Phụ Lục
Có lẽ game thủ nào cũng đã từng phải trải qua một giai đoạn mà ta gọi là “bỗng dưng thấy chán game”. Đây là một giai đoạn sẽ thi thoảng diễn ra với đại đa số những người chơi game. Đặc biệt là với những game thủ nào đang ở độ tuổi phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn trong cuộc sống, phải chịu trách nhiệm trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, giai đoạn này thậm chí còn diễn ra một cách liên tục. Đừng lo, đó chính là sự trưởng thành.
Nếu như bỗng dưng bạn cảm thấy bản thân không còn muốn chơi game nữa, cảm thấy trò chơi điện tử thật nhạt nhẽo, vô vị, thì cũng đừng buông xuôi mà gỡ cài đặt hay thanh lý máy chơi game. Vì khả năng chỉ 1 vài ngày sau đó, khi cảm giác chán ghét qua đi, bạn sẽ thấy hối hận vì đã thanh lý đam mê hay sở thích suốt bao nhiêu năm qua của mình.
Lý do cho vấn đề chán game này thì có rất nhiều. Nó có thể tới từ chất lượng của các trò chơi, và đôi lúc nó cũng xuất phát từ chính bản thân và cuộc sống thường nhật của mỗi game thủ. Vì khi chúng ta bước vào giai đoạn tự lập, dần hướng tới sự trưởng thành hơn trong cả suy nghĩ lẫn nhận thức, ta sẽ nhận ra được rằng cuộc sống không phải chỉ xoay quanh mỗi game như trước.
Kể cả khi bạn còn ngồi trên ghế nhà trường hay đã đi làm thì cuộc sống của mỗi game thủ không phải chỉ có xoay quanh các trò chơi điện tử. Người còn đi học thì áp lực điểm số, áp lực bố mẹ, chuyện thi cử, bạn bè. Người đi làm thì áp lực từ sếp ở cơ quan cho tới vợ con ở nhà, áp lực từ sự nghiệp của cánh đàn ông,...
Cuộc sống này kể từ khi chúng ta sinh ra đã phải đối mặt với rất nhiều thứ. Nỗi lo lắng cho cuộc sống không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển giao theo từng độ tuổi mà thôi.
Và tất nhiên video game khi đó là nguồn động lực, là thú vui duy nhất giúp chúng ta làm mới lại đầu óc sau một ngày vất vả. Cảm giác ngồi vào máy tính hay ngồi vào ghế sofa bật trò chơi lên thật sảng khoái biết bao nhiêu. Nhưng đôi lúc, khi vấn đề ta gặp phải quá lớn, quá nghiêm trọng, dường như các trò chơi điện tử không thể hoàn thành nghĩa vụ là đem lại sự thư giãn. Đầu óc game thủ khi đó còn phải lo lắng cho vấn đề to tát mình đang gặp phải, chứ không còn là các trò chơi nữa.
Khi đã quá mệt mỏi về cả tâm trí lẫn thể xác thì thứ chúng ta cần là một giác ngủ chứ không phải là video game. Không chỉ game, bạn sẽ cảm thấy chán chường với tất cả mọi thứ khi rơi vào hoàn cảnh đó.
Suy cho cùng, game đối với mỗi con người là quan trọng, nhưng không phải là cần thiết tuyệt đối như ăn uống hay hít thở. Nó có vai trò giúp chúng ta thư giãn hoặc cũng có lúc nó khiến chúng ta chỉ thấy thêm mệt mỏi, thấy chán game hơn mà thôi.
Không phải chỉ với mình game thủ, tâm lý này cũng tồn tại ở rất nhiều người và ở lĩnh vực khác nữa. Khi PlayStation 4 mới ra mắt hoặc PC ra mắt phiên bản card đồ họa mới, nhiều người chắc hẳn sẽ ao ước sở hữu nó nhưng khả năng tài chính chưa cho phép. Sau một thời gian làm lụng, tích cóp, cuối cùng việc mua được nó chỉ nằm trong lòng bàn tay. Nhưng lúc này lại nảy sinh tâm lý bạn không còn muốn mua nó nữa, hoặc nửa muốn mua nửa không.
Tâm lý này không hẳn là một điều xấu. Có thể sau một vài năm đi làm, số tiền bạn kiếm được hoàn toàn đủ khả năng để mua một chiếc máy chơi game hay một card đồ họa tầm cao. Nhưng chính vì phải mất thời gian dài tích cóp, bạn mới thấy đắn đo khi tiêu những đồng tiền mồ hôi nước mắt đó. Ngay cả khi bạn muốn mua một tựa game mới với giá hơn 1 triệu đồng cũng vậy.
Đây là lúc não của bạn đang tạm thời ngăn cản và phân tích xem liệu bỏ tiền ra để mua nó có xứng đáng hay không. Việc xin tiền bố mẹ và tiêu tiền mình tự tay kiếm được sẽ đem lại những suy nghĩ hoàn toàn khác biệt. Thậm chí, ngay cả khi đã dứt khoát, mua nó rồi trang trí ngay ngắn trong phòng, bạn sẽ nhận ra mình chẳng còn quá nhiều thời gian rảnh rỗi để chơi game nữa. Tâm lý “cả thèm chóng chán” là hệ quả của việc dành thời gian cho việc đi làm, đi kiếm tiền thay vì ngồi chơi game mãi như thời đi học.
Khi có thời gian thì không có tiền mua game, mua máy chơi game. Để rồi khi có tiền mua thì thời gian hưởng thụ chúng cũng chẳng còn.
