Phụ Lục
Mới đây cùng với việc kích hoạt siêu bom tấn Call of Duty Mobile của nhà phát hành VNG, thị trường game sinh tồn di động đang nóng hơn bao giờ hết cùng khả năng cạnh tranh khốc liệt của PUBG, Free Fire, Rules of Survival… Tuy nhiên mặc dù sở hữu những công nghệ vượt trội về đồ họa cũng như lối chơi nhưng Call of Duty Mobile vẫn đặt ra hàng loạt dấu hỏi về tính công bằng khi hàng loạt game thủ vẫn thường xuyên sử dụng thiết bị hỗ trợ để “By Pass” hành hạ những người chơi thuần sử dụng thao tác chạm lướt trên điện thoại hàng ngày.
Khác với những tựa game di động phổ biến chỉ đơn thuần chạm lướt và chơi theo cốt truyện, game bắn súng sinh tồn đòi hỏi nhiều hơn về phản xạ cũng như khả năng quan sát địa hình và xử lý tình huống. Đặc biệt những yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng chinh phục của người chơi mà còn gây khó dễ không nhỏ cho game thủ khi họ phải xử lý hoàn toàn bằng thao tác 2-4 ngón trong game. Thậm chí trong thời gian đầu game sinh tồn di động ra mắt game thủ Việt Nam, những thử thách khó này chính là thước đo chuẩn của những game thủ “tay to” cùng những pha xử lý xuất thần.
Tuy nhiên tất cả đã thay đổi hoàn toàn khi những game thủ sinh tồn dần dần đem đến những thiết bị hỗ trợ tối tân để giảm độ khó của game. Về cơ bản công cụ hỗ trợ chỉ giúp game thủ dễ dàng thao tác hơn trong một số trường hợp, tuy nhiên một số công cụ hỗ trợ còn can thiệp sâu hơn khi biến những chiếc điện thoại, Ipad vốn dùng thao tác chạm lướt đơn thuần để xử lý thông tin trở thành những cỗ máy PC mini sử dụng bàn phím và chuột để vượt trội về khả năng “tay to” hơn những người chơi khác.
Thiết bị hỗ trợ cho game thủ di động vô cùng đa dạng với nhiều lựa chọn tùy vào nhu cầu và hầu bao của game thủ. Bắt đầu từ những thiết bị hỗ trợ đơn giản như nút bấm hỗ trợ hoặc tay cầm game thủ đã có thể chiếm trước lợi thế hơn so với những game thủ thông thường khác nhưng đáng sợ hơn chính là những bộ chuyển đổi với khả năng biến chiếc điện thoại chơi game bình thường thành mini PC giúp game thủ dễ dàng thao tác hơn với bàn phím và chuột.
Những bộ chuyển đổi này không chỉ giúp game thủ dễ dàng “hành gà” với lợi thế lớn về thao tác xử lý mà còn giúp họ dễ dàng qua mặt (By Pass) trong hệ thống xếp trận để tránh những đối thủ ngang tầm sử dụng giả lập trên PC. Bên cạnh khả năng hỗ trợ giúp thao tác người chơi trơn tru hơn khi kết hợp phím chuột như chơi trên PC thông thường những bộ chuyển đổi này còn góp phần không nhỏ khiến game thủ sinh tồn mất dần niềm tin vào những người chơi trình độ cao thực sự.
Nhận thấy mức độ nguy hại của những thiết bị hỗ trợ có nguồn gốc từ Trung Quốc này, những nhà phát triển game lớn như Tencent đã mạnh tay can thiệp khi xếp người dùng thiết bị hỗ trợ vào nhóm đối tượng giả lập, cấm những ứng dụng maping key (ứng dụng thiết lập tùy chỉnh bàn phím trên điện thoại) và thậm chí khóa hẳn tài khoản khi họ cố tìm cách “By Pass” để hành gà.
