Phụ Lục
Ngày nay, khi game đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống giới trẻ, các sản phẩm mang nhãn mác phục vụ chơi game (gaming) là một thị trường lớn, đầy màu mỡ trong mắt các nhà sản xuất phần cứng. Họ biết rõ các game thủ này sẵn sàng chi thêm tiền cho những tính năng khác lạ, phục vụ nhu cầu “giải quyết khâu oai” lẫn nhu cầu sử dụng thực sự trong khi chinh chiến của mình. Thế nhưng có đôi khi “gaming” chỉ là một từ khóa được các nhà sản xuất đập vào chiếc bàn phím của mình sau khi thêm vài tính năng râu ria để biến nó thành sản phẩm đắt giá hơn trước khi bán cho game thủ. Vậy thì đâu mới là những tiêu chí cho một bàn phím gaming thực thụ?
Đầu tiên, phải kể đến phần switch của bàn phím. Đây là một tiêu chí còn khá mới nếu so sánh với những tính năng khác dễ bắt gặp trong bàn phím chơi game, nhưng đã trở thành một yếu tố thường được đặt lên hàng đầu, vượt trên tất cả những tiêu chí khác ra đời trước đó. Lý do của điều này là bởi trước đây game thủ thường chỉ có một lựa chọn duy nhất là bàn phím membrane, nhưng khi các switch phím cơ rơi vào tầm mắt của game thủ, họ đã nhanh chóng bị thuyết phục vì trải nghiệm mà những switch này đem lại.
Thật vậy, bất kỳ ai đã thử qua phím cơ cũng phải chấp nhận rằng chúng đem lại một trải nghiệm tốt hơn hẳn so với membrane truyền thống, từ cảm giác nhấn, các phản hồi (lực, cảm giác, âm thanh), độ chính xác của cú gõ phím cũng như độ bền của chúng. Yếu tố độ bền có thể không phải là thứ chúng ta cảm nhận được ngay, nhưng các ưu điểm còn lại của phím cơ là rất quan trọng với game thủ, ngay cả khi họ không phải là tuyển thủ eSports đòi hỏi sự chính xác đến từng cú gõ phím mà chỉ là một người chơi bình thường.
Ban đầu, đại đa số các hãng sản xuất bàn phím gaming đều tin dùng các loại switch Cherry của hãng Cherry (Đức). Một số game thủ thậm chí còn tìm đến các bàn phím cơ sử dụng switch Topre bởi loại switch này cũng rất nổi tiếng và có những ưu điểm riêng, dù bàn phím gaming sử dụng switch Topre rất hiếm hoi. Thế nhưng sau một thời gian đã có nhiều công ty nghiên cứu, phát triển và sản xuất loại switch riêng của mình. Chẳng hạn Logitech có các loại switch GL, GX được thiết kế riêng và đặt hàng hãng Kailh (Trung Quốc) gia công sản xuất, ngay cả Razer cũng đặt Kailh sản xuất switch riêng của mình…
Bàn phím gaming sử dụng các phím được kích hoạt bằng vòm cao su truyền thống (gọi là membrane) cũng không phải không có, nhưng đều là các sản phẩm có giá rẻ và thường được chăm chút ngoại hình để bù đắp. Đôi khi bạn sẽ tìm thấy các loại bàn phím giả cơ của nhiều hãng khác nhau, từ tên lạ hoắc đến hàng hiệu của các hãng danh tiếng như Logitech, Corsair,… Mỗi hãng sẽ quảng bá loại switch giả cơ của họ với tên gọi riêng, nhưng theo trải nghiệm thực tế của Mọt thì dù giả cơ có được quảng bá đến mức nào, chúng vẫn không thể bắt kịp trải nghiệm gõ phím của một bàn phím cơ thực thụ. Chúng chỉ mô phỏng gần giống hết mức có thể, vì một lẽ đơn giản là nếu chúng có thể giống phím cơ 100% thì chả ai bỏ gấp đôi gấp 3 lần tiền để mua một cái bàn phím cơ thật để trải nghiệm công nghệ gõ phím thực sự "chất chơi".
Sau đó, game thủ sẽ muốn có macro. Đây thực ra không phải là một tính năng nhất thiết phải có trên một bàn phím gaming bởi ngày nay có rất nhiều phần mềm hỗ trợ việc tạo macro ngay cả trên một bàn phím thông thường. Thế nhưng những bàn phím có tích hợp sẵn macro thường có những ưu điểm khác như phần mềm giao diện trực quan dễ sử dụng, lưu trữ macro bằng chip nhớ onboard, các phím macro tách biệt, khả năng chuyển đổi giữa các profile chứa những macro khác nhau phục vụ nhiều game… Dĩ nhiên đây là những điều sẽ làm đội giá (và cả kích thước) của bàn phím, nhưng Mọt tin rằng với game thủ, việc có những tính năng này quan trọng hơn nhiều so với giá cả hay kích thước ngay cả khi chúng ta chẳng mấy khi dùng đến chúng khi chơi game.
Không gì có thể khiến game thủ nhận ra một bàn phím gaming dễ dàng hơn là vẻ ngoài của nó. Rất nhiều bàn phím chơi game mà Mọt đã thấy có thiết kế đầy sức tưởng tượng, với đủ kiểu vát ngang, xẻ dọc, cạnh chéo… Một số bàn phím thậm chí còn “chơi nổi” khi cho phép tháo rời cụm phím số hoặc chia đôi phần phím bên tay phải, với mục tiêu đem lại cho game thủ sự tiện lợi, thoải mái khi sử dụng trong không gian bàn PC của mình.