Khi đã mệt mỏi vì gặp đủ thứ chuyện, đến cả dòng game bạn yêu thích cũng đang đi xuống từng ngày nữa thì quả thật không còn gì đáng chán hơn.
Bạn thích lối đánh sát thủ, thích yếu tố stealth của Assassin’s Creed, nhưng nó đã chuyển mình sang hành động nhập vai – thế giới mở. Bạn thích cốt truyện đầy lôi cuốn của Call of Duty, Activision và Treyarch đã loại bỏ nó và thay bằng Battle Royale. Hay như bạn thích Battlefield thì cuối cùng chất lượng của nó vẫn giữ vững phong độ “chiếu dưới”, cộng thêm việc lỗi rất nhiều và các scandal liên quan tới nhân vật và yếu tố lịch sử.
Đó còn chưa kể tới việc các game mình chờ đợi thì mấy năm trời vẫn chưa thấy tiếng tăm hay thêm thông tin, trailer gì mới. Thay vào đó, các hãng game cứ làm dự án khác, còn lời hứa với game thủ thì vẫn chỉ là hứa. Đơn cử như Final Fantasy 7 Remake, cho tới bây giờ, game thủ chỉ còn biết ngán ngẩm khi nhắc lại. Sau gần 4 năm, Square Enix vẫn chưa tung thêm ra thông tin nào về dự án này, còn hàng loạt các tin đồn khác về việc Final Fantasy 7 Remake rơi vào bế tắc.
Chất lượng game thì đi xuống, các dự án đầy tiềm năng thì delay dài hạn,... Bảo làm sao mà game thủ không cảm thấy chán game cơ chứ. Nếu đã từng gắn bó với một dòng game ngay từ khi còn rất nhỏ, cho tới khi trưởng thành lại nhìn thấy nó dần biến chất thì quả thật không còn nỗi đau nào lớn hơn dành cho mỗi game thủ.
Rất nhiều game thủ đã rơi vào trạng thái chán chường do chơi quá nhiều game. Bạn làm đi làm lại một việc trong khoảng thời gian dài thì tất yếu sẽ sinh ra tâm lý cảm thấy ngấy. Nó cũng giống việc chúng ta không thể nào ăn mãi một món mà vẫn thấy món ăn đó ngon được cả.
Việc để video game chiếm quá nhiều quỹ thời gian trong một ngày, lấn át hẳn những việc cần thiết khác sẽ khiến người chơi cảm thấy rất nhanh chán game. Có những người tệ hơn khi suốt ngay quẩn quanh với trò chơi điện tử rồi chê bai cuộc sống này “thiếu muối”, trong khi bạn bè mình đều đã dần tách ra khỏi "cuộc sống sống chết vì game" để bước vào xã hội.
Với hầu hết phần chơi Campaign trong mỗi tựa game, game thủ chỉ có thể trải nghiệm nó một mình. Và cũng rất nhiều game thủ chỉ thích chơi mục chơi đơn này, tuyệt nhiên không hề động tới phần Co-op hay Multiplayer cũng vui và hấp dẫn không kém. Tuy nhiên, khi đã lớn, bạn bè chiến hữu ai nấy cũng phải có lịch làm và sinh hoạt với gia đình riêng. Thật khó để có thể tụ tập cùng nhau như hồi trước nữa, và lẽ dĩ nhiên chúng ta lại chỉ có thể lủi thủi chơi game một mình mà thôi.
Liệu bạn còn nhớ vào thời của hệ NES, SNES hay điện tử 4 nút, chúng ta đã có những khoảng thời gian đầy sảng khoái bên bạn bè mình? Tôi cá là tuổi thơ của tất cả anh em game thủ đều chứa đầy những ký ức như vậy.
Video game tuy cần thiết, là đam mê, nhưng cuộc sống này đâu phải chỉ có mỗi trò chơi điện tử đâu. Nếu bạn đang dành quá nhiều thời gian chơi game, hãy giảm bớt lại để đi ra ngoài kết bạn, tạo dựng mỗi quan hệ, tìm người yêu, giao lưu,... Bạn chắc chắn sẽ thấy cuộc sống này nhiều màu sắc hơn, tâm trạng sẽ thoải mái hơn. Khi đó, bạn sẽ thấy video game có một sức hấp dẫn lạ kỳ.
Đừng quá lo lắng khi bạn thấy một ngày đẹp trời mình bỗng thấy chán game. Đây là tâm lý mà đại đa số game thủ đều phải trải qua, ngay cả những người chơi game kiếm tiền cũng chưa chắc thoát khỏi nó. Nhưng mấu chốt là bạn đang gặp vấn đề gì và cách giải quyết nó như thế nào mà thôi. Và điều quan trọng là bạn phải nhận thức được mình đã và bắt buộc phải có giai đoạn trưởng thành..
Nếu bạn đang gặp vấn đề nghiêm trọng trong cuộc sống, cũng đừng gắng gượng mình động vào game để giải tỏa làm gì, nó có thể sẽ khiến bạn thêm phần tiêu cực. Hãy cố gắng giải quyết vấn đề của bản thân trước, rồi sau đó tự thưởng một ngày chơi game để thư giãn.
Chán game không phải điều xấu, trưởng thành cũng chẳng có gì tệ hại. Nó chỉ là một cách thúc đẩy mỗi người không được quên rằng, game chỉ là một phần của cuộc sống, không phải là tất cả. Nó giúp bạn giải trí chứ không giúp bạn giải quyết vấn đề.