Phụ Lục
Dù bạn có đam mê hay phát cuồng với các trò chơi điện tử tới đâu đi chăng nữa, hãy nhớ rằng sức khỏe của bạn vẫn là quan trọng nhất. Chỉ có một sức khỏe tốt mới có thể giúp game thủ trải nghiệm các trò chơi với phong độ tốt nhất, mang lại nhiều lợi ích nhất. Nhưng đó là khi mỗi người đều tự ý thức được phải có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
Việc chơi game liên tục trong một khoảng thời gian dài đem lại rất nhiều nguy hiểm tiềm tàng cho cơ thể mỗi người. Chúng ta đã đề cập tới rất nhiều lợi ích mà video game đem lại cho đời sống tinh thần của con người, vậy hôm nay, tôi sẽ đề cập tới những mặt có hại cho chính cơ thể nếu như mỗi game thủ không biết điều độ thời gian chơi game của mình.
Huyết khối là hiện tượng máu đông lại ở các mạch máu. Với các game thủ hay phải ngồi nhiều trong một khoảng thời gian dài, tình trạng Huyết khối có thể xảy ra tập trung tại các tĩnh mạch ở chân, gây ra bệnh Huyết khối tĩnh mạch sâu.
Trên thực tế, một game thủ người Anh, tên Chris Staniforth, đã phải bỏ mạng vì cục máu đông hình thành bởi huyết khối khi anh ta liên tục có những buổi chơi game kéo dài 12 tiếng hàng ngày hoặc thậm chí còn lâu hơn. Tiếp đó, một game thủ người New Zealand cũng đã phải tới bệnh viện khám bởi những cục máu đông ở chân đã đe dọa tính mạng của anh ta, nguyên nhân bởi anh đã ta ngồi chơi game liên tục trong suốt 4 ngày nghỉ phép của mình.
Thậm chí tình trạng này còn được cảnh báo tới những người hay phải bay những chuyến bay đường dài. Việc chúng ta ngồi yên một chỗ trong khoảng thời gian dài rất nguy hiểm. Vậy nên dù có thế nào, bạn cũng cần phải đứng lên, đi lại vận động xung quanh sau khoảng 2 giờ đồng hồ để giúp cho mạch máu được lưu thông tốt hơn.
Không chỉ mạch máu bị ảnh hưởng, tim mạch của bạn cũng có thể gặp tình trạng xấu nếu chơi game quá lâu. Như CNN đã đưa tin, một người đàn ông 32 tuổi tại Hồng Kông đã phát hiện bỏ mạng tại một quán cafe internet, sau một cuộc chơi game kéo dài liên tục 3 ngày không nghỉ.
Người đàn ông này bước chân vào quán cafe vào ngày 6 tháng 1 năm 2015 để bắt đầu chơi game, và tới 8 tháng 1 thì nhân viên quán đã phát hiện anh này nằm gục trên bàn. Nguyên nhân dẫn tới cái chết của anh ta là gì? Đó là suy tim, do anh ta ngồi yên quá lâu trong môi trường điều hòa và không có bất cứ giấc ngủ nào trong 3 ngày đó. Thậm chí nhân viên còn nói rằng anh ta đã có rất nhiều hôm chơi game liên tục tại quán như vậy rồi.
Thức nhiều ngày liên tiếp đã là quá có hại cho sức khỏe của bạn, đây lại vừa không ngủ, lại liên tục chơi game trong môi trường điều hòa sẽ khiến cho cơ thể của bạn liên tục gặp căng thẳng. Và trái tim của bạn khi đó sẽ gặp quá nhiều áp lực. Cuối cùng là điều không ai mong muốn sẽ xảy ra.
Ngày cả khi bạn có một chế độ ngủ nghỉ hợp lý, hay thời gian giải lao giữa giờ chơi thì việc chơi game cũng có thể ngầm đưa bạn vào một chứng bệnh mới, đó là Viêm gân. Nguyên nhân của căn bệnh này là do phải hoạt động liên tục, lặp đi lặp lại các động tác có ảnh hưởng tới các đường gân.
Chơi game thường đòi hỏi rất nhiều chuyển động lặp đi lặp lại của các ngón tay, hoặc cả phần cẳng tay tới vai, tùy thuộc vào việc người chơi sử dụng PC hay Console. Thậm chí những ai chơi các game thuộc thể loại đối kháng sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn, do họ phải nhấn các nút điều khiển đòn đánh nhiều và liên tục. Nó sẽ gây ra các chứng đau nhức từ âm ỉ tăng dần lên đau có tính chất chu kỳ. Trang BBC đã từng đưa ra cảnh báo về những tổn thương mà ngón tay và cổ tay gặp phải khi liên tục phải nhấn nút trên chiếc controller.
Nếu bạn đang thấy phần tay của mình có các chứng đau nhức liên tục hoặc âm ỉ, hãy cân nhắc việc tới các bệnh viện gần nhất để khám và được điều trị sớm.