Và dĩ nhiên cũng không ít bàn phím chơi game có thêm nhiều dãy nút ở bên trái hay phía trên dãy phím chức năng. Chúng có thể là các phím điều khiển multimedia giúp game thủ tăng giảm âm lượng ngay trong trận đấu hoặc mở bài BGM thật “bốc” chuẩn bị cho pha đối đầu sắp diễn ra, và cũng có thể là phím macro. Những phím macro này sẽ khiến game thủ mất nhiều thời gian để làm quen đặc biệt là nếu được thiết kế nằm bên cạnh trái, nhưng sau khi đã luyện tập được các ngón tay của mình, chúng sẽ đem lại không ít lợi thế cho người chơi.
Ngay cả những bàn phím chơi game tưởng chừng không có gì nổi bật về ngoại hình mà giữ form 104 phím truyền thống cũng có thể khiến bạn nhận ra nó là “gaming” khi nhìn kỹ. Chúng thường mang những yếu tố có phần kín đáo hơn như cách bố trí phím hơi khác biệt (chẳng hạn thêm phím FN bên phải), thân bàn phím bằng kim loại cứng cáp, hay “khoe hàng” hệ thống switch cơ ra ngoài thay vì giấu kín bên trong.
Đèn LED thường là một tính năng xuất hiện trên các bàn phím gaming loại xa xỉ, nhưng ngày nay cũng đã có nhiều bàn phím gaming phổ thông cho người mới làm quen được trang bị tính năng xanh đỏ đủ màu này. Các bàn phím cao cấp sẽ hỗ trợ 16 triệu màu, thay đổi chế độ phát sáng theo nhiều mode hoặc thậm chí có thể lập trình được, trang bị một LED dưới mỗi phím để đạt độ sáng đồng đều tối ưu… Nếu sở hữu một bàn phím phân khúc thấp hơn, có thể nó sẽ chỉ hỗ trợ thiết lập màu sắc theo vùng, sử dụng một đèn cho nhiều phím, chỉ hiển thị được một số lượng màu nhất định, vân vân và vân vân…
Dĩ nhiên đèn LED không chỉ phục vụ việc làm đẹp cho bàn phím hay cho các tấm hình chụp khoe hàng. Khả năng thắp sáng phím bấm từ mặt dưới keycap là rất hữu ích trong nhiều tình huống khác nhau, từ việc phải gõ chữ trong đêm tối đến báo hiệu cú ấn phím đã được ghi nhận.
Đây là một yếu tố thường ít được các nhà sản xuất bàn phím gaming giá rẻ hay mới “chân ướt chân ráo” bước vào thị trường quan tâm. Các bàn phím đó thường chỉ hỗ trợ plug & play và không thể tinh chỉnh gì thêm, hoặc nếu có cũng chỉ là một vài tính năng đơn giản như đèn LED. Trong khi đó nếu bạn tìm đến các nhà sản xuất đã có tên tuổi lâu đời, trải nghiệm của bạn với phần mềm của họ sẽ rất tuyệt vời. Ngoài driver được viết riêng cho bàn phím để tận dụng hết tính năng của nó, bạn còn có thể dùng các phần mềm điều khiển đa năng “n trong 1” của họ. Các phần mềm này đặc biệt có ích nếu game thủ sử dụng nhiều sản phẩm từ cùng một nhà sản xuất và có thể đồng bộ các tính năng giữa các sản phẩm với nhau, chẳng hạn dùng cùng chế độ đèn cho cả chuột, phím, tai nghe… Tuy nhiên cũng không có nhiều game thủ quan tâm đến yếu tố này bởi họ thường không lựa chọn theo thương hiệu mà theo lời truyền miệng hoặc vẻ ngoài của sản phẩm.
Ngoài các yếu tố chủ chốt nêu trên, còn có một vài thứ khác thỉnh thoảng xuất hiện trên bàn phím gaming nhưng thường không phải là ưu tiên hàng đầu của game thủ. Một vài bàn phím có in hình game hay nhân vật nổi tiếng lên bề mặt để biến thành “collector edition,” số khác được bán kèm keycap Double Shot chất lượng cao. Cổng USB (gọi là USB passthrough), jack cắm micro, headphone, khả năng tháo rời dây cáp, rãnh cho dây headphone ở mặt dưới bàn phím, chỗ cắm phone, màn hình LCD nhỏ gắn ngay trên bàn phím,… Tất cả chúng đều là các yếu tố thuộc loại “giá trị gia tăng” (hay nói cách khác là… làm tăng giá) tạo cảm giác thú vị độc đáo của bàn phím chơi game.
Một số game thủ có thể sẽ phân vân khi biết rằng chiếc bàn phím gaming mình sắp mua không có cổng USB hay jack cắm headphone, nhưng nếu phải cân đo đong đếm giữa các chỉ số phụ trợ này với những điều chính yếu bên trên, Mọt tin rằng 99% game thủ sẽ tặc lưỡi bỏ qua các yếu tố phụ và lựa chọn dựa trên switch, LED, macro…
Như vậy, một bàn phím chơi game thực thụ không phải chỉ đơn thuần là cái tên có thêm chữ “gaming,” mà còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau từ phần mềm đến phần cứng, từ thiết kế bên ngoài đến sức mạnh bên trong. May mắn là ngày nay thị trường này đã trở nên cực kỳ đa dạng, nên game thủ chúng ta có thể dễ dàng tìm được một chiếc bàn phím chơi game phù hợp với mong muốn và túi tiền của mình.