Đó là một chiều cuối tuần, khi con Mọt viết những dòng này rơi vào một tình thế gian nan. Nó ngồi ngẩn người trước màn hình máy tính, và phân vân không rõ mình nên click vào biểu tượng nào. Tiếp tục cùng Artyom khám phá những vùng đất mới của nước Nga trong Metro hay tiếp tục chiến đấu vì danh vọng và tiền bạc trong Apex Legends (dù chủ yếu là làm bia bắn)? Farm xu unlock các bộ đồ mới cho nàng Kasumi xinh đẹp của Dead or Alive 6, hay vào Vindictus thăm “waifu?” Xây đế chế Kingdoms & Castle hay dợt vài đường kiếm trong Hades?
À, trên Facebook đám chiến hữu đang í ới gọi người cho chế độ mới Guerrila của Ghost Recon Wildlands, trong khi Whatsapp nhấp nháy báo hiệu lời kêu gọi từ đồng đội World of Warships. Clan trong Vindictus kéo người raid boss Neamhain, còn hội Vermintide hẹn nhau diệt chuột. Đó là còn chưa kể đến hàng đống công việc đang chờ, chẳng hạn bài viết về đợt Open Beta của The Division 2 mà Mọt vừa đăng tải.
Chơi gì, bỏ gì, và chơi cùng ai?
Khi Mọt nhìn lại những tựa game trên, nó bỗng nhận ra một điều: rất nhiều trong số đó đều đang cố gắng tranh giành thời gian của game thủ, với mục tiêu giữ chân họ lại với trò chơi càng lâu càng tốt, và từ đó tăng cao cơ hội mở ví của người chơi. Nếu như trước kia Mọt có thể xóa một trò chơi sau khi hoàn tất phần chơi đơn của nó để nhường chỗ cho những trò chơi khác, thì giờ đây sự lan tỏa của mô hình “game as a service” (dịch vụ game) khiến các nhà phát triển ngày càng ưu ái cho những tựa game không có điểm dừng. Những game online như Anthem, World of Warships hay Apex Legends không có điểm dừng đã đành, nhưng ngay cả những tựa game truyền thống hơn kiểu Wildlands hay Dead or Alive 6 cũng đang ngày càng mạnh tay trong việc níu kéo thời gian của game thủ.
Và cách mà nhà phát triển giữ chân game thủ cũng rất đa dạng, từ DLC và Season Pass truyền thống đến nhỏ giọt nội dung kiểu Battlefield V, cập nhật theo mùa như Fortnite hay thuần túy là cày cuốc như các tựa MMO đã, đang và sẽ thực hiện. Ngay cả việc cày cuốc tưởng chừng đơn giản cũng có nhiều biến thể đến bất ngờ: từ nhiệm vụ ngày thường đến bonus cuối tuần, từ contract giới hạn thời gian đến các chuỗi marathon kéo dài hàng tháng trời, với đủ loại phần thưởng. Những phần thưởng đó chắc chắn sẽ không phá hỏng trò chơi, nhưng lại tạo ra cho game thủ nỗi sợ hãi rằng họ sẽ mất chúng nếu không đăng nhập. Không một game thủ nào có thể thoát khỏi nỗi cám dỗ và sự sợ hãi “mất phần” này, sự khác biệt chỉ là họ lún sâu đến mức nào, và bỏ ra bao nhiêu thời gian.
Và chúng ta biết thời gian là tiền bạc. Bạn chơi một tựa game càng lâu, khả năng bạn móc hầu bao chi trả cho những vật phẩm trong cash shop của nó càng lớn.
Thật ra điều này không phải là tệ. Khi một tựa game đủ hấp dẫn để bạn phải chi tiền, nó là dấu hiệu báo cho nhà phát triển biết rằng bạn thích những nội dung mà họ tạo ra, và khuyến khích nhà phát triển tiếp tục hỗ trợ game, đem lại cho bạn thêm nhiều nội dung mới. Bên cạnh đó, nếu các phương pháp kiếm tiền và giữ chân game thủ được thực hiện đúng cách, nó sẽ là một yếu tố quan trọng tạo ra giá trị chơi lại cho một trò chơi. Ghost Recon Wildlands là một trong những tựa game thuộc nhóm này: dù rất nhiều vật phẩm trong game bị nhét vào cash shop, chúng không ảnh hưởng gì đến trải nghiệm của game, trong khi các chế độ chơi mới của game đều rất thú vị. Thế là sau khi co-op khoảng 100 giờ cùng bạn bè trong phần cốt truyện, Mọt lại có hàng chục giờ thử sức mình với Ghost Mode, và giờ đây tiếp tục được vui cùng Guerrila Mode vừa ra mắt ngày 28/2.
