Vài ngày trước đây, Activision Blizzard cho khoảng 800 nhân viên của mình biết rằng họ sẽ bị sa thải, chỉ 2 ngày trước lễ Valentine. Điều này xảy ra sau khi tổng giám đốc công ty, ông Bobby Kotick tuyên bố Activision Blizzard vừa “đạt kết quả kinh doanh kỷ lục trong năm 2018.” Những con số được công bố là 7,5 tỉ USD doanh thu, và 1,8 tỉ USD trong số đó là lợi nhuận. Tuy nhiên, trong mắt của hàng ngũ lãnh đạo công ty, thành công kỷ lục này có vẻ như không đủ để trả lương cho tất cả mọi người.
Doanh thu kỷ lục. 800 nhân viên làm trong IT và các phòng ban hỗ trợ mất việc. Khi game thủ và dân làm game nhìn nhận đó là những con người, Activision gọi họ là “chi phí” và “đầu người” trong báo cáo tài chính của mình. Chỉ có duy nhất chủ tịch Blizzard, ông Allen Brack bày tỏ sự nuối tiếc về việc phải sa thải nhân viên.
Tình huống dẫn đến việc sa thải nhân viên của Activision Blizzard hoàn toàn trái ngược với bi kịch của Telltale hồi cuối năm 2018, khi studio này làm ăn thua lỗ đến mức phải phá sản và khiến hơn 200 nhân viên mất việc chỉ trong một ngày. Quyết định của Activision Blizzard đã làm dấy lên một loạt những bình luận phẫn nộ về công ty, về mức lương của các vị giám đốc, và khiến người ta tiếp tục suy xét khả năng thành lập một công đoàn dành cho những người làm game.
Vậy thì tại sao Activision Blizzard lại đi đến tình trạng hiện tại?
Trong vụ sa thải này, các lãnh đạo cấp cao của Activision Blizzard bị đại chúng xem là kẻ xấu bởi mức lương mà họ nhận được. Trong năm 2017, Bobby Kotick nhận 1,75 triệu USD tiền lương, và khoảng 26 triệu USD cổ phiếu và các khoản thưởng khác trong năm 2017. Dennis Durkin, giám đốc tài chính mới của studio nhận 3,75 triệu USD tiền mặt và được hứa hẹn thêm khoảng 11,3 triệu USD nếu đạt được những thành tích nhất định. Một số người so sánh các vị giám đốc này với ông Satoru Iwata, cố chủ tịch Nintendo. Hồi năm 2014 khi Nintendo không đạt được lợi nhuận cần thiết trong năm 2014, ông Satoru từng cắt 50% lương của chính mình thay vì sa thải nhân viên, và được khen ngợi bởi cả game thủ, báo giới lẫn những người làm trong ngành game.
Tuy nhiên, theo Mọt thì sự so sánh này không thật sự phù hợp, bởi tình hình của Nintendo và Activision Blizzard rất khác nhau. Ít nhất thì mức lương cao ngất ngưởng mà các vị giám đốc Activision Blizzard nhận được là dễ hiểu, bởi việc của các vị giám đốc này là đem lại cho các cổ đông những khoản ăn chia ngày càng cao, và với kết quả doanh thu kỷ lục trong năm 2018, rõ ràng họ đã làm tốt nghĩa vụ của mình với các nhà đầu tư. Nhà đầu tư thích điều đó, nên họ chấp nhận trao cho Bobby Kotick và các lãnh đạo Activision khác những khoản tiền lương cao ngất ngưởng.
Vấn đề của Activision Blizzard không phải nằm ở chỗ không có tiền, mà là ở chỗ họ… không có chỗ làm cho nhân viên của mình. Thật vậy, với những người quen thuộc với nhà phát hành này, đã có rất nhiều dấu hiệu báo trước đợt sa thải này trong những năm qua. Hãy để Mọt điểm lại cho các bạn một vài yếu tố quan trọng nhất dẫn đến vụ sa thải hàng loạt của Activision Blizzard.
Bên phía Activision, dấu hiệu rõ rệt nhất và mới nhất là việc họ vừa “ly dị” Bungie khiến đội ngũ nhân viên từng hoạt động trong việc hỗ trợ sản phẩm cho Destiny 2 không có việc làm. Vốn được xem là một sản phẩm chủ lực của Activision, nhà phát hành này tập trung rất nhiều nhân lực và tiền của vào việc phát triển nội dung cho trò chơi. Ngoài Bungie, còn có hai studio khác là High Moon và Vicarious Visions cũng từng bận bịu làm nội dung cho Destiny 2, khiến số lượng đầu game mà Activision vận hành càng sụt giảm. Càng ít game, họ càng ít cần đến sự phục vụ của đội ngũ những người làm các công việc hỗ trợ như PR, chăm sóc khách hàng,…
Trong khi đó, một loạt những thương hiệu quen thuộc của Activision như Guitar Hero, Skylanders... đều đang nằm trong trạng thái ngủ đông. Guitar Hero, series từng cực kỳ đình đám với… 23 tựa game trong 6 năm từ 2005 đến 2010 đã im hơi lặng tiếng suốt 8 năm qua. Guitar Hero Live, phiên bản duy nhất còn tồn tại của series này cũng vừa bị thu hẹp khi Activision công bố ngừng hỗ trợ Guitar Hero TV vào tháng 12/2018. Việc Vicarious Visions phải phát triển Destiny 2 cũng khiến series Skylanders bị tạm ngừng kể từ phiên bản Imaginators ra mắt năm 2016 đến nay.
Về phần Blizzard, nhà phát hành này cũng nói rằng họ sẽ không có một tựa game lớn nào ra mắt trong năm 2019. Có lẽ tất cả những gì mà các fan sẽ được thấy từ Blizzard trong năm nay là các game mobile như Diablo Immortal (và có thể là Warcraft 3: Reforged, World of Warcraft Classic). Bên cạnh đó, họ vừa sáp nhập hai nhánh phát hành game Bắc Mỹ và Global, dẹp hệ thống eSports Heroes of the Storm và chuyển nhân lực từ trò chơi này sang các dự án game khác. Các hoạt động này khiến lượng nhân viên dôi dư trong nội bộ studio tăng nhiều trong khi nhu cầu dành cho những người không trực tiếp làm game là không cao.
Vậy đấy. Những kế hoạch nghèo nàn của Activision Blizzard, sự thất bại trong quá trình thích nghi với thị trường và nhu cầu của game thủ, và việc đầu tư quá nhiều vào các xu thế thời thượng (nhưng lại là bong bóng) như Toys to Life hay mô hình “game dịch vụ” kiểu Destiny khiến Activision Blizzard rơi vào tình thế phải cắt giảm nhân viên. Họ có quá ít sản phẩm nhưng quá nhiều nhân viên, và trong ngành công nghiệp game, việc tạo ra thêm sản phẩm không bao giờ là chuyện một sớm một chiều.
Tóm lại, bi kịch 800 nhân viên Activision Blizzard mất việc khi công ty của mình công bố mức lợi nhuận kỷ lục là điều không thể tránh khỏi. Nó là kết quả của nhiều quyết định sai lầm tích lũy qua nhiều năm, và trong khi các vị giám đốc được khen thưởng nhờ thành công ngắn hạn, những nhân viên tầng dưới cùng là người phải trả giá cho thất bại về lâu dài của công ty.