Những tưởng câu chuyện thiết bị hỗ trợ sẽ chấm dứt hoàn toàn khi triệt đường chuyển đổi nhưng một bộ phận game thủ vẫn mày mò và truyền tay nhau vô số ứng dụng lạ để thiết lập bàn phím và qua mặt hệ thống game. Thậm chí những thiết bị hỗ trợ chơi trên cơ này còn được hợp pháp hóa rõ ràng hơn khi Asus ra mắt mẫu điện thoại ROG Phone đi kèm với Dock chuyển đổi PC.
Tranh cãi về cách nhìn nhận Gear hay Cheat
Việc game thủ nhận được lợi thế chơi game vượt trội hơn đối thủ nhờ vào việc sử dụng phụ kiện có chất lượng cao là một điều gần như được chấp nhận rộng rãi. Lấy ví dụ bàn phím chuột, rõ ràng nếu dùng phím chuột giá rẻ thì sẽ khác với khả năng của bạn khi sử dụng phím cơ cùng chuột chơi game cao cấp với nhiều công nghệ hỗ trợ. Nếu nói dùng gear cao cấp là gian lận thì cũng khó, nhất là khi các tuyển thủ chuyên nghiệp đều coi việc sở hữu bộ gear riêng là một trong những bí quyết hỗ trợ sức mạnh cho mình.
Chính vì vậy việc dùng gear vào game di động đang là một nội dung gây tranh cãi khi vẫn còn khá mơ hồ về việc nó là dùng gear hay là một mẹo gian lận. Nếu cắm phím chuột thay cho dùng màn hình cảm ứng rõ ràng thao tác của người dùng sẽ được tối ưu hơn. Nếu cắm nối ra màn hình 27 inch chắc chắn bạn sẽ nhìn mọi thứ to rõ hơn so với màn hình trên dưới 6 inch trên điện thoại giúp bạn phát hiện chuyển động của kẻ địch nhanh và chính xác hơn. Với những lợi thế to lớn đó, người dùng chức năng cơ bản của thiết bị khó mà theo kịp người chơi dùng “full gear”.
Và tranh cãi này ở các trận đấu thường đã khó phân xử, việc có quyền dùng nó trong thi đấu chuyên nghiệp trong tương lai hay không lại càng khó quyết định hơn. Nhưng đó là việc của tương lai, còn hiện tại hầu hết các giải đều tạm thời không sử dụng các phụ kiện cắm ngoài nào “lạ lẫm” trừ chiếc tai nghe cách âm buộc phải có khi thi đấu tại hiện trường.
Cùng với việc ra đời hàng loạt thế hệ Gaming Phone mới như Asus ROG Phone, Xiaomi Black Shark… và hàng loạt đồ chơi hỗ trợ hợp pháp. Game thủ không chỉ sở hữu những chiếc điện thoại Gaming với cấu hình mạnh mẽ, vượt trội hơn mà còn dễ dàng thể hiện trình độ trên cơ hơn so với hàng trăm đối thủ sinh tồn khác.
Tuy nhiên cái giá của sự vượt trội lại không hề rẻ khi nhẩm tính việc đầu tư đủ bộ ROG Phone và phụ kiện là hơn 2000$ (trên 45 triệu Đồng) với phiên bản quốc tế. Đó là còn chưa kể những trường hợp cười ra nước mắt khi bạn mua ROG Phone bản Tencent (Phiên bản nội địa Trung Quốc có trợ giá của Tencent) và không đùng được Dock phiên bản quốc tế.
Ngoài ra nếu game thủ chọn cách đầu tư vào những thiết bị hỗ trợ không chính thống như Games** … thì đến một lúc nào đó khi Games** không còn được hỗ trợ về phần mềm maping key bạn cũng không tìm được lối thoát cho sản phẩm khi người bán không thể hỗ trợ mặc cho sản phẩm vẫn được bày bán trên website của họ.
Vậy nên thay vì tìm kiếm một phương án dễ dàng để trên cơ và tàn sát cả bản đồ, tại sao game thủ không chọn cho mình lối đi an toàn mặc dù khó khăn hơn đôi chút để vừa rèn luyện phản xạ và kỹ năng như mong muốn ban đầu của nhà phát triển.