Những ví dụ cho những kiểu giữ chân người chơi đúng cách khác có thể kể đến những mùa mới của Fortnite khiến trò chơi không ngừng thay đổi, khiến fan của nó luôn háo hức trông chờ những điều mới mẻ sẽ xảy đến với hòn đảo của game. Elusive Target của Hitman cũng đáng nhắc đến bởi nó cho game thủ những thử thách thú vị bên cạnh các loại đồ nghề mới hay những bộ suit bảnh tỏn. Nhưng nếu được tạo ra chỉ nhằm kéo dài thời gian chơi mà không hề đem lại cho họ một giá trị phụ trội nào như kiểu mở trang phục mới của Dead or Alive 6 hay kiểu unlock nhân vật trong Star Wars Battlefront II, nó sẽ làm xói mòn sự hào hứng của game thủ và dẫn đến những tai tiếng khó ngờ.
Dù cách mà nhà phát triển chọn dùng để thu hút sự chú ý của game thủ là tốt hay xấu, một ngày của chúng ta vẫn chỉ có 24 giờ. Với Mọt, công việc không thể bị bỏ đi, giấc ngủ rất khó bị thu hẹp (bởi đã hẹp hết mức có thể), nên trong số 7x7=49 trò chơi nằm tràn lan trên desktop cộng thêm một núi game trên dàn PS4 kế bên, Mọt buộc phải lựa chọn. Là một kẻ thiếu quyết đoán, công cuộc lựa chọn này tỏ ra cực kỳ gian nan với Mọt, và ngay cả khi đã quyết định bỏ qua một tựa game nào đó, khả năng rất cao là nó sẽ vẫn nằm lại trong máy tính chờ đến một ngày chủ nhân cần chỗ cho một tựa game mới mẻ và hào nhoáng hơn, hoặc cần được đánh giá cấp bách hơn.
Để Mọt tui chia sẻ cùng các bạn số phận của một vài tựa game trong máy của mình. Battlefield V có lẽ đã là quá khứ, ít nhất là cho đến khi chế độ Firestorm ra đời trong tháng 3 này. Fallout 76 rơi vào “lãnh cung,” trong khi Anthem vẫn đáng chú ý. The Division 2 được đấy, nhưng đây là một tựa game “cày, cày nữa, cày mãi” – Mọt đã có Vindictus chiếm vị trí này, nên nó có lẽ nó sẽ phải lùi về phía sau. Các sự kiện cày cuốc diễn ra quanh năm suốt tháng trong World of Warships ngày càng giống như công việc, nên Mọt sẽ gác chúng lại và chỉ “chiến” cho vui với chiến hữu trong clan. Co-op Wildlands và Age of Empires II vẫn rất hấp dẫn, nên cả hai vẫn nằm trong top ưu tiên.
Đôi khi dù các tựa game không tranh nhau khoảng thời gian ít ỏi mà Mọt tui có để chơi, chúng lại “đụng hàng” nhau về thể loại. Lấy ví dụ các tựa game bắn súng: ngoài Wildlands, Division 2 và Battlefield V đã được xác định số phận, trong máy của Mọt tui còn có Black Ops 4, PUBG, Anthem, Apex Legends; và hàng loạt game cũ hơn như CSGO, Doom 2016, Borderlands, Left 4 Dead 2 (Steam cứ cài lại game này dù tác giả chẳng hề muốn). RPG cũng không kém cạnh khi Mọt có Divinity Original Sins 2, The Witcher 3, Dragon Quest 11, tất cả đều là những tựa game hàng trăm giờ chơi.
Mọt tui không thể nào kiếm đủ thời gian cho tất cả những trò chơi này, nên lắm lúc sau khi “ngồi đồng” nhìn qua danh sách game khoảng 10 phút, Mọt tui lại chẳng click bất kỳ shortcut nào trong số này mà lại tìm đến với Jets’n’Guns 2, một tựa game Early Access với đồ họa 2D. Một tựa game với những màn chơi ngắn, đơn giản nhưng cũng đầy thử thách, và cho phép Mọt thưởng thức một cách thuần túy mà không phải lo lắng gì đến những thử thách ngày, nhiệm vụ tuần hay chiến dịch thiên niên kỷ của game.