỉ số và đánh bằng sạch mọi con trùm đi chăng nữa thì nó vẫn sẽ có hồi kết, vài trăm giờ đồng hồ là sẽ chẳng còn bất cứ cái gì để mà cày nữa đâu. Nhưng các game xây dựng thì khác, vì nó gần như không có cốt truyện, không có mục tiêu và không có điểm kết… sự giới hạn duy nhất nằm ở sức sáng tạo và độ “lười biếng” của game thủ. Tại sao Minecraft luôn là game gây nghiện nhất kể từ khi nó ra mắt, đó là vì người chơi luôn nghĩ ra đủ thứ mới để xây dựng theo thời gian, chưa kể nó còn lâu vãi cả nồi ra.
Bạn có thể đã từng nghe những game thủ gạo cội Minecraft bỏ ra hàng năm trời để xây nên những công trình vĩ đại, kiểu như Minas Tirith trong Lord of The Ring hay King’s Landing của Game of Thrones. Chúng ta nhìn từ bên ngoài vào thì thấy chúng thật là đẹp đẽ và hùng vĩ, nhưng nếu bạn biết để làm được các công trình khổng lồ này, hàng chục người chơi đã phải phối hợp với nhau liên tục trong hàng năm trời (có thể lên tới 7 năm) để tạo ra chúng. Bạn cần một sự kiên nhẫn và siêng năng rất lớn để làm được điều này, vì tôi bảo đảm chỉ cần nhìn mấy cái bản vẽ thôi là đã đủ muốn bỏ cuộc rồi.
Lấy ví dụ như Dragon Quest Builders 2 chẳng hạn, khi chơi nó lúc đầu tôi thấy mọi việc thật là dễ dàng khi chúng ta chỉ phải xây mấy cái phòng bé tí, vài ba mẫu ruộng đơn giản hoặc cùng lắm là hàng rào bao quanh nông trại. Mọi việc bắt đầu mệt mỏi hơn khi game bắt đầu yêu cầu người chơi phải làm ra những thứ phiền hà hơn, chẳng hạn như đào đường thành nhiều rãnh dài nối lên núi sau đó đổ nước xuống để tạo thành sông. Hoặc cao cấp hơn là làm một cái cây sinh mệnh với vài trăm khối vật liệu khác nhau, cao như một tòa nhà 50 tầng thẳng lên trời.
Tới đây thì bạn mới cảm nhận được sự cực khổ của một game xây dựng, vì bản chất của thể loại này là người chơi sẽ phải chồng chất hàng trăm khối vật liệu lên nhau, theo một bản vẽ có sẵn hoặc tự nghĩ ra cho tới khi nào xong việc. Vấn đề ở đây là đầu tiên bạn phải đi khai thác cái đống này ở ngoài tự nhiên, tức là dùng búa, rìu hoặc bất cứ cái của nợ gì đó mà game cho phép để đập từng tảng đá chặt từng cái cây để thu thập cho đủ mọi thứ mình cần. Bạn sẽ thấy thực sự là khổ ải khi phải đập cả một ngọn núi để lấy mấy trăm hòn đá, hay chặt từng cái cây một gom góp như một con kiến thợ cho cái công trình thế kỷ điên rồ của mình.
Đây mới chỉ là một phần của sự việc, có nguyên liệu rồi nhưng xây dựng làm sao mới là thứ khốn nạn. Khi chưa chơi các game xây dựng, trong đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản là những người đó chỉ cần chồng khối này lên khối kia là xong, vì tất cả chúng đều là dạng hình hộp hết mà. Nhưng tới khi bắt tay vào thì mọi thứ mới gọi là vỡ mộng, vì trong kiến trúc chúng ta có một thứ gọi là chiều cao, chiều rộng và cả chiều sâu nữa.
Hai tới ba khuôn gạch ban đầu thực sự rất dễ vì bạn có thể đứng dưới đất mà chồng chúng lên, nhưng tới khuôn thứ năm thì mọi việc bắt đầu khó khăn vì không còn chỗ mà đứng nữa. Cách giải quyết cái này kiểu truyền thống là xây từ từ, chồng từng ô một lên cao sau đó phá đi làm sao cho nó đúng bài, cực kỳ tốn thời gian và vô cùng phiền hà. Bạn có thể tưởng tượng công trình trong mơ của mình càng cao, thì cái công đoạn chồng chất này sẽ càng lâu tới mức không thể chịu nổi.
Thường thì một công trình càng to thì mức độ tỉ mẩn lại càng lớn, bạn chắc chắn không muốn tòa lâu đài của mình có một tảng đá màu đen giữa xung quanh tất cả màu trắng đúng không. Cảm giác này dẫn đến hậu quả là xây hoài xây mãi vẫn không thấy vừa ý, kiểu như quay lưng đi là sẽ nghĩ ra có cái gì đó thiếu thiếu cần phải sửa. Như người viết chơi mấy game xây dựng là rất dễ gặp tình trạng bỏ nửa ngày chỉ để sửa vài ô gạch không ưng ý, nhiều khi chỉ muốn dẹp cm nó đi cho xong mà không được.
Và bạn biết cái gì làm những game xây dựng này tốn thời gian nữa không, đó là lòng tham lam không bờ bến của người chơi. Như trong Dragon Quest Builders 2 đầu tiên tôi xây một cái phòng nhỏ, sau đó nổi hứng làm nhà vệ sinh rồi phòng tắm, tiếp theo ra ngoài chơi mấy tua trồng trọt kiểu nông trại vui vẻ. Vòng vòng tiếp tục khoảng 10 giờ đồng hồ sau thì tôi vẫn đang kiên trì đục đẽo mấy tảng đá để nhét vào cho đẹp tường, cũng như trang trí cái nồi vô nghĩa gì đó mà chính bản thân cũng không thể hiểu được.
Cảm giác sáng tạo và làm chủ mọi thứ trong các xây dựng có tính gây nghiện cực lớn, đó là bạn nghĩ ra cái gì là lập tức làm được luôn chứ không phải phiền phức. Nếu những thể loại nhập vai phải đi đánh quái kiếm nguyên liệu, thì đây cứ ra ngoài đào múc cuốc xúc là có cả đống, nó tạo ra cảm giác thỏa mãn và từ đó cứ khiến chúng ta làm hoài không nghỉ. Kể cả là bạn có làm đúng như các bản vẽ có sẵn, thì tính hiếu kỳ của bản thân cũng sẽ muốn sửa đổi hay ít nhất là thêm thắt thứ gì đó vào cho nó đồng điệu.
Cuối cùng mọi thứ dẫn đến một điều quan trọng, đó là bạn có đủ siêng năng và kiên nhẫn để làm hết cái đống này không đó mới là vấn đề. Game xây dựng có tính gây nghiện rất nặng, nhưng khi mà chúng ta xây mãi xây hoài mà cái công trình trong mơ vẫn xa diệu vợi, thì đây là cơn ác mộng cho những kẻ lười biếng rồi.