"Ngôi sao mới nổi" Epic Games Store đang gây được tiếng vang trong cộng đồng. Dẫu biết thị trường buôn bán game hiện nay là cuộc thống trị của Steam, cuộc chơi nhỏ lẻ của các đại gia khác trong ngành như Battle.Net, Origin thì sự xuất hiện của Epic Games Store không khác gì một gã nhà giàu ngông cuồng muốn chia phần. Vậy cái nền tảng này có gì để vượt mặt được Steam để trở thành số 1 trong thị phần buôn bán game hiện tại?
Hãy quay trở về tận cùng nguyên do, khi cả ngành công nghiệp game đặt dưới ách thống trị của Steam. Lượng người dùng khổng lồ, cơ chế buôn bán thuận tiện cùng những đường lối phát triển thông minh đã đưa Steam đến vị thế ngày hôm nay. Không có một tựa game, hay nhà phát hành nào dám bỏ qua cơ hội được đưa game mình lên đó. Mọi thứ sẽ vẫn như thế cho đến khi... Fortnite xuất hiện. Sự phổ biến và lan rộng của tựa game này khiến Epic đi đến quyết định mở Store, với sự tự tin cao độ rằng mình sẽ tìm được chỗ đứng trong thị trường béo bở này. Và đã hơn 1 tháng trôi qua, Mọt Game mạo muội đưa hai nền tảng này lên bàn cân, để xem xem liệu Epic Games Store có gì để Valve kiêng nể.
Miễn phí và độc quyền
Epic hiện giờ đang nắm trong tay cả tá game, một số chưa phát hành, và hầu hết chúng sẽ được phát hành độc quyền trên nền tàng này trong khoảng 1 năm nữa. Ngoài ra, Epic Games Store cũng thường xuyên Give Away các tựa game để thu hút người dùng, gần đây nhất chính là What Remains of Edith Finch và Jackbox Party Pack.
Đây là một số cái tên độc quyền mà Epic đang sở hữu:
Trường hợp The Division 2 là thương vụ mới nhất mà Epic có được từ phía Ubisoft. Trong khi các "ông lớn" khác đã tạch từ hồi nảo hồi nào, thì Uplay và Ubisoft đang cố gắng phát triển thành một đối trọng với Steam. Và hành động này là một nước đi táo bạo và khó đoán, khi The Division 2 sẽ phát hành trên Epic Games Store và Uplay. Game thủ hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi về tương lai các tựa game của hãng, cụ thể hơn là series đình đám Assassin's Creed trong tương lai sẽ ra sao.
Và trường hợp mới nhất là "phốt" của Metro Exodus, cho thấy lòng người đổi thay nhanh đến thế nào. Sau khi lên Đà Lạt ăn bánh tráng, họ quyết định lật thẳng mặt khi thông báo Metro Exodus sẽ lên Epic Game Store, bỏ rơi hoàn toàn Steam và đám game thủ "thượng đẳng" pre - order trên đó. Ôi thì cũng là quyết định của người ta, chúng ta chả có thể can dự. Nhưng tiết kiệm tới mức dán đè logo Epic lên logo Steam trong mấy phiên bản Limited Edition thì Mọt tui xin cam bái hạ phong, không còn có thể thốt ra lời nào nữa. Chưa thấy gì, đã thấy "drama" cuồn cuộn rồi.
Còn bây giờ, điều Epic có thể làm là tìm cách đuổi kịp Steam về số lượng với hơn 30.000 game. Nền tảng này không hẳn là một nơi để game thủ sở hữu game mới, mà thiên về tìm kiếm những tựa game mà họ đã biết mà chưa có cơ hội sở hữu. Epic cũng tham vọng hơn khi không chỉ ở mảng PC, mà họ còn muốn vươn tay đến nền tảng mobile, cạnh tranh trực tiếp với Google Play (tư thù coi bộ hơi nhiều). Những động thái này không hẳn là tốt, khi nó có thể thúc đẩy Steam thay đổi những chính sách của mình để thu hút thêm người dùng như game xếp hình 18+ ít khắt khe hơn chẳng hạn.
Chức năng của Epic còn hạn chế.
