Bài viết này dành tặng cho 3 người đàn ông tên Duy
Ông anh ruột của tui, Mọt Trùm Cuối: Nhật Duy
Bạn của ông anh tui: Nguyên Duy
Đàn anh tui nể trọng: DuyNHD
Tui có một anh bạn, người Canada gốc Hàn, ảnh thuộc thế hệ 7x, có lần bàn luận về phim ảnh, thì ổng có nói với tui một câu đại loại như “Mày biết không, lúc Starwar mới ra đời, tụi tao bị choáng ngợp bởi công nghệ làm phim, lúc nó nó thật sự là kỳ vĩ, nên giờ cứ mỗi lần nghe nhạc hiệu mở đầu của cái phim này là tự nhiên tao khóc.” Nhắc tới thị trường phim ảnh thời kỳ đó, chắc các bạn thế hệ @ sau này được tiếp cận thoải mái sẽ khó mà hình dung được. Chứ vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước, công nghệ điện ảnh còn lạc hậu, phim chiếu rạp xong chỉ phát hành dưới dạng băng từ VHS thì ngoài truyền hình có lẽ băng video là thứ duy nhất giúp dân chúng mê phim ảnh có cái mà giải trí.
Vào cái ngày xa xưa của năm một ngàn chín trăm hồi đó tuyệt nhiên không có mấy nền tảng xem phim trực tuyến thú vị như Netflix, VLXX hay Po*nhub này nọ đâu vì đến cái internet còn xài cáp điện thoại chậm kinh người, mở một cái mail mất 5 phút, lấy tốc độ đâu ra mà coi phim? Chuẩn phim thời đó cũng không biết phải nó là cái chuẩn gì luôn, chỉ biết bỏ băng vào đầu máy, nó lên được hình là hay lắm rồi. Có đôi lúc đang coi tự nhiên thấy hình ảnh bị nhiễu, thì rị mọ gỡ cái nắp đầu máy ra, tay cầm tờ giấy lịch được gấp lại sau đó khéo léo lách qua những tấm bảng mạch để… chùi đầu từ (thứ giống như mắt đọc laser của ổ đĩa quang ấy).
Một biện pháp chữa mẹo tưởng như có phần ấu trĩ ấy lại thường xuyên thành công một cách bất ngờ trong ánh mắt có phần sự kinh ngạc của mọi người. Với danh tiếng gia truyền được bảo chứng sau bao lần cày phim bộ, Mọt tui nghiễm nhiên trở thành thợ sửa đầu máy ngự dụng của mẹ và các dì. Nói về kỷ niệm thời VHS thì vào đầu thập niên 90 các tiệm cho thuê băng mọc lên như nấm. Mỗi tiệm đều lấy chung nguồn từ Fafilm Việt Nam nhưng để câu khách họ lại sở hữu cho mình những thứ “độc địa” mà không đối thủ cạnh tranh nào có được hoặc nếu có thì cũng kém hấp dẫn hơn hàng do mấy tay to sưu tập.
Có tiệm cho rằng đồ cổ là đồ độc nên tìm các nguồn khác nhau từ nước ngoài để gom cho đủ mấy cái phim bộ TVB từ thời năm 70 mấy hoặc 60. Đáng tiếc dân mình không có đam mê với thể loại phim bộ kiếm hiệp mà méo khác gì cải lương hồ quảng hồi xưa của dân Hướng-cỏn nên mấy bộ phim độc đó nhanh chóng bị xem xóa để dành chỗ ghi đè phim mới. Số khác lại bắt trend với thời cuộc cũng như có máu liều cao như máu làm giàu nên âm thầm sao chép mấy phim cấp 3 của Hongkong hay Mẽo về cho khách quen thuê. Những bộ phim mà sau này tui mới biết được quốc tế định dạng với mã CAT III còn ngày xưa chỉ thấy mấy anh thanh niên lớn hay giấu giấu diếm diếm mang về rồi sai bọn tui ra ngoài vừa chơi vừa canh chừng cho mấy ổng xem.
Thời đó mấy đứa trẻ con như tui cứ hay cắm đầu vào các tiệm cho thuê phim, đứa nào mà được ông/bà chủ thích là cứ thoải mái vào mà lựa. Thậm chí dễ tính tới mức được bỏ băng vô coi nháp 5-10 phút, nếu thấy hay mới về năn nỉ bố mẹ cho thuê cái phim đó đem về. Giá thuê thì thật sự chát, thời đó Mọt tui nhớ cuốn băng, 2 ngày giá thuê là 500đ, sau đó cứ thêm 1 ngày thì thêm 500đ. Các bạn sẽ nói rằng 500đ thì rẻ rề, nhưng thực tế của 30 năm trước là 500đ có thể ăn no nê một bữa đấy. Mà cũng vì độ hot của băng VHS nên câu cửa miệng của các chỗ cho thuê băng là “anh/chị/em ơi, phim này đi rồi” ý nói là có người thuê rồi.
Lời của Doãn đại hiệp: "Cha Mọt Trùm cuối nhà giàu kiểu tư bản vạn ác nên mới có tiền mua đầu máy, chỉ việc xách đít đi thuê phim về xem. Tui nhà nghèo ba má đông thế nên trong ký ức loáng thoáng của những ngày cùng khổ hồi 30 chục năm về trước nó lại khác hẳn. Lúc đó nhà tui cũng thuê băng nhưng phải thuê luôn cả cái… đầu máy để xem vì làm qué gì có đủ tiền mà mua. Sau này má tui kể lúc đó một cái đầu máy nội địa đã qua sử dụng của Nhựt Bổn cũng hết cả chỉ vàng. Các bạn cứ thử hình dung chỉ với 500đ là có thể ăn no nê một bữa thì cụm từ chỉ vàng nó lại là một phạm trù hoàn toàn phi nhân loại rồi. Ngoài ra thuê băng thì dễ, chỉ cần cọc tiền là xong, còn muốn thuê đầu máy thì ngoài tiền bạn phải đem cả hộ khẩu ra thế chân mới được thuê nhé!"