Một nghiên cứu vào năm 1999 đã đề cập tới chứng đau lưng ở trẻ em độ tuổi học đường và sự tương quan tới các cách giải trí khác như xem TV hay chơi video game. Báo cáo này đã được đăng trên Tạp chí cột sống Châu Âu, và một trong những trích đoạn đáng nói nhất trong bài nghiên cứu đó là: “Có nhiều hơn đáng kể những trường hợp bị đau thắt lưng ở những trẻ chơi game quá 2 giờ mỗi ngày. Và những đứa trẻ mắc chứng đau thắt lưng đều hay mệt mỏi hơn, ít hạnh phúc và ngủ kém hơn.”
Vậy nên nếu bạn chơi game hay muốn cho con mình chơi, ít nhất bạn hãy chỉnh sửa tư thế ngồi chơi và thời gian chơi sao cho hợp lý nhất.
Trên thực tế, có lẽ ai cũng hiểu rằng việc nhìn liên tục vào màn hình máy tính hay TV đều có ảnh hưởng rất xấu tới đôi mắt của mình. Nếu phải nhìn liên tục, bạn có khả năng bị mắc Hội chứng thị giác máy tính (computer vision syndrome - CVS).
Hội chứng này sẽ gây ra một loạt các vấn đề nghiêm trọng về mắt như mỏi mắt, đau mắt, mắt bị khô và mờ, thậm chí sẽ dẫn tới cả những cơn đau ở cổ và vai. Nếu bạn ngồi trong môi trường ánh sáng xung quanh yếu với một tư thế ngồi không đúng, tình trạng này còn dễ bị biến chứng nghiêm trọng hơn.
Vậy nên bạn hãy chắc rằng mình đang chơi game với một tư thế ngồi chuẩn cùng môi trường ánh sáng xung quanh đầy đủ.
Vừa qua, WTO đã công bố liệt kê chính thức nghiện game là một căn bệnh tâm thần. Thông tin này nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng game thủ. Nhưng bạn đọc có thể để ý và phân biệt rõ ràng giữa “nghiện” và “thích hay đam mê”. Một khi đã liên quan tới nghiện thì tất cả đều xấu.
Trước đó, CNN cũng đã công bố báo cáo của Douglas Gentile, một nhà tâm lý học tại Đại học bang Iowa. Ông đã theo dõi người chơi video game trong nhiều thập kỷ và đưa ra nguyên nhân dẫn tới việc nghiện game. Theo đó, ông cho rằng các trò chơi điện tử đã thỏa mãn được nhu cầu của con người mà ông gọi là ABC.
A là Autonomy - quyền tự chủ, con người muốn cảm thấy mình được quyền kiểm soát mọi thứ. B là Belonging - sự liên kết, con người muốn cảm thấy được kết nối với người khác. C là Competence - năng lực, con người muốn được cảm thấy họ đang làm với năng lực tốt nhất.
Hoặc ít nhất là video game khiến cho người chơi cảm thấy bản thân mình giỏi và trở thành một phần quan trọng trong cộng đồng trực tuyến của tựa game đó. Điều mà họ không thể đạt được ở ngoài xã hội thực.
Bên cạnh đó, Mark Griffiths, một nhà tâm lý học và cũng là giám đốc của Đơn vị nghiên cứu trò chơi quốc tế tại Đại học Nottingham Trent. Ông tin rằng chính các phần thưởng cũng là nguyên nhân dẫn tới việc nghiện game. Phần thưởng đó được coi như tiếng vang, đánh vào lòng tham vật chất của người chơi hay các phần thưởng được coi là đòn tâm lý giúp cho mỗi người thấy rằng bản thân mình tài giỏi.
Video game sinh ra với mục đích giúp cho con người có thêm sự lựa chọn giải trí, khiến đời sống tinh thần được phong phú hơn. Tuy nhiên, cái gì cũng đều có mặt lợi và hại của nó. Lợi ích mà trò chơi điện tử đem lại nhiều không đếm xuể, nhưng kéo theo đó là những mặt tiêu cực liên quan tới sức khỏe và tâm trí của người chơi.
Liệu có đáng không nếu như bạn cứ đâm đầu vào game liên tục cả ngày hay vài ngày liền, để rồi cuối cùng sức khỏe giảm sút trầm trọng, tình hình học tập cũng sa sút theo, hay như việc bạn giao tiếp với xã hội thực cũng bị ảnh hưởng nặng nề? Với bản thân tôi thì thấy không đáng để đánh đổi giữa game và đời thực như vậy một chút nào.
Ranh giới giữa “nghiện” và “yêu thích, đam mê” trò chơi điện tử thực sự mong manh. Chỉ cần tâm lý người chơi bất ổn, không kiểm soát được giờ giấc chơi hay chế độ nghỉ ngơi của mình, từ yêu thích có thể biến thành nghiện, kéo theo là vô vàn những ảnh hưởng nghiêm trọng liên quan tới sức khỏe và cơ thể của chính người chơi.
Chơi game rất vui, nhưng đừng vui quá mà phải có điều độ.