Epic Games Store bây giờ hoạt động theo cơ chế bốn bước: nhìn game, mua game, down game và chơi game. Nhanh gọn, đơn giản không rườm rà. Nhưng chính sự đơn giản hóa này đang là một thách thức không nhỏ vì khi bạn mua sắm trên đó, game thủ chẳng thể nào có thể tổng quan được cái tựa game mình mua như thế nào. Cần bao nhiêu bộ nhớ trong máy hay game sẽ nặng bao nhiêu? Chẳng có gì hết. Trong khi Steam không chỉ đầy đủ thông tin, mà còn công khai cả những bài đánh giá mà người chơi dành cho tựa game để người mua có cái nhìn tổng quan hơn khi mua một tựa game nào đó. Việc này không phải một sớm một chiều mà Steam mất hàng năm trời để sửa chữa nâng cấp, thứ mà nền tảng non trẻ của Epic khó có thể bì lại.
Dường như chưa đủ độ khó, phía bên Epic cũng mập mờ với những góp ý nâng cấp các tính năng này. Những gì mà người ta nghe được chỉ là từ vài cái Tweet từ phía Twitter, chứ chẳng có một cái thông báo chính thức gì cả. Coi bộ cái này Epic phải cố gắng nhiều, ít nhất là hệ thống hoàn tiền phải ok một chút để khỏi lép vế.
Ăn chia với các hãng game
Là một kẻ "sinh sau đẻ muộn", dĩ nhiên Epic Games Store cũng có vài "chiêu trò" để thu hút các nhà phát triển game. Ngoài đám game độc quyền ra, Epic còn mạnh tay giảm chiết khấu của bản thân đi thành 12%, thấp hơn nhiều so với 30% mà Steam đang áp dụng hiện nay. Với lời lẽ hoa mỹ rằng "kinh tế công bằng", Epic thầm ám chỉ rằng: Valve là kẻ tham lam còn Epic mới là bạn của mọi nhà.
Đề nghị của Epic thật sự quá hấp dẫn. Ai lại chả muốn kiếm thêm tiền, nhất là khi kiếm được rất là khá nữa kìa. Nhưng liệu rằng họ có dám bỏ Steam mà theo Epic khi những gì mà Steam đang có tốt hơn, rất nhiều là đằng khác. Đơn cử như cơ chế Recommend của Steam, khi họ rất hay quảng cáo các tựa game cùng thể loại, hoặc có tag tương tự như tựa game mà người dùng đang chơi, qua đó giúp những tựa game không nổi tiếng hoặc đến từ các nhà phát triển độc lập có cơ hội tiếp cận người dùng nhiều hơn. Đây chắc chắn là một điều mà Epic khó mà thành toàn khi giao diện hiện nay của Epic Games Store vẫn chưa được gọi là hoàn thiện. Game của mình lên đó, chắc gì người ta thấy được mặt mình giữa một rừng game khác, chứ đừng nói tới việc mua.
Ngoài ra, Steam cũng chả yêu cầu độc quyền độc đáo gì cả. Bạn bán game ở Steam hay bán ở Humble đều được hết, Valve nó chả quan tâm. Nhưng trường hợp của Epic thì khác hẳn. Lỡ cho con game mình lên đó mà bị Steam nó "cấm cửa" thì chắc dở khóc dở cười chứ chả đùa được. Thôi thì cứ chọn cái an toàn mà làm, cái kia thì thôi để sau cũng được.
Nhưng không hẳn vì thế mà Epic lép vế. Steam trước giờ vẫn bị tố là ăn chia quá đà, dẫn đến một số tiêu cực kha khá trong vấn đề với các hãng game. Cụ thể trong trường hợp này là thuật toán của Steam đã vô tình giết chết các nhà làm game vừa và nhỏ khi game của họ sẽ không bao giờ được công chúng biết đến vì hệ thống Recommend của Steam khá tệ. Đó là chưa tính đến tỉ giá của từng game khi phát hành trên Steam khu vực bị thay đổi mà Steam chả có tí tinh thần muốn báo cho bạn biết để chỉnh sửa. Ấy vậy mà vẫn ăn 30% ngon ơ, nên nhiều hãng sản xuất bắt đầu dè dặt hơn rồi. Có thể, Epic Game Store là giải pháp thay thế hữu hiệu, nếu như Epic họ có thể lắng nghe và tiếp thu.
Nhìn chung, Epic hiện nay đang rất nghiêm túc với việc mà họ đang làm. Nhưng có hiệu quả hay không thì không ai có thể nói trước được. Nếu Epic sở hữu Fornite làm điên đảo cả thế giới, thì Steam sở hữu tới 90 triệu người dùng khách hàng. Chả bên nào chịu thua bên nào, nhưng chỉ có một điều Mọt tui cam đoan: người được lợi nhất chắc chắn là game thủ chúng ta rồi. Thôi thì cứ tạo thêm 1 tài khoản Epic rồi cắm đó hóng tiếp vậy.