Thôi quay lại vụ game gủng, hình như Mọt tui hơi lạc đề, ahihi. Thời mà tui tiếp cận được game thì tầm năm 1989 hay 1990 gì đó. Đầu tiên là máy Nintendo chơi băng (có thể là NES vì giờ cũng không nhớ nổi nó là cái máy gì). Sau đó đến lúc chơi được game PS1 và có máy PS1 chắc cũng tầm năm 1999 or 2000 gì đó. Phải nói PS1 là hệ máy có ảnh hưởng thực sự khủng khiếp khi nó phá vỡ mọi định luật thông thường về thị giác và trải nghiệm của giới game thủ vốn đang bị vỗ về bởi những pixel 16-bit. Thôi thì chuyện này tui cũng đã nói nhiều trong các bài trước đó rồi nên không nhắc lại làm chi. Cơ mà một bài toán nan giải cho các game thủ thời bấy giờ là muốn kiếm nhạc game để nghe thì biết kiếm ở đâu đây?
Bây giờ các bạn muốn nghe nhạc quá đơn giản, ZingMp3 đồ, Youtube đồ, Spotify đồ, chớ 20 năm vê trước thì kiếm cái host 20MB để tải nhạc lên đã rất khó rồi, huống chi hình thức chia sẻ phim và nhạc thời bấy giờ chủ yếu là đường bưu điện. Tui không có nói nhảm đâu bởi ngay chính bản thân Netflix trong thời kỳ đầu lập nghiệp, dịch vụ chủ yếu của họ là cho thuê băng VHS qua đường bưu điện nhưng không thành công lắm vì gã khổng lồ Blockbuster. Thời đại đó các dân chơi ở Bắc bán cầu hay trời Âu muốn xem anime biến thái của Nhật, ngoài chuyện mua phim đã có trên thì trường, còn lại phải gởi băng VHS trắng cho các nhóm fansub để họ sao lưu ra.
Dân chơi game ở cầu ba cẳng cũng không ngoại lệ, thời đó công nghệ MP3 khá mới, nhiều game thủ muốn chia sẻ nhạc game thì phải mua dĩa CD soundtrack về, nén lại rồi tải lên mạng hoặc chia sẻ theo dạng gặp nhau rồi đưa. Mà cái tui nói cũng chỉ nằm ở phạm trù ở các nước Anh, Pháp, Mỹ… hay đâu đó bên trời Tây, chớ ở Việt Nam thì không có đâu nha Diễm, quên đi. Cũng có nhiều anh tài rất chịu khó dùng mạng dial up cùi, tối tối sục sạo hết cõi internet bất chấp tiếng gào thét trong tuyệt vọng của phụ huynh vì đường dây điện thoại bị chiếm dụng hoặc tham gia các nhóm irc hay eDonkey (một hình thức chia sẻ p2p từ thuở hồng hoang của internet) để tìm nhạc hoặc phim.
Như tui đã nói, thời đó mà ông nào có dăm ba cái phim giáo dục giới tính, CD mấy trăm bài nhạc MP3 về game/anime hay vài ba chục bộ manga xịn xịn thì có thể lập nghiệp được rồi. Một vài anh hào mà tui biết như Taki Shop, Trungzin VENO hay Hot Game cũng khởi nghiệp từ ba cái đồ này thôi. Đối với tui mà nói thì tui cũng thích sưu tầm nhạc game, nó bắt nguồn từ cái game Legend of the Dragoon có cái bài If you still believe quá xuất sắc. Tui chơi game, nghe thấy hay quá mà không biết kiếm ở đâu ra, lùng sục trên internet lúc đó cũng không có luôn. Thế là trong một đêm khuya thanh vắng, không biết vì một điều kỳ diệu gì, tui đã tìm được giải pháp cho khó khăn của mình, đó là trình rip nhạc và clip cho dĩa PS1.
Thực sự tới giờ tui cũng không nhớ cái trình đó tên gì, nó có thể là một trong hai chương trình sau: PSmplay hoặc psxMC, nhưng mà nó thật sự là bá đạo khi có thể lấy được toàn bộ nội dung nhạc và phim cutscene trong từng cái dĩa PS1 và có thể lưu về dưới dạng file MP3 hoặc AVI. Nói tới AVI chắc nhiều bạn xem bài này sẽ nhớ về một thời đại bùng nổ chia sẻ các phim DVD 9GB dưới dạng 1 file AVI có chất lượng khá tốt với dung lượng 700MB, vừa đủ chép vào một cái đĩa CD. Thú thật là từ khi biết trình rip nhạc bá đạo kia, tui thiệt sự là nghiện cái trò lấy nhạc và phim trong game. Từ chuyện này mà tui vô tình biết game huyền thoại Chrono Cross có một chục ending ẩn, vì có những cutscene mà chơi bao nhiêu lần cũng không mở khóa được.
Ngày xưa của Mọt trùm cuối là vậy đó, thiếu thốn nhưng vui, cộng đồng thì cũng không quá toxic như giờ. Nói chung thời đó có game chơi là mừng, có nhạc nghe là sướng, có máy game là hạnh phúc, hơi đâu đi bàn luận mấy chuyện sâu xa phức tạp như cốt truyện hay dở để mà làm chi. Có ai cùng thời với tui không, nhào vô chia sẻ tí nhé!