Tại kỳ E3 2019 vừa rồi tựa game phiêu lưu Way to the Woods đã gây ấn tượng rất mạnh với game thủ, khi nó đem tới lối chơi đặc biệt thiên về trải nghiệm cách tương tác với môi trường, nó là điển hình của những tựa game dạng “ngắm cảnh” – khi bạn chơi game mà gần như rất ít phải động tay mà chỉ để tận hưởng cảm giác thư thái như đang xem phim vậy.
Ngoài sự hiện diện của các ông lớn và những bom tấn nổi tiếng, thì rất nhiều game Indie rất có tiềm năng cũng được giới thiệu tại E3 2019 lần này.PC/CONSOLE
Những tựa game Indie tiềm năng nhất tại E3 2019
Nếu nói các game phiêu lưu giải đố đã đủ kén người chơi vì tốc độ chậm và lời thoại cực nhiều của chúng, thì thể loại ngắm cảnh này còn ở mức độ kinh hoàng hơn nhiều. Chúng gần như không có cốt truyện, không có tương tác, không có NPC và chẳng hề bắt người chơi phải làm gì ngoại trừ di chuyển nhẹ nhàng qua các địa điểm trên bản đồ. Điểm độc đáo của những tựa game này là chúng hoàn toàn không bắt game thủ phải suy nghĩ gì cả, vì trải nghiệm chủ yếu là ngắm nhìn những cảnh đẹp tuyệt vời xung quanh.
Chính vì lối chơi này mà trong các game phiêu lưu ngắm cảnh các nhân vật chính không cần phải là con người, hay thậm chí còn chẳng cần tới sinh vật sống. Thí dụ như Way to the Woods là hành trình của một cặp nai lớn nhỏ chu du qua những công trình bị bỏ hoang thời hậu tận thế, nơi con người không còn xuất hiện, để tìm về nhà. Một tựa game khác là Flower còn sáng tạo hơn, khi cho bạn đóng vai những cánh hoa tung bay qua bình nguyên rộng lớn.
Không có con người hay các sinh vật biết nói chuyện đồng nghĩa không có lời thoại, không có cốt truyện cụ thể cũng như mục đích của chính cái game đó cũng rất mơ hồ. Nó tạo ra một trạng thái tĩnh khiến cho người chơi toàn tâm toàn ý cảm nhận được cảnh vật xung quanh, vì thường là nếu có thứ gì đó để làm như chiến đấu hoặc giải đố, thì ít ai có thời gian để dừng lại mà ngắm cảnh lắm.
Kể cả với những bom tấn được khen ngợi là có đồ họa xuất sắc nhất như Horizon Zero Dawn hay Red Dead Redemption 2, thì các quãng thời gian ngắn ngủi để bạn dừng lại và cảm nhận cảnh vật cũng không nhiều lắm, chưa kể nó còn thường xuyên bị ngắt quãng bởi nhiều lý do khác nhau. Đó chính là sự khác biệt giữa các game phiêu lưu ngắm cảnh và phần còn lại, khi mà chúng ta không có một mục đích cụ thể thì việc chu du trong thế giới trở nên tự do hơn rất nhiều, kiểu như nó dỡ bỏ cái mục tiêu “về nước” cố dĩ mà bất cứ game thủ nào đều mong muốn thực hiện.
Không phải ngẫu nhiên những game dạng này rất hạn chế đưa con người vào hoặc có chăng nữa cũng là kiểu nhân vật “câm”, bởi vì tiếng nói cụ thể chính là thứ dẫn dắt và tạo ra mục tiêu dù nó có nhỏ thế nào chăng nữa. Chỉ cần vài lời giới thiệu về thế giới hoặc nhân vật là đã đủ tạo ra một phác họa đơn giản cho game thủ hình dung, từ đó tạo ra một cảm giác vô thức khiến họ muốn tìm hiểu nó.
Các game phiêu lưu ngắm cảnh thì không như vậy, vì mục đích sinh ra của chúng là làm sao để mọi thứ nhẹ nhàng nhất có thể. Khi thế giới xung quanh bạn hoàn toàn hòa bình và không có bất kỳ mối đe dọa nào, thì game thủ mới có thể thả lỏng toàn thân mà tận hưởng game được. Không phải ngẫu nhiên mà các game phiêu lưu kiểu này đều đặt góc nhìn trên cao hoặc cho nhân vật chính biết bay, vì như thế nó sẽ tạo ra các góc nhìn cực rộng để “mở” tâm trí người chơi ra và dễ hòa mình vào cái không khí yên bình này hơn.
Journey có lẽ là đại diện xuất sắc nhất của dòng game phiêu lưu ngắm cảnh này, nó hoàn toàn không có cốt truyện, đồ họa tuyệt đẹp đi kèm lối chơi độc đáo. Cũng giống như Way to the Woods thì Journey là hành trình của nhân vật chính vô danh, băng qua những sa mạc, các ngọn núi khổng lồ và cả vùng băng tuyết lạnh giá. Cách cảm nhận thế giới cũng như tương tác với môi trường là hoàn toàn tùy thuộc vào người chơi, đây là thứ độc nhất vô nhị mà các game phiêu lưu không cần cốt truyện làm được.
Tất nhiên không phải ai cũng cảm được thể loại game này, vì nó kén người chơi ở mức độ khủng khiếp. Trải nghiệm của người viết với Journey là do khi đó thấy sales rẻ nên mua và tiếc tiền nên cố chơi nốt, mặc dù tôi hoàn toàn không hiểu nó nói về cái gì, khi trên màn hình chỉ là một nhân vật chính vô danh đi giữa nền cát vàng vô tận. Số lượng các game dạng ngắm cảnh rất ít, giống như Way to the Woods thì chúng chiếm một góc nhỏ khiêm tốn giữa hàng rừng bom tấn hiện đại.
Số lượng game thủ có thể cảm được dòng game phiêu lưu ngắm cảnh này rất ít, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để bỏ thời gian quý giá chiến đấu hoặc luyện cấp ầm ầm chỉ để nhìn ngắm một thế giới không có kẻ thù. Nói một cách chính xác hơn thì bạn cũng không phải nhân vật chính mà chỉ là một kẻ lãng du đi ngang qua mà thôi, thế giới trong các game dạng này không xoay quanh người chơi, mà tự game thủ phải cảm nhận những gì xung quanh mình.
Tuy khó hiểu và kén người chơi như vậy, nhưng các game phiêu lưu ngắm cảnh vẫn có một sức hút đặc biệt và hầu hết chúng đều là những cái tên được đánh giá rất cao, như Journey còn có thể xếp vào hàng siêu phẩm. Game cũng giống như cuộc sống vậy, đôi khi bạn cần những khoảng lặng để tự ngẫm lại bản thân và không có gì tuyệt vời hơn là ngắm nhìn thế giới từ trên cao, dưới con mắt của một kẻ lãng du trong giấc mộng của chính mình.