Mặc dù đã ra mắt từ rất lâu và luôn luôn phát triển, nhưng game mobile chưa bao giờ được đánh giá cao vì nó có vẻ quá là “mỳ ăn liền” và toàn nhắm tới lợi nhuận là chính. Trong tất cả các thể loại meme thì cộng đồng “PC Master Race” đều chỉ nhắm tới bọn “Console Peasant”, chứ còn game mobile thì nó thậm chí còn chẳng nằm trong phạm trù để sỉ nhục nữa. Tuy vậy có một vấn đề khá là vui tính ở đây, đó là chính mấy thứ “hạ đẳng” đó mới đang kiếm tiền chính cho các ông lớn chứ không phải game PC đâu.
Có thể cái này nhiều người biết rồi, đó là nếu chỉ tính về lợi nhuận đơn thuần thì game mobile hoàn toàn vượt trội PC và Console. Nếu so ra theo tỉ lệ thì game mobile chiếm 45% tổng tiền trong năm 2019, vượt xa console và gần gấp đôi PC. Đây là điều rất dễ hiểu khi điện thoại thông minh và máy tính bảng dần trở nên phổ biến, nó khiến cho game mobile quá dễ tiếp cận mọi lúc mọi nơi. Kể cả một PC Master Race cứng cách mấy thì trong điện thoại của họ chắc chắn sẽ có vài game mobile, chủ yếu để giết thời gian những lúc rảnh rỗi.
Và nếu tính cụ thể sang giờ chơi trên tổng lợi nhuận thì bạn mới thấy game mobile khủng khiếp cỡ nào, theo như thống kê trong năm 2019 thì mỗi game thủ ở độ tuổi 26 tới 35 chơi trung bình khoảng 8 giờ 12 phút mỗi tuần, còn chia theo ngày thì sẽ là khoảng 1 giờ 22 phút. Cái này là thống kê chung cho tất cả thể loại từ PC, Console cho tới Mobile, cơ mà nó cũng cho biết là một người bình thường sẽ chơi game mobile trung bình khoảng 25 phút/ngày. Từ đây bạn có thể thấy một điều là với thời lượng cứ cho là ngang nhau hoặc không chênh lệch cho lắm, thì lợi nhuận tính theo thời gian của game mobile thực tế gấp 3 lần PC – một con số khủng khiếp cho bất kì nhà phát hành nào.
Có nhiều vấn đề rất dễ thấy tại sao game mobile lại vượt trội như vậy, đầu tiên là chi phí đầu tư thấp và thu hồi vốn nhanh. Những game mobile kiếm tiền nhiều nhất hầu hết đều miễn phí thí dụ như PUBG Mobile, Clash of Clan hay Candy Crush… nó trực tiếp thu hút một lượng lớn người chơi liên tục lên tới hàng chục triệu. So sánh với PC phải mua đĩa hoặc Console còn tốn cả tiền mua máy thì game mobile chắc chắn có lợi thế quá lớn, đây chính là yếu tố quan trọng mà các ông lớn rất thích đem các game của mình lên di động để tối đa lợi nhuận.
Có tới 25% game thủ tập trung vào thể loại FPS và cụ thể là Battle Royale như PUBG hay Fortnite, điểm này cũng đúng luôn cho game mobile. Minh chứng rõ ràng nhất là mặc dù PUBG đang càng ngày càng chết dần trên PC, nhưng phiên bản di động của nó lại đứng top 1 về doanh thu toàn thế giới, bất chấp hàng đống lỗi lặt vặt. Fortnite cũng tương tự khi Epic vừa rồi cuối cùng cũng đã đưa con cưng của mình lên Google Play, mặc dù trước đó họ đã phải kêu gào về vấn đề ăn chia lợi nhuận bên ngoài, nhưng rồi cuối cùng tiền vẫn là thứ quan trọng nhất mà thôi.
Và bạn có biết rằng game thủ khu vực Châu Á Thái Bình Dương – hay nói rõ hơn là Trung Quốc là nơi đóng góp lớn nhất cho game mobile. Cụ thể thì cộng đồng game thủ Trung Quốc chiếm tới 25% doanh thu toàn cầu, cũng chính vì lý do này mà tại sao PUBG Mobile có thể lên top 1 vì đơn giản nó được Tencent Games phát hành ở Trung Quốc trong giai đoạn mà game Battle Royale đang cực thịnh, thế nên nó lấy hết tất cả thị phần ở đất nước tỉ dân này. Từ đây dẫn tới một vấn đề khác, đó là các ông lớn cũng bắt buộc phải chạy theo xu thế.
Vụ scandal “bạn không có điện thoại sao” của Diablo Immortal chính là ví dụ rõ ràng nhất cho sự ảnh hưởng của game mobile, ai cũng biết Blizzard này nhắm vào thị trường nào và đối tượng nào. Cơ mà nếu nhìn vào tình hình hiện tại ra game nào bị chửi game đấy, các sản phẩm cũ mang hơi hướng esports như Heroes of the storm và Overwatch thì dần thoái trào, có lẽ Blizzard cũng chẳng có nhiều sự lựa chọn cho lắm.
Mang game lên di động là xu hướng chung của các nhà phát hành, thí dụ gần đây như Call of Duty: Mobile, NieR: Automata hay Liên Minh Huyền Thoại Tốc Chiến. Thị trường lớn và số lượng người dùng đã buộc các ông lớn phải thay đổi, lấy thí dụ như Liên Minh Huyền Thoại thì ban đầu Riot Games rất làm cao khi nhất quyết không muốn chỉnh sửa vì cho rằng nó sẽ làm mất cái hồn của game. Sau vài năm khi những tựa game “nhái” LMHT đang kiếm tiền rầm rầm, thì bọn họ cũng chẳng còn dám kén cá chọn canh nữa, để lâu hơn có khi chẳng còn thị phần nữa luôn ấy chứ.
Rất nhiều game mobile khác đang được phát triển một cách âm thầm, như bạn có biết Capcom đã giao cho một hãng sản xuất độc lập cực kỳ vô danh tại Trung Quốc làm Devil May Cry Mobile hay không? Thậm chí thông tin về tựa game này còn rất ít và chẳng mấy ai biết nó có tồn tại, nhưng điểm chung nhất là tất cả đều tìm cách hướng về thị trường màu mỡ trên di động, để chia sẻ miếng bánh trị giá hàng chục tỷ đô này.
Tất nhiên game PC và Console vẫn là một cái gì đó nằm ở tầng trên, vì dù game mobile có phát triển tới cỡ nào chăng nữa thì nó cũng chẳng bao giờ đạt chất lượng siêu phẩm được, quá lắm thì cũng chỉ để giải trí một chút mà thôi. Nhưng làng game hiện đại thì tiền mới là thứ quan trọng nhất, cho nên trong một tương lai không xa khi bạn thấy một huyền thoại nào đó được ưu tiên “remake” trên di động trước thì cũng đừng ngạc nhiên, đó là xu hướng bắt buộc